image banner
ĐỀ ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023 – 2025
Lượt xem: 195
ĐỀ ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023 – 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

         (Dự thảo)

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023 – 2025

 

(Kèm theo Tờ trình số         TTr-UBND ngày     tháng        năm 2024 của UBND tỉnh Nghệ An)

 

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; ý kiến của Bộ Nội vụ tại văn bản số 7525/BNV-CQĐP ngày 20 tháng 12 năm 2023. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 – 2025, cụ thể như sau:

PHẦN I

CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾPĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

I. CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

1. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật số 47/2019/QH 14 ngày 22 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

2. Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

3. Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã;

4. Căn cứ Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

5. Căn cứ Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

6. Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022;

7. Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022;

8. Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

9. Căn cứ Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

10. Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025; Thông báo số 1113-TB/TU ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025.

11. Công văn số 7525/BNV-CQĐP ngày 20 tháng 12 năm 2023 của Bộ Nội vụ về ý kiến đối với Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 và ý kiến của các Bộ, ngành trung ương có liên quan.

II. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023-2025

1. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm giảm số lượng ĐVHC. Giai đoạn 2019 - 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, tỉnh Nghệ An đã thực hiện sắp xếp 39 ĐVHC cấp xã. Sau khi sắp xếp toàn tỉnh giảm 20 ĐVHC cấp xã, giảm chi ngân sách, đầu tư công. Bộ máy chính quyền của các xã, phường, thị trấn sau sắp xếp tinh gọn, đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đã lựa chọn, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã với trình độ, năng lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2925, nhằm tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, trong đó yêu cầu:

- Đến năm 2025: Hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp xã có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

- Đến năm 2030: Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn lại có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

3. Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã là cần thiết nhằm giải quyết tình trạng manh mún, chia cắt về ĐGHC; mở rộng không gian phát triển, không gian để quy hoạch; tạo liên kết vùng, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, nguồn lao động, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục, y tế. Đồng thời, sắp xếp ĐVHC còn góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm giảm đầu mối, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

4. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và do yêu cầu của quá trình đô thị hoá các vùng nông thôn, cần phải điều chỉnh ĐVHC để thành lập mới các ĐVHC đô thị nhằm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển, trở thành hạt nhân, động lực phát triển cho vùng lân cận, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh và cả nước.

Như vậy, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC, là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả góp phần nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 là hết sức cần thiết nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển.

PHẦN II

HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP HUYỆN, CẤP XÃCỦA TỈNH NGHỆ AN

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, SÁP NHẬP, CHIA TÁCH, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐVHC CÁC CẤP CỦA TỈNH NGHỆ AN TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY.

1. Khái quát quá trình thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương từ năm 1945 đến nay.

1.1Cấp huyện:

- Giai đoạn 1945 – 1975:

Sau năm 1945 tỉnh Nghệ An có 13 đơn vị hành chính: Tỉnh lỵ là thị xã Vinh và 12 huyện: Anh Sơn, Con CuôngDiễn Châu, Hưng Nguyên, Nam ĐànNghiLộcNghĩa ĐànQuỳ ChâuQuỳnh LưuThanh ChươngTương DươngYên Thành.

- Năm 1961: Thành lập huyện Kỳ Sơn chia tách từ huyện Tương Dương.

- Năm 1963: Chia tách 03 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Quỳ Châu thành 07 huyện bao gồm:

+ Huyện Anh Sơn có 19 xã: Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Cao Sơn, Lạng Sơn, Thọ Sơn, Tường Sơn, Hùng Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn, Vĩnh Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Phúc Sơn, Thạch Sơn, Lĩnh Sơn, Hội Sơn.

+ Huyện Đô Lương có:Thị trấn Đô Lương và 32 xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Tràng Sơn, Hòa Sơn, Thịnh Sơn, Xuân Sơn, Liên Sơn, Thái Sơn, Quang Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Lạc Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn, Thượng Sơn, Yên Sơn, Tân Sơn, Bài Sơn, Giang Sơn, Hồng Sơn, Lưu Sơn, Hiến Sơn, Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Trù Sơn, Đại Sơn, Văn Sơn, Minh Sơn.

+ Huyện Nghĩa Đàn có:Thị trấn Thái Hòa và 22 xã: Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lộc, Nghĩa Liên, Nghĩa Khánh, Nghĩa Thọ, Nghĩa Hội, Nghĩa Trung, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Lợi, Nghĩa Đức, Nghĩa Long, Nghĩa Hòa, Nghĩa Quang, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Tiến, Nghĩa An.

+ Huyện Tân Kỳ có 13 xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Đồng, Tân Hợp, Tiến Đồng, Kỳ Sơn, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Dũng, Hương Sơn, Nghĩa Phúc, Nghĩa Hợp, Giai Xuân, Phú Sơn.

+ Huyện Quế Phong có 06 xã: Châu Hùng, Châu Long, Châu Thôn, Châu Kim, Cắm Muộn, Thông Thụ.

+ Huyện Quỳ Châu có 11 xã: Châu Hạnh, Châu Thuận, Châu Hội, Châu Bình, Châu Tiến, Châu Nga, Châu Phong, Châu Thắng, Châu Bính, Châu Hoàn, Châu Phương.

+ Huyện Quỳ Hợp có 13 xã: Châu Yên, Châu Sơn, Châu Lộc, Châu Thái, Tam Hợp, Châu Lý, Châu Hồng, Châu Đình, Châu Cường, Châu Thành, Châu Quang, Châu Xuân, Nghĩa Sơn.

- Năm 1963:Thành lập thành phố Vinh gồm thị xã Vinh củ và xóm Trung – Nghĩa thuộc xã Hưng Đông huyện Hưng Nguyên.

- Năm 1963:Điều chỉnh địa giới huyện Con Cuông và huyện Tương Dương: Chuyển xã Bình Chuẩn của huyện Tương Dương về huyện Con Cuông quản lý; chia xã Mậu Thạch thành 2 xã: Mậu Đức và Thạch Ngàn; chia xã Cam Phục thành 2 xã: Cam Lâm và Đôn Phục; sáp nhập chòm Muỗng và Bỏi thuộc xã Đôn Phục vào xã Mậu Đức; sáp nhập chòm Hua Nà thuộc xã Môn Sơn vào xã Lục Dạ.

- Năm 1965:Điều chỉnh địa giới huyện Quỳ Châu và huyện Quế Phong: Chuyển xã Châu Phương nhập về huyện Quế Phong (nay là xã Tiền Phong); chia xã Châu Hoàn thành 2 xã: Châu Hoàn và Diên Lãm (năm 1969); thành lập thị trấn Quỳ Châu (năm 1990). Tháng 5 năm 2010, thị trấn Quỳ Châu được mở rộng địa giới và đổi tên thành thị trấn Tân Lạc.

- Năm 1970:Điều chỉnh địa giới thành phố Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc: Sáp nhập các xã Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Đông, HưngVĩnh, một phần đất đai ở bờ bắc sông Cầu Đước thuộc xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên và xã Nghi Phú thuộc huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh.

- Giai đoạn 1975 – 1997:

+ Năm 1977:Điều chỉnh địa giới huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn; Sáp nhập xã Chiêu Lưu (Tương Dương) vào huyện Kỳ Sơn.

+ Năm 1994:Thành lập thị xã Cửa Lò trên cơ sở thị trấn Cửa Lò và các xã Nghi Thu, Nghi Hưng, Nghi Hoà, Nghi Hải; 50 hécta diện tích tự nhiên; 2.291 nhân khẩu của xã Nghi Quang thuộc huyện Nghi Lộc. Thị xã Cửa Lò gồm các đơn vị hành chính cấp xã sau: Phường Nghi Tân, Phường Nghi Thuỷ, Phường Thu Thuỷ, Phường Nghi Hoà, Phường Nghi Hải, Xã Nghi Thu, Xã Nghi Hưng.

- Giai đoạn 1997 – 2018:

+ Năm 2007: Thành lập thị xã Thái Hòatrên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của thị trấn Thái Hoà và 7 xã: Nghĩa Quang, Nghĩa Hoà, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Đông Hiếu và Nghĩa Thuận của huyện Nghĩa Đàn. Thị xã Thái Hòa có 11 đơn vị hành chính cấp xã gồm 05 phường:Hòa Hiếu, Quang Phong, Quang Tiến, Hưng Tiến, Long Sơn và 06 xã: Nghĩa Hoà, Tây Hiếu, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Nghĩa Tiến.

+ Năm 2013: Thành lập thị xã Hoàng Mai thuộc tỉnh trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của huyện Quỳnh Lưu (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Hoàng Mai và các xã: Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân, Quỳnh Trang).  Thị xã Hoàng Mai có 10 đơn vị hành chính cấp xã gồm 5 phường: Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Mai Hùng, Quỳnh Phương, Quỳnh Xuân và 5 xã: Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Trang.

1.2Cấp xã:

- Giai đoạn 1945 – 1975:

+ Năm 1958: Chia tách một số xã thuộc huyện Con Cuông:Xã Chính Yên tách thành 2 xã: Bồng Khê và Yên Khê.

+ Năm 1961:Chia tách 05 xã thuộc huyện Quỳ Châu thành 21 xã: Xã Khủn Tinh chia thành 06 xã mới: Châu Quang, Châu Đình, Châu Thái, Châu Sơn, Châu Cường, Châu Lý; Xã Chủng Láng chia thành 03 xã mới: Châu Bình, Châu Yên, Châu Lộc; Xã Tiêu Bính chia thành 02 xã mới: Châu Phương, Châu Bính; Xã Tân Tiến chia thành 03 xã mới: Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Thuận; Xã Hồng Chân chia thành 04 xã mới: Châu Phong, Châu Hoàn, Châu Thành, Châu Hồng; Xã Hạnh Tiết chia thành 03 xã mới: Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Nga.

+  Năm 1961:Chia tách 02 xã thuộc huyện Nghĩa Đàn thành 04 xã:Xã Xuân Thành chia thành 02 xã mới: Nghĩa Xuân, Nghĩa Liên; Xã Đức Thịnh chia thành 02 xã mới: Nghĩa Đức, Nghĩa Sơn;

+ Năm 1961:Chia tách một số xã thuộc huyện Con Cuông: Chia xã Châu Khê thành 03 xã mới: Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê.

- Năm 1963:Chia tách một số xã thuộc huyện Con Cuông: Chuyển xã Bình Chuẩn của huyện Tương Dương về huyện Con Cuông quản lý; chia xã Mậu Thạch thành 2 xã: Mậu Đức và Thạch Ngàn; chia xã Cam Phục thành 2 xã: Cam Lâm và Đôn Phục; sáp nhập bản Chòm Muộng và bản Chòm Bỏi thuộc xã Đôn Phục vào xã Mậu Đức; sáp nhập bản Hua Nà thuộc xã Môn Sơn vào xã Lục Dạ.

- Năm 1963:Huyện Kỳ Sơn thành lập 6 xã Tà Cạ, Keng Đu, Na Loi, Bảo Lộc, Thiên Lý, Hữu Lập.

- Năm 1963:Huyện Tương Dương chia xã Yên Na thành 3 xã: Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, chia xã Bình Nga thành 2 xã: Nga My và Bình Chuẩn.Xã Bình Chuẩn sáp nhập vào huyện Con Cuông quản lý.

- Năm 1965:Chia tách một số xã thuộc huyện Quế Phong: Chuyển xã Châu Phương của huyện Quỳ Châu về huyện Quế Phong và đổi tên thành xã Mường Hin; chia xã Cắm Muộn thành hai xã lấy tên là xã Cắm Muộn và xã Quang Phong; chia xã Châu Hùng thành hai xã lấy tên là xã Nậm Nhoóng và xã Tri Lễ; chia xã Châu Kim thành 3 xã lấy tên là xã Châu Kim, xã Mường Nọc và xã Nậm Giải; chia xã Châu Long thành hai xã lấy tên là xã Châu Long và xã Hành Dịch; chia xã Thông Thụ thành 2 xã lấy tên là xã Thông Thụ và xã Đồng Văn.

- Năm 1965:Thành lập các thị trấn nông trường 1-5, 19-5, Cờ Đỏ, Đông Hiếu, Tây Hiếu thuộc huyện Nghĩa Đàn.

- Năm 1965:Huyện Quỳ Châu: Chia xãChâu Hoànthành 2 Châu Hoàn và Diên Lãm.

- Năm 1965:Huyện Quỳ Hợpchia xã Nghĩa Sơn thành hai  lấy tên là  Văn Lợi và Hạ Sơn; chia xã Châu Lộc thành hai  lấy tên là  Châu Lộc và  Liên Hợpchia xã Nghĩa Xuân thành hai  lấy tên là  Nghĩa Xuân và  Minh Hợp; chia xã Tam Hợp thành hai xã Tam Hợp và Thọ Hợp.

- Năm 1965: Huyện Tân Kỳchia xã Tiên Đồng thành hai xã Tiên Kỳ và xã Đồng Văn.

- Năm 1965:Huyện Tương Dương: Chia xã Thạch Giám thành 2 xã Thạch Giám và Tam Thái; chia xã Xá Lượng thành 2 xã Xá Lượng và Lượng Minh; chia xã Kim Đa thành 2 xã Kim Đa và Kim Tiến; chia xã Hữu Khuông thành 2 xã Hữu Khuông và Hữu Dương; chia xã Yên Hòa thành 2 xã Yên Hòa và Yên Thắng; chia xã Chiêu Lưu thành 2 xã Lưu Kiền và Chiêu Lưu (sau này sáp nhập vào huyện Kỳ Sơn quản lý); chia xã Tam Quang thành 2 xã Tam Quang và Tam Đình.

- Năm 1967:Huyện Kỳ Sơn thành lập 6 xã: Nậm Càn, Đoọc Mạy, Na Ngoi, Mường Ải, Huồi Thắng, Mường Thù.

 - Năm 1967:Huyện Quỳ Hợpchia xã Châu Yên thành hai xã lấy tên là xã Yên Hợp và Đồng Hợp

- Năm 1967:Huyện Tân Kỳchia xã Nghĩa Thái thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Thái và xã Tân Xuân.

- Năm 1967:Huyện Thanh Chươnggiải thể Thanh Bích sáp nhập vào hai xã Thanh Giang (thôn Bích Lam và xóm Thanh Lam) và xã Thanh Lâm (thôn BíchSơn và HTX Bích Hào). Chia xãThanh Đức thành hai  mới là Thanh Đức và Hạnh Lâm.

- Năm 1969: Huyện Tân Kỳthành lập xã Nghĩa Hành từ một phần các xã Hương Sơn, Kỳ Sơn, Phú Sơn; chia xã Nghĩa Phúc thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Phúc và Tân An; chia xã Nghĩa Hoàn thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Hoàn và Tân Long; chia xã Nghĩa Đồng thành hai xã lấy tên là xã Nghĩa Đồng và xã Tân Phú.

- Năm 1969: Huyện Thanh Chương hợp nhất hai xã Thanh Mai và Thanh Giang lấy tên là xã Thanh Giang. Hợp nhất 2 xã Thanh Tường và Thanh Đồng lấy tên là xã Tường Đồng.

- Năm 1969: Huyện Nam Đàn hai xã Nam Hồng và Nam Long hợp nhất thành xã Hồng Long; ba xã Nam Lạc, Nam Hùng và Nam Tiến hợp nhất thành xã Hùng Tiến; hai xã Nam Khánh và Nam Sơn được hợp nhất thành xã Khánh Sơn; hai xã Nam Vân và Nam Diên hợp nhất thành xã Vân Diên.

- Năm 1969: Huyện Diễn Châu sáp nhập hai thôn Đồng Yên và Hoàng La thuộc xã Diễn Hoàng vào xã Diễn Trường; sáp nhập thôn Hoàng Hà và xóm Sào Nam thuộc xã Diễn Hoàng vào xã Diễn Mỹ; sáp nhập thôn Thuần Vỹ thuộc xã Diễn Tháp và thôn Yên Sở thuộc xã Diễn Đồng vào xã Diễn Liên; sáp nhập thôn Thổ Hậu thuộc xã Diễn Quảng và xóm Phi Lộc thuộc xã Diễn Đồng vào xã Diễn Nguyên; sáp nhập hai thôn Xuân Nho, Xuân Tình và xóm Làng Đó thuộc xã Diễn Lộc vào xã Diễn Thọ; sáp nhập thôn Vạn Nam thuộc xã Diễn Vạn vào xã Diễn Bích; sáp nhập thôn Thừa Sủng thuộc xã Diễn Hạnh vào xã Diễn Xuân; sáp nhập thôn Hạnh Kiều thuộc xã Diễn Quảng vào xã Diễn Viên; sáp nhập thôn Phúc Thiêm thuộc xã Diễn Phúc và thôn Phú Hậu thuộc xã Diễn Tân vào xã Diễn Cát; sáp nhập thôn Xuân Viên thuộc xã Diễn Thắng vào xã Diễn Minh; Sáp nhập xóm Trại thuộc xã Diễn Thịnh vào xã Diễn Lộc; sáp nhập xóm Lội và xóm Hậu Giáp thuộc xã Diễn Thịnh vào xã Diễn Tân; sáp nhập thôn Yên Lãng thuộc xã Diễn Thành vào xã Diễn Ngọc; sáp nhập xã Diễn Tháp vào xã Diễn Xuân; sáp nhập hai xã Diễn Viên và Diễn Hạnh vào xã Diễn Hoa; sáp nhập xã Diễn Bình vào xã Diễn Minh; sáp nhập xã Diễn An vào xã Diễn Lộc; sáp nhập xã Diễn Tân vào xã Diễn Phúc; sáp nhập xã Diễn Thủy vào xã Diễn Ngọc; sáp nhập xã Diễn Quảng vào xã Diễn Cát; sáp nhập xã Diễn Hoàng vào xã Diễn Hùng; sáp nhập xã Diễn Hồng vào xã Diễn Phong; sáp nhập xã Diễn Kim vào xã Diễn Vạn; sáp nhập xã Diễn Đồng vào xã Diễn Thái; sáp nhập xã Diễn Lợi vào xã Diễn Thắng; Sáp nhập xã Diễn Tiến vào xã Diễn Thành.

- Năm 1969: Huyện Yên Thànhchia xã Vĩnh Thành thành 3 xã: Vĩnh Thành, Nhân Thành, Long Thành; chia xã Công Thành thành 2 xã: Công Thành và Mỹ Thành.

- Năm 1971:Huyện Thanh Chươngmột số xã đã tách trở lại như cũ (không còn tên các xã Quảng Xá, La Mạc, Bình Dương, Tường Đồng, Thọ Lâm, Thanh Quả) cuối cùng Thanh Chương có 36 xã và 01 thị trấn.

- Giai đoạn 1975 – 1997:

 + Sau năm 1975:Huyện Diễn Châu được chia lại thành 38 xã; Diễn An, Diễn Bích, Diễn Bình, Diễn Cát, Diễn Đoài, Diễn Đồng, Diễn Hải, Diễn Hạnh, Diễn Hoa, Diễn Hoàng, Diễn Hồng, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Kỷ, Diễn Lâm, Diễn Liên, Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Minh, Diễn Mỹ, Diễn Ngọc, Diễn Nguyên, Diễn Phong, Diễn Phú, Diễn Phúc, Diễn Quảng, Diễn Tân, Diễn Thái, Diễn Thành, Diễn Tháp, Diễn Thắng, Diễn Thịnh, Diễn Thọ, Diễn Trường, Diễn Trung, Diễn Vạn, Diễn Xuân, Diễn Yên.

+ Năm 1976:Huyện Quỳnh Lưuhợp nhất xã Quỳnh Bảng và xã Quỳnh Liên thành một xã lấy tên là xã Quỳnh Phú, hợp nhất các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Thạch thành một xã lấy tên là xã Quỳnh Sơn.

+ Năm 1977:Huyện Diễn Châu thành lập thị trấn Diễn Châu, trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Diễn Phúc và Diễn Thành.

+ Năm 1977:Huyện Kỳ Sơnsáp nhập bản Noọng Ó và bản Huồi Lào của xã Bảo Nam vào xã Phà Đánh; hợp nhất xã Bảo Nam và xã Bảo Lộc thành một xã lấy tên là xã Bảo Nam; sáp nhập bản Cha Nga và bản Piêng Píp của xã Thiên Lý vào xã Mỹ Lý; hợp nhất các bản còn lại của xã Thiên Lý và xã Bắc Lý thành một xã lấy tên là xã Bắc Lý; hợp nhất xã Hữu Lập và xã Hữu Kiệm thành một xã lấy tên là xã Hữu Kiệm; hợp nhất xã Mường Ải và xã Mường Típ thành một xã lấy tên là xã Mường Típ; hợp nhất xã Huồi Thắng và xã Huồi Tụ thành một xã lấy tên là xã Huồi Tụ; hợp nhất xã Mường Thù và xã Mường Lồng thành một xã lấy tên là xã Mường Lống. Sáp nhập xã Chiêu Lưu (Tương Dương) vào huyện Kỳ Sơn.

- Năm 1977: Huyện Quế Phong thành lập xã Tiền Phong trên cơ sở toàn bộ xã Châu Long, xã Hạnh Dịch và xã Mường Hin; thành lập xã Châu Hùng trên cơ sở toàn bộ xã Nậm Nhoóng và xã Tri Lệ;

- Năm 1979: Thành phố Vinh giải thể các xã Hưng Bình, Hưng Thủy, Vinh Hưng; Thành lập các phường Cửa Bắc, Tân Vinh, Hưng Bình, Lê Lợi, Cầu Cảng, Bến Thủy, Trường Thi, Đội Cung và Cửa Nam (TP. Vinh) trên cơ sở toàn bộ các xã Hưng Bình, Hưng Thủy, Vinh Hưng; Thành lập xã Đông Vĩnh (TP. Vinh) trên cơ sở toàn bộ xã Hưng Vĩnh và xã Hưng Đông.

- Năm 1979:Huyện Quế Phong giải thể xã Châu Hùng; Thành lập xã Tri Lễ và xã Nậm Nhoóng trên cơ sở toàn bộ xã Châu Hùng; Thành lập xã Hạnh Dịch trên cơ sở một phần xã Tiền Phong.

- Năm 1981:Huyện Quỳnh Lưu giải thể xã Quỳnh Sơn. Thành lập xã Quỳnh Hồng, xã Quỳnh Hậu và xã Quỳnh Thạch trên cơ sở toàn bộ xã Quỳnh Sơn; Giải thể xã Quỳnh Mai. Thành lập xã Quỳnh Vinh, xã Quỳnh Thiện và xã Quỳnh Di trên cơ sở toàn bộ xã Quỳnh Mai; Giải thể xã Quỳnh Phú. Thành lập xã Quỳnh Bảng và xã Quỳnh Liên trên cơ sở toàn bộ xã Quỳnh Phú; Thành lập xã Ngọc Sơn (tách từ xã Ngọc Thắng).

- Năm 1982:Thành phố Vinh thành lập phường Quang Trung trên cơ sở toàn bộ phường Quang Trung I và phường Quang Trung II; Sáp nhập phường Tân Vinh vào phường Lê Mao; Thành lập phường Hà Huy Tập trên cơ sở một phần phường Hưng Bình.

- Năm 1983:Huyện Yên Thành thành lập xã Tân Thành trên cơ sở một phần xã Đức Thành.

- Năm 1983:Huyện Quỳ Hợp thành lập thị trấn Quỳ Hợp trên cơ sở một phần xã Châu Quang.

- Năm 1984:Huyện Kỳ Sơn thành lập thị trấn Mường Xén trên cơ sở một phần xã Tà Cạ.

- Năm 1984:Huyện Thanh Chương thành lập thị trấn Thanh Chương trên cơ sở một phần xã Đồng Văn, xã Thanh Ngọc và xã Thanh Đồng.

- Năm 1985: Huyện Kỳ Sơn thành lập xã Tây Sơn trên cơ sở toàn bộ xã Huồi Giảng và xã Hín Ngộn; Thành lập xã Hữu Lập trên cơ sở một phần xã Hữu Kiệm; Thành lập xã Mường Ải trên cơ sở một phần xã Mường Típ.

- Năm 1986:Huyện Nghi Lộc thành lập thị trấn Quán Hành trên cơ sở một phần xã Nghi Trung, xã Nghi Hoa và xã Nghi Long; Thành lập thị trấn Cửa Lò (Nghi Lộc) trên cơ sở toàn bộ xã Nghi Tân, xã Nghi Thủy, một phần xã Nghi Thu, xã Nghi Hợp;

 - Năm 1986:Huyện Yên Thành thành lập thị trấn Yên Thành trên cơ sở một phần xã Hoa Thành và xã Tăng Thành;

- Năm 1986:Huyện Hưng Nguyên thành lập thị trấn Thái Lão trên cơ sở một phần xã Hưng Thái và xã Hưng Đạo;

- Năm 1986:Huyện Tương Dương thành lập xã Nhôn Mai và xã Mai Sơn trên cơ sở một phần xã Luôn Mai; Thành lập xã Tam Hợp trên cơ sở một phần xã Tam Thái;

- Năm 1987:Huyện Nam Đàn sáp nhập một phần xã Vân Diên và xã Xuân Hòa vào thị trấn Nam Đàn;

+ Năm 1988 (tăng 04 đơn vị): thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông); thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn); thị trấn Tân Kỳ và chia tách xã Kỳ Sơn để thành lập 02 xã: Kỳ Sơn, Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ).

+ Năm 1989 (tăng 02 đơn vị): Chia tách xã Thạch Giám để thành lập xã Thạch Giám và thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương); Chia tách xã Song Lộc để thành lập xã Nghi Hải và xã Nghi Hòa (huyện Nghi Lộc).

+ Năm 1990 (tăng 04 đơn vị): Thành lập thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong); chia tách xã Châu Hồng và xã Châu Sơn để thành lập mới xã Châu Hồng, xã Châu Tiến, xã Bắc Sơn, xã Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp); thành lập thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu).

+ Năm 1990: Mở rộng thị trấn Đô Lương trên cơ sở giải thể xã Liên Sơn.

+ Năm 1994 (tăng 04 đơn vị): Chia tách xã Phú Thành để thành lập xã Phú Thành và xã Hồng Thành (huyện Yên Thành); chia tách xã Đông Vĩnh để thành lập phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông (thành phố Vinh); điều chỉnh 05 xã Nghi Thu, Nghi Hưng, Nghi Hoà, Nghi Hải, thị trấn Cửa Lò và một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Nghi Quang thuộc huyện Nghi Lộc để thành lập thị xã Cửa Lò với 07 phường gồm: Nghi Tân, Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Hòa, Nghi Hải, Nghi Hương, Nghi Thu.

+ Năm 1995 (tăng 11 đơn vị): Chuyển giao các Nông trường tại huyện Nghĩa Đàn để thành lập 08 xã: Tây Hiếu, Đông Hiếu, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Tân; Chuyển giao các Nông trường tại huyện Tân Kỳ để thành lập 03 xã: Tân Phú, Tân Long, Tân An. Thành lập xã Minh Hợp huyện Quỳ Hợp trên cơ sở diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Nông trường 3/2 và Nông trường Xuân Thành.

- Giai đoạn 1997 – 2018:

+ Năm 1998: Sáp nhập một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Hưng Đạo và xã Hưng Thái để thành lập thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên.

+ Năm 1999 (tăng 03 đơn vị): Chia tách 03 xã: Quang Thành, Minh Thành, Đồng Thành để thành lập 06 xã: Quang Thành, Minh Thành, Đồng Thành, Tây Thành, Đại thành, Kim Thành (huyện Yên Thành).

+ Năm 2002 (tăng 03 đơn vị): Chia tách xã Nghi Công để thành lập xã Nghi Công Bắc, xã Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc); chia tách xã Hạnh Lâm để thành lập xã Hạnh Lâm, xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương); chia tách xã Quỳnh Thắng để thành lập xã Quỳnh Thắng, xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu).

+ Năm 2005 (tăng thêm 04 đơn vị): Chia tách xã Mường Nọc để thành lập xã Mường Nọc, xã Quế Sơn (huyện Quế Phong); thành lập phường Hưng Phúc, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính phường Hưng Bình, phường Hưng Dũng; thành lập phường Quán Bàu trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính phường Lê Lợi, xã Hưng Đông (thành phố Vinh); thành lập xã Tân Hương trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính 03 xã: Hương Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ).

+ Năm 2006:Thành lập thị trấn Hoàng Mai huyện Quỳnh Lưu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Quỳnh Thiện.

+ Năm 2007 (tăng 05 đơn vị): Chia tách xã Nga My để thành lập xã Nga My, xã Xiềng My; chia tách xã Hậu Thành để thành lập xã Hậu Thành, xã Hùng Thành (huyện Yên Thành); điều chỉnh ĐVHC của 08 xã: Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, thị trấn Thái Hòa, Nghĩa Hòa, Nghĩa Quang (huyện Nghĩa Đàn) để thành lập thị xã Thái Hòa gồm 10 ĐVHC gồm: Hòa Hiếu, Quang Phong, Long Sơn, Quang Tiến, Nghĩa Tiến, Tây Hiếu, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Hòa, Đông Hiếu; chia tách xã Giang Sơn để thành lập xã Giang Sơn Đông và xã Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương).

+ Năm 2009 (giảm 04 đơn vị): Giải thể 04 xã: Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương, Luân Mai (huyện Tương Dương).

+ Năm 2008: Điều chỉnh ĐVHC 04 xã Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Ân (huyện Nghi Lộc) và xã Hưng Chính (huyện Hưng Nguyên) để mở rộng thành phố Vinh. Thành lập phường Vinh Tân (thành phố Vinh) trên cơ sở diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Vinh Tân và một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Hưng Thịnh.

+ Năm 2009 (tăng 05 đơn vị): Chia tách xã Mã Thành để thành lập xã Mã Thành, xã Tiến Thành (huyện Yên Thành); chia tách xã Hưng Yên để thành lập xã Hưng Yên Bắc, xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên); thành lập xã Thanh Sơn, xã Ngọc Lâm trên cơ sở điều chỉnh ĐVHC của xã Hạnh Lâm, xã Thanh Mỹ, xã Thanh Hương, xã Thanh Thịnh (huyện Thanh Chương) và nhân khẩu của xã Kim Đa, xã Hữu Dương, xã Kim Tiến, xã Luân Mai (huyện Tương Dương) chuyển về; thành lập xã Hoa Sơn trên cơ sở điều chỉnh ĐVHC xã Hội Sơn, xã Tường Sơn (huyện Anh Sơn).

+ Năm 2011 (tăng 01 đơn vị): Thành lâp thị trấn Nghĩa Đàn trên cơ sở điều chỉnh ĐGHC các xã: Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn).

+ Năm 2013: Điều chỉnh 10 ĐVHC (09 xã và 01 thị trấn) của huyện Quỳnh Lưu gồm các xã: Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân, Quỳnh Trang và thị trấn Hoàng Mai để thành lập thị xã Hoàng Mai.

-Giai đoạn 2019 –đến năm 2023(Nghị quyết 831/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019).

+ Huyện Quế Phong:Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, dân số của các xã: Tiền Phong, Mường Nọc để mở rộng thị trấn Kim Sơn; Sáp nhập Mường Nọc với xã Quế Sơn thành xã Mường Nọc.

+ Huyện Tương Dương: Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Thạch Giám để mở rộng thị trấn Hòa Bình và đổi tên thành thị trấn Thạch Giám; Sáp nhập bản Thạch Dương, xã Thạch Giám vào xã Xá Lượng; Sáp nhập bản Cây Me, xã Thạch Giám với xã Tam Thái.

+ Huyện Thanh Chương sáp nhập 3 xã: Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng thành xã Đại Đồng

+ Huyện Diễn Châu sáp nhập 3 xã: Diễn Minh, Diễn Bình, Diễn Thắng thành xã Minh Châu

+ Huyện Nghi Lộc sáp nhập 2 xã: Nghi Hợp, Nghi Khánh thành xã Khánh Hợp

+ Huyện Nam Đàn sáp nhập 3 xã: Nam Phúc, Nam Cường, Nam Trung thành xã Trung Phúc Cường; Sáp nhậpxóm Đại Đồng, xã Nam Thượng với xã Nam Tân, xã Nam Lộc thành xã Thượng Tân Lộc; Sáp nhập xóm Hùng Sơn phần còn lại của xã Nam Thượng với xã Vân Diên, Thị trấn Nam Đàn (để mở rộng thị trấn Nam Đàn).

+ Thị xã Thái Hòa:Sáp nhập xã Nghĩa Hòa với phường Long Sơn thành 01 phường mới phường Long Sơn

+ Huyện Nghĩa Đàn:Sáp nhập 03 xã Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng, Nghĩa Liên thành xã Nghĩa Thành.

+ Huyện Hưng Nguyên:Sáp nhập 02 xã: Hưng Xá và Hưng Long thành xã Long Xá; Sáp nhập 02 xã: Hưng Lam và Hưng Xuân thành xã Xuân Lam; Sáp nhập 02 xã: Hưng Phú và Hưng Khánh thành xã Hưng Thành; Sáp nhập 02 xã: Hưng Nhân và Hưng Châu thành xã Châu Nhân; Sáp nhập 02 xã: Hưng Tiến và Hưng Thắng xã Hưng Nghĩa

2. Số lượng ĐVHC các cấp đến thời điểm lập Đề án:

Tỉnh Nghệ An có 21 huyện, thành phố, thị xã; 460 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 411 xã, 32 phường và 17 thị trấn.

II. ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÁC CẤP VÀ CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA TỈNH NGHỆ AN

1. Tỉnh Nghệ An:

1.1.Diện tích tự nhiên và quy mô dân số:

 Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.486,52 km2 (đạt tỷ lệ 329,73%); quy mô dân số 3.737.480 người (đạt tỷ lệ 266,96%) mật độ dân số 226 người/km2; 21 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 03 thị xã, 01 thành phố) và 460 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 411 xã, 32 phường, 17 thị trấn).

1.2. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An.

a. Về phát triển kinh tế:

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,54%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,8% (riêng công nghiệp tăng 5,3%); khu vực dịch vụ tăng 8,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,65%. Cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau:

-Nông nghiệp, nông thôn:Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 344.224,56 ha, bằng 98,37% so cùng kỳ năm trước.Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 1.220.983 tấn (đạt 101,75% kế hoạch), tăng 1,14% so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất lúa cả năm ước đạt 59,32 tạ/ha, sản lượng đạt 1.002.409 tấn (đạt 103,47% kế hoạch), tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2022.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển khá, tổng đàn trâu, bò ước đạt 801 nghìn con, tăng 1,86% so với năm 2022; tổng đàn gia cầm ước đạt 36,12 triệu con, tăng 6,72% so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được quan tâm thực hiện, nhất là dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò; công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y tiếp tục được đẩy mạnh. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 20.500 ha (đạt 110,81% kế hoạch), bằng 87,06% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1,6 triệu m3, bằng96,02% cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 277.751 tấn (đạt 108,92% kế hoạch), tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác đạt 207.496 tấn. Cấp nước sinh hoạt nông thôn được đẩy mạnh, đến cuối năm 2023, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 88%, đạt 100% kế hoạch năm.

Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được được quan tâm chỉ đạo. Trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 06 xã đạt NTM kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn NTM (Hưng Nguyên). Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77,62% tổng số xã (số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã); 88/319 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 27,59% số xã đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt chuẩnNTMkiểu mẫu, chiếm 3,76% số xã đạt chuẩn NTM; 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP);Trong năm 2023 hoàn thành công nhận thêm 83 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; ước tính luỹ kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh 485 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

- Sản xuất công nghiệp:Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 9,5% so với năm 2022; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,3%;cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 22,1%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 như: gạch ốp lát granite ước đạt 6 triệu m2, tăng 87,5%; nước mắm đạt 350 triệu lít, tăng 47,61%; đường ước đạt 140 nghìn tấn, tăng 36,71%; viên nén sinh khối ước đạt 310 nghìn tấn, tăng 34,78%; thức ăn gia súc tổng hợp ước đạt 200.000 tấn, tăng 32,49%;...

Tiếp tục khai thác hiệu quả các dự án đã đầu tư cuối năm 2022 như: Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao Nghi Văn, giai đoạn 2, Nhà máy sản xuất giày dép VietGlory; một số dự án sản xuất mới đã được đưa vào vận hành trong năm 2023, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất để duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp như: Nhà máy may Matsouka Thanh Chương; Nhà máy may Nakano, Nhà máy sản xuất trang phục Koyu Textite, Nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi Kyungshin (WHA); Nhà máy may trang phục Quốc tế Gaiwach, Nhà máy sản xuất đồ chơi Gif Story (VSIP). Bên cạnh đó, dự án sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện ô tô Everwin Precision đang hoàn tất các công đoạn cuối, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm nay.

- Lĩnh vực dịch vụ:Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 90.000tỷ đồng, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,51% so với năm 2022, đạt 100,4% kế hoạch, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,02% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm có kim ngạch tăng trưởng khá như: thiết bị, linh kiện điện tử tăng 11,4%, vật liệu xây dựng tăng 22,2%, giày dép các loại tăng 62,8%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 96%, hàng thủy sản tăng 63,2%, hoa quả chế biến và nước hoa quả tăng 26%, viên nén gỗ tăng 13,8%, dây điện và cáp điện tăng 104,9%, hạt phụ gia nhựa tăng 8,1%,....

Ngành du lịch đã tích cực hợp tác, liên kết với các địa phương các doanh nghiệp du lịch trong nước tổ chức hoạt động kích cầu du lịch.Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 8,36 triệu lượt, tăng 24,22% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trú ước đạt 5,28 triệu lượt, tăng 19,67% cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 78nghìn lượt, tăng 131,34% cùng kỳ; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 39,24% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hoá. Khối lượng luân chuyển hàng hoá ước đạt 7.768 triệu tấn.km,tăng 7,66%; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 15.455 triệu khách.km, tăng 20,38% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 221.353tỷ đồng, tăng 10,8% so với đầu năm; tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 287.022 tỷ đồng, tăng 5,7% so với đầu năm.

b. Huy động nguồn lực, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 thực hiện 96.930 tỷ đồng, tăng 12,94% so với năm 2022; trong đó, vốn nhà nước đạt 16.350 tỷ đồng, tăng 3,66%; vốn ngoài nhà nước ước đạt 69.646 tỷ đồng, tăng 15,39%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 10.933 tỷ đồng, tăng 12,79%.

- Thu ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện gần 20.000 tỷ đồng, bằng 112,07% dự toán, bằng 79,02% thực hiện năm 2022; trong đó, thu nội địa 16.600 tỷ đồng, đạt 113,8% dự toán, bằng 78,45% so với thực hiện năm 2022, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.150 tỷ đồng, bằng 92% dự toán và bằng 86,4% so với thực hiện năm 2022.Chi ngân sách năm 2023 là 35.661 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán.

- Tính đến ngày 31/01/2024, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giải ngân 8.585,59 tỷ đồng, đạt 95,04%; trong đó: vốn đầu tư công tập trung giải ngân 5.217,731 tỷ đồng, đạt 93,44%. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân 1.227,084 tỷ đồng, đạt 78,17%.

Trong năm 2023, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng Đường cao tốc Nghi Sơn ‑ Diễn Châu, Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km76-Km83+500, đường Mường Xén ‑ Ta Đo ‑ Khe Kiền đoạn Km7-Km26, Nâng cấp, mở rộng QL15 đoạn Km301+500-Km315+700 và Km327+600-Km330.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7- Km76 (Công tác GPMB đến nay đạt 92,27%, giải ngân đạt 81,96%), Đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ) (đến nay đã hoàn thành Công tác GPMB phần tuyến chính, hiện còn phạm vi nút giao QL.48E và nút giao với đường Hồ Chí Minh, giải ngân đạt 96,68%); Dự án Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2(giá trị thực hiện xây lắp đến nay khoảng 593 tỷ đồng, đạt 60% theo hợp đồng, giải ngân vốn đầu tư công đến nay đạt 100%); Bệnh viện Ung bướu Nghệ An giai đoạn 2(Công tác GPMB: đã cơ bản hoàn thành; giải ngân đạt 33,07%). Cảng hàng không quốc tế Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nâng công suất trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đã xây dựng Đề án xã hội hoá thu hút đầu tư mở rộng Cảng hàng không Vinh để trình Bộ Giao thông vận tải, hiện nay đang tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp nhà đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án Cảng nước sâu Cửa Lò.

c. Công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

-Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức thành công nhiều đoàn của lãnh đạo tỉnh kết nối hợp tác đầu tư với các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, các nước Châu Âu, Singapore, Thái Lan…Phối hợp Công ty VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt tổ chức làm việc, mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại các KCN. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư của Nghệ An bằng nhiều hình thức. Chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

Thu hút đầu tư năm 2023 đạt nhiều kết quả rất tích cực, tiếp tục là điểm sáng nổi bật, thể hiện trên 5 phương diện: (i) số lượng dự án FDI tăng mạnh, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, (ii) vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra, (iii) cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; (iv) lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp; (v) địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, là động lực tăng trưởng của tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2023 đã hoàn thành chấp thuận chủ trương đầu tư cho 02 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 quy mô 500ha tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 08/02/2023; Khu công nghiệp Hoàng Mai II quy mô 334,79ha tại Quyết định số 1164/QĐ-TTg ngày 09/10/2023).

Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 104 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 39.634,2 tỷ đồng. Điều chỉnh 151 lượt dự án, trong đó điều chỉnh 42 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 6.455,6 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 46.089,8 tỷ đồng, gấp 1,38 lần mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư 32.000-35.000 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án cấp mới tăng 13%, tổng vốn đăng ký cấp mới gấp 1,4 lần.

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục nằm trong tốp 10 địa phương thu FDI lớn nhất cả nước. Tính đến ngày 31/12/2023, thu hút được 15 dự án FDI và điều chỉnh vốn cho 10 dự án FDI; tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 1.298,07 triệu USD (năm 2023 đạt khoảng 1,5 tỷ USD), trong đó có nhiều dự án quy mô lớn. Các dự án FDI chủ yếu thu hút vào khu kinh tế Đông Nam với 14 dự án, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 1.292,05 triệu USD (vượt 158,4% KH).

-Công tác phát triển doanh nghiệp: Năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.637 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 16.806 tỷ đồng; có 987 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 63 doanh nghiệp so cùng kỳ 2022; thành lập được thêm 19 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (dự kiến cuối năm đạt 20 HTX), nâng số lượng hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh lên 688 HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tích cực triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới.Tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020/TT-BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêu chí trang trại mới. Toàn tỉnh hiện có 436 trang trại đạt tiêu chí.Công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Công văn số 321/TTg-ĐMDN ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tích cực, đến nay đã hoàn thành sắp xếp 8/12 đơn vị.

d. Công tác quy hoạch, phát triển đô thị và nhà ở

- Hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 93/QĐ-TT ngày 15/02/2023; UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý đồ án quy hoạch chung tại Quyết định số 2694/QĐ-UBND ngày 29/8/2023. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, khu chức năng để quản lý và triển khai dự án đầu tư; đang tiếp tục triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu 2, dự kiến trong năm 2023, hoàn thành phê duyệt 02 đồ án quy hoạch: Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao phía Nam đường N2; điều chỉnh cục bộ Khu D - Khu công nghiệp Nam Cấm.

- Chất lượng công tác quy hoạch, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong các đồ án quy hoạch xây dựng ngày càng được nâng lên; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất; công tác kiểm tra, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được quan tâm chỉ đạo; tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị, quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được duyệt. Công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện được thực hiện đồng thời với lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; đến nay, đã phê duyệt quy hoạch vùng huyện cho 05/17 địa phương (Nam Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương). Đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung xây dựng cho 23/23 đô thị hiện hữu (gồm 21 đô thị là thành phố, thị xã và các thị trấn huyện lỵ; 02 đô thị trung tâm đô thị mới), đạt tỷ lệ 100%.

- Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đã hoàn thiện cơ bản để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện.Công tác phát triển nhà ở tiếp tục được quan tâm thực hiện, năm 2023 diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh ước đạt 25,3 m2/người, trong đó tại khu vực đô thị là 33,7 m2/người, khu vực nông thôn là 24,4 m2/người; tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 2,9 triệu m2 sàn, tương ứng với khoảng 23.200 căn nhà.

đ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội

- Giáo dục vàđào tạo:

Ngành giáo dục đã chủ động, linh hoạt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2022-2023; tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đảm bảo nghiêm túc, an toàn, chất lượng; triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đồng bộ, khoa học và đúng kế hoạch. Tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, thuộc tốp dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Nghệ An xếp thứ 22 toàn quốc; chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm. Triển khai khoa học, hiệu quả các mô hình trường học tiên tiến,  sau 2 năm triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến, theo xu thế hội nhập quốc tếđến nay đã triển khai thực hiện mô hình ở 05 trường mầm non, 05 trường tiểu học, 02 trường THCS và 03 trường THPT (chủ yếu trên địa bàn thành phố Vinh). Triển khai xây dựng đề án sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An vào trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, năm 2023, toàn tỉnh có 1.131 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,89%; chất lượng phổ cập giáo dục tại các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng lên. Là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức tiếp nhận đào tạo lưu học sinh Lào diện hợp tác của tỉnh học tập Chương trình giáo dục THPT.

- Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân:

+ Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, nâng cao chất lượng bệnh viện theo tiêu chí của Bộ Y tế. Công tác phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao luôn được các bệnh viện quan tâm, nhiều kỹ thuật mới được triển khai và áp dụng. Tăng cường kết nối với các bệnh viện tuyến trên, hợp tác với nhiều Bệnh viện, trường đại học để đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế của tỉnh.Chủ động trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, bệnh dại ở người, bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bệnh lây lan.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý, giám sát các cơ sở y tế hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh; đồng thời chú trọng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp, ứng xử và các quy định về y đức cho đội ngũ cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng người bệnh.

+ Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng khám chữa bệnh. Hướng dẫn các đơn vị trong triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm; xây dựng nhu cầu các thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2023. Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Tổ chức truyền thông, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sócsức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đìnhtrên địa bàn đạt nhiều kết quả tốt.Đến cuối năm 2023, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,04%; tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 92,8%; 12,6 bác sỹ/10.000 dân; 37,36 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 14,3%...

- Công tác lao động, việc làmđảm bảo an sinh xã hội:

+ Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, an toàn lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.Hoạt động kết nối cung - cầu lao động tiếp tục được tăng cường; các phiên giao dịch việc làm thu hút nhiều doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, học sinh - sinh viên tham gia. Thường xuyên nắm tình hình lao động, kịp thời giải quyết chế độ chính sách trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới. Năm 2023, giải quyết việc làm cho trên 45.500 người, bằng 101,1% so với năm 2022, trong đó: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 24.000 người, bằng 98% so với năm 2022. Việc thực hiện chương trình xuất khẩu lao động Hàn Quốc EPS - (E9) đạt kết quả tích cực.

+ Tập trung chỉ đạo các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức thành công Ngày hội tư vấn tuyển sinh và ký kết hợp tác đào tạo lao động tỉnh Nghệ An năm 2023; Kỳ thi Kỹ năng nghề tỉnh Nghệ An; Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh sinh viên cấp tỉnh. Các trường cao đẳng, trung cấp nghề tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã; các trường THCS, THPT để hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo cho 54.287 lượt người, đạt 82,88% kế hoạch; trong đó, có 7.388 người được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, đạt 51,37% kế hoạch. Cuối năm 2023, số lượng tuyển sinh đạt 98% kế hoạch đề ra, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 69%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,6%.

+ Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động. Trong năm 2023 đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 66.700đối tượng với số tiền trên 130 tỷ đồng/tháng; tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 7.430 trường hợp. Đã phê duyệt kết quả rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều mới (giai đoạn 2021-2025). Tổ chức thành công Chương trình Tết Vì người nghèo Xuân Quý Mão 2023. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025; tính đến nay đã có 148 tổ chức, cá nhân đã đăng ký vận động, ủng hộ chương trình với tổng số nhà đăng ký hỗ trợ là 12.196 căn, tương ứng 618,449 tỷ đồng (trong đó, thực hiện trong năm 2023 là 6.709 căn).

+ Công tác cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, chống tội phạm buôn bán người, mua bán trẻ em được quan tâm chỉ đạo; làm tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường. Tổ chức thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 và Diễn đàn trẻ em năm 2023, quan tâm công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp tục chỉ đạo phát huy mô hình về bình đẳng giới tại các địa phương.

- Văn hóa, thể thao: Các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân; tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng. Công tác bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, tổ chức tốt việc mở cửa đón khách tham quan tại các di tích, bảo tàng. Năm 2023, đền thờ Vua Mai Hắc Đế tại thị trấn Nam Đàn đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt và toàn tỉnh có thêm có 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với phong trào nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Phong trào thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực tại các giải quy mô cấp tỉnh và cấp quốc gia, quốc tế.Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa đạt 68,6%; tỷ lệ phường, xã, thị trấn có thiết chế văn hoá - thể thao đạt chuẩn 76,3%.

- Hoạt động khoa học công nghệ:Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được tiến hành tập trung, có nhiều chuyển biến tích cực, ưu tiên thực hiện 6 lĩnh vực KH&CN trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung tác động KH&CN theo chuỗi giá trị các sản phẩm; giảm số lượng các đề tài, dự án, nâng cao chất lượng, tăng quy mô; sàng lọc và ưu tiên các dự án ứng dụng và có sản phẩm cụ thể. Năm 2023, đã triển khai 59 đề tài dự án cấp tỉnh và phối hợp với Bộ KH&CN thực hiện 06 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi; các đề án, dự án được thực hiện tốt, đảm bảo đúng nội dung và tiến độ theo yêu cầu đề ra. Các kết quả nghiên cứu KH&CN đã góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và bước đầu có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội. Thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để đầu tư xác lập bảo hộ và phát triển thương hiệu sản phẩm Nghệ An. Hướng dẫn đăng ký xác lập quyền về sở hữu công nghiệp cho 17 các tổ chức, cá nhân.Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình 100 sản phẩm có tác động KH&CN, đến nay đã có hơn 70 sản phẩm là các cây con đặc sản, đặc thù, cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm truyền thống của Nghệ An được hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức thành công chuỗi sự kiện Techfest Nghệ An năm 2023.

- Công tác dân tộc: Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, gắn với việc triển khai chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều cố gắng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định. Công tác giảm nghèo được quan tâm; kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng đầu tư, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng cải thiện. Tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số đạt chuẩn văn hoá là 90,7%; tỷ lệ làng, bản, khối, xóm đạt chuẩn văn hoá là 82,2%; tỷ lệ xã phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số có thiết chế văn hóa đạt chuẩn quốc gia đạt 75,5%. Các lễ hội văn hoá được duy trì triển khai năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 32,10%; giảm trên 3% so với năm 2022.

e. Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước

- Công tác cải cách hành chính được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến rõ nét. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo CCHC tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CCHC trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó lựa chọn chủ đề CCHC của năm là: “Thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả”, lựa chọn 07đơn vị để tập trung chỉ đạo điểm công tác CCHC trong năm. Cùng với việc ban hành kế hoạch của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác CCHC để chỉ đạo thực hiện tốt, với phương châm 5 rõ “Rõ nội dung công việc, rõ bộ phận tham mưu, rõ cá nhân lãnh đạo chỉ đạo, rõ thời gian hoàn thành, rõ sản phẩm công việc”.Các nội dung của kế hoạch CCHC được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đầy đủ, có chất lượng, tỷ lệ hoàn thành hoàn thành 100% các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.

+ Đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện (thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án trọng điểm đã được giảm 2/3 theo quy định). Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong xử lý công việc được nâng lên. Nghiêm túc chấn chỉnh công tác tham mưu văn bản của các cấp, các ngành, chỉ đạo tổng hợp nhật ký xử lý văn bản từ thời điểm tiếp nhận và chỉ rõ các đơn vị xử lý chậm, gây phiền hà, ách tắc công việc và công khai tại các phiên họp thường kỳ UBND tỉnh. Nhìn chung, chất lượng giải quyết TTHC ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức; dần khắc phục được tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, rõ ràng, cơ bản đúng thời gian quy định. Đến nay, 100% các TTHC đã được công bố, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; 100% TTHC đã xây dựng, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thiết lập trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được công khai minh bạch trên hệ thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

+ Một số chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An năm 2022 có cải thiện tích cực như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 16 (tăng 1 bậc so với năm 2021); Chỉ số quản trị hành chính công xếp thứ 17. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) xếp thứ 14 (tăng 21 bậc so với năm 2021).Năm 2023, lần đầu tiên tỉnh tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) 2022.

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, đảm bảo ngày càng hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả. Năm 2023, toàn tỉnh giảm 15 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện do sáp nhập các đơn vị; thực hiện tinh giản 484 người (trong đó gồm 88 cán bộ, công chức, công chức cấp xã, 04 công chức khối đảng đoàn thể và 392 viên chức).

- Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh theo đúng kế hoạch; hiện đã trình Bộ Xây dựng xem xét công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Vinh và thẩm định Đề án công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 bảo đảm kịp thời, đúng trình tự. Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 tỉnh Nghệ An và trình Bộ Nội vụ thẩm định.

- Về triển khai Đề án số 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Công an tỉnh quyết liệt triển khai Đề án với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đột phá. Là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng kế hoạch đăng ký mô hình đơn vị kiểu mẫu trong thực hiện Đề án số 06/CP của Chính phủ (trong đó, lựa chọn 02 đơn vị cấp huyện (thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa) và 06 đơn vị cấp phường (gồm: 05 phường thuộc thành phố Vinh; 01 phường thuộc thị xã Cửa Lò) để chỉ đạo điểm. Các đơn vị, địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển khainhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công táctuyên truyền, triển khai thực hiện Đề án 06; tổ chức Lễ triển khai mô hình khai báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh.

f. Công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại

-  Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo

+ Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lực lượng công an đã làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, tình hình các loại tội phạm tiếp tục được kìm giữ và làm giảm sâu, vượt chỉ tiêu Bộ Công an đề ra; kết quả đấu tranh, bắt giữ tội phạm về hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường, tệ nạn xã hội rất nổi bật. Đặc biệt, Công an tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện và nhân rộng hiệu quả Đề án Xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn toàn tỉnh. Sau hơn 1 năm, 27/27 xã biên giới đạt các tiêu chí xã sạch về ma túy. Toàn tỉnh có 196/460 xã, phường, thị trấn sạch ma túy, 3 đơn vị cấp huyện có 100% địa bàn cấp xã đạt các tiêu chí “sạch về ma túy”, được Bộ Công an biểu dương, chỉ đạo nhân rộng toàn quốc. Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, nhất là vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển giao thông; tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 03 tiêu chí.

+ Thực hiện có hiệu quả lộ trình các Đề án, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Diễn Châu, thị xã Thái Hòa tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ; huyện Nghi Lộc diễn tập phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn bảo đảm an toàn. Tổ chức lễ giao nhận quân nghiêm túc, an toàn, đảm bảo 100% chỉ tiêu (3.102 công dân). Tham mưu Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”. Phối hợp với Viện lịch sử Quân sự, Quân khu tổ chức thành công Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân được Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao.Triển khai thực hiện có hiệu quả lộ trình Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của LLVT Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu, giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”; thực hiện có hiệu quả phong trào “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng Nông thôn mới”;giúp đỡ xã nghèo Nậm Giải, huyện Quế Phong và Chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tặng cờ cho ngư dân đi biển” với tổng số tiền cho các hoạt động gần 01 tỷ đồng. Tiếp nhận, tổ chức Lễ an táng 96 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào mùa khô 2022 - 2023 tại huyện Nghi Lộc trang trọng, nghiêm túc; giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách xã hội cho các đối tượng.

2. Số lượng ĐVHC cấp huyện:

2.1. Số lượng ĐVHC cấp huyện: 21  đơn vị (gồm 17 huyện, 03 thị xã, 01 thành phố) cụ thể như sau:

2.1.1. Huyện Kỳ Sơn: (miền núi) có diện tích tự nhiên 2.092,64 km2, quy mô dân số 86.243 người; có 21 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 20 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Kỳ Sơn đạt tỷ lệ 246,19% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 107,80% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.2. Huyện Tương Dương:(miền núi) có diện tích tự nhiên 2.807,77 km2, quy mô dân số 79.836 người; có 17 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 16 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Tương Dương đạt tỷ lệ 330,33% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 99,80% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.3. Huyện Con Cuông:(miền núi) có diện tích tự nhiên 1.738,06 km2, quy mô dân số 81.130 người; có 13 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 12 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) thì huyện Con Cuông đạt tỷ lệ 204,48% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 101,41% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.4. Huyện Anh Sơn: (miền núi) có diện tích tự nhiên 604,41 km2, quy mô dân số 131.898 người; có 21 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 20 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15)  huyện Anh Sơn đạt tỷ lệ 71,11% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 164,87% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.5. Huyện Đô Lương:(đồng bằng) có diện tích tự nhiên 353,72 km2, quy mô dân số 231.410 người; có 33 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 32 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) thì huyện Đô Lương đạt tỷ lệ 78,60% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 192,84% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.6. Huyện Thanh Chương:(miền núi) có diện tích tự nhiên 1.126,92 km2, quy mô dân số 269.969 người; có 38 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 37 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Thanh Chương đạt tỷ lệ 132,58% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 337,46% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.7. Huyện Nam Đàn: (đồng bằng) có diện tích tự nhiên 291,97 km2, quy mô dân số 186.570 người; có 19 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 18 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổsung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Nam Đàn đạt tỷ lệ 64,88% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 155,48% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.8. Huyện Hưng Nguyên:(đồng bằng) có diện tích tự nhiên 159,32 km2, quy mô dân số 137.519 người; có 18 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 17 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Hưng Nguyên đạt tỷ lệ 35,40% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 114,60% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.9. Huyện Nghi Lộc: (đồng bằng) có diện tích tự nhiên 346,02 km2, quy mô dân số 245.457 người; có 29 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 28 xã). Theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Nghi Lộc đạt tỷ lệ 76,89% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 204,55% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.10. Huyện Diễn Châu: (đồng bằng) có 306,97 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 353.279 người; có 37 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 36 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Diễn Châu đạt tỷ lệ 68,22% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 294,40% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.11. Huyện Yên Thành:(đồng bằng) có diện tích tự nhiên 549,09 km2, quy mô dân số 328.151 người; có 39 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 38 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Yên Thành đạt tỷ lệ 122,02% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 273,46% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.12. Huyện Tân Kỳ:(miền núi) có diện tích tự nhiên 725,83 km2, quy mô dân số 158.721 người; có 22 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 21 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Tân Kỳ đạt tỷ lệ 85,39% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 198,40% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.13. Huyện Quế Phong:(miền núi) có diện tích tự nhiên 1.888,44 km2, quy mô dân số 76.864 người; có 13 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 12 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Quế Phong đạt tỷ lệ 222,17% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 96,08% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.14. Huyện Quỳ Châu:(miền núi) có diện tích tự nhiên 1.057,47 km2, quy mô dân số 63.979 người; có 12 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 11 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Quỳ Châu đạt tỷ lệ 124,41% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 79,97% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.15. Huyện Quỳ Hợp:(miền núi) có diện tích tự nhiên 939,75 km2, quy mô dân số 142.999 người; có 21 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 20 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Qùy Hợp đạt tỷ lệ 110,56% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 178,75% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.16. Huyện Nghĩa Đàn:(miền núi) có diện tích tự nhiên 617,55 km2, quy mô dân số 155.594 người; có 23 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 22 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Nghĩa Đàn đạt tỷ lệ 72,65% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 194,49% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.17. Huyện Quỳnh Lưu: (đồng bằng) có diện tích tự nhiên 439,78 km2, quy mô dân số 329.144 người; có 33 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 01 thị trấn và 32 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) huyện Quỳnh Lưu đạt tỷ lệ 97,73% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 274,29% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.18. Thành phố Vinh: (đồng bằng) có diện tích tự nhiên 104,99 km2, quy mô dân số 404.110 người; có 25 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 16 phường và 09 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) thì thành phố Vinh đạt tỷ lệ 69,99% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 269,41% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.19. Thị xã Cửa Lò: (đồng bằng) có diện tích tự nhiên 29,12 km2, quy mô dân số 62.691 người; có 07 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 07 phường). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) thì thị xã Cửa Lò đạt tỷ lệ 14,56% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 62,69% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.20. Thị xã Hoàng Mai: (đồng bằng) có diện tích tự nhiên 171,78 km2, quy mô dân số 133.398 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 05 phường và 05 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) thì thị xã Hoàng Mai đạt tỷ lệ 85,89% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 133,40% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

2.1.21. Thị xã Thái Hòa: (miềm núi) có diện tích tự nhiên 134,92 km2, quy mô dân số 78.518 người; có 09 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 04 phường và 05 xã). Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) thì thị xã Thái Hòa đạt tỷ lệ 67,46% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và đạt tỷ lệ 157,04% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

Tỉnh Nghệ An có 05 đơn vị đạt 100% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số (Thanh Chương, Con Cuông, Yên Thành, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn); có 12 đơn vị có một tiêu chuẩn đạt tiêu chuẩn từ 70% theo quy định, tiêu chuẩn còn lại đạt từ 100% (Tương Dương, Nghi Lộc, Anh Sơn, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh, Hoàng Mai); có 03 đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên trên 20% tiêu chuẩn theo quy định, quy mô dân số trên 100% quy định (mặc dù dân số dưới 200%, nhưng diện tích tự nhiên trên 20%): Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thái Hòa; có 01 đơn vị hành chính cấp huyện không đạt 70% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thuộc diện sắp xếp: Thị xã Cửa Lò.

2.2. Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp: 01 thị xã Cửa Lò.

2.3. Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: Không

2.4. Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp: Không

2.5. Số lượng ĐVHC cấp huyện 02 đơn vị bao gồm01 huyện, 01 thành phố liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp.

3. Số lượng ĐVHC cấp xã:

3.1. Số lượng ĐVHC cấp xã 460 bao gồm411 xã, 32 phường, 17 thị trấn.

3.2. Số lượng ĐVHC cấp xã 89 bao gồm79 xã; 04 phường; 06 thị trấnthuộc diện sắp xếp.

- Đối với xã: Có 15 đơn vị hành chính không đạt 70% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; có 64 xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

- Đối với phường: Có 04 đơn vị hành chính đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

- Đối với thị trấn: Có 06 đơn vị hành chính đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định

3.3. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: 22đơn vị bao gồm20 xã, 02 thị trấn.

3.4. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: Không

3.5. Số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp: 27đơn vị bao gồm24 xã, 01 phường, 02 thị trấn.

III. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP HUYỆN THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Hiện trạng đơn vị hành chính cấp huyện (01 thị xã) thuộc diện sắp xếp.

1.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Thị xã Cửa Lò.

1.1.1. Thuộc khu vực: Đồng bằng ven biển.

1.1.2. Diện tích tự nhiên: 29,12 km2 (đạt tỷ lệ 14,56%).

1.1.3. Quy mô dân số: 62.961 người (đạt tỷ lệ 62,69%).

1.1.4. Số người là dân tộc thiểu số: Không

1.1.5. Số đơn vị hành chính trực thuộc: 07 phường.

1.1.6. Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

1.1.7: Các đơn vị hành cấp liền kề: Phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc; Phía Nam giáp huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh); Phía Đông giáp Biển Đông; Phía Tây giáp huyện Nghi Lộc;

2. Hiện trạng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện liền kề 02 đơn vị (01 thành phố, 01 huyện).

2.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Thành phố Vinh.

2.1.1. Thuộc khu vực: Đồng bằng.

2.1.2. Diện tích tự nhiên: 104,99 km2 (đạt tỷ lệ 69,99%).

2.1.3. Quy mô dân số: 404.110 người (đạt tỷ lệ 269,41%).

2.1.4. Số người là dân tộc thiểu số: Không.

2.1.5. Số đơn vị hành chính trực thuộc: 25 đơn vị (16 phường, 09 xã).

2.1.6. Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

2.1.7: Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc; Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh; Phía Đông giáp thị xã Cửa Lò; Phía Tây giáp huyện Hưng Nguyên;

2.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Huyện Nghi Lộc.

2.2.1. Thuộc khu vực: Đồng bằng.

2.2.2. Diện tích tự nhiên: 346,02 km2 (đạt tỷ lệ 76,89%).

2.2.3. Quy mô dân số: 245.457 người (đạt tỷ lệ 204,55%).

2.2.4. Số người là dân tộc thiểu số: Không.

2.2.5. Số đơn vị hành chính trực thuộc: 29 đơn vị (01 thị trấn, 28 xã).

2.2.6. Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

2.2.7: Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành; Phía Nam giáp thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn; Phía Đông giáp biển Đông, thị xã Cửa Lò; Phía Tây giáp huyện Đô Lương.

IV. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Hiện trạng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp: 67 đơn vị (59 xã 04 phường 04 thị trấn);

1.1. Thành phố Vinh: 04 đơn vị (04 phường).

1.1.1 Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Phường Quang Trung.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng

- Diện tích tự nhiên: 0,58 km2 (đạt tỷ lệ 10,55%).

- Quy mô dân số: 10.016 người (đạt tỷ lệ 143,09%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Lê Lợi và Phường Hưng Bình; Phía Nam giáp: Phường Hồng Sơn và Phường Cửa Nam; Phía Đông giáp: Phường Lê Mao; Phía Tây giáp: Phường Cửa Nam và Phường Đội Cung.

1.1.2 Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Phường Đội Cung.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 0,67 km2 (đạt tỷ lệ 12,18%).

- Quy mô dân số: 10.198 người (đạt tỷ lệ 145,69%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Lê Lợi; Phía Nam giáp: Phường Cửa Nam; Phía Đông giáp: Quang Trung, Cửa Nam; Phía Tây giáp: Phường Đông Vĩnh.

1.1.3 Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Phường Lê Mao.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 0,87 km2 (đạt tỷ lệ 15,82%).

- Quy mô dân số: 13.658 người (đạt tỷ lệ 195,11%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Hưng Bình; Phía Nam giáp: Phường Hồng Sơn; Phía Đông giáp: Phường Trường Thi; Phía Tây giáp: Phường Quang Trung.

1.1.4 Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Phường Hồng Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng

- Diện tích tự nhiên: 0,50 km2 (đạt tỷ lệ 9,09%).

- Quy mô dân số: 8.401 người (đạt tỷ lệ 120,01%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Lê Mao; Phía Nam giáp: Phường Vinh Tân; Phía Đông giáp: Phường Trung Đô; Phía Tây giáp: Phường Cửa Nam.

1.2. Huyện Đô Lương: 01 đơn vị (01 xã).

1.2.1 Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Ngọc Sơn.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 4,13 km2 (đạt tỷ lệ 8,26%).

- Quy mô dân số: 3.559 người (đạt tỷ lệ 71,18%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Lam Sơn và xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn); Phía Nam giáp: xã Nam Sơn, xã Bắc Sơn và xã Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn); Phía Đông giáp: xã Lam Sơn; Phía Tây giáp: xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn).

1.3. Huyện Tân Kỳ: 02 đơn vị (02 xã).

1.3.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Nghĩa Hợp.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 13,79 km2 (đạt tỷ lệ 27,58%).

- Quy mô dân số: 2.897 người (đạt tỷ lệ 57,94%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Đồng; Phía Nam giáp: xã Nghĩa Dũng và xã Lăng Thành (huyện Yên Thành);  Phía Đông giáp: xã Nghĩa Bình và xã Lăng Thành (huyện Yên Thành); Phía Tây giáp: xã Nghĩa Thái; Nghĩa Dũng.

1.3.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Tân Long.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 27,64 km2 (đạt tỷ lệ 55,28%).

- Quy mô dân số: 2.666 người (đạt tỷ lệ 53,32%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phí Bắc giáp: xã Nghĩa Hoàn; Phía Nam giáp: xã Kỳ Tân; Phía Đông giáp: xã Nghĩa Dũng; Phía Tây giáp: xã Nghĩa Phúc.

1.4. Huyện Nghĩa Đàn: 03 đơn vị (03 xã).

1.4.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Nghĩa Phú.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 14,16 km2 (đạt tỷ lệ 28,32%).

- Quy mô dân số: 2.824 người (đạt tỷ lệ 56,48%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 106 người (chiếm tỷ lệ 3,75%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Lợi; Phía Nam giáp: xã Nghĩa Hội; Phía Đông giáp: xã Nghĩa Thọ; Phía Tây giáp: xã Nghĩa Hội, xã Nghĩa Lợi. 

1.4.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Nghĩa Thịnh.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,84 km2 (đạt tỷ lệ 17,68%).

- Quy mô dân số: 4.758 người (đạt tỷ lệ 211,47%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 2.158 (45,35%); dân số quy định: 2.250 người.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Mai; Phía Nam giáp: xã Nghĩa Thành, xã Nghĩa Hưng; Phía Đông giáp: xã Nghĩa Hồng; Phía Tây giáp: xã Nghĩa Hưng.

1.4.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Nghĩa Hiếu.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 17,17 km2 (đạt tỷ lệ 34,34%).

- Quy mô dân số: 3.234 người (đạt tỷ lệ 64,68%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 102 người (chiếm tỷ lệ 3,14%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Hưng; Phía Nam giáp: xã Nghĩa Đức, xã Tây Hiếu thị xã Thái Hòa; Phía Đông giáp: xã Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Đàn) và xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa); Phía Tây giáp: xã Nghĩa Xuân, xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp).

1.5. Huyện Quỳnh Lưu: 14 đơn vị (14 xã).

1.5.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Hoa.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 9,24 km2 (đạt tỷ lệ 18,48%).

- Quy mô dân số: 5.857 người (đạt tỷ lệ 117,14%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Văn; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Mỹ; Phía Đông giáp: xã Quỳnh Hậu, xã Quỳnh Thạch; Phía Tây giáp: xã Ngọc Sơn.

1.5.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Mỹ.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 6,86 km2 (đạt tỷ lệ 22,87%).

- Quy mô dân số: 5.130 người (đạt tỷ lệ 64,13%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Hoa; Phía Nam giáp: xã Quỳnh lâm; Phía Đông giáp: Thị Trấn Cầu giát, xã Quỳnh Hồng, xã Quỳnh Hậu; Phía Tây giáp xã Ngọc Sơn.

1.5.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Hậu.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,68 km2 (đạt tỷ lệ 18,93%).

- Quy mô dân số: 8.916 người (đạt tỷ lệ 111,45%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Thạch; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng; Phía Đông giáp: xã Quỳnh Đôi; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Hoa.

1.5.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Đôi.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,15 km2 (đạt tỷ lệ 13,83%).

- Quy mô dân số: 5.590 người (đạt tỷ lệ 69,88%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Thạch; Phía Nam giáp: Quỳnh Bá, Quỳnh Yên; Phía Đông giáp: xã Quỳnh Lương; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Hậu.

1.5.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Lương.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,78 km2 (đạt tỷ lệ 15,93%).

- Quy mô dân số: 7.968 người (đạt tỷ lệ 99,60%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Bảng Phía Nam giáp: Quỳnh Minh; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Thanh.

1.5.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Hồng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,68 km2 (đạt tỷ lệ 15,60%).

- Quy mô dân số: 10.047 người (đạt tỷ lệ 125,59%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Hậu; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Din, thị trấn Cầu Giát; Phía Đông giáp: xã Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng; Phía Tây giáp: thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Hoa.

1.5.7. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Bá.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,17 km2 (đạt tỷ lệ 13,90%).

- Quy mô dân số: 5.965 người (đạt tỷ lệ 74,56%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Quỳnh Hậu; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc; Phía Đông giáp: các xã Quỳnh Yên, Quỳnh Ngọc và Quỳnh Đôi; Phía Tây giáp: các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Hồng.

1.5.8. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Minh.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,06 km2 (đạt tỷ lệ 13,53%).

- Quy mô dân số: 5.741 người (đạt tỷ lệ 71,76%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Lương; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Nghĩa; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Yên.

1.5.9. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Hưng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,74 km2 (đạt tỷ lệ 19,13%).

- Quy mô dân số: 10.958 người (đạt tỷ lệ 136,98%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Hồng, xã Quỳnh Bá; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Thọ; Phía Đông giáp: xã Quỳnh Ngọc; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Diễn.

1.5.10. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Ngọc.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 3,40 km2 (đạt tỷ lệ 11,33%).

- Quy mô dân số: 6.414 người (đạt tỷ lệ 80,18%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Yên; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Thọ; Phía Đông giáp: xã An Hòa, xã Sơn Hải; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Bá, xã Quỳnh Hưng.

1.5.11. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Tiến Thủy.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 3,67 km2 (đạt tỷ lệ 12,23%).

- Quy mô dân số: 10.762 người (đạt tỷ lệ 134,53%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Nghĩa; Phía Nam giáp: Sông Hàu (xã Quỳnh Thuận); Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã An Hòa (qua Sông Mơ).

1.5.12. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Sơn Hải.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 2,33 km2 (đạt tỷ lệ 7,77%).

- Quy mô dân số: 14.909 người (đạt tỷ lệ 186,36%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp xã An Hoà; Phía Nam giáp: xã Quỳnh Thọ; Phía Đông giáp: xã Quỳnh Thuận; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Ngọc.

1.5.13. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Thọ.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,76 km2 (đạt tỷ lệ 15,87%).

- Quy mô dân số: 6.276 người (đạt tỷ lệ 78,45%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Sơn Hải và xã Quỳnh Ngọc; Phía Nam giáp: xã Diễn Hùng, xã Diễn Hoàng (huyện Diễn Châu); Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Diễn, xã Quỳnh Hưng.

1.5.14. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Quỳnh Long.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 1,35 km2 (đạt tỷ lệ 4,50%).

- Quy mô dân số: 10.924 người (đạt tỷ lệ 136,55%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Thuận; Phía Nam giáp: Biển Đông; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã Quỳnh Thuận.

1.6. Huyện Con Cuông: 01 đơn vị (01 thị trấn).

1.6.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Thị trấn Con Cuông.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 1,87 km2 (đạt tỷ lệ 13,36%).

- Quy mô dân số: 5.984 người (đạt tỷ lệ 149,60%). Quy định đô thị miền núi dân số: 4000 người.

- Số người là dân tộc thiểu số: 681 người (tỷ lệ 11,38%)

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc; Phía Nam; Phía Đông giáp: xã Bồng Khê ; Phía Tây giáp: xã Chi Khê.

1.7. Huyện Thanh Chương: 12 đơn vị (12 xã).

1.7.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Hòa.

-  Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 10,23 km2 (đạt tỷ lệ 20,46%).

- Quy mô dân số: 2.985 người (đạt tỷ lệ 59,70%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 14 người (chiếm tỷ lệ 0,48%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Cát Văn; xã Nam Sơn (huyện Đô Lương); Phía Nam giáp: xã Thanh Mỹ; xã Thanh Liên; Phía Đông giáp: xã Phong Thịnh; Phía Tây giáp: xã Thanh Nho.

1.7.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Chi.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,69 km2 (đạt tỷ lệ 17,38%).

- Quy mô dân số: 5.070 người (đạt tỷ lệ 101,40%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 19 người (chiếm tỷ lệ 0,38%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đồng Văn (cách sông Lam); Phía Nam giáp: xã Thanh Khê và xã Võ Liệt; Phía Đông giáp: xã Thanh Ngọc, Ngọc Sơn (cách sông Lam); Phía Tây giáp: xã Thanh An.

1.7.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Khê.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,77 km2 (đạt tỷ lệ 17,54%).

- Quy mô dân số: 6.317 người (đạt tỷ lệ 126,34%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 12 người (chiếm tỷ lệ 0,19%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề:Phía Bắc giáp: xã Thanh An; Phía Nam giáp: Võ Liệt; Phía Đông giáp: Thanh Chi; Phía Tây giáp: Thanh Thủy.

1.7.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Long.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 7,41 km2 (đạt tỷ lệ 14,82%).

- Quy mô dân số: 4.873 người (đạt tỷ lệ 97,46%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Võ Liệt; Phía Nam giáp: xã Thanh Hà; Phía Đông giáp: xã Xuân T­ường (cách sông Lam); Phía Tây giáp: xã Võ Liệt.

1.7.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Xuân Tường.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 9,17 km2 (đạt tỷ lệ 18,34%).

- Quy mô dân số: 5.655 người (đạt tỷ lệ 113,10%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 21 người (chiếm tỷ lệ 0,37%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp xã Ngọc Sơn; Phía Nam giáp: Thanh Dương; Phía Đông giáp: xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn); Phía Tây giáp: xã Thanh Long, xã Võ Liệt và xã Thanh Hà (cách dòng sông Lam).

1.7.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Dương.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,63 km2 (đạt tỷ lệ 17,26%).

- Quy mô dân số: 6.956 người (đạt tỷ lệ 139,12%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 30 người (chiếm tỷ lệ 0,43%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn); Phía Nam giáp: xã Thanh Giang, Thanh Hà (cách dòng sông Lam); Phía Đông giáp: xã Thanh Lương; Phía Tây giáp: Xã Xuân Tường.

1.7.7. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Lương.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,90 km2 (đạt tỷ lệ 17,80%).

- Quy mô dân số: 7.844 người (đạt tỷ lệ 156,88%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 31 người (chiếm tỷ lệ 0,40%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc: giáp xã Nam Hưng và xã Nam Thái, (huyện Nam Đàn); Phía Nam giáp: xã Thanh Giang (cách dòng sông Lam); Phía Đông giáp: xã Nam Thái (huyện Nam Đàn), xã Thanh Khai, xã Thanh Yên; Phía Tây giáp: xã Thanh Dương.

1.7.8. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Yên.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,47 km2 (đạt tỷ lệ 18,23%).

- Quy mô dân số: 6.724 người (đạt tỷ lệ 84,05%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thanh Khai; Phía Nam Thanh Giang, Thanh Lâm; Phía Đông giáp: xã Thanh Khai: Phía Tây giáp: xã Thanh Lương

1.7.9. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thanh Khai.

- Thuộc khu vực: Đồng Bằng.

- Diện tích tự nhiên: 6,00 km2 (đạt tỷ lệ 20,00%).

- Quy mô dân số: 4.954 người (đạt tỷ lệ 61,93%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nam Hưng và xã Nam Thái (huyện Nam Đàn); Phía Nam giáp: xã Thanh Giang; Phía Đông giáp: xã Nam Thái (huyện Nam Đàn), xã Thanh Khai và xã Thanh Yên: Phía Tây giáp xã Thanh Dương.

1.7.10. Tên đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp: Xã Thanh Lĩnh.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 7,77 km2 (đạt tỷ lệ 15,54%).

- Quy mô dân số: 6.919 người (đạt tỷ lệ 138,38%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 19 người (chiếm tỷ lệ 0,28%).

- Các chính sách đặc thì đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đại Đồng, Thanh Đồng; Phía Nam giáp: xã Thanh Thịnh; Phía Đông giáp: xã Đồng Văn và Thị trấn Thanh Chương; Phía Tây giáp: Thanh Tiên và Thanh Hương.

1.7.11. Tên đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp: Xã Thanh Đồng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,54 km2 (đạt tỷ lệ 18,47%).

- Quy mô dân số: 5.379 người (đạt tỷ lệ 67,24%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thanh Phong; Phía Nam giáp: Thị Trấn Thanh Chương; Phía Đông giáp: xã Thanh Ngọc; Phía Tây giáp: xã  Đại Đồng và Thanh Lĩnh.

1.7.12. Tên đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp: Xã Thanh Giang.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,32 km2 (đạt tỷ lệ 17,73%).

- Quy mô dân số: 4.556 người (đạt tỷ lệ 56,95%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thanh Yên, Thanh Lương, Thanh Dương; Phía Nam giáp: xã Thanh Mai, phía Đông giáp: xã Thanh Lâm và xã Thanh Xuân; Phía Tây giáp: xã Thanh Tùng, Thanh Hà. 

1.8. Huyện Diễn Châu: 09 đơn vị (08 xã, 01 thị trấn).

1.8.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Hùng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,34 km2 (đạt tỷ lệ 17,80%).

- Quy mô dân số: 5.879 người (đạt tỷ lệ 73,49%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu; Phía Nam giáp: xã Diễn Hải; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã Diễn Hoàng và xã Diễn Mỹ.

1.8.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Hải.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,21 km2 (đạt tỷ lệ 17,37%).

- Quy mô dân số: 9.768 người (đạt tỷ lệ 122,10%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Hùng; Phía Nam giáp: xã Diễn Vạn và xã Diễn Kim; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: xã Diễn Mỹ và xã Diễn Vạn.

1.8.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Tháp.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 3,71 km2 (đạt tỷ lệ 12,37%).

- Quy mô dân số: 7.188 người (đạt tỷ lệ 89,85%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đô Thành (huyện Yên Thành); Phía Nam giáp: xã Diễn Xuân; Phía Đông giáp: xã Diễn Hồng và xã Diễn Kỷ; Phía Tây giáp: xã Diễn Liên.

1.8.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Xuân.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 3,94 km2 (đạt tỷ lệ 13,13%).

- Quy mô dân số: 7.117 người (đạt tỷ lệ 88,96%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Tháp; Phía Nam giáp: Diễn Hạnh; Phía Đông giáp: xã Diễn Kỷ; Phía Tây giáp: xã Diễn Liên và xã Diễn Đồng.

1.8.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Bích.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 2,72 km2 (đạt tỷ lệ 9,07%).

- Quy mô dân số: 12.534 người (đạt tỷ lệ 156,68%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Vạn và xã Diễn Kim; Phía Nam giáp: xã Diễn Ngọc; Phía Đông giáp: xã Diễn Kim; Phía Tây giáp: xã Diễn Kỷ.

1.8.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Hạnh.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,72 km2 (đạt tỷ lệ 15,73%).

- Quy mô dân số: 9.380 người (đạt tỷ lệ 117,25%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Xuân; Phía Nam giáp: xã Diễn Quảng và xã Diễn Phúc; Phía Đông giáp: xã Diễn Hoa; Phía Tây giáp: xã Diễn Quảng và xã Diễn Đồng.

1.8.7. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Ngọc.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 2,93 km2 (đạt tỷ lệ 9,77%).

- Quy mô dân số: 16.707 người (đạt tỷ lệ 208,84%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Bích; Phía Nam giáp: thị trấn Diễn Châu và xã Diễn Thành; Phía Đông giáp: xã Diễn Kim; Phía Tây giáp: xã Diễn Kỷ và xã Diễn Hoa.

1.8.8. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Diễn Quảng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,58 km2 (đạt tỷ lệ 15,27%).

- Quy mô dân số: 5.561 người (đạt tỷ lệ 69,51%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Đồng; Phía Nam giáp: xã Diễn Cát và xã Diễn Phúc; Phía Đông giáp: xã Diễn Hạnh; Phía Tây giáp: xã Diễn Nguyên.

1.8.9. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Thị trấn Diễn Châu.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 0,82 km2 (đạt tỷ lệ 5,86%).

- Quy mô dân số: 7.468 người (đạt tỷ lệ 93,35%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Ngọc; Phía Nam giáp: xã Diễn Thành; Phía Đông giáp: xã Diễn Thành; Phía Tây giáp: xã Diễn Thành.

1.9. Huyện Hưng Nguyên: 06 đơn vị (06 xã).

1.9.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Mỹ.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,18 km2 (đạt tỷ lệ 17,27%).

- Quy mô dân số: 5.141 người (đạt tỷ lệ 64,26%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hưng Thịnh; Phía Nam giáp: xã Hưng Phúc và Hưng Nghĩa; Phía Đông giáp: xã Hưng Lợi; Phía Tây giáp: thị trấn Hưng Nguyên và xã Hưng Tân.

1.9.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Thịnh.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,41 km2 (đạt tỷ lệ 14,70%).

- Quy mô dân số: 5.825 người (đạt tỷ lệ 72,81%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Vinh Tân, Thành phố Vinh và giáp Thị trấn huyện Hưng Nguyên; Phía Nam giáp: xã Hưng Phúc, Hưng Nghĩa; Phía Đông giáp: xã Hưng Lợi; Phía Tây giáp: Thị trấn Hưng Nguyên.

1.9.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Thông.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,53 km2 (đạt tỷ lệ 18,43%).

- Quy mô dân số: 5.660 người (đạt tỷ lệ 70,75%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hưng Đạo và Hưng Tân; Phía Nam giáp: Long Xá và xã Xuân Lam; Phía Đông giáp: Hưng Nghĩa; Phía Tây giáp: Nam Cát, huyện Nam Đàn.

1.9.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Tân.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,86 km2 (đạt tỷ lệ 16,20%).

- Quy mô dân số: 4.408 người (đạt tỷ lệ 55,10%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Thị trấn Hưng Nguyên; Phía Nam giáp: Hưng Thông và Hưng Nghĩa; Phía Đông giáp: Hưng Mỹ, Hưng Nghĩa; Phía Tây giáp: Hưng Thông.

1.9.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Lợi.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 7,68 km2 (đạt tỷ lệ 25,60%).

- Quy mô dân số: 4.757 người (đạt tỷ lệ 59,46%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: phường Bến Thủy (thành phố Vinh); Phía Nam giáp: xã Châu Nhân; Phía Đông giáp: tỉnh Hà Tĩnh; Phía Tây giáp: xã Hưng Phúc.

1.9.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Phúc.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,01 km2 (đạt tỷ lệ 16,70%).

- Quy mô dân số: 4.831 người (đạt tỷ lệ 60,39%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hưng Thịnh; Phía Nam giáp: Hưng Thành; Phía Đông giáp: Hưng Lợi; Phía Tây giáp: Hưng Nghĩa và Hưng Mỹ.

1.10. Huyện Nam Đàn: 02 đơn vị (02 xã).

1.10.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Nam Nghĩa.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 12,24 km2 (đạt tỷ lệ 40,80%).

- Quy mô dân số: 5.306 người (đạt tỷ lệ 66,33%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đại Sơn (huyện Đô Lương); Phía Nam giáp: xã Nam Thái và thị trấn Nam Đàn; Phía Đông giáp: xã Nam Thanh; Phía Tây giáp: xã Nam Hưng.

1.10.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hồng Long.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 7,40 km2 (đạt tỷ lệ 24,67%).

- Quy mô dân số: 5.418 người (đạt tỷ lệ 67,73%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hùng Tiến; Phía Nam giáp: xã Xuân Lâm; Phía Đông giáp: xã Xuân Lâm, xã Hùng Tiến; Phía Tây giáp: xã Thượng Tân Lộc, xã Khánh Sơn

1.11. Huyện Yên Thành: 08 đơn vị (07 xã, 01 thị trấn).

1.11.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hậu Thành.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 7,74 km2 (đạt tỷ lệ 15,48%).

- Quy mô dân số: 6.232 người (đạt tỷ lệ 124,64%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Lăng Thành; Phía Nam giáp: Xã Phúc Thành; Phía Đông giáp: Xã Phú Thành; Phía Tây giáp: Xã Hùng Thành, Lăng Thành.

1.11.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Lý Thành.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 7,69 km2 (đạt tỷ lệ 15,38%).

- Quy mô dân số: 4.159 người (đạt tỷ lệ 83,18%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nam Thành; Phía Nam giáp: xã Liên Thành, Đại Thành; Phía Đông giáp: xã Nam Thành; Phía Tây giáp: Xã Minh Thành.

1.11.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Đại Thành.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,22 km2 (đạt tỷ lệ 16,44%).

- Quy mô dân số: 3.627 người (đạt tỷ lệ 72,54%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Minh Thành, Lý Thành; Phía Nam giáp: Huyện Đô Lương; Phía Đông giáp: Xã Mỹ Thành; Phía Tây giáp: Huyện Đô Lương.

1.11.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hoa Thành.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 3,48 km2 (đạt tỷ lệ 11,60%).

- Quy mô dân số: 5.726 người (đạt tỷ lệ 71,58%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Văn Thành; Phía Nam giáp: Xã Nhân Thành; Phía Đông giáp: Xã Hợp Thành; Phía Tây giáp: Thị Trấn Yên Thành (riêng xóm Đồng Vằng tiếp giáp với Tăng Thành ở phía Tây, Thị Trấn ở phía Nam, Văn Thành ở phía Bắc).

1.11.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Khánh Thành.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,49 km2 (đạt tỷ lệ 18,30%).

- Quy mô dân số: 7.613 người (đạt tỷ lệ 95,16%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nam Thành, Long Thành; Phía Nam giáp: Xã Bảo Thành; Phía Đông giáp: Xã Bảo Thành, Long Thành; Phía Tây giáp: Xã Công Thành, Liên Thành.

1.11.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hồng Thành.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,05 km2 (đạt tỷ lệ 16,83%).

- Quy mô dân số: 7.846 người (đạt tỷ lệ 98,08%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Thọ Thành; Phía Nam giáp: Xã Phú Thành; Phía Đông giáp: Xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu; Phía Tây giáp: Xã Mã Thành và xã Lăng Thành.

1.11.7. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hợp Thành.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,57 km2 (đạt tỷ lệ 15,23%).

- Quy mô dân số: 8.156 người (đạt tỷ lệ 101,95%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Văn Thành, Phú Thành; Phía Nam giáp: Xã Nhân Thành; Phía Đông giáp: Xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu; Phía Tây giáp: Xã Hoa Thành.

1.11.8. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Thị trấn Yên Thành.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 2,61 km2 (đạt tỷ lệ 18,64%).

- Quy mô dân số: 5.774 người (đạt tỷ lệ 72,18%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Văn Thành, Tăng Thành; Phía Nam giáp: Xã Tăng Thành, Nhân Thành; Phía Đông giáp: Hoa Thành; Phía Tây giáp: Xã Tăng Thành.

1.12. Huyện Nghi Lộc: 02 đơn vị (02 xã).

1.12.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Nghi Hoa.

- Thuộc khu vực: Đồng Bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,98 km2 (đạt tỷ lệ 16,60%).

- Quy mô dân số: 7.038 người (đạt tỷ lệ 87,98%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghi Thuận; Phía Nam giáp: xã Nghi Diên; Phía Đông giáp: xã Nghi Long, thị trấn Quán Hành; Phía Tây giáp: xã Nghi Phương.

1.12.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: XãNghi Thịnh.

- Thuộc khu vực: Đồng Bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,60 km2 (đạt tỷ lệ 18,67%).

- Quy mô dân số: 6.040 người (đạt tỷ lệ 75,50%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Khánh Hợp và Nghi Xá; Phía Nam giáp: xã Nghi Trường; Phía Đông giáp: xã Nghi Thạch; Phía Tây giáp: xã Nghi Long, Nghi Trung.

1.13. Huyện Anh Sơn: 03 đơn vị (02 xã, 01 thị trấn).

1.13.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Thạch Sơn.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 5,30 km2 (đạt tỷ lệ 10,60%).

- Quy mô dân số: 3.660 người (đạt tỷ lệ 73,20%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 11 người (chiếm tỷ lệ 0,31%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Sông Lam và xã Đức Sơn; Phía Nam giáp: thị trấn Anh Sơn; Phía Đông giáp: xã Phúc Sơn và xã Vĩnh Sơn; Phía Tây giáp: Sông Lam.

1.13.2. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Tam Sơn.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 13,80 km2 (đạt tỷ lệ 27,60%).

- Quy mô dân số: 2.750 người (đạt tỷ lệ 55,00%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 299 người (chiếm tỷ lệ 10,88%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thạch Ngàn, xã Mậu Đức (huyện Con Cuông); Phía Nam giáp: xã Bồng Khê (huyện Con Cuông), xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn); Phía Đông giáp: xã Đỉnh Sơn; Phía Tây giáp: xã Bồng Khê (huyện Con Cuông).

1.13.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Thị trấn Anh Sơn.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 2,62 km2 (đạt tỷ lệ 18,71%).

- Quy mô dân số: 6.248 người (đạt tỷ lệ 156,20%). Quy định đô thị miền núi dân số: 4000 người.

- Số người là dân tộc thiểu số: 37 người (chiếm tỷ lệ 0,60%)

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thạch Sơn; Phía Nam giáp: xã Phúc Sơn; Phía Đông giáp: xã Phúc Sơn; Phía Tây giáp: xã Hội Sơn.

2. Hiện trạng đơn vị hành chính cấp xã không đủ tiêu chuẩn nhưng đề nghị không thực hiện do yếu tố đặc thù: 22 đơn vị (20 xã 02 thị trấn)

2.1. Thành phố Vinh: 02 đơn vị (02 xã)

2.1.1. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Nghi Đức.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng

- Diện tích tự nhiên: 5,69 km2 (đạt tỷ lệ 18,97%).

- Quy mô dân số: 7.697 người (đạt tỷ lệ 96,21%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghi Ân; Phía Nam giáp: xã Hưng Lộc; Phía Đông giáp: xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc); Phía Tây giáp: xã Nghi Phú.

2.1.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Hưng Chính.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng

- Diện tích tự nhiên: 4,52 km2 (đạt tỷ lệ 15,07%).

- Quy mô dân số: 9.187 người (đạt tỷ lệ 114,84%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên); Phía Nam giáp: xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên); Phía Đông giáp: Phường Vinh Tân, Phường Cửa Nam, Phường Đông Vĩnh; Phía Tây giáp: Thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên).

2.2. Huyên Đô Lương: 09 đơn vị (08 xã, 01 thị trấn)

2.2.1. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Bồi Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 9,10 km2 (đạt tỷ lệ 30,33%).

- Quy mô dân số: 4.651 người (đạt tỷ lệ 58,14%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hồng Sơn; Phía Nam giáp: xã Bắc Sơn; Phía Đông giáp: xã Tràng Sơn; Phía Tây giáp: xã Lam Sơn.

2.2.2. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãBắc Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,91 km2 (đạt tỷ lệ 16,37%).

- Quy mô dân số: 4.737 người (đạt tỷ lệ 59,21%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

          - Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Bồi Sơn và xã Lam Sơn (qua sông Lam); Phía Nam giáp: xã Nam Sơn và xã Đặng Sơn; Phía Đông giáp: xã Bồi Sơn, xã Đặng Sơn; Phía Tây giáp: xã Ngọc Sơn, xã Lam Sơn (qua sông Lam).

2.2.3. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãĐặng Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,13 km2 (đạt tỷ lệ 13,77%).

- Quy mô dân số: 6.072 người (đạt tỷ lệ 75,90%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Bắc Sơn; Phía Nam giáp: xã Lưu Sơn; Phía Đông giáp: Thị trấn Đô Lương; Phía Tây giáp: xã Nam Sơn.

2.2.4. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãLưu Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,32 km2 (đạt tỷ lệ 17,73%).

- Quy mô dân số: 6.646 người (đạt tỷ lệ 83,08%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đặng Sơn; Phía Nam giáp: xã Cát Văn (huyện Thanh Chương); Phía Đông giáp: Thị trấn Đô Lương và xã Đà Sơn; Phía Tây giáp: xã Nam Sơn.

2.2.5. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãĐà Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,29 km2 (đạt tỷ lệ 14,30%).

- Quy mô dân số: 8.536 người (đạt tỷ lệ 106,70%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Thị trấn Đô Lương; Phía Nam giáp: xã Trung Sơn; Phía Đông giáp: xã Lạc Sơn và xã Yên Sơn; Phía Tây giáp: xã Lưu Sơn và xã Cát Văn (huyện Thanh Chương).

2.2.6. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãYên Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,29 km2 (đạt tỷ lệ 14,30%).

- Quy mô dân số: 6.329 người (đạt tỷ lệ 79,11%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đông Sơn; Phía Nam giáp: xã Lạc Sơn và xã Đà Sơn; Phía Đông giáp: xã Văn Sơn; Phía Tây giáp: Thị Trấn Đô Lương, Đà Sơn.

2.2.7. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãVăn Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,64 km2 (đạt tỷ lệ 15,47%).

- Quy mô dân số: 5.192 người (đạt tỷ lệ 64,90%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Bài Sơn và xã Đông Sơn; Phía Nam giáp: xã Lạc Sơn; Phía Đông giáp: xã Thịnh Sơn; Phía Tây giáp: xã Yên Sơn và xã Đông Sơn.

2.2.8. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãLạc Sơn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,97 km2 (đạt tỷ lệ 16,57%).

- Quy mô dân số: 4.819 người (đạt tỷ lệ 60,24%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Yên Sơn, xã Văn Sơn; Phía Nam giáp: xã Xuân Sơn; Phía Đông giáp: xã Tân Sơn, xã Thịnh Sơn; Phía Tây giáp: xã Đà Sơn, xã Trung Sơn.

2.2.9. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Thị trấn Đô Lương.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 2,50 km2 (đạt tỷ lệ 17,86%).

- Quy mô dân số: 10.917 người (đạt tỷ lệ 136,46%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Tràng Sơn; Phía Nam giáp: xã Đà Sơn; Phía Đông giáp: xã Yên Sơn; Phía Tây giáp: xã Đặng Sơn, xã Lưu Sơn.

2.3. Huyện Thanh Chương: 01 đơn vị (01 xã)

2.3.1. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Thanh Tiên.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 8,93 km2 (đạt tỷ lệ 17,86%).

- Quy mô dân số: 7.323 người (đạt tỷ lệ 146,46%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 05 người (chiếm tỷ lệ 0,07%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: huyện Đô Lương (cách dòng sông Lam); Phía Đông giáp: xã Đại Đồng; Phía Nam giáp: xã Thanh Lĩnh và xã Thanh Hương; Phía Tây giáp: xã Thanh Liên.

2.4. Huyện Diễn Châu: 08 đơn vị (08 xã)

2.4.1. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Diễn Hồng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,83 km2 (đạt tỷ lệ 19,43%).

- Quy mô dân số: 13.234 người (đạt tỷ lệ 165,43%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Yên; Phía Nam giáp: xã Diễn Kỷ và xã Diễn Tháp; Phía Đông giáp: xã Diễn Phong và xã Diễn Vạn; Phía Tây giáp: xã Diễn Tháp và xã Đô Thành, huyện Yên Thành.

2.4.2. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Diễn Mỹ.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,87 km2 (đạt tỷ lệ 16,23%).

- Quy mô dân số: 7.618 người (đạt tỷ lệ 95.23%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Hoàng; Phía Nam giáp: xã Diễn Phong và xã Diễn Hải; Phía Đông giáp: xã Diễn Hải và xã Diễn Hùng; Phía Tây giáp: xã Diễn Yên.

2.4.3. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Diễn Phong.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,19 km2 (đạt tỷ lệ 13,97%).

- Quy mô dân số: 5.464 người (đạt tỷ lệ 68,30%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Yên; Phía Nam giáp: xã Diễn Vạn; Phía Đông giáp: Diễn Mỹ và xã Diễn Hải; Phía Tây giáp: xã Diễn Hồng.

2.4.4. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Diễn Vạn.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,64 km2 (đạt tỷ lệ 15,47%).

- Quy mô dân số: 8.895 người (đạt tỷ lệ 111,19%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Phong; Phía Nam giáp: xã Diễn Bích; Phía Đông giáp: xã Diễn Kim; Phía Tây giáp: xã Diễn Hồng và xã Diễn Kỷ.

2.4.5. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Diễn Đồng.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,23 km2 (đạt tỷ lệ 17,43%).

- Quy mô dân số: 6.330 người (đạt tỷ lệ 79,13%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Liên; Phía Nam giáp: xã Diễn Nguyên và xã Diễn Quảng; Phía Đông giáp: xã Diễn Xuân và xã Diễn Hạnh; Phía Tây giáp: xã Diễn Thái.

2.4.6. Tên đơn vị hành chính thực không hiện sắp xếp: Xã Diễn Hoa.

-. Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,53 km2 (đạt tỷ lệ 15,10%).

- Quy mô dân số: 5.700 người (đạt tỷ lệ 71,25%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Kỷ; Phía Nam giáp: xã Diễn Phúc và xã Diễn Thành; Phía Đông giáp: xã Diễn Ngọc và xã Diễn Thành; Phía Tây giáp: xã Diễn Hạnh.

2.4.7. Tên đơn vị hành chính thực không hiện sắp xếp: Xã Diễn Phúc.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 4,71 km2 (đạt tỷ lệ 15,70%).

- Quy mô dân số: 5.337 người (đạt tỷ lệ 66,71%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính không liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Quảng, xã Diễn Hạnh, xã Diễn Hoa và xã Diễn Thành; Phía Nam giáp: xã Diễn Tân; Phía Đông giáp: xã Diễn Thành; Phía Tây giáp: xã Diễn Cát.

2.4.8. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Xã Diễn Tân.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,04 km2 (đạt tỷ lệ 16,80%).

- Quy mô dân số: 8.782 người (đạt tỷ lệ 109,78%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Phúc; Phía Nam giáp: xã Diễn Thọ và xã Diễn Lộc; Phía Đông giáp: xã Diễn Thịnh; Phía Tây giáp: xã Diễn Cát.

2.5. Huyện Kỳ Sơn: 01 đơn vị (01 thị trấn).

2.5.1. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: Thị trấn Mường Xén.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 1,74 km2 (đạt tỷ lệ 12,43%).

- Quy mô dân số: 2.834 người (đạt tỷ lệ 70,85%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 828 người (chiếm tỷ lệ 29,23%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Phà Đánh; Phía Nam giáp: xã Tà Cạ; Phía Đông giáp xã Hữu Kiệm; Phía Tây giáp: xã Tà Cạ.

2.6. Huyện Nghi Lộc: 01 đơn vị (gồm 01 xã).

2.6.1. Tên đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp: XãNghi Tiến.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 10,61 km2 (đạt tỷ lệ 35,37%).

- Quy mô dân số: 4.682 người (đạt tỷ lệ 58,53%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: biển Đông; Phía Nam giáp: xã Nghi Quang; Phía Đông giáp: Nghi Thiết; Phía Tây giáp: xã Nghi Yên.

3. Hiện trạng đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính khi thực hiện phương án sắp xếp: 27 đơn vị (24 xã, 01 phường, 02 thị trấn).

3.1. Thành phố Vinh: 02 đơn vị (01 phường).

3.1.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Phường Vinh Tân.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 5,04 km2 (đạt tỷ lệ 91,64%).

- Quy mô dân số: 19.570 người (đạt tỷ lệ 279,57%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: phường Hồng Sơn (cũ), phường Cửa Nam; Phía Nam giáp: xã Hưng Lợi, xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên); Phía Đông giáp: phường Trung Đô; Phía Tây giáp: xã Hưng Chính.

3.2. Huyện Đô Lương: 01 đơn vị (01 xã).

3.2.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã  Lam Sơn.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 19,04 km2 (đạt tỷ lệ 38,08%).

- Quy mô dân số: 6.786 người (đạt tỷ lệ 135,72%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 10 người (chiếm tỷ lệ 0,15%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

-Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Giang Sơn Tây; Phía Nam giáp: xã Bắc Sơn (qua sông Lam); Phía Đông giáp: xã Bồi Sơn; Phía Tây giáp: xã Ngọc Sơn.

3.3. Huyện Tân Kỳ: 02 đơn vị (02 xã).

3.3.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nghĩa Bình.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 41,72 km2 (đạt tỷ lệ 83,44%).

- Quy mô dân số: 7.044 người (đạt tỷ lệ 140,88%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 336 người (chiếm tỷ lệ 4,77%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn); Phía Nam giáp: xã Nghĩa Hợp và giáp huyện Yên Thành; Phía Đông giáp: huyện Quỳnh Lưu, huyện Yên Thành; Phía Tây giáp: xã Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng và xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) .

3.3.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nghĩa Hoàn.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 11,30 km2 (đạt tỷ lệ 22,60%).

- Quy mô dân số: 7.796 người (đạt tỷ lệ 155,95%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 1.931 người (chiếm tỷ lệ 24,78%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Tân Phú; Phía Nam giáp: xã Tân Long; Phía Đông giáp: xã Nghĩa Thái và xã Nghĩa Dũng; Phía Tây giáp: xã Giai Xuân.

3.4. Huyện Nghĩa Đàn: 02 đơn vị (02 xã).

3.4.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nghĩa Thọ.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 23,08 km2 (đạt tỷ lệ 46,16%).

- Quy mô dân số: 3.553 người (đạt tỷ lệ 284,24%). Tiêu chuẩn dân số 1.250 người

- Số người là dân tộc thiểu số: 3.012 người (chiếm tỷ lệ 84,79%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Lợi; Phía Nam giáp: xã Nghĩa Phú, xã Nghĩa Hội; Phía Đông: giáp xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu) xã Thanh Tân (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa); Phía Tây giáp: xã Nghĩa Phú.

3.4.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nghĩa Hưng.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 17,33 km2 (đạt tỷ lệ 34,66%).

- Quy mô dân số: 6.962 người (đạt tỷ lệ 139,24%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 1.157 người (chiếm tỷ lệ 16,62%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghĩa Mai; Phía Nam giáp: xã Nghĩa Thành, xã Nghĩa Hiếu; Phía Đông giáp: xã Nghĩa Thịnh; Phía Tây giáp: xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp).

3.5. Huyện Quỳnh Lưu: 03 đơn vị (02 xã, 01 thị trấn).

3.5.1.Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Quỳnh Thuận

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 6,77 km2 (đạt tỷ lệ 22,57%).

- Quy mô dân số: 6.431 người (đạt tỷ lệ 80,39%).

- Dân số là người dân tộc: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã An Hòa; Phía Nam giáp biển Đông và xã Quỳnh Long; Phía Đông giáp: xã Tiến Thủy; Phía Tây giáp: xã Sơn Hải;

3.5.2.Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Quỳnh Nghĩa

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 7,21 km2 (đạt tỷ lệ 24,03%).

- Quy mô dân số: 9.546 người (đạt tỷ lệ 119,33%).

- Dân số là người dân tộc: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Minh; Phía Nam giáp: biển Đông và xã Tiến Thủy; Phía Đông giáp: biển Đông; Phía Tây giáp: xã An Hòa;

3.5.3.Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Thị trấn Cầu Giát

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 2,89 km2 (đạt tỷ lệ 20,64%).

- Quy mô dân số: 11.655 người (đạt tỷ lệ 145,69%).

- Dân số là người dân tộc: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Quỳnh Hoa; Phía Nam giáp: Quỳnh Giang; Phía Đông giáp: Quỳnh Hồng; Phía Tây giáp: cácxã Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ;

3.6. Huyện Con Cuông: 02 đơn vị (02 xã).

3.6.1.Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Bồng Khê

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 27,56 km2 (đạt tỷ lệ 55,12%).

- Quy mô dân số: 6.790 người (đạt tỷ lệ 135,80%).

- Dân số là người dân tộc: 1.868 người (chiếm tỷ lệ 27,51%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chinh liền kề: Phía Bắc giáp: xã Mậu Đức, xã Đôn Phục; Phía Nam giáp: xã Yên Khê; Phía Đông giáp: huyện Anh Sơn; Phía Tây giáp: Thị trấn Con Cuông và giáp xã Chi Khê;

3.6.2.Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Chi Khê

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 73,58 km2 (đạt tỷ lệ 147,16%).

- Quy mô dân số: 6.980 người (đạt tỷ lệ 398,86%). Tiêu chuẩn dân số 1.750 người.

- Dân số là người dân tộc: 4.467 người (đạt tỷ lệ 63,99%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Đôn Phục, Cam Lâm; Phía Nam giáp: xã Yên Khê; Phía Đông giáp: xã Bồng Khê và thị trấn Con Cuông (Thị trấn Trà Lân dự kiến hình thành sau sắp xếp); Phía Tây giáp: xã Châu Khê;

3.7. Huyện Thanh Chương: 04 đơn vị (03 xã, 01 thị trấn).

3.7.1.Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Thanh Nho

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 20,27 km2 (đạt tỷ lệ 40,54%).

- Quy mô dân số: 4.845 người (đạt tỷ lệ 96,90%).

- Dân số là người dân tộc: 14 người (chiếm tỷ lệ 0,30%).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chinh liền kề Phía Bắc giáp: xã Cao sơn, Lĩnh sơn, (huyện Anh Sơn); Phía Nam giáp: xã Thanh Mỹ (cách sông Giăng); Phía Đông giáp: xã Thanh Hòa; Phía Tây giáp: xã Thanh Đức.

3.7.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Võ Liệt.

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 16,33 km2 (đạt tỷ lệ 32,66%).

- Quy mô dân số: 10.595 người (đạt tỷ lệ 211,90%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thanh Chi và xã Thanh Khê; Phía Nam giáp: xã Thanh Long và xã Thanh Hà; Phía Đông giáp: xã Ngọc Sơn ; Phía Tây giáp: xã Thanh Thuỷ;

3.7.3. Tên đơn vị hành chính liền kề: Thị trấn Thanh Chương.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng

- Diện tích tự nhiên: 6,54 km2 (đạt tỷ lệ 46,71%).

- Quy mô dân số: 11.374 người (đạt tỷ lệ 142,18%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thanh Đồng; Phía Nam giáp: xã Đồng Văn; Phía Đông giáp: xã Thanh Ngọc; Phía Tây giáp xã: Thanh Lĩnh;

3.7.4. Tên đơn vị hành chính liền kề: Xã Thanh Mai.

- Thuộc khu vực: Miên núi

- Diện tích tự nhiên: 44,78 km2 (đạt tỷ lệ 89,56%).

- Quy mô dân số: 7.270 người (đạt tỷ lệ 145,40%).

- Số người là dân tộc thiểu số: 30 người (chiếm tỷ lệ 0,42)

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thanh Giang; Phía Nam giáp: tỉnh Hà Tĩnh; Phía Đông giáp: xã Xuân; Phía Tây giáp xã: Thanh Tùng, Thanh Hà;

3.8. Huyện Diễn Châu: 01 đơn vị (01 xã)

3.8.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Diễn Thành.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 6,50 km2 (tỷ lệ 21,67%).

- Quy mô dân số: 14.137 người (đạt tỷ lệ 176,71%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Diễn Ngọc, xã Diễn Kim và xã Diễn Hoa; Phía Nam giáp: xã Diễn Thịnh; Phía Đông giáp: biển Đông; Phía Tây giáp: xã Diễn Hoa và xã Diễn Phúc.

3.9. Huyện Nam Đàn: 02 đơn vị (02 xã)

3.9.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nam Thái

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

-. Diện tích tự nhiên: 11,66 km2 (đạt tỷ lệ 23,32%)

- Quy mô dân số: 4.468 người (đạt tỷ lệ 89,36%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nam Nghĩa và xã Nam Hưng; Phía Nam giáp: xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương); Phía Đông giáp: Thị trấn Nam Đàn; Phía Tây giáp: xã Thanh Khai, xã Thanh Lương (huyện Thanh Chương).

3.9.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Xuân Lâm

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 9,35 km2 (đạt tỷ lệ 31,17%)

- Quy mô dân số: 9.057 người (đạt tỷ lệ 113,21%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Kim Liên; Phía Nam giáp: xã Khánh Sơn; Phía Đông giáp: xã xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên); Phía Tây giáp: xã Hồng Long và xã Hùng Tiến.

3.10. Huyện Yên Thành: 06 đơn vị (06 xã)

3.10.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Công Thành

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 12,48 km2 (đạt tỷ lệ 41,60%)

- Quy mô dân số: 13.143 người (đạt tỷ lệ 164,29%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Liên Thành; Phía Nam giáp: xã Bảo Thành, huyện Yên Thành và xã Thượng Sơn, (huyện Đô Lương); Phía Đông giáp: xã Khánh Thành, Bảo Thành; Phía Tây giáp: xã Mỹ Thành.

3.10.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Minh Thành

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 24,57 km2 (đạt tỷ lệ 49,14%)

- Quy mô dân số: 6.334 người (đạt tỷ lệ 126,68%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Thịnh Thành; Phía Nam giáp: xã Đại Thành; Phía Đông giáp: xã Lý Thành; Phía Tây giáp: xã Bài Sơn (huyện Đô Lương).

3.10.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Liên Thành

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 7,76 km2 (đạt tỷ lệ 25,87%)

- Quy mô dân số: 8.080 người (đạt tỷ lệ 101,00%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nam Thành; Phía Nam giáp: xã Công Thành; Phía Đông giáp: xã Khánh Thành; Phía Tây giáp: xã Lý Thành, Mỹ Thành.

3.10.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Phú Thành

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 6,64 km2 (đạt tỷ lệ 22,13%)

- Quy mô dân số: 8.378 người (đạt tỷ lệ 104,73%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hồng Thành; Phía Nam giáp: xã Văn Thành, Hợp Thành; Phía Đông giáp: xã Diễn Thái, Diễn Liên, huyện Diễn Châu; Phía Tây giáp: xã Lăng Thành.

3.10.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nhân Thành

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 9,43 km2 (đạt tỷ lệ 31,43%)

- Quy mô dân số: 9.844 người (đạt tỷ lệ 123,05%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Hợp Thành, Hoa Thành; Phía Nam giáp: xã Long Thành, Vĩnh Thành; Phía Đông giáp: xã Diễn Thái, Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu; Phía Tây giáp: xã Tăng Thành, Thị trấn Yên Thành.

3.10.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Hùng Thành

- Thuộc khu vực: Miền núi, vùng cao.

- Diện tích tự nhiên: 15,75 km2 (đạt tỷ lệ 31,50%)

- Quy mô dân số: 6.968 người (đạt tỷ lệ 139,36%)

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Lăng Thành; Phía Nam giáp: xã Phúc Thành; Phía Đông giáp: xã Hậu Thành; Phía Tây giáp: xã Kim Thành, Phúc Thành.

3.11. Huyện Nghi Lộc: 02 đơn vị (02 xã)

- Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nghi Diên.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng.

- Diện tích tự nhiên: 6,86 km2 (đạt tỷ lệ 22,87%).

- Quy mô dân số: 9.785 người (đạt tỷ lệ 122,31%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: xã Nghi Hoa; Phía Nam giáp: xã Nghi Vạn, Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên); Phía Tây giáp: xã Hưng Trung, Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên) và phía Đông giáp: Thị trấn Quán Hành, Nghi Trung.

3.11.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: Xã Nghi Trường.

- Thuộc khu vực: Đồng bằng

- Diện tích tự nhiên: 8,72 km2 (đạt tỷ lệ 29,07%)

- Quy mô dân số: 6.687 người (đạt tỷ lệ 83,59%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Nghi Thịnh; Phía Nam giáp: xã Nghi Ân (thành phố Vinh); Phía Tây giáp: xã Nghi Trung; Phía Đông giáp: Nghi Thạch, Nghi Phong.

3.12. Huyện Anh Sơn 01 đơn vị (01 xã):

- Tên đơn vị hành chính thuộc diện liền kề: XãĐỉnh Sơn.

- Thuộc khu vực: Miền núi.

- Diện tích tự nhiên: 23,04 km2 (đạt tỷ lệ 46,08%).

- Quy mô dân số: 8.208 người (đạt tỷ lệ 164,16%).

- Số người là dân tộc thiểu số: Không.

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: dòng Sông Lam và xã Tam Thành (mới); Phía Nam giáp: xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) và xã Cẩm Sơn; Phía Đông giáp: xã Cẩm Sơn; phía Tây giáp: xã Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ (huyện Con Cuông).

PHẦN III

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ CỦA TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2023-2025

I. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN

Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 có 01 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp:

1. Thị xã Cửa Lò (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Cửa Lò có diện tích tự nhiên 29,12 km2 (đạt tỷ lệ 14,56%), quy mô dân số: 62.961 người (đạt tỷ lệ 62,69%); 04 xã Nghi Xuân, xã Phúc Thọ, xã Nghi Thái, xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) có diện tích tự nhiên 32,14 km2, quy mô dân số: 42.642 người và thành phố Vinh có diện tích tự nhiên 104,99 km2 (đạt tỷ lệ 69,99%), quy mô dân số: 404.110 người (đạt tỷ lệ 269,41%).Lấy tênthành phố Vinh.

b) Kết quả sau khi sắp xếp thành phố Vinh:

- Diện tích tự nhiên 166,25 km2 (đạt tỷ lệ 110,83%).

- Dân số 509.713 người (đạt tỷ lệ 339,81%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: huyện Nghi Lộc; Phía Nam giáp: Tỉnh Hà Tĩnh; Phía Đông giáp: Biển Đông và tỉnh Hà Tĩnh; Phía Tây giáp: huyện Hưng Nguyên;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính thành phố Vinh: Đặt tại UBND thành phố Vinh.

- Giải trình:Thành phố Vinh có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 110,83%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 339,80%. Đạt tiêu chuẩn theo Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15. Hiện nay Nghệ An đang xây dựng “Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh” có đề án riêng.

2. Huyện Nghi Lộc còn lại sau điều chỉnh:

- Diện tích tự nhiên 313,88 km2 (đạt tỷ lệ 69,75%).

- Dân số 202.815 người (đạt tỷ lệ 169,01%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành; Phía Nam giáp: Thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn; Phía Đông giáp: Biển Đông và thành phố Vinh (mới); Phía Tây giáp: Huyện Đô Lương;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính huyện Nghi Lộc: Đặt tại UBND huyện Nghi Lộc.

- Giải trình:Huyện Nghi Lộc có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 69,75%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 169,01%. Diện tích tiệm cận đạt tiêu chuẩn theo Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, xin áp dụng yếu tố đặc thù.

- Thực hiện Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050; với tính chất và chức năng đô thị thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An;đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ; là đô thị loại I, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Ngày 12/06/2020, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 827/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị với quan điểm phát triển thành phố Vinh đặt trong mối quan hệ tổng thể, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và giữ vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển thành phố Vinh bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã phụ cận thuộc Hưng Nguyên, Nghi Lộc trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh. Với mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 52/QĐ-TTg và Quyết định số 827/QĐ-TTg việc mở rộng thành phố Vinh là phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.

- So với quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH 15, diện tích huyện Nghi Lộc sau khi điều chỉnh, diện tích còn thiếu 0,25% so với tiêu chuẩn (tương đương 1,1 km2) so với quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH 15; tuy nhiên trên cơ sở thực tế 04 xã của huyện Nghi Lộc (Nghi Xuân, xã Phúc Thọ, xã Nghi Thái, xã Nghi Phong) là điểm kết nối giữa thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò; nếu giảm đơn vị cấp xã hoặc thay thế đơn vị hành chính khác của huyện Nghi Lộc để sắp xếp vào thành phố Vinh thì không gian đô thị thành phố Vinh thì sẽ bị chia cắt về địa giới hành chính, giao thông không thuận lợi cho người dân, công tác quản lý nhà nước.

II. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

1. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC DIỆN SẮP XẾP.

1.1. Thành phố Vinh:

1.1.1. Phường Hồng Sơn (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hồng Sơn có diện tích tự nhiên là 0,50 km2 (đạt tỷ lệ 9,09%); quy mô dân số là 8.401 người (đạt tỷ lệ 120,01%) và phường Vinh Tân có diện tích tự nhiên là 5,04 km2 (đạt tỷ lệ 91,64%); quy mô dân số là 19.570 người (đạt tỷ lệ 279,57%). Lấy tên là phường Vinh Tân.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

 Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 vềviệc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Phường Hồng Sơn đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025); việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai phường này có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, lịch sử, văn hóa có nét tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau khi sắp xếp phường Vinh Tân:

- Diện tích tự nhiên 5,54 km2 (đạt tỷ lệ 100,73%).

- Dân số 27.971 người (đạt tỷ lệ 399,59%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Cửa Nam, phường Quang Trung (mới); Phía Nam giáp: Xã Hưng Lợi, xã Hưng Thịnh, (huyện Hưng Nguyên); Phía Đông giáp: Phường Trung Đô; Phía Tây giáp: Xã Hưng Chính;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính phường Vinh Tân: Đặt tại phường Vinh Tân (hiện tại).

- Giải trình:Phường Vinh Tân có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 100,73%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 399,59%. Đạt tiêu chuẩn theo Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15.

1.1.2. Phường Quang Trung, Phường Lê Mao và Phường Đội Cung (03 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số củaPhường Quang Trungcó diện tích tự nhiên là 0,58 km2 (đạt tỷ lệ 10,55%), quy mô dân số là 10.016 người (đạt tỷ lệ 143,09%); toàn bộ diện tích tự nhiên; quy mô dân số phường Đội Cung có diện tích tự nhiên là 0,67 km2 (đạt tỷ lệ 12,18%), quy mô dân số là 10.198 người (đạt tỷ lệ 145,69%) phường Lê Mao có diện tích tự nhiên là 0,87 km2 (đạt tỷ lệ 15,82%), quy mô dân số là 13.658 người (đạt tỷ lệ 195,11%).Lấy tên là phường Quang Trung.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

 Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025;phường Quang Trung, phường Đội Cung, phường Lê Mao là 03 đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025); việcsắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 03 phường này có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, lịch sử - văn hóa có nét tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

        b) Kết quả sau khi sắp xếp phườngQuang Trung:

        - Diện tích tự nhiên 2,12km2 (đạt tỷ 38,55%).

        - Dân số 33.872người (đạt tỷ lệ 483,89%).

        - Dân số là người dân tộc thiểu số: Không.

            - Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Phường Lê Lợi; phường Hưng Bình;Phía Nam giáp: Phường Cửa Nam; phường Vinh Tân (mới);Phía Đông giáp: Phường Trường Thi; Phía Tây giáp: Phường Đông Vĩnh.

            - Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính phườngQuang Trung: Đặt tại phường Quang Trung (hiện tại).

            - Giải trình: Sau sắp xếp phường Quang Trung có diện tích tự nhiên đạt 38,54%, quy mô dân số đạt 483,88%. Đạt tiêu chuẩn theo Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15: Đã nhập 03 ĐVHC cùng cấp với nhau.

1.1.3 Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thành phố Vinh.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành phố Vinh giảm 03 ĐVHC cấp xã, còn lại 22 ĐVHC cấp xã (13 phường, 09 xã), cụ thể là: Phường Đông Vĩnh, phường Hà Huy Tập, phường Lê Lợi, phường Quán Bàu, phường Hưng Bình, phường Hưng Phúc, phường Hưng Dũng, phường Cửa Nam, phường Quang Trung, phường Trường Thi, phường Bến Thủy, phường Trung Đô, phường Vinh Tân, xã Nghi Phú, xã Hưng Đông, xã Hưng Lộc, xã Hưng Hòa, xã Nghi Liên, Nghi Ân, xã Nghi Kim, xã Nghi Đức, xã Hưng Chính.

1.2. Huyện Đô Lương:

1.2.1 Xã Ngọc Sơn (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Ngọc Sơn có diện tích tự nhiên là 4,13 km2 (đạt tỷ lệ 8,26%), quy mô dân số là 3.559 người (đạt tỷ lệ 71,18%) và xã Lam Sơn có diện tích tự nhiên là 19,04 km2 (đạt tỷ lệ 38,08%), quy mô dân số là 6.786 người (đạt tỷ lệ 135,72%). Lấy tên xã Bạch Ngọc.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; xã Ngọc Sơn đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định; việc sắp xếp xã Ngọc Sơn vào xã Lam Sơn góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Bạch Ngọc:

- Diện tích tự nhiên 23,17 km2 (đạt tỷ lệ 46,34%).

- Quy mô dân số  10.345 người (đạt tỷ lệ 206,90%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: 10 người (chiếm tỷ lệ 0,10%)

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Giang Sơn Tây; Phía Nam giáp: Xã Bắc Sơn, xã Nam Sơn (qua sông Lam) và xã Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn); Phía Đông giáp: Xã Bồi Sơn; Phía Tây giáp: Xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn).

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Bạch Ngọc: Đặt tại xã Lam Sơn (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Bạch Ngọc diện tích tự nhiên đạt 46,34%; quy mô dân số đạt 206,90%. Không tiêu chuẩn tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý: Xã Bạch Ngọc sắp xếp từ xã Ngọc Sơn và xã Lam Sơn có các ĐVHC liền kề: Phía Bắc làGiang Sơn Tây; Phía Nam giáp: xã Bắc Sơn, xã Nam Sơn, xã Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn); Phía Đông giáp: xã Bồi Sơn; Phía Tây giáp: xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn). Về phía Tây là xã Tào Sơn thì thuộc địa giới hành chính của huyện Anh Sơn. Về phía Nam là xã Bắc Sơn, xã Nam Sơn thì ngăn cách bởi sông Lam, bên cạnh đó các xã Bắc Sơn, Nam Sơn đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương tại Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày 22/12/2022. Về phía Bắc là xã Giang Sơn Tây không tương đồng về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, bên cạnh đó xã Giang Sơn Tây là xã có lộ trình sắp xếp giai đoạn 2026-2030, dự kiến sắp xếp vào xã Giang Sơn Đông, hai xã này có chung truyền thống, lịch sử, văn hóa, trước năm 2007 xã Giang Sơn Đông và xã Giang Sơn Tây là 01 xã Giang Sơn. Phía Đông là xã Bồi Sơn đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương tại Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày 22/12/2022.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên:Xã Ngọc Sơn và xã Lam Sơn có điều kiện tự nhiên tương đồng, đều là xã miền núi, nằm tiếp giáp dọc theo bờ sông Lam; cả hai xã đều có diện tích ao hồ, đất trồng rừng, đất trồng lúa, trồng hoa màu, có nguồn đất đai dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Xã Lam Sơn và xã Ngọc Sơn có yếu tố lịch sử văn hóa tương đồng, trước năm 1953 xã Lam Sơn và xã Ngọc Sơn thuộc xã Bạch Ngọc. Ngày 15/10/1953 xã Bạch Ngọc (thuộc huyện Anh Sơn) được Thủ tướng Chính phủ quyết định chia tách thành 3 xã Lam Sơn, Ngọc Sơn và Bồi Sơn. Cả 2 xã đều có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhân dân có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu. Đây cũng là vùng đất có nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng như chùa Bà Bụt, đình Nhân Trung, đình Phúc Hậu, đình Trạc Thanh, chùa Phúc Yên...

+ Yếu tố tôn giáo: Xã Lam Sơn và xã Ngọc Sơn đều có cơ sở tôn giáo, xã Lam Sơn có Chùa Bà Bụt, có khoảng hơn 100 công dân trên địa bàn là Phật tử thường xuyên sinh hoạt tại chùa; Xã Ngọc Sơn có Chùa Phúc Yên, có khoảng 30 Phật tử thường xuyên sinh hoạt tại chùa. Hoạt động phật giáo trên địa bàn 2 xã thuần túy, tuân thủ pháp luật không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Lam Sơn là xã trọng điểm Quốc phòng nếu nhập thêm xã thứ ba tiềm ẩn mất ổn định an ninh, trật tự.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Xã Ngọc Sơn và xã Lam Sơn có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng, chủ yếu là phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Ngọc Sơn  và Lam Sơn.

1.2.2 Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Đô Lương.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Đô Lương giảm 01 ĐVHC cấp xã, còn lại 32 ĐVHC (01 thị trấn, 31 xã), cụ thể là: Thị trấn Đô Lương, xã Giang Sơn Đông, xã Giang Sơn Tây, xã Hồng Sơn, xã Bài Sơn, xã Nam Sơn, xã Bồi Sơn, xã Bắc Sơn, xã Đặng Sơn, xã Lưu Sơn, xã Đà Sơn, xã Trung Sơn, xã Thuận Sơn, xã Tràng Sơn, xã Đông Sơn, xã Yên Sơn, xã Văn Sơn, xã Thịnh Sơn, xã Hoà Sơn, xã Tân Sơn, xã Minh Sơn, xã Xuân Sơn, xã Lạc Sơn, xã Thái Sơn, xã Quang Sơn, xã Thượng Sơn, xã Hiến Sơn, xã Nhân Sơn, xã Mỹ Sơn, xã Trù Sơn, xã Đại Sơn, xã Bạch Ngọc.

1.3. Huyện Tân Kỳ:

1.3.1. Xã Nghĩa Hợp(thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Hợp có diện tích tự nhiên là 13,79 km2 (đạt tỷ lệ 27,58%), quy mô dân số là 2.897 người (đạt tỷ lệ 57,94%) và xã Nghĩa Bình có diện tích tự nhiên là 41,72 km2 (đạt tỷ lệ 83,44%), quy mô dân số là 7.044 người (đạt tỷ lệ 140,88%). Lấy tên là xã Hợp Bình.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

- Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 xã Nghĩa Hợp đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70%; sắp xếp xã Nghĩa Hợp với xã Nghĩa Bình góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 02 đơn vị hành chính này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Hợp Bình:

- Diện tích tự nhiên 55,51 km2 (đạt tỷ lệ 111,02%).

- Dân số 9.941 người (đạt tỷ lệ 198,82%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: 740 người (chiếm tỷ lệ 7,44%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nghĩa Đồng, xã Nghĩa Thái và xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn), Phía Nam giáp: Xã Lăng Thành (huyện Yên Thành);Phía Đông giáp: Xã Tân Sơn (huyện Quỳnh Lưu); Phía Tây giáp: Xã Nghĩa Thái, xã Nghĩa Dũng.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Hợp Bình: Đặt tại xã Nghĩa Bình (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã Hợp Bình diện tích tự nhiên (đạt tỷ lệ 111,02%), quy mô dân số (đạt tỷ lệ 198,82%). Đạt tiêu chuẩn tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTCQH15.

1.3.2. Xã Tân Long(thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tân Long có diện tích tự nhiên là 27,64 km2(đạt tỷ lệ 55,28%), quy mô dân số là 2.666 người (đạt tỷ lệ 53,32%) và xã Nghĩa Hoàn có diện tích tự nhiên là 11,30 km2(đạt tỷ lệ 22,60%), quy mô dân số là 7.796 người (đạt tỷ lệ 155,92%). Lấy tên xã là xã Hoàn Long.

a) Cơ sở và lý do của sắp xếp đơn vị hành chính.

- Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 xã Tân Long đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% so với tiêu chuẩn sắp xếp với xã Nghĩa Hoàn đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30%, quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-20230); việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội đồng thời đảm bảo sự cân đối về quy mô giữa các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

b) Kết quả sắp xếp xã Hoàn Long:

- Diện tích tự nhiên 38,94 km2 (đạt tỷ lệ 77,88 %).

- Dân số 10.426 người (đạt tỷ lệ 209,24%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: 1.945 người (chiếm tỷ lệ 18,6%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Giai Xuân, xã Tân Phú; Phía Nam giáp: Xã Kỳ Tân; Phía Đông giáp: Xã Nghĩa Thái, xã Nghĩa Dũng; Phía Tây giáp: Xã Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phúc.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Hoàn Long: Đặt tại xã Nghĩa Hoàn (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã Hoàn Long diện tích tự nhiên đạt 77,88%; quy mô dân số đạt 209,24%; đạt tiêu chuẩn tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15: Sau sắp xếp diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn, tiêu chuẩn còn lại phải đạt từ 70% trở lên.

+ Yếu tố vị trí địa lý: Phía Đông giáp Sông Con và xã Kỳ Tân; Phía Nam giáp xã Nghĩa Phúc; Phía Tây giáp xã Giai Xuân; phía Bắc giáp xã Tân Phú, điểm khởi đầu của 02 xã Tân Long, Nghĩa Hoàn có tọa độ X = 2111 198; Y = 555 434 nằm chung trên trục đường Quốc lộ 48E, có huyết mạch đường giao thông nối liền, sắp xếp hai xã này sẽ thuận lợi cho việc giao thương với các xã lân cận. Tuy nhiên, xét điều kiện thực tế không sáp nhập thêm các xã Nghĩa Phúc, Kỳ Tân, Giai Xuân, Tân Phú vào xã Hoàn Long với lý do: Xã Hoàn Long và xã Kỳ Tân được chia cách bởi dòng Sông Con nếu nhập xã Kỳ Tân về vị trí địa lý, đường giao thông đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn, người dân khi muốn làm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính để đến được trụ sở làm việc của UBND xã mất khoảng 30 cây số, chính vì điều đó không thuận lợi trong công tác quản lý hành chính; Nếu nhập xã Hoàn Long vào xã Nghĩa Phúc hoặc Giai Xuân sẽ có diện tích và quy mô quá lớn gây khó khăn trong công tác quản lý (Xã Nghĩa Phúc, đơn vị hành chính Loại I có diện tích tự nhiên 34,57 km2; xã Giai Xuân đơn vị hành chính Loại I có diện tích tự nhiên 53,91 km2). Đối với xã Tân Phú hiện nay đang trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị Loại V giai đoạn 2023-2030 nên không sắp xếp thêm vào xã Hoàn Long.

+ Yếu tố về điều kiện tự nhiên: Chạy dài theo phía Nam hai xã Tân Long, Xã Nghĩa Hoàn là dãy Lèn Rỏi, Phía Đông giáp sông Con, bà con nhân dân chủ yếu sản xuất về Nông nghiệp trên các bãi bồi ven Sông với diện tích khoảng hơn 90 hecta. Với địa hình kiểu “Tựa Sơn, vọng thủy” nhập thêm đơn vị thứ 3 sẽ rất khó khăn trong việc quản lý cũng như đường giao thông đi lại.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Xã Tân Long và xã Nghĩa Hoàn có lịch sử hình thành lâu đời, nhân dân 02 xã có nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử tương đồng mang đặc trưng riêng, ít pha trộn với các xã lân cận.

+ Yếu tố dân tộc: Địa bàn hai xã Tân Long và Nghĩa Hoàn có số lượng người đồng bào người dân tộc Thổ đang sinh sống khá đông (1.576 người dân tộc thiểu số) có tập tục văn hóa, lối sống riêng, sinh hoạt khác biệc với một số xã lân cận.

+ Yếu tố tôn giáo. Giáo họ Việt Tiến nằm trên địa bàn xã Nghĩa Hoàn các giáo dân tham gia sinh hoạt tôn giáo chủ yếu ở 02 xã Tân Long và xã Nghĩa Hoàn nếu nhập thêm đơn vị thứ 3 các xã không có đồng bào công giáo sinh sống sẽ khó khăn trong việc sinh hoạt cộng đồng chung tại địa phương.

+ Yếu tố Quốc phòng an ninh: Xã Tân Long là xã trọng điểm Quốc phòng, nếu sắp xếp thêm xã thứ 3 sẽ ảnh Quốc phòng – An ninh trên địa bàn.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Sắp xếp hai đơn vị xã Tân Long với xã Nghĩa Hoàn phát huy được tiềm năng, lợi thế mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế của huyện và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Tân Long và Nghĩa Hoàn.

1.3.3. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Tân Kỳ.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Tân Kỳ giảm 02 ĐVHC cấp xã, còn lại 20 ĐVHC (01 thị trấn, 19 xã), cụ thể là: Thị trấn Tân Kỳ, xã Kỳ Tân, xã Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Đồng, xã Nghĩa Thái, xã Tân Xuân, xã Tân Phú, xã Giai Xuân, xã Tân Hợp, xã Tân An, xã Nghĩa Phúc, xã Đồng Văn, xã Tiên Kỳ, xã Phú Sơn, xã Hương Sơn, xã Nghĩa Hành, xã Tân Hương, xã Kỳ Sơn, xã Hợp Bình, xã Hoàn Long.

1.4. Huyện Nghĩa Đàn:

1.4.1. Xã Nghĩa Phú (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Phú có diện tích tự nhiên là 14,16 km2 (đạt tỷ lệ 28,32%), quy mô dân số là 2.824 người (đạt tỷ lệ 56,48%) và xã Nghĩa Thọ có diện tích tự nhiên là 23,08 km2 (đạt tỷ lệ 46,16%), quy mô dân số là 3.553 người (đạt tỷ lệ 284,24% đã tính yếu tố đặc thù về đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 27: dân số quy định là đồng bào dân tộc 84,79% do vậy tiêu chuẩn dân số 1.250 người).Lấy tên là xã Nghĩa Thọ.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Xã Nghĩa Phú đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn sắp xếp với xã Nghĩa Thọ (đơn vị liền kề); việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 02 xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Nghĩa Thọ:

- Diện tích tự nhiên: 37,24 km2 (đạt tỷ lệ 74,48%).

- Quy mô dân số: 6.377 người (đạt tỷ lệ 283,42%). Tiêu chuẩn dân số 2.250 người).

- Sdân là người dân tộc thiểu số: 3.118 người (chiếm tỷ lệ 48,89%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nghĩa Lợi, xã Thanh Tân (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa); Phía Nam giáp: Xã Nghĩa Hội, xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu); Phía Đông giáp: Xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu); Phía Tây giáp: Xã Nghĩa Hội, xã Nghĩa Lợi.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Nghĩa Thọ: Đặt tại trụ sở xã Nghĩa Phú (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Nghĩa Thọ có diện tích tự nhiên đạt 74,48%,quy mô dân số 283,42%đạt tiêu chuẩn tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTCQH15: Sau sắp xếp diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn, tiêu chuẩn còn lại phải đạt từ 70% trở lên.

+ Yếu tố vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Nghĩa Lợi, xã Thanh Tân (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Phía Nam giáp xã Nghĩa Hội, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Phía Đông giáp xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Phía Tây giáp xã Nghĩa Hội, xã Nghĩa Lợi.Xét điều kiện thực tế, không sáp nhập thêm xã liền kề (Nghĩa Hội hoặc Nghĩa Lợi) vào xã Nghĩa Thọ với những lý do:Xã Nghĩa Hội và Nghĩa Lợi đều là xã trọng điểm về quốc phòng được công nhận tại Quyết định số 2414/QĐ-BQP ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.Xã Nghĩa Hội là xã loại I, có diện tích 29,75 km2, dân số 9.917 người nếu sáp nhập vào xã Nghĩa Thọ sẽ có diện tích và quy mô dân số quá lớn khó khăn trong công tác quản lý.Đối với xã Nghĩa Lợi, mặc dù có đường địa giới hành chính tiếp giáp với xã Nghĩa Thọ, tuy vậy địa hình bị chia cắt, có 01 xóm (Tân Thai) nằm giữa xã Nghĩa Bình, 02 xóm ngăn cách bởi đồi núi (Hưng Thịnh, Thái Thịnh), không có đường giao thông kết nối trực tiếp đến UBND xã, người dân phải đi theo đường vòng qua núi, khoảng cách từ xóm Phú Tiến (xã Nghĩa Thọ) đến xóm Lung Thượng (xã Nghĩa Lợi) trên 12km.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên:Xã Nghĩa Thọ là xã miền núi, cách trung tâm huyện Nghĩa Đàn hơn 10 km về phía Đông Bắc, diện tích tự nhiên 37,24 km2, với kiểu địa hình bán sơn địa, khá chia cắt, khoảng cách từ Đông sang Tây 8 km, từ Bắc xuống Nam 10 km, trải dài khó tổ chức giao thông, đi lại.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa:Xã Nghĩa Thọ được thành lập năm 1953 trên cơ sở tách ra từ xã Mai Thọ (xã Mai Thọ thành lập năm 1947 thuộc Liên khu VI cũ); nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người thổ, thái (cồng, chiêng, khắc luống, múa xòe, nhảy sạp, ném còn…), mang đặc trưng riêng, ít pha trộn với các xã lân cận.

+ Yếu tố dân tộc:Sau sắp xếp số dân là người dân tộc 3.118 người chiếm tỷ lệ 48,89%, gần một nửa dân số của xã (chủ yếu là người thái, thổ). Đồng bào các dân tộc có tập tục văn hóa, lối sống, sinh hoạt khác biệt so với người dân xã Nghĩa Lợi (chủ yếu người kinh), xã Nghĩa Hội (chủ yếu là người công giáo), nếu sắp xếp với một trong hai xã trên sẽ khó khăn trong công tác quản lý.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Nghĩa Thọ tiếp giáp với huyện Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa về phía Bắc, huyện Quỳnh Lưu về phía Nam, xã Nghĩa Lợi, xã Nghĩa Hội về phía Tây(02 xã trọng điểm về quốc phòng). Do vậy, xã Nghĩa Thọ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về quốc phòng, an ninh.

+ Yếu tố phát triển: Sau sắp xếp xã Nghĩa Thọ có đầy đủ các yếu tố về thổ nhưỡng, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Nghĩa Phú và Nghĩa Thọ.

1.4.2. Xã Nghĩa Hiếu và xã Nghĩa Thịnh (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghĩa Hiếu có diện tích tự nhiên là 17,17 km2 (đạt tỷ lệ 34,34%), quy mô dân số là 3.324 người (đạt tỷ lệ 64,68%);toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Nghĩa Thịnh có diện tích tự nhiên là 8,84 km2 (đạt tỷ lệ 17,68%), quy mô dân số là 4.758 người (đạt tỷ lệ 211,47%; có 2.158 người đồng bào dân tộc tỷ lệ 45,35%; quy định dân số 2250 người) và xã Nghĩa Hưng có diện tích tự nhiên là 17,33 km2 (đạt tỷ lệ 34,66%); quy mô dân số là 6.962 người (đạt tỷ lệ 139,24%).Lấy tên là xã Nghĩa Hưng.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Xã Nghĩa Hiếu đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% so với tiêu chuẩn, xã Nghĩa Thịnh đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn, sắp xếp với xã Nghĩa Hưng (đơn vị liền kề) có diện tích tự nhiên 34,66% so với tiêu chuẩn và dân số 139,24% so với tiêu chuẩn; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 03 ĐVHC này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Nghĩa Hưng:

- Diện tích tự nhiên: 43,34 km2 (đạt tỷ lệ 86,68%).

- Quy mô dân số: 15.044 người (đạt tỷ lệ 300,88%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: 3.417 người (chiếm tỷ lệ 22,71%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nghĩa Mai; Phía Nam giáp: Xã Nghĩa Đức, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa); Phía Đông giáp: Xã Nghĩa Thành, xã Nghĩa Hồng;Phía Tây giáp: Xã Nghĩa Xuân, xã Minh Hợp, xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp).

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Nghĩa Hưng: Đặt tại xã Nghĩa Hưng (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã Nghĩa Hưng có diện tích tự nhiên tỷ lệ 86,68%; quy mô dân số trên đạt tỷ lệ 300,88%. Đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15: Đã nhập 03 ĐVHC cùng cấp với nhau.

1.4.3. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Nghĩa Đàn.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Nghĩa Đàn giảm 03 ĐVHC cấp xã, còn lại 20 ĐVHC (01 thị trấn, 19 xã), cụ thể là: Thị trấn Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Mai, xã Nghĩa Yên, xã Nghĩa Lạc, xã Nghĩa Lâm, xã Nghĩa Sơn, xã Nghĩa Lợi, xã Nghĩa Bình, xã Nghĩa Minh, xã Nghĩa Hồng,  xã Nghĩa Trung, xã Nghĩa Hội, xã Nghĩa Thành, xã Nghĩa Đức, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Long, xã Nghĩa Lộc, xã Nghĩa Khánh, xã Nghĩa Thọ, xã Nghĩa Hưng.

1.5. Huyện Quỳnh Lưu:

1.5.1.Xã Quỳnh Hồng (thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quỳnh Hồng có diện tích tự nhiên là 4,68 km2 (đạt tỷ lệ 15,60%), quy mô dân số là 10.047 người (đạt tỷ lệ 125,59%); một phần thôn 1 xã Quỳnh Hưng có diện tích 0,14 km2, không có dân sống trên phần đất sắp xếp; một phần thôn 7 xã Quỳnh Bá (diện tích 0,18 km2, quy mô dân số 184 người thị trấn Cầu Giát có diện tích tự nhiên là 2,89 km2 (đạt tỷ lệ 20,64%), quy mô dân số là 11.655 người (đạt tỷ lệ 145,69%).Lấy tên là thị trấn Cầu Giát.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Quỳnh Hồng đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025;Thị trấn Cầu Giát đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩnthuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2023; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô ĐVHC, mở rộng thị trấn Cầu Giát, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển theo quy hoạch mở rộng đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp thị trấn Cầu Giát(mới):

- Diện tích tự nhiên 7,89km2 (đạt tỷ lệ 56,36%).

- Quy mô dân số: 21.886 người (đạt tỷ lệ 273,58%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Hậu; Phía Nam giáp: Xã Quỳnh Giang; Phía Đông giáp: Xã Quỳnh Bá; Phía Tây giáp: Xã Quỳnh Lâm.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính thị trấn Cầu Giát:Đặt tại xã Quỳnh Hồng (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp thị trấn Cầu Giátcó quy mô dân số trên 271,28%, diện tích tự nhiên đạt 54,07%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

Lý do nhập một phần xã Quỳnh Hưng và xã Quỳnh Bá:Nhập một phần xóm 1 xã Quỳnh Hưng (diện tích 0,14 km2, không có dân sống trên phần đất sáp nhập), một phần xóm 7 xã Quỳnh Bá (diện tích 0,18 km2, dân số 184 người). Đây là phần diện tích và dân số của xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Bá nhưng nằm trọn trong địa giới hành chính của xã Quỳnh Hồng; phần diện tích này ngăn cách với phần còn lại của xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Bá bởi Kênh Bình Sơn. Thực hiện điều chỉnh, sáp nhập phần diện tích, dân số trên vào xã Quỳnh Hồng và Cầu Giát để là phù hợp quy hoạch mở rộng đô thị Cầu Giát theo Quyết định số 1168/UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phù hợp với đường địa giới hành chính.

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên: Phía Đông giáp xã Quỳnh Bá đã thực hiện phương án sắp xếp với xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc; phía Nam giáp xã Quỳnh Giang, Quỳnh Diễn (kế hoạch sắp xếp giai đoạn 2026-2030) phía Tây giáp xã Quỳnh Lâm xã diện tích rộng, dân số đông, không thuộc diện sắp xếp và xã Quỳnh Mỹ đã thực hiện phương án sắp xếp với xã Quỳnh Hoa; phía Bắc giáp xã Quỳnh Hậu đã thực hiện phương án sắp xếp với xã Quỳnh Đôi; do đó khôngđơn vị hành chính liền kề phù hợp để sắp xếp.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo: Thị trấn Cầu Giát và xã Quỳnh Hồng là hai đơn vị liền kề, có lịch sử tương đồng (từ năm 1947-1953 cùng thuộc một đơn vị hành chính cấp xã) nhân dân có phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡngcơ bản tương đồng, sắp xếp hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

+ Yếu tố quốc phòngan ninh: Thị trấn Cầu Giát, xã Quỳnh Hồng hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Về yếu tố đặc thù khác:Việc sắp xếp xã Quỳnh Hồng và một phần Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng vào thị trấn Cầu Giát cơ bản phù hợp quy hoạch mở rộng đô thị cầu giát theo Quyết định số 1168/UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên dôi dư nhiều, đa số có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn quy định, do vậy khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách nếu sắp xếp thêm đơn vị hành chính.

Với những lý do trên UBND tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Quỳnh Hồng vào thị trấn Cầu Giát.

1.5.2. Xã Quỳnh Long (thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quỳnh Long có diện tích tự nhiên là 1,35 km2 (đạt tỷ lệ 4,50%), quy mô dân số là 10.924 người (đạt tỷ lệ 136,55%) và xã Quỳnh Thuận có diện tích tự nhiên là 6,77 km2 (đạt tỷ lệ 22,57%), quy mô dân số là 6.431 người (đạt tỷ lệ 80,39%). Lấy tên là xã Thuận Long.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Quỳnh Long đồng thời diện tích tự nhiên dưới 20%, quy mô dân số dưới 300%; xã Quỳnh Thuận đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% (thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2025-2030); việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Thuận Long:

- Diện tích tự nhiên 8,12 km2 (đạt tỷ lệ 27,07%).

- Quy mô dân số: 17.355 người (đạt tỷ lệ 216,94%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vi hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã An Hòa; Phía Nam giáp: Biển Đông; Phía Đông giáp: Xã Tiến Thủy; Phía Tây giáp: Xã Sơn Hải.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Thuận Long: Đặt tại xã Quỳnh Thuận (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Thuận Long có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 27,07%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 216,94%. Không đạt theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên:Xã Thuận Long (mới) phía Nam giáp biển Đông; phía Bắc tiếp giáp với xã An Hòa (dự kiến phương án sẽ sắp xếp với xã Quỳnh Yên giai đoạn 2025-2030); phía Đông giáp với xã Tiến Thủy (phương án sắp xếp với xã Quỳnh Nghĩa, đồng thời ngăn cách bởi cửa Lạch Quèn); Phía Tây giáp xã Sơn Hải (phương án sắp xếp với xã Quỳnh Thọ). Do đó không có đơn vị hành chính phù hợp để sắp xếp cho đủ tiêu chuẩn.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo: Xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Long là hai xã liền kề, có lịch sử tương đồng (từ năm 1945 hai xã là một đơn vị hành chính, có tên gọi Ngọc Long) nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh - xã hội cơ bản tương đồng; sắp xếp hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, trên địa bàn xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận có hai chùa Phật giáo, không có đạo Công giáo, trong khi các xã liền kề có các giáo xứ, giáo họ đạo Công giáo, do đó không tương đồng về mặt tôn giáo, nếu sắp xếp thêm đơn vị liền kề dễ phát sinh tình hình an ninh, chính trị, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Quỳnh Long, xã Quỳnh Thuận hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Về yếu tố đặc thù khác: Đây là các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, điều kiện tự nhiên phức tạp (xã Quỳnh Long trước khi về đích Nông thôn mới thuộc diện xã đặt biệt khó khăn) các xã này tuy diện tích nhỏ nhưng dân số đông, nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ 3 thì phải nhập xã Sơn Hải quy mô dân số lớn, địa hình trải dài rất khó cho công tác quản lý. Theo Quyết định số 1168/UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Long nằm trong vùng quy hoạch đô thị biển, xét về tiêu chí đô thị, sau khi sắp xếp, diện tích đạt 58%, dân số đạt 216% quy định, nếu sáp nhập thêm đơn vị thứ 3 thì quy mô dân số lớn, địa hình trải dài rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; đồng thời, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên nhiều người có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn, do vậy sẽ dôi dư rất nhiều, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Quỳnh Long vào Quỳnh Thuận.

1.5.3. Xã Sơn Hải với xã Quỳnh Thọ (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Sơn Hải có diện tích tự nhiên là 2,33 km2 (đạt tỷ lệ 7,77%), quy mô dân số là 14.909 người (đạt tỷ lệ 186,36%) và xã Quỳnh Thọ có diện tích tự nhiên là 4,76 km2 (đạt tỷ lệ 15,87%), quy mô dân số là 6.276 người (đạt tỷ lệ 78.45%).Lấy tên là xã Hải Thọ.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; xã Sơn Hải đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300%; xã Quỳnh Thọ đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300%, hai đơn vị này thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Hải Thọ:

- Diện tích tự nhiên 7,09 km2 (đạt tỷ lệ 23,63%).

- Quy mô dân số: 21.185 người (đạt tỷ lệ 264,81%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Hưng; Phía Nam giáp: Biển Đông;Phía Đông giáp: Xã Thuận Long (mới), Phía Tây giáp: Xã Quỳnh Diễn.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Hải Thọ: Đặt tại xã Sơn Hải (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Hải Thọ có quy mô dân số 264,81%, diện tích tự nhiên đạt 23,63%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên:Hải Thọ phía Đông giáp biển Đông; phía Bắc giáp với các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc hai xã đã xây dựng phương án sắp xếp. Xã Quỳnh Bá và xã An Hòa (không thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025, kế hoạch sẽ sắp xếp với xã Quỳnh Yên giai đoạn 2025-2030); phía Đông giáp với xã Quỳnh Thuận phương án sắp xếp với xã Quỳnh Long; phía Tây giáp xã Diễn Hoàng (huyện Diễn Châu) và xã Quỳnh Diễn không thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025, kế hoạch sắp xếp với xã Quỳnh Giang giai đoạn 2026-2030, vì vậy không phù hợp để sắp xếp thêm xã thứ ba.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo: Xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ là hai xã liền kề, có cùng lịch sử tương đồng (từ năm 1947 hai xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ là một xã, có tên gọi Văn Hải) nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản tương đồng, sắp xếp hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, trên địa bàn xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ có các xứ Công giáo, trong khi các xã liền kề phía Đông xã Quỳnh Thuận chỉ có Chùa đạo Phật (khác biệt về tôn giáo), các xã liền kề khác xã Quỳnh Ngọc, An Hòa có giáo dân nhiều, dân số đông, diện tích rộng, nếu sắp xếp dễ phát sinh tình hình an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Bên cạnh đó lịch sử, từ năm 1954 xã Sơn Hải bao gồm hai xã là Quỳnh Hải và Quỳnh Sơn, đến năm 1969 mới sáp nhập thành xã Sơn Hải. Như vậy xét về yếu tố lịch sử, các xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ đã bao gồm địa giới hành chính của ba đơn vị hành chính cấp xã.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Sơn Hải, xã Quỳnh Thọ hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Về yếu tố đặc thù khác: Xã Sơn Hải đã được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 04/02/2013 của UBND tỉnh và phê duyệt quy hoạch là đô thị loại V theo Quyết định số 1168/UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì xã Sơn Hải nằm trong vùng quy hoạch đô thị biển, xét về tiêu chí đô thị, sau khi sắp xếp xã Sơn Hải (mới) diện tích đạt 50,64%, dân số đạt 264,81% quy định và đây là các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, điều kiện tự nhiên phức tạp, xã Quỳnh Thọ trước khi về đích Nông thôn mới thuộc diện xã xã bãi ngang ven biển đặt biệt khó khăn, nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba thì quy mô dân số đông, địa hình trải dài rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; đồng thời số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên nhiều người có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn, do vậy sẽ dôi dư rất nhiều, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ thành xã Hải Thọ.

1.5.4. Xã Tiến Thuỷ(thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Tiến Thủycó diện tích tự nhiên là 3,67 km2 (đạt tỷ lệ 12,23%), quy mô dân số là 10.762 người (đạt tỷ lệ 134,53%) và xãQuỳnh Nghĩa có diện tích tự nhiên là 7,21 km2 (đạt tỷ lệ 24,03%),quy mô dân số là 9.546 người (đạt tỷ lệ 119,33%).Lấy tên là xã Phú Nghĩa.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; xã Tiến Thuỷ đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%, quy mô dân số dưới 300%; thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; xã Quỳnh Nghĩa đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30%, quy mô dân số dưới 300%, thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2025-2030; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Phú Nghĩa:

- Diện tích tự nhiên 10,88 km2 (đạt tỷ lệ 36,27%).

- Quy mô dân số: 20.308 người (đạt tỷ lệ 253,85%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Minh; Phía Nam giáp: Biển Đông; Phía Đông giáp: Biển Đông;Phía Tây giáp: Xã An Hòa.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Phú Nghĩa: Đặt tại xã Tiến Thủy (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã PhúNghĩa có diện tích tự nhiên 36,27%, quy mô dân số 253,85%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên: Phía Đông và phía Nam giáp biển Đông; phía Tây giáp xã An Hòa, Quỳnh Yên không thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; kế hoạch sẽ sắp xếp với xã An Hoà, Quỳnh Yên giai đoạn 2026-2030); phía Bắc giáp xã Quỳnh Minh (xã trong phương án sắp xếp với xã Quỳnh Lương). Do đó, không còn xã liền kề phù hợp để sắp xếp.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo:Xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thuỷ là hai xã có lịch sử tương đồng (từ năm 1945 hai xã Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy là mộtđơn vị hành chính có tên Phú Nghĩa, nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế - xã hi cơ bản tương đồng, nhân dân hai xã chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi truồng thuỷ, hải sản, có mối liên hệ gần gũi trong nghề nghiệp cũng như quan hệ làng xã, nhập hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội.Bên cạnh đó lịch sử, từ năm 1954, xã Tiến Thuỷ bao gồm 2 xã là Quỳnh Phong và Quỳnh Tiến, đến năm 1969 mới sáp nhập thành xã Tiến Thuỷ. Như vậy xét về yếu tố lịch sử, các xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thuỷ đã bao gồm địa giới hành chính của ba đơn vị hành chính.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Quỳnh Nghĩa, xã Tiến Thủy hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Về yếu tố đặc thù khác: Theo Quyết định số 1168/UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thuỷ nằm trong vùng quy hoạch đô thị biển, xét về tiêu chí đô thị; sau khi sắp xếp xã Quỳnh Nghĩa (mới) diện tích đạt tỷ lệ 78%, dân số đạt tỷ lệ 254% quy định. Đây là các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, điều kiện tự nhiên phức tạp, nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba thì quy mô dân số lớn, địa hình trải dài rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; đồng thời số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên nhiều người có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn do vậy sẽ dôi dư rất nhiều, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thuỷ.

1.5.5. Xã Quỳnh Lương xã Quỳnh Minh (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xãQuỳnh Minh có diện tích tự nhiên là 4,06 km2 (đạt tỷ lệ 13,53%), quy mô dân số là 5.741 người (đạt tỷ lệ 71,76%) và xã Quỳnh Lương có diện tích tự nhiên là 4,78 km2 (đạt tỷ lệ 15,93%), quy mô dân số là 7.968 người (đạt tỷ lệ 99,60%).Lấy tên là xã Minh Lương.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; xã Quỳnh Minh và xã Quỳnh Lương đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số là dưới 300%, hai đơn vị đều thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Minh Lương:

- Diện tích tự nhiên 8,84 km2 (đạt tỷ lệ 29,47%).

- Quy mô dân số: 13.709 người (đạt tỷ lệ 171,36 %).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Bảng; Phía Nam giáp: Xã Phú Nghĩa (mới); Phía Đông giáp: Xã Biển Đông; Phía Tây giáp: Xã Quỳnh Yên.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Minh Lương: Đặt tại xã Quỳnh Lương (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Minh Lương có diện tích tự nhiên đạt 29,47%, quy mô dân số171,36%. Không đạt theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15); với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên: Phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp xã Quỳnh Nghĩa phương án sẽ sắp xếp với xã Tiến Thuỷ; phía Bắc giáp xã Quỳnh Bảng (là xã diện tích rộng, dân số đông, không thuộc diện sắp xếp); phía Tây giáp xã Quỳnh Yên không thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023-2025, kế hoạch sẽ sắp xếp với xã An Hoà giai đoạn 2026 - 2030 và xã Quỳnh Thanh là xã đặc thù, thuộc vùng giáo toàn tòng. Do đó việc sắp xếp với xã liền kề thứ ba là không phù hợp.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo:Xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh là hai xã liền kề, có lịch sử tương đồng (từ năm 1949 hai xã Quỳnh MinhQuỳnh Lương cùng địa giới hành chính một xã có tên Quỳnh Phú, đến năm đến 1954 mới chia tách thành đơn vị hành chính riêng) nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản tương đồng, gần gũi trong quan hệ làng xã, sắp xếp hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Về yếu tố tôn giáo, trên địa bàn hai xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương không có cơ sở tôn giáo, trong khi các xã liền kề có các xứCông giáo và chùa Phật giáo, nếu sắp xếp dễ phát sinh tình hình an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Quỳnh Lương, xã Quỳnh Minh hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Về yếu tố đặc thù khác:Đây là các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, điều kiện tự nhiên phức tạp, nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba thì địa hình trải dài, rất khó cho công tác quản lý; đồng thời số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn, do vậy sẽ dôi dư rất nhiều, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Quỳnh Minh và Quỳnh Lương.

1.5.6. Xã Quỳnh Mỹ xã Quỳnh Hoa (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xãQuỳnh Hoa có diện tích tự nhiên là 9,24 km2 (đạt tỷ lệ 18,48%), quy mô dân số là 5.857 người (đạt tỷ lệ 117,14%) và xã Quỳnh Mỹ có diện tích tự nhiên là 6,86 km2 (đạt tỷ lệ 22,87%), quy mô dân số là 5.130 người (đạt tỷ lệ  64,13%).Lấy tên là xã Hoa Mỹ.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; xã Quỳnh Hoa đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số là 300% vào xã Quỳnh Mỹ đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70%; hai đơn vị thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Hoa Mỹ:

- Diện tích tự nhiên 16,10 km2 (đạt tỷ lệ 53,67%).

- Quy mô dân số: 10.987 người (đạt tỷ lệ 137,34 %).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Văn; Phía Nam giáp: Xã Quỳnh Lâm; Phía Đông giáp: Xã Quỳnh Thạch, Đôi Hậu (mới); Phía Tây giáp: Xã Ngọc Sơn.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Hoa Mỹ (mới): Đặt tại xã Quỳnh Hoa (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Hoa Mỹ có quy mô dân số trên 137,34%, diện tích tự nhiên đạt 53,67%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên: Phía Nam giáp Quỳnh Lâm (xã trọng điểm quốc phòng); phía Tây giáp xã Ngọc Sơn (xã trọng điểm quốc phòng); phía Bắc giáp xã Quỳnh Văn (xã trọng điểm quốc phòng), các xã này có diện tích rộng, dân số đông không thuộc diện sắp xếp; phía Đông giáp xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, thị trấn Cầu Giát, ngăn cách bởi quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam, đồng thời xã Quỳnh Thạch không thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025 và trong kế hoạch sẽ sắp xếp với xã Quỳnh Văn giai đoạn 2025-2030, xã Quỳnh Hậu trong phương án sắp xếp với xã Quỳnh Đôi; thị trấn Cầu Giát phương án sắp xếp với  xã Quỳnh Hồng và một phần xã Quỳnh Bá, một phần xã Quỳnh Hưng do vậy, không còn xã liền kề phù hợp để sắp xếp.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo: Xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ là hai xã liền kề, nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản tương đồng, nhập hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

+ Về yếu tố đặc thù khác: Hai xã có địa hình phức tạp, trong đó Quỳnh Hoa là xã miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba sẽ khó khăn cho công tác quản lý; đồng thời, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn, do vậy sẽ dôi dư rất nhiều, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ.

1.5.7. Các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc (03 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quỳnh Hưng với diện tích tự nhiên là 5,60 km2, dân số là 10.958 người (bao gồm một phần diện tích tự nhiên của thôn 1 và toàn bộ diện tích tự nhiên của các thôn: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12; toàn bộ quy mô dân số của các thôn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12) và một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quỳnh Bá với diện tích tự nhiên là 3,99 km2; quy mô dân số là 5.781 người(bao gồm một phần diện tích tự nhiên của thôn 7 và toàn bộ diện tích tự nhiên của các thôn: 1, 2, 3, 4, 5, 6; một phần quy mô dân số của thôn 7 và toàn bộ quy mô dân số của các thôn 1, 2, 3, 4, 5, 6) và xã Quỳnh Ngọc có diện tích tự nhiên là 3,40 km2 (đạt tỷ lệ 11,33%); quy mô dân số là 6.414 người (đạt tỷ lệ 80,18%). Lấy tên làxã Bình Sơn.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, các xã: Quỳnh Hưng có diện tích tự nhiên là 5,74 km2 (đạt tỷ lệ 19,13%), quy mô dân số là 10.958 người (đạt tỷ lệ 136,98%), Quỳnh Bá có diện tích tự nhiên là 4,17 km2 (đạt tỷ lệ 13,90%), quy mô dân số là 5.965 người (đạt tỷ lệ 74,56%), Quỳnh Ngọc có diện tích tự nhiên là 3,40 km2, (đạt tỷ lệ 11,33%), quy mô dân số là 6.414 người (đạt tỷ lệ 80,18%), thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; ba xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp, góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị. Sắp xếp ba đơn vị hành chính đảm bảo quy định theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Bình Sơn:

- Diện tích tự nhiên 12,99 km2 (đạt tỷ lệ 43,30%).

- Quy mô dân số: 23.153 người (đạt tỷ lệ 289,41%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Hậu; Phía Nam giáp: Xã Quỳnh Thọ; Phía Đông giáp: Xã Quỳnh Yên, An Hòa; Phía Tây giáp: Xã Quỳnh Diện;

- Trụ sở làm việc của xã Bình Sơn: Đặt tại xã Quỳnh Bá (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã Bình Sơn có diện tích tự nhiên đạt 44,38%; quy mô dân số trên đạt 291,71%. Đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15:Đã nhập 03 đơn vị hành chính cùng cấp với nhau.

1.5.8.Xã QuỳnhHậu và Quỳnh Đôi (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xãQuỳnh Hậu có diện tích tự nhiên là 5,68 km2 (đạt tỷ lệ 18,93%), quy mô dân số là 8.916 người (đạt tỷ lệ 111.45%) và xã Quỳnh Đôi có diện tích tự nhiên là 4,15 km2 (đạt tỷ lệ 13,83%), quy mô dân số là 5.590 người (đạt tỷ lệ  69,88%).Lấy tên là xã Đôi Hậu.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Quỳnh Hậu đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn vào xã Quỳnh Đôi đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% so với tiêu chuẩn; hai đơn vị nàythuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Đôi Hậu:

- Diện tích tự nhiên 9,83 km2 (đạt tỷ lệ 32,77%).

- Quy mô dân số: 14.506 người (đạt tỷ lệ 181,33%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Thạch; Phía Nam giáp: Xã Bình Sơn (mới), Quỳnh Yên; Phía Đông giáp: Xã Minh Lương (mới); Phía Tây giáp: Xã Hoa Mỹ.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Quỳnh Đôi: Đặt tại xã Quỳnh Hậu (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Quỳnh Đôicó diện tích tự nhiên đạt 32,77%, quy mô dân số trên 181,33%. Không đạt theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên: Xã Đôi Hậu (mới) phía Đông giáp xã Quỳnh Lương phương án sắp xếp với Quỳnh Minh; phía Nam giáp Quỳnh Bá phương án sắp xếp với Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc và giáp xã Quỳnh Yên kế hoạch sắp xếp với xã An Hòagiai đoạn 2025-2030, thị trấn Cầu Giát phương án sắp xếp với xã Quỳnh Hồng;phía Tây giáp xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hoa phương án sắp xếp Quỳnh Mỹ với Quỳnh Hoa và bị chia cắt bởi đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A; phía Bắc giáp xã Quỳnh Thạchkế hoạch sắp xếp với xã Quỳnh Văngiai đoạn 2025-2030 và xã Quỳnh Thanh (là xã đặc thù, vùng giáo toàn tòng.

+ Về yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn giáo:Quỳnh Đôivà Quỳnh Hậu là hai xã liền kề, nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cơ bản tương đồng, sắp xếp hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Quỳnh Đôi là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Về yếu tố đặc thù khác: Quỳnh Đôi là xã có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, trên địa bàn xã có 09 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 08 di tích cấp Quốc gia, 01 di tích cấp tỉnh và là xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh (theo Quyết định số 2414/QĐ-BQP ngày 01/7/2022 của Bộ Quốc Phòng). Số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các xã trên nhiều người có tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn quy định, do vậy sẽ dôi dư rất nhiều, khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ, chính sách.

Với những lý do trên, tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi.

1.5.9. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Quỳnh Lưu.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Quỳnh Lưu giảm 09 ĐVHC cấp xã, còn lại 24 ĐVHC (01 thị trấn, 23 xã), cụ thể là: Thị trấn Cầu Giát, xã Quỳnh Thắng, xã Quỳnh Tân, xã Quỳnh Châu, xã Tân Sơn, xã Ngọc Sơn, xã Quỳnh Tam, xã Tân Thắng, xã Quỳnh Văn, xã Quỳnh Thạch, xã Quỳnh Bảng, xã Quỳnh Thanh, xã Quỳnh Lâm, xã Quỳnh Yên, xã Quỳnh Diễn, xã Quỳnh Giang, xã An Hòa, Thuận Long, xã Hải Thọ, Phú Nghĩa, Minh Lương, Hoa Mỹ, xã Bình Sơn, Đôi Hậu.

1.6. Huyện Con Cuông:

1.6.1. Thị trấn Con Cuông (thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Con Cuông có diện tích tự nhiên 1,87 km2 (đạt tỷ lệ 13,36%), quy mô dân số 5.984 người(đạt tỷ lệ 149,6%); điều chỉnh thôn Tiến Thành xã Chi Khê có diện tích tự nhiên 4,37 km2, quy mô dân số930 người và xã Bồng Khê có diện tích tự nhiên 27,56 km2(đạt tỷ lệ 55,12%); quy mô dân số 6.790 người (đạt tỷ lệ 135,80%).Lấy tên thị trấn Trà Lân.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025;thị trấn Con Cuông là đơn vị hành chính đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định, thuộc diện phải sắp xếpgiai đoạn 2023 – 2025; việc thực hiện sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển theo quy hoạch mở rộng đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp thị trấn Trà Lân:

- Diện tích tự nhiên 33,80km2(đạt tỷ lệ 241,43%)

- Quy mô dân số 13.704 người (đạt tỷ lệ 342,60%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số: 2.747 người (tỷ lệ 19,90%);

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp:Xã Tam Sơn (huyện Anh Sơn) và xã Mậu Đức; Phía Nam giáp:Xã Yên Khê; Phía Đông giáp:Xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn); Phía Tây giáp:Xã Chi Khê.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính thị trấn Trà Lân: Đặt tại xã Bồng Khê (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã thị trấn Trà Lân có diện tích tự nhiên 255,07%; quy mô dân số trên đạt 344,90%. Đạt tiêu chuẩn theo quy định Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15:

1.6.2. Xã Chi Khê sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Sau khi điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thôn Tiến Thành xã Chi Khê với diện tích tự nhiên 4,37 km2, dân số930 người để thành lập thị trấn Trà Lân xã Chi Khê còn lại:

- Diện diện tích tự nhiên 69,21 km2(đạt tỷ lệ 138,42%)

- Quy mô dân số 6.050 người (đạt tỷ lệ 403,33%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số:4.269 người (chiếm tỷ lệ 71,60%).

- Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề: Phía Bắc giáp:Xã Đôn Phục; Phía Nam giáp: Xã Yên Khê; Phía Đông giáp xã Bồng Khê và thị trấn Con Cuông (Thị trấn Trà Lân dự kiến sau sắp xếp);Phía Tây giáp:Xã Châu Khê.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Chi Khê: Đặt tại xã Chi Khê (hiện tại).

- Giải trình:Sau điều chỉnh xã Chi Khê còn lại diện tích tự nhiên 134,60%; quy mô dân số trên đạt 397,20%. Đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15:

1.6.3. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Con Cuông.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Con Cuông giảm 01 ĐVHC cấp xã, còn lại 12 ĐVHC (01 thị trấn, 11 xã), cụ thể là: Thị trấn Trà Lân, xã Bình Chuẩn, xã Lạng Khê, xã Cam Lâm, xã Thạch Ngàn, xã Đôn Phục, xã Mậu Đức, xã Châu Khê, xã Chi Khê, xã Yên Khê, xã Lục Dạ, xã Môn Sơn.

1.7. Huyện Thanh Chương:

1.7.1. Xã Thanh Lĩnh và xã Thanh Đồng (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Lĩnh có diện tích tự nhiên là 7,77 km2 (đạt tỷ lệ 15,54%), quy mô dân số là 6.919 người (đạt tỷ lệ 138,38%; toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Thanh Đồng có diện tích tự nhiên là 5,54 km2 (đạt tỷ lệ 18,47%), quy mô dân số là 5.379 người (đạt tỷ lệ 67,24%) và thị trấn Thanh Chương có diện tích tự nhiên là 6,54 km2(đạt tỷ lệ  46,71%), quy mô dân số là 11.374 người (đạt tỷ lệ 142,18%).Lấy tên thị trấn Dùng.

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Thanh Lĩnh, đồng thời có đồng thời  mô diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; Xã Thanh Đồng đồng thời có đồng thời  mô diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định. Việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b. Kết quả sau sắp xếp thị trấn Dùng:

- Diện tích tự nhiên 19,85 km2 (đạt tỷ lệ 141,79%).

- Dân số 23.672 người (đạt tỷ lệ 299,90%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp xã Thanh Tiên, Đại Đồng, Thanh Phong; Phía Nam giáp xã Thanh Thịnh, Đồng Văn; Phía Đông giáp Thanh Ngọc; Phía Tây giáp xã Thanh Hương.

- Giải trình: Sau sắp xếp thị trấn Dùng đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Điều 4; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH 15:

1.7.2. Xã Thanh Hòa (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Hoà có diện tích tự nhiên là 10,23 km2 (đạt tỷ lệ 20,46%), quy mô dân số là 2.985 người (đạt tỷ lệ 59,70%) và xã Thanh Nho có diện tích tự nhiên là 20,27 km2 (đạt tỷ lệ 40,54%), quy mô dân số là 4.845 người (đạt tỷ lệ 96.90%).Lấy tên là xã Minh Sơn.

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Thanh Hoà đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% so với quy định, thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; Xã Thanh Nho đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% so với quy định thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030. Việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

          b. Kết quả sau sắp xếp xã Minh Sơn:

          - Diện tích tự nhiên 30,50 km2 (đạt tỷ lệ 61,00%).

          - Quy mô dân số 7.830 người (đạt tỷ lệ 156,60%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Huyện Anh Sơn; Phía Nam giáp: Xã Thanh Mỹ và xã Thanh Liên; Phía Đông giáp: Xã Phong Thịnh và xã Cát Văn; Phía Tây giáp: Xã Thanh Đức và xã Hạnh Lâm;

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Minh Sơn: Đặt tại xã Thanh Nho (hiện tại).

          - Giải trình: Sau sắp xếp xã Minh Sơn có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 61,00%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 156,60%. Không đạttiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị quyết 35/2023/NQ-UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Về vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên:Phía Bắc giáp huyện Anh Sơn; Phía Đông giáp xã Phong Thịnh, xã có dân số đông, thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030; Phía Tây giáp 2 xã biên giới Thanh Đức và Hạnh Lâm; Phía Nam giáp xã Thanh Mỹ, là xã diện tích rộng, dân số đông, không thuộc diện sắp xếp. Nếu sáp nhập với một trong các đơn vị hành chính liền kề trên thì sẽ khó khăn trong việc quản lý nhà nước, do đó không có xã liền kề phù hợp để sắp xếp.

          + Yếu tố lịch sử văn hóa:Có truyền thống lịch sử gắn liền với nhau và có sự tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Trước năm 1954 hai xã Thanh Nho và Thanh Hoà thuộc xã Minh Sơn. Đến ngày 11/02/1954, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu 4, huyện Thanh Chương có Quyết định số 52-RC/CB chia tách thành 41 xã, trong đó xã Minh Sơn được chia thành 04 xã: Thanh Đức, Thanh Mỹ, Thanh Nho và Thanh Hoà. Ngày 24/3/1969, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Quyết định số 159/QĐ-BNV, huyện Thanh Chương từ 41 xã nhập thành 28 xã. Xã Thanh Hoà và xã Thanh Nho sáp nhập thành 01 xã gọi là xã La Mạc. Đến năm 1971, lại chia thành 02 xã và ổn định cho đến ngày nay.

          + Yếu tố tôn giáo: Xã Thanh Hoà có 1 giáo xứ (Trung Hoà) 01 giáo họ, 01 đền thánh; xã Thanh Nho có 01 giáo họ; sắp xếp hai đơn vị hành chính để thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Thanh Hòa là đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

          + Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều; cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Thanh Hòa và Thanh Nho.

1.7.3. Xã Thanh Chi và xã Thanh Khê (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Chi có diện tích tự nhiên là 8,69 km2 (đạt tỷ lệ 17,38%), quy mô dân số là  5.070 người (đạt tỷ lệ 101,40%) và xã Thanh Khê có diện tích tự nhiên là 8,77 km2 (đạt tỷ lệ 17,54%), quy mô dân số là  6.317 người (đạt tỷ lệ 126,34%). Lấy tên là xã Thanh Quả.

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Thanh Chi và xã Thanh Khê đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp ĐHVC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

          b. Kết quả sau sắp xếp xã Thanh Quả:

- Diện tích tự nhiên 17,46 km2 (đạt tỷ lệ 34,92%).

- Dân số 11.387 người (đạt tỷ lệ 227,74%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Đồng Văn và xã Thanh Ngọc (cách sông Lam); Phía Nam giáp: Xã Kim Bảng (xã mới); Phía Đông giáp: Xã Ngọc Sơn; Phía Tây giáp: Xã Thanh An và xã Thanh Thuỷ;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Thanh Quả: Đặt tại xã Thanh Chi (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Thanh Quả có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 34,92%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 227,74%. Không đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị quyết 35/2023/NQ-UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp xã Ngọc Sơn (cách dòng sông Lam),  Phía Bắc giáp xã Đồng Văn và xã Thanh Ngọc (cách dòng sông Lam);  Phía Tây giáp xã Thanh Thuỷ, là xã biên giới, dân số đông, diện tích rộng; Nếu nhập xã thứ ba là Thanh An thì sẽ có địa hình kéo dài, chia chắt bởi khe suối; vì vậy không có đơn vị hành chính liền kề phù hợp để sắp xếp.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa:Hai xã Thanh Chi và Thanh Khê có truyền thống lịch sử gắn liền với nhau và có sự tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cụ thể: Năm 1953, thực hiện chủ trương của Trung ương, xã Thanh Quả được chia tách thành 04 xã: Thanh Chi, Thanh Khê, Thanh An và Thanh Thịnh. Ngày 24/3/1969, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Quyết định số 159/QĐ-BNV; huyện Thanh Chương từ 41 xã nhập thành 28 xã; xã Thanh Chi hợp nhất với xã Thanh Khê thành xã Thanh Quả. Đến năm 1971 chia thành 02 xã và ổn định cho đến ngày nay.

+ Yếu tố tôn giáo: Thanh Khê là xã có tỷ lệ giáo dân cao (38%), có hai giáo xứ; xã Thanh Chi không có giáo dân; sắp xếp hai đơn vị hành chính này sẽ thuận lợi cho việc quản lý nhà nước;

+ Yếu tố quốc phòng, an ninh: Xã Thanh Chi, xã Thanh Khê hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Hai xã Thanh Chi và Thanh Khê có điều kiện phát triển kinh tế tương đồng với nhau.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều; đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, vì vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Thanh Chi và Thanh Khê.

1.7.4. Xã Thanh Long (thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Long có diện tích tự nhiên là 7,41 km2 (đạt tỷ lệ 14,82%), quy mô dân số là 4.873 người (đạt tỷ lệ 97,46%) và xã Võ Liệt có diện tích tự nhiên là 16,33 km2 (đạt tỷ lệ 32,66%); quy mô dân số là 10.595 người (đạt tỷ lệ 211,90 %).Lấy tên là xã Kim Bảng.       

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Thanh Long đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%. Việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b. Kết quả sau sắp xếp xã Kim Bảng:

- Diện tích tự nhiên 23,74 km2 (đạt tỷ lệ 47,48%).

- Dân số 15.468 người (đạt tỷ lệ 309,36%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Thanh Quả (xã mới) và xã Ngọc Sơn; Phía Nam giáp: Xã Thanh Hà (cách dòng sông Lam); Phía Đông giáp: Xã Xuân Dương (xã mới); Phía Tây giáp: Xã Thanh Thuỷ và xã Thanh Quả (xã mới);

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính của xã Kim Bảng: Đặt tại xã Võ Liệt (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Kim Bảng có diện tích tự nhiên đạttỷ lệ 47,48%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 309,36%. Đạt tiêu chuẩn tại Điều 4 Nghị quyết 35/2023/NQ-UBTVQH15.

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp xã Xuân Dương (xã mới); Phía Nam giáp xã Thanh Hà (cách dòng sông Lam); Phía Bắc giáp xã Thanh Quả (xã mới) và xã Ngọc Sơn (cách bởi dòng sông Lam); Phía Tây giáp xã Thanh Thuỷ, là xã biên giới với diện tích rộng, dân cư đông và xã Thanh Quả (xã mới), vì vậy không có đơn vị hành chính liền kề phù hợp để sắp xếp.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Hai đơn vị hành chính này có nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, truyền thống và lịch sử.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Hai xã có điều kiện phát triển kinh tế tương đương nhau, đều đã đạt nông thôn mới.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Thanh Long, xã Võ Liệt hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

- Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều; cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, do cậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Thanh LongVõ Liệt.

1.7.5. Xã Xuân Tường và xã Thanh Dương(02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Xuân Tường có diện tích tự nhiên là 9,17 km2 (đạt tỷ lệ 18,34%), quy mô dân số là  5.655 người (đạt tỷ lệ 113.10%) và xã Thanh Dương có diện tích tự nhiên là 8,63 km2 (đạt tỷ lệ 17,26%), quy mô dân số là  6.956 người (đạt tỷ lệ 139,12%). Lấy tên là xã Xuân Dương.

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính;

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Xuân Tường và xã Thanh Dương có đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

          b. Kết quả sau sắp xếp xã Xuân Dương:

- Diện tích tự nhiên 17,80 km2 (đạt tỷ lệ 35,60%).

- Dân số 12.611 người (đạt tỷ lệ 252,22%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Ngọc Sơn và xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn); Phía Nam giáp: Xã Thanh Hà; Phía Đông giáp: Xã Minh Tiến (mới); Phía Tây giáp: Xã Kim Bảng (mới).

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Xuân Dương: Đặt tại xã Xuân Tường (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Xuân Dương có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 35,60%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 252,22%. Không đạttiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị quyết 35/2023/NQ-UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Cụm Xuân Lâm của huyện Thanh Chương gồm có 06 xã: Ngọc Sơn, Xuân Tường, Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Yên và Thanh Khai thì có đến năm đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Trong Phương án này đã sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 03 xã Thanh Lương, Thanh Yên và Thanh Khai thành một đơn vị hành chính mới. Nếu sắp xếp đơn vị liền kề là xã Ngọc Sơn thì sẽ có sự khác biệt về phong tục, tập quán, truyền thống, lịch sử.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa:Hai xã này có văn hoá, nếp sinh hoạt, đời sống dân cư tương đồng.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như nhau, đều đã đạt nông thôn mới.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Thanh Dương là đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

- Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều; cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, vì vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên, tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Xuân TườngThanh Dương.

1.7.6. Xã Thanh Lương, xã Thanh Yên, xã Thanh Khai (03 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thanh Lương có diện tích tự nhiên là 8,90 km2 (đạt tỷ lệ 17,80%), quy mô dân số là 7.844 người (đạt tỷ lệ 156,88%); toàn bộ xã Thanh Yên có diện tích tự nhiên là 5,47 km2 (đạt tỷ lệ 18,23%), quy mô dân số là 6.724 người (đạt tỷ lệ 84,05%) và xã Thanh Khai có diện tích tự nhiên là 6,00 km2 (đạt tỷ lệ 20,00%), quy mô dân số là  4.954 người (đạt tỷ lệ 61,93%). Lấy tên là xã Minh Tiến.

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Thanh Lương và xã Thanh Yên đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; Xã Thanh Khai có đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% so với quy định. Việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

          b. Kết quả sau sắp xếp xã Minh Tiến:

- Diện tích tự nhiên 20,37 km2 (đạt tỷ lệ 67,90%).

- Dân số 19.522 người (đạt tỷ lệ 244,025%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nam Thái (huyện Nam Đàn); Phía Nam giáp: Xã Thanh Lâm, xã Mai Giang (mới) và giáp xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn); Phía Đông giáp: Xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn); Phía Tây giáp: Xã Xuân Dương (mới).

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Minh Tiến: Đặt tại xã Thanh Lương (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Minh Tiến có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 67,90%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 244,025% đạt tiêu chuẩn tại Điều 4 Nghị quyết 35/2023/NQ-UBTVQH15: Sắp xếp  từ 03 đơn vị hành chính.

1.7.7 Xã Thanh Giang (Đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Thanh Giang có diện tích tự nhiên là 5,32 km2 (đạt tỷ lệ 17,73%), dân số là 4.556 người (đạt tỷ lệ 56,95%) và xã Thanh Mai có diện tích tự nhiên là 44,78 km2 (đạt tỷ lệ  89,56%), dân số là 7.270 người (đạt tỷ lệ 145,40%).Lấy tên là xã Mai Giang.

          a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

          Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Xã Thanh Giang đồng thời có tiêu chí quy mô diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b. Kết quả sau sắp xếp xã Mai Giang:

- Diện tích tự nhiên 50,10 km2 (đạt tỷ lệ 100,20%).

- Dân số 11.826 người (đạt tỷ lệ 236,52%).

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Minh Tiến (mới); Phía Nam giáp: Xã Sơn Lâm (huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh); Phía Đông giáp: Xã Thanh Xuân, xã Thanh Lâm; Phía Tây giáp: Xã Thanh Tùng, xã Thanh Hà.

Giải trình: Sau sắp xếp xã Mai Giangđạttiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

1.7.8. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Thanh Chương.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Thanh Chương giảm 09 ĐVHC cấp xã, còn lại 29 ĐVHC (01 thị trấn, 28 xã), cụ thể là: Thị trấn Dùng, xã Cát Văn, xã Phong Thịnh, xã Thanh Đức, xã Hạnh Lâm, xã Thanh Mỹ, xã Thanh Liên, xã Thanh Tiên, xã Thanh Thịnh, xã Thanh Hương, xã Thanh An, xã Thanh Thuỷ, xã Thanh Hà, xã Thanh Tùng, xã Thanh Xuân, xã Thanh Lâm, xã Thanh Phong, xã Thanh Ngọc, xã Ngọc Sơn, xã Ngọc Lâm, xã Thanh Sơn, xã Đại Đồng, xã Đồng Văn, xã Minh Sơn, xã Thanh Quả, xã Kim Bảng, xã Xuân Dương, xã Minh Tiến, xã Mai Giang.

1.8. Huyện Diễn Châu:

1.8.1. Thị trấn Diễn Châu (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Diễn Châu có diện tích tự nhiên là 0,82 km2 (đạt tỷ lệ 5,86%), quy mô dân số là 7.468 người (đạt tỷ lệ 93,35%) và xã Diễn Thành có diện tích tự nhiên là 6,50 km2 (đạt tỷ lệ 21,67%), quy mô dân số là 14.137 người (đạt tỷ lệ 176,71%). Lấy tên là thị trấn Diễn Thành.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Thị trấn Diễn Châu đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300%; sắp xếp vào xã Diễn Thành đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% tiêu chuẩn, quy mô dân số dưới 300% (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2025-2030); việp sắp xếp ĐVHCgóp phần tăng quy mô đơn vị hành chính;đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển theo quy hoạch mở rộng không gian đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai đơn vị hành chính này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp thị trấn Diễn Thành:

- Diện tích tự nhiên 7,32 km2 (đạt tỷ lệ 52,29%)

- Quy mô dân số 21.605 người (đạt tỷ lệ 270,06%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Diễn Kim, xã Ngọc Bích (mới) và xã Diễn Hoa; Phía Nam giáp: Xã Diễn Thịnh; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: Xã Diễn Hoa và xã Diễn Phúc.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính thị trấn Diễn Thành: Đặt tại xã Diễn Thành (hiện tại).

Giải trình: Thị trấn Diễn Châu sắp xếp với xã Diễn Thành thành lập thị trấn Diễn Thành có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 52,29% và quy mô dân số đạt tỷ lệ 270,06%. Không đạt quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

- Yếu tố vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Diễn Ngọc và xã Diễn Kim; phía Nam giáp xã Diễn Thịnh, phía Đông giáp Biển Đông và phía Tây giáp xã Diễn Phúc và xã Diễn Hoa; các xã liền kề đều có phương án sắp xếp phù hợp với đơn vị hành chính khác hoặc được quy hoạch đô thị giai đoạn 2023 – 2030.

- Yếu tố lịch sử văn hóa: Trước năm 1977 xã Diễn Thành và thị trấn Diễn Châu trước đây thuộc một xã là xã Diễn Thành, đến Năm 1977 thành lập Thị trấn Diễn Châu chia tách từ xã Diễn Thành.

- Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Diễn Thành và thị trấn Diễn Châu là hai xã trọng điểm về quốc phòng nếu sắp xếp với các xã liền kề như xã Diễn Ngọc, xã Diễn Kim, xã Diễn Thịnh cũng là những xã trọng điểm về quốc phòng hoặc xã khác có đặc thù về tôn giáo xã Diễn Phúc, xã Diễn Hoa thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về quốc phòng, an ninh.

- Yếu tố tôn giáo: Xã Diễn Thành có đồng bào theo đạo thiên chúa; có Giáo xứ Xuân Phong và Giáo họ Hiệu Lân với 1.429 người theo Tôn giáo (trong đó Công giáo 1.326 người và Phật giáo là 103 người) chiếm tỷ lệ 10,10 % dân số, sắp xếp xã thứ ba liền kề có người theo đạo như xã Diễn Ngọc, xã Diễn Thịnh, xã Diễn Phúc và xã Diễn Hoa vào thì tỷ lệ người theo đạo nhiều dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

- Yếu tố quy hoạch đô thị: xã Diễn Thành là đơn vị hành chính nông thôn và thị trấn Diễn Châu là đơn vị hành chính đô thị được quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) giai đoạn 2023-2030; dự kiến huyện Diễn Châu được công nhận đô thị loại 3 trước năm 2030 (thị xã Diễn Châu) nên đơn vị hành chính hình thành sau sáp nhập so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) theo quy định có diện tích rất lớn (đạt 133,09 %) và dân số rất đông (đạt 432,10 %) nên gặp khó khăn trong công tác quản lý.

- Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Sau sắp xếp thị trấn Diễn Thành (mới) có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.

Với các yếu tố đặc thù trên tỉnh Nghệ An kính đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng yếu tố đặc thù sắp xếp thị trấn Diễn Châu và xã Diễn Thành.

1.8.2. Xã Diễn Xuân và xã Diễn Tháp (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập diện toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Diễn Xuân có diện tích tự nhiên là 3,94 km2 (đạt tỷ lệ 13,13%), quy mô dân số là 7.117 người (đạt tỷ lệ 88,96%) và xã Diễn Tháp có diện tích tự nhiên là 3,71 km2 (đạt tỷ lệ 12,37%), quy mô dân số là 7.188 người (đạt tỷ lệ 89,85%). Lấy tên là xã Xuân Tháp.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính.

- Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; Xã Diễn Xuân và Diễn Thápđồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%; phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việp sắp xếp đơn vị hành chính góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Xuân Tháp:

- Diện tích tự nhiên 7,65 km2 (đạt tỷ lệ 25,50%)

- Quy mô dân số 14.305 người (đạt tỷ lệ 178,81%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Đô Thành (huyện Yên Thành);Phía Nam giáp: Xã Hạnh Quảng (mới); Phía Đông giáp: Xã Diễn Hồng và xã Diễn Kỷ; Phía Tây giáp: Xã Diễn Liên và xã Diễn Đồng.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Xuân Tháp: Đặt tại xã Diễn Xuân (hiện tại).

- Giải trình: Xã Diễn Xuân sắp xếp với xã Diễn Tháp thành xã Xuân Tháp có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 25,50% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số đạt tỷ lệ 178,81% so với tiêu chuẩn. Không đạt tiêu chuẩn tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Đô Thành, huyện Yên Thành; phía Nam giáp xã Diễn Hạnh, phía Đông giáp xã Diễn Hồng và xã Diễn Kỷ và phía Tây giáp xã Diễn Liên và xã Diễn Đồng. Xét điều kiện thực tế, không sắp xếp thêm xã liền kề cụ thể: Phía Bắc không sắp xếp được với xã Đô Thành, bởi vì xã Đô Thành thuộc huyện Yên Thành; phía Nam không sắp xếp được với xã Diễn Hạnh bởi vì là Diễn Tháp là xã trọng điểm về Quốc phòng nếu sắp xếp với xã Diễn Hạnh cũng là xã trọng điểm về quốc phòng (được công nhận tại Quyết định số 2414/QĐ-BQP ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) thì sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý; phía Tây không sắp xếp được với xã Diễn Liên và xã Diễn Đồng vì hiện bị ngăn cách bởi đường Cao tốc Bắc Nam; phía Đông không sắp xếp được với xã Diễn Hồng và Diễn Kỷ bởi vì bị ngăn cách bởi đường sắt Bắc Nam và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng đường sắt cao tốc, việc sắp xếp các xã này vào sẽ tăng lưu lượng người dân đi lại qua các điểm giao nhau với đường sắt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên:Xã Diễn Tháp và xã Diễn Xuân là xã đồng bằng, cách trung tâm huyện Diễn Châu khoảng 10 km về phía Đông Nam, sắp xếp hai xã này chiều dài từ Bắc sang Nam dài khoảng 6 km và từ Đông sang tây dài khoảng 1,5 km, gây khó khăn cho việc tham gia giao thông của người dân.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Trước năm 1953 xã Diễn Xuân và xã Diễn Tháp trước đây là một xã là xã Quảng Châu, đến năm 1953 thực hiện chủ trương phát động quần chúng giảm tô thì được tách ra thành hai xã và tồn tại phát triển đến nay.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh:Xã Diễn Tháp là xã trọng điểm về quốc phòng nếu sắp xếp với các xã liền kề như Diễn Hồng, Diễn Kỷ, Diễn Hạnh cũng là những xã trọng điểm về quốc phòng hoặc những xã khác có đặc thù về tôn giáo như Diễn Liên, Diễn Hồng thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về quốc phòng, an ninh.

+ Về yếu tố quy hoạch đô thị: Hai xã là đơn vị hành chính nông thôn được quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) giai đoạn 2023-2030; dự kiến huyện Diễn Châu được công nhận đô thị loại 3 trước năm 2030 (thị xã Diễn Châu) nên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) theo quy định có diện tích rất lớn (đạt 139,09%) và dân số rất đông (đạt 286,10%) nên gặp khó khăn trong công tác quản lý.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Hai xã có trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương đồng, chủ yếu phát triển về dịch vụ, vì vậy sắp xếp hai xã này với nhau thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Sau sắp xếp xã Xuân Tháp (mới) có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nếu sắp xếp thêm xã thứ ba rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; không tương đồng về phong tục tập quán, trình độ phát triển kinh tế xã hội.

Với các yếu tố đặc thù trên tỉnh Nghệ An kính đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng yếu tố đặc thù sắp xếp xã Diễn Xuân và xã Diễn Tháp.

1.8.3. Xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích(02 đơn vị thuộc diện sắp xếp):Nhập diện bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Diễn Ngọc có diện tích tự nhiên là 2,93 km2 (đạt tỷ lệ 9,77%), quy mô dân số là 16.707 người (đạt tỷ lệ 208,84%) và xã Diễn Bích có diện tích tự nhiên là 2,72 km2 (đạt tỷ lệ 9,07%), quy mô dân số là 12.534 người (đạt tỷ lệ 156,68%). Lấy tên là xã Ngọc Bích.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

- Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; Hai đơn vị hành chính đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% tiêu chuẩn và dân số dưới 300%; thuộc diện sắp giai đoạn 2023-2025; việp sắp xếp đơn vị hành chính của hai xã này góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Ngọc Bích:

- Diện tích tự nhiên 5,65 km2 (đạt tỷ lệ 18,83%)

- Quy mô dân số 29.241 người (đạt tỷ lệ 365,51%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Diễn Kim và xã Diễn Vạn;Phía Nam giáp: Thị trấn Diễn Thành (mới); Phía Đông giáp: Xã Diễn Kim; Phía Tây giáp: Xã Diễn Kỷ và xã Diễn Hoa.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Ngọc Bích: Đặt tại xã Diễn Ngọc (hiện tại).

- Giải trình:Xã Diễn Ngọc sắp xếp với xã Diễn Bích thành xã Ngọc Bích có diện tích tự nhiênđạt tỷ lệ 18,83%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 365,51%. Không đạt quy định tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: Xã Diễn Bích và xã Diễn Ngọc là xã đồng bằng ven biển, ngăn cách với các xã liên kề là sông Lạch Vạn và sông Đào; mật độ dân số rất đông nên khó khăn trong việc quản lý hành chính.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Trước năm 1953 xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích trước đây thuộc một xã là xã Hải Châu, đến năm 1953 thực hiện chủ trương phát động quần chúng giảm tô thì được tách ra thành hai xã và tồn tại phát triển đến nay.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích là 2 xã trọng điểm về quốc phòng nếu sắp xếp với các xã liền kề như xã Diễn Vạn, xã Diễn Kim, xã Diễn Thành, thị trấn Diễn Châu và xã Diễn Kỷ cũng là những xã trọng điểm về quốc phòng hoặc xã khác có đặc thù về tôn giáo (phật giáo) như Diễn Hoa thì sẽ tiềm ẩn đến mất an ninh, trật tự.

+ Về yếu tố tôn giáo:Hai xã này có đồng bào theo đạo thiên chúa; xã Diễn Ngọc có Giáo họ Lý Nhân với 947 người theo Tôn giáo (trong đó Công giáo 552 người và Phật giáo là 395 người) chiếm tỷ lệ 5,67% dân số; xã Diễn Bích có Giáo họ Thanh Bích với 561 người theo Tôn giáo (trong đó Công giáo 361 người và Phật giáo là 200 người) chiếm tỷ lệ 4,48 % dân số việc sắp xếp hai đơn vị này dẫn đến số lượng người theo tôn giáo tăng, nếu nhập xã thứ ba liền kề có người theo đạo như xã Diễn Vạn, xã Diễn Thành và xã Diễn Kỷ thì tỷ lệ người theo đạo nhiều dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

+ Về yếu tố quy hoạch đô thị:Hai xã đều đơn vị hành chính nông thôn được quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) giai đoạn 2023-2030; dự kiến huyện Diễn Châu được công nhận đô thị loại 3 trước năm 2030 (thị xã Diễn Châu) nên đơn vị hành chính hình thành sau sáp nhập so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) theo quy định có diện tích lớn (đạt 102,73 %) và dân số rất đông (đạt 584,82 %) nên gặp khó khăn trong công tác quản lý hành chính.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội:Hai xã có trình độ phát triển kinh tế tương đồng, chủ yếu nghề muối và đánh bắt thuỷ hải sản, đặc biệt nghề đánh bắt thuỷ hải sải đã hình thành và phát triển lâu đời, đã cung cấp nguồn lớn về thuỷ hải sản trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, nếu sáp nhập hai xã này với nhau thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, còn các xã liền kề hai xã này có điều kiện phát triển kinh tế không tương đồng, khó khăn trong việc tổ chức phát triển kinh tế.Sau sắp xếp xã Ngọc Bích (mới) có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.Do vậy, nếu sắp xếp thêm xã thứ ba rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; không tương đồng về phong tục tập quán, trình độ phát triển kinh tế xã hội, dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn

Với các yếu tố đặc thù trên tỉnh Nghệ An kính đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng yếu tố đặc thù sắp xếp xã Diễn Ngọc và xã Diễn Bích.

1.8.4. Xã Diễn Hùng và xã Diễn Hải (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Diễn Hùng có diện tích tự nhiên là 5,34 km2 (đạt tỷ lệ 17,80%), quy mô dân số là 5.879 người (đạt tỷ lệ 73,80%) và xã Diễn Hải có diện tích tự nhiên là 5,21 km2 (đạt tỷ lệ 17,37%), quy mô dân số là 9.768 người (đạt tỷ lệ 122,10%). Lấy tên là xã Hùng Hải.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Diễn Hải và Diễn Hùng đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn; việc sắp xếp ĐVHC của hai xã nêu trên góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 02 xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sáp nhập.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Hùng Hải:

- Diện tích tự nhiên 10,55 km2 (đạt tỷ lệ 35,17%)

- Quy mô dân số 15.647 người (đạt tỷ lệ 195,59%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu); Phía Nam giáp: Xã Diễn Kim và xã Diễn Vạn; Phía Đông giáp: Biển Đông; Phía Tây giáp: Xã Diễn Hoàng, xã Diễn Mỹ, xã Diễn Phong và xã Diễn Vạn.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Hùng Hải: Đặt tại xã Diễn Hải (hiện tại).

- Giải trình: Xã Diễn Hùng sắp xếp với xã Diễn Hải thành xã Hùng Hải có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 35,17%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 195,59%; không đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTCQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Quỳnh Thọ huyện Quỳnh Lưu; phía Nam giáp xã Diễn Kim, phía Đông giáp Biển Đông và phía Tây giáp xã Diễn Hoàng, xã Diễn Mỹ và xã Diễn Vạn. Xét điều kiện thực tế, không sắp xếp thêm xã liền kề cụ thể: xã Diễn Hải và xã Diễn Hùng không thể sắp xếp với xã Quỳnh Thọ vì thuộc huyện Quỳnh Lưu; xã Diễn Hùng và xã Diễn Hải là xã trọng điểm về Quốc phòng nếu nhập với xã liên kề như xã Diễn Kim và xã Diễn Vạn cũng là xã trọng điểm về quốc phòng (được công nhận tại Quyết định số 2414/QĐ-BQP ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) hoặc những xã liền kề có Tôn giáo như xã Diễn Mỹ, xã Diễn Vạn và xã Diễn Kim thì sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý;

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: xã Diễn Hùng và xã Diễn Hải là xã đồng bằng ven biển (trước đây đã được công nhận xã bãi ngang, khó khăn) cách trung tâm huyện Diễn Châu khoảng 15 km về phía Nam, sắp xếp hai xã này trải dài từ Bắc sang Nam dài khoảng 7 km và t Đông sang tây dài khoảng 2 km, khó khăn trong việc đi lại.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Diễn Hùng và xã Diễn Hải là hai xã trọng điểm về quốc phòng nếu sáp nhập với các xã liền kề như xã Diễn Kim và xã Diễn Vạn cũng là những xã trọng điểm về quốc phòng thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về quốc phòng, an ninh.

+ Về yếu tố tôn giáo: Xã Diễn Hải có đồng bào theo đạo thiên chúa; có Giáo họ Phúc Thịnh với 701 người theo Tôn giáo (trong đó Công giáo 700 người và Phật giáo là 01 người) chiếm tỷ lệ 7,18 % dân số, nếu nhập xã thứ 3 liền kề có người theo đạo như xã Diễn Mỹ, Diễn Vạn vào thì tỷ lệ người theo đạo nhiều dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

+ Yếu tố phát triển Kinh tế - Xã hội: Sau sắp xếp xã Hùng Hải (mới) có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.Do vậy, nếu sắp xếp thêm xã thứ ba rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; không tương đồng về phong tục tập quán, trình độ phát triển kinh tế xã hội, dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Với các yếu tố đặc thù trên tỉnh Nghệ An kính đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng yếu tố đặc thù sắp xếp xã Diễn Hùng và xã Diễn Hải.

1.8.5. Xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập diện toàn bộ tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Diễn Hạnh có diện tích tự nhiên là 4,72 km2 (đạt tỷ lệ 15,73%), quy mô dân số là 9.380 người (đạt tỷ lệ 117,25%) và xã Diễn Quảng có diện tích tự nhiên là 4,58 km2 (đạt tỷ lệ 15,27%), quy mô dân số là 5.561 người (đạt tỷ lệ 69,51%); Lấy tên là xã Hạnh Quảng.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Diễn Quảng đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn và xã Diễn Hạnh đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% tiêu chuẩn và dân số dưới 300% tiêu chuẩn nên phải thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025; việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sáp nhập.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Hạnh Quảng:

- Diện tích tự nhiên 9,30 km2 (đạt tỷ lệ 31,00%)

- Quy mô dân số 14.941 người (đạt tỷ lệ 186,76%)

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Diễn Đồng và xã Xuân Tháp (mới); Phía Nam giáp: Xã Diễn Cát và xã Diễn Phúc; Phía Đông giáp: Xã Diễn Hoa; Phía Tây giáp: Xã Diễn Nguyên và xã Minh Châu.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Hạnh Quảng là: Đặt tại xã Diễn Hạnh (hiện tại).

- Giải trình: Xã Diễn Hạnh sắp xếp với xã Diễn Quảng thành xã Hạnh Quảng có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 31,00 % so với tiêu chuẩn và quy mô dân số đạt tỷ lệ 186,76%. Không đạt quy định tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Diễn Xuân và xã Diễn Đồng; phía Nam giáp xã Diễn Phúc và xã Diễn Cát, phía Đông giáp xã Diễn Hoa và phía Tây giáp xã Diễn Nguyên và xã Minh Châu. Xét điều kiện thực tế, không sáp nhập thêm xã liền kề cụ thể: xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng là xã trọng điểm về Quốc phòng nếu sắp xếp với các xã liền kề gồm xã Diễn Phúc, xã Diễn Cát, xã Diễn Hoa và xã Diễn Nguyên là những xã có Tôn giáo làm tăng nguy cơ mất an ninh trật tự; phía Đông không sáp nhập được với xã Diễn Hoa bởi vì bị ngăn cách bởi đường sắt Bắc Nam và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng đường sắt cao tốc, việc sắp xếp các xã này vào sẽ tăng lưu lượng người dân đi lại qua các điểm giao nhau với đường sắt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Trước năm 1953 xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng trước đây thuộc một xã là xã Quảng Châu, đến năm 1953 thực hiện chủ trương phát động quần chúng giảm tô thì được tách ra và tồn tại phát triển đến nay.

+ Về yếu tố tôn giáo:Hai xã này có đồng bào theo đạo thiên chúa, xã Diễn Hạnh có Giáo xứ Nghi Lộc và Giáo họ Nghi Đông với 3.775 người theo Tôn giáo (trong đó Công giáo 3.524 người và Phật giáo là 251 người) chiếm tỷ lệ 40,25 % dân số và xã Diễn Quảng có Giáo xứ Phi Lộc, Giáo họ Tân Hoá và Giáo họ Đa Lộc với 2.205 người theo Tôn giáo (trong đó Công giáo 2.130 người và Phật giáo là 75 người) chiếm tỷ lệ 39,65 % dân số, đặc biệt xã Diễn Hạnh là điểm nóng về Tôn giáo và từ năm 1993 đến nay, đã xẩy ra nhiều vụ việc có liên quan đến tôn giáo gây mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện, việc sắp xếp hai đơn vị này dẫn đến số lượng người theo tôn giáo tăng, nếu sắp xếp thêm xã thứ ba liền kề có người theo đạo như xã Diễn Phúc, xã Diễn Cát, xã Diễn Hoa và xã Diễn Nguyên thì tỷ lệ người theo đạo nhiều dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Diễn Hạnh, xã Diễn Quảng hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Sau sắp xếp xã Hạnh Quảng (mới) có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.Do vậy, nếu nhập thêm xã thứ 3 rất khó khăn trong việc quản lý hành chính; không tương đồng về phong tục tập quán, dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Với các yếu tố đặc thì trên tỉnh Nghệ An kính đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng yếu tố đặc thù sắp xếp xã Diễn Hạnh và xã Diễn Quảng.

1.8.6. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Diễn Châu.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Diễn Châu giảm 05 ĐVHC cấp xã, còn lại 32 ĐVHC (01 thị trấn, 31 xã), cụ thể là: Thị trấn Diễn Thành, xã Diễn Lâm, xã Diễn Đoài, xã Diễn Trường, xã Diễn Yên, xã Diễn Hoàng, xã Diễn Mỹ, xã Diễn Hồng, xã Diễn Phong, xã Diễn Liên, xã Diễn Vạn, xã Diễn Kim, xã Diễn Kỷ, xã Diễn Thái, xã Diễn Đồng, xã Diễn Nguyên, xã Diễn Hoa, xã Diễn Phúc, xã Diễn Cát, xã Diễn Thịnh, xã Diễn Tân, xã Minh Châu, xã Diễn Thọ, xã Diễn Lợi, xã Diễn Lộc, xã Diễn Trung, xã Diễn An, xã Diễn Phú, xã Xuân Tháp, xã Ngọc Bích, xã Hùng Hải, xã Hạnh Quảng.

1.9. Huyện Hưng Nguyên:

1.9.1. Xã Hưng Thịnh và xã Hưng Mỹ (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hưng Mỹ có diện tích tự nhiên là 5,18 km2 (đạt tỷ lệ 17,27%), quy mô dân số là 5.141 người (đạt tỷ lệ 64,26%) và xã Hưng Thịnh có diện tích tự nhiên là 4,41 km2 (đạt tỷ lệ 14,70%), quy mô dân số là 5.825 người (đạt tỷ lệ 72,81%). Lấy tên là xã Thịnh Mỹ.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

 Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Hưng Mỹ đồng thời có diện tích và quy mô dân số dưới 70% so với tiêu chuẩn; xã Hưng Thịnh đồng thời có diện tích dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn; hai đơn vị này phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sáp nhập.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Thịnh Mỹ:

- Diện tích tự nhiên 9,59 km2 (đạt tỷ lệ 31,97 %).

- Dân số 10.966 người (đạt tỷ lệ 137,08%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Hưng Chính và phường Vinh Tân (thành phố Vinh); Phía Nam giáp: Xã Hưng Phúc và Hưng Nghĩa; Phía Đông giáp: Xã Hưng Lợi; Phía Tây giáp: Xã thị trấn Hưng Nguyên và xã Hưng Tân.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Thịnh Mỹ: Đặt tại xã Hưng Thịnh (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Thịnh Mỹ có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 31,97%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 137,08%; không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại mục 1, Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTCQH15, vì các lý do sau đây:

+ Yếu tố về vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã Hưng Chính và phường Vinh Tân (thành phố Vinh); Phía Nam giáp xã Hưng Phúc và Hưng Nghĩa; Phía Đông giáp xã Hưng Lợi; Phía Tây giáp thị trấn Hưng Nguyên và xã Hưng Tân. Xét điều kiện thực tế, không sắp xếp thêm xã liền kề (Hưng Lợi, Hưng Phúc hoặc Hưng Nghĩa) vào xã Thịnh Mỹ với những lý do:Mặc dù Hưng Thịnh phía Nam có tiếp giáp một phần với Hưng Phúc nhưng dân cư Hưng Thịnh chủ yếu tiếp giáp với xã Hưng Mỹ,nếu sắp xếp bathành một xã thì khoảng cách từ đầu xã đến cuối xã sau khi sáp nhập khoảng 15 km, rất khó khăn trong công tác quản lý và lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, công tác an ninh trật tự, nhân dân không đồng tình ủng hộ. Các xã liền kề với hai xã này có xã Hưng Nghĩa mới hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021 nên không thể sắp xếp với xã này; ngoài ra có thị trấn Hưng Nguyên, xã Hưng Tân, xã Hưng Phúc, Hưng Lợi giáp địa giới hành chính với xã Hưng Mỹ và Hưng Thịnh; tuy nhiên, giữa các xã cánh nhau 2 cánh đồng, sông và chưa có đường giao thông kết nối giữa các xã này mà phải đi đường vòng.

+ Yếu tố về lịch sử văn hóa: Hai xã Hưng Mỹ và Hưng Thịnh là hai xã liền kề, trước đây là một xã chung, đến năm 1953 mới tách thành hai xã; nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế, xã hội cơ bản tương đồng (hai xã đang xây dựng NTM nâng cao), sắp xếp hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội; cán bộ và nhân dân sẽ đồng tình cao với phương án này.

+ Yếu tố về phát triển kinh tế - xã hội: Xã Hưng Thịnh đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu đô thị Phía Tây Nam thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với diện tích quy hoạch 790 ha gồm toàn bộ diện tích xã Hưng Thịnh và một phần xã Hưng Mỹ. Ngoài ra UBND tỉnh cho phép xây dựng dự án Nhà ở cho Quân nhân, sỹ quan của Tỉnh đội Nghệ An. Khi triển khai các dự án phát triển số lượng dân số trên địa bàn xã sẽ tăng lên rất nhiều, do đó nếu sắp xếp từ ba xã thành một sẽ có địa bàn rộng dân số đông sẽ rất khó khăn trong việc quản lý của chính quyền địa phương.

+ Yếu tố về tôn giáo: Trên địa bàn xã Hưng Thịnh có hai Giáo xứ, có Di tích lịch sử Đền Ông Hoàng Mười có lượng du khách về tham quan, thắp hương hàng năm rất lớn. Nếu sắp xếp ba xã thành một xã thì số lượng dân cư quá đông dễ phát sinh các vấn đề an ninh trật tự, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

+ Yếu tố An ninh quốc phòng: Cả hai xã nằm ven sông Lam, địa bàn hai xã Hưng Thịnh và xã Hưng Mỹ đều giáp Vinh, nên trật tự an toàn xã hội rất phức tạp.Mặt khác xã Hưng Thịnh là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy nếu sắp xếp thêm xã thứ ba địa bàn rộng khó quản lý ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội.

+ Yếu tố đặc thù khác: Khó khăn trong việc xử lý cán bộ, công chức dôi dư,số lượng dôi dư nhiều, trong khi đó sau sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tại các xã sáp nhập còn còn dôi dư khá nhiều công chức; cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hưng Mỹ và xã Hưng Thịnh.

1.9.2. Xã Hưng Thông và xã Hưng Tân (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hưng Thông có diện tích tự nhiên là 5,53 km2 (đạt tỷ lệ 18,43%), quy mô dân số là 5.660 người (đạt tỷ lệ 70,75%) và xã Hưng Tân có diện tích tự nhiên là 4,86 km2 (đạt tỷ lệ 16,20%), quy mô dân số là 4.408 người (đạt tỷ lệ 55,10%). Lấy tên là xã Thông Tân.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025: Xã Hưng Thông đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn; xã Hưng Tân đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% so với tiêu chuẩn; hai đơn vị hành chính này phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sáp nhập.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Thông Tân:

- Diện tích tự nhiên 10,39 km2 (đạt tỷ lệ 34,63%).

- Dân số 10.068 người (đạt tỷ lệ 125,85%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Thị Trấn Hưng Nguyên; Phía Nam giáp: Xã Long Xá; Phía Đông giáp: Xã Hưng Mỹ và xã Hưng Nghĩa; Phía Tây giáp: Xã Nam Cát (huyện Nam Đàn).

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Thông Tân: Đặt tại xã Hưng Thông (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Thông Tân có diện tích tự nhiên đạt 34,63%, quy mô dân số đạt 125,85% so với tiêu chuẩn. Không đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 4, Nghị quyết sô 35/2023/UBTVQH15; với các lý do sau đây:

-Yếu tố về vị trí địa lý: Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề: Phía Bắc giáp thị Trấn Hưng Nguyên; Phía Nam giáp xã Long Xá; Phía Đông giáp xã Hưng Mỹ và xã Hưng Nghĩa; Phía Tây giáp xã Nam Cát (huyện Nam Đàn).    Các xã liền kề với 2 xã này có xã Long Xá và xã Hưng Nghĩa thì đều mới hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021 nên không thể sắp xếp với hai xã này; ngoài ra có xã Hưng Mỹ chung địa giới hành chính với xã Hưng Tân, tuy nhiên giữa Hưng Tân và Hưng Mỹ cánh nhau 2 cánh đồng của 2 xã và giao thông kết nối hai xã này chưa thuận lợi, chưa có đường nối hai xã này với nhau mà phải đi đường vòng, đồng thời hai xã này cũng không tương đồng nhau về phong tục tập quán, trình độ phát triển kinh tế xã hội, dễ phát sinh tình hình an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trị trên địa bàn.

+ Yếu tố về lịch sử văn hóa: Hai xã Hưng Thông và Hưng Tân trước đây là một xã đến năm 1953 mới tách thành hai xã; nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế, xã hội cơ bản tương đồng (một xã đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu, một xã đang xây dựng NTM nâng cao), nếu nhập hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội; cán bộ và nhân dân sẽ đồng tình cao với phương án này.

+ Yếu tố về phát triển kinh tế - xã hội:Sau sắp xếp xã Thông Tân có đầy đủ các yếu tố về tự nhiên, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.

+ Yếu tố An ninh quốc phòng: Xã Hưng Tân là xã trọng điểm về quốc phòng, nếu sáp nhập thêm xã thứ ba địa bàn rộng khó quản lý ảnh hưởng đến trật tự, an ninh trên địa bàn.

+Yếu tố đặc thù khác:Sáp nhập từ ba xã thành một xã thì số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, trong khi đó sau sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tại các xã sáp nhập còn dôi dư 26 công chức; cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hưng Thông và xã Hưng Tân.

1.9.3. Xã Hưng Phúc và xã Hưng Lợi (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hưng Phúc có diện tích tự nhiên là 5,01 km2 (đạt tỷ lệ 16,70%), quy mô dân số là 4.831 người (đạt tỷ lệ 60,39%) và xã Hưng Lợi có diện tích tự nhiên là 7,68 km2 (đạt tỷ lệ 25,60%), quy mô dân số là 4.757 người (đạt tỷ lệ 59,46%). Lấy tên là xã Phúc Lợi.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025: Xã Hưng Phúc là đơn vị đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn và xã Hưng Lợi đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; hai đơn vị này phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sáp nhập.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Phúc Lợi:

- Diện tích tự nhiên 12,69 km2 (đạt tỷ lệ 42,30%).

- Dân số 9.588 người (đạt tỷ lệ 119,85%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Hưng Thịnh, xã Hưng Mỹ; Phía Nam giáp: Xã Châu Nhân; Phía Đông giáp: Đê tả Lam và phường Trung Đô (thành phố Vinh); Phía Tây giáp: Xã Hưng Nghĩa;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Phúc Lợi: Đặt tại xã Hưng Phúc.

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Phúc Lợi có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 42,30%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 119,85% so với tiêu chuẩn. Không đạt tiêu chuẩn theo tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; vì các lý do sau đây:

+ Yếu tố về vị trí địa lý: Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề: Phía Bắc giáp Hưng Thịnh, Hưng Mỹ; Phía Nam giáp xã Châu Nhân; Phía Đông giáp Đê tả Lam và phường Trung Đô (thành phố Vinh); Phía Tây giáp xã Hưng Nghĩa. Các xã liền kề với hai xã này có xã Châu Nhân và xã Hưng Nghĩa thì đều mới hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021 nên không thể sắp xếp với hai xã này; ngoài ra có xã Hưng Mỹ và Hưng Thịnh chung địa giới hành chính với xã Hưng Phúc, tuy nhiên giữa Hưng Phúc và Hưng Thịnh cánh nhau 1 dòng sông, cách xã Hưng Mỹ 2 cánh đồng nên chưa thuận tiện trong giao thông đi lại.Nếu phải sắp xếp từ ba xã trở lên để đảm bảo đúng theo quy định thì phải xây dựng phương án nhập xã Hưng Lợi với Hưng Phúc, Hưng Thịnh thành 01 xã; nhưng xã Hưng Lợi là xã nằm ở vùng chiêm trung, một phần diện tích nắm ở phía ngoài đê Sông Lam quanh năm lụt lội, phần diện tích còn lại chủ yếu tiếp giáp xã Hưng Phúc; nếu sắp xếp ba xã này thành một xã thì địa bàn rất rộng và dân cư ở xa nhau (nằm ở 3 góc của vùng chiêm trũng); giữa Hưng Lợi và Hưng Phúc cách Hưng Thịnhmột cánh đồng.Vì vậy nếu sắp xếp thêm cả xã Hưng Thịnh sẽ không tạo được sự liên kết giữa các xã trong vùng.

+ Yếu tố về lịch sử văn hóa:Hai xã Hưng Phúc và Hưng Lợi là hai xã liền kề, nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế, xã hội cơ bản tương đồng (xã Hưng Phúc đã đạt xã chuẩn NTM nâng cao đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã Hưng Lợi đang xây dựng NTM nâng cao), nếu nhập hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội; cán bộ và nhân dân sẽ đồng tình cao với phương án này.

+ Yếu tố về tôn giáo: Trên địa bàn xã Hưng Lợi có hai Giáo xứ và ba giáo họ, trong khi đó Hưng Thịnh cũng có ba giáo xứ, có Di tích lịch sử Đền Ông Hoàng Mười hàng năm có lượng du khách về tham quan, thắp hương rất lớn. Nếu sắp xếp ba xã này thành một xã thì số lượng dân cư quá đông dễ phát sinh các vấn đề an ninh trật tự, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

+ Yếu tố An ninh quốc phòng: Xã Hưng Lợi và Hưng Phúc là xã trọng điểm quốc phòng, địa bàn cách trở. Những năm gần đây vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông hoạt động thường xuyên, mặc dù đã rất tích cực, nhưng chính quyền địa phương ở đây cũng rất vất vả trong việc quản lý địa bàn. Địa bàn hai xã sau sáp nhập đều giáp thành phố Vinh, nên tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp, nếu sáp nhập thêm xã thứ 3 địa bàn rộng khó quản lý ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội.

-Yếu tố về phát triển kinh tế - xã hội:Sau sắp xếp xã Phúc Lợi có đầy đủ các yếu tố về thổ nhưỡng, con người, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội thông thương thuận lợi trên cả đường sông và đường bộ.

Yếu tố đặc thù khác : Sắp xếp từ ba xã thành một xã thì số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, trong khi đó sau sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tại các xã sáp nhập còn dôi dư trên 26 cán bộ, công chức; trong khi đó cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hưng Phúc và xã Hưng Lợi.

1.9.4. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Hưng Nguyên.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Hưng Nguyên giảm 03 ĐVHC cấp xã, còn lại 15 ĐVHC (01 thị trấn, 14 xã), cụ thể là: Thị trấn Hưng Nguyên, xã Hưng Trung, xã Hưng Yên Nam, xã Hưng Yên Bắc, xã Hưng Tây, xã Hưng Đạo, xã Hưng Lĩnh, xã Hưng Nghĩa, xã Long Xá, xã Châu Nhân, xã Hưng Thành, xã Xuân Lam, xã Thịnh Mỹ, xã Thông Tân, xã Phúc Lợi.

1.10. Huyện Nam Đàn:

1.10.1. Xã Nam Nghĩa (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nam Nghĩa có diện tích tự nhiên là 12,24 km2 (đạt tỷ lệ 40,80%), quy mô dân số là 5.306 người (đạt tỷ lệ 66,33%) và xã Nam Thái có diện tích tự nhiên là 11,66 km2 (đạt tỷ lệ 23,32%), quy mô dân số là 4.468 người (đạt tỷ lệ 89,36%). Lấy tên là xã Nghĩa Thái.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Nam Nghĩa đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% tiêu chuẩn sắp xếp với xã Nam Thái đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 100% tiêu chuẩn (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-2030); việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Nghĩa Thái:

- Diện tích tự nhiên 23,90 km2 (đạt tỷ lệ 79,67%).

- Dân số 9.774 người (đạt tỷ lệ 122,18%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Đại Sơn (huyện Đô Lương); Phía Nam giáp: Xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương); Phía Đông giáp: Xã Nam Thanh; Phía Tây giáp: Xã Nam Hưng;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Nghĩa Thái: Đặt tại xã Nam Nghĩa (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Nghĩa Thái diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 79,67%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 122,18%. Đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15: Sau sắp xếp diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 100% trở lên, tiêu chuẩn còn lại phải đạt từ 70% trở lên.

+ Yếu tố vị trí địa lý:Xã Nghĩa Thái phía Bắc giáp xã Đại Sơn, huyện Đô Lương; phía Nam giáp xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương; phía Đông giáp xã Nam Thanh, Thị trấn Nam Đàn; phía Tây giáp xã Nam Hưng. Tuy nhiên, xét điều kiện thực tế, không sáp nhập thêm xã liền kề (Nam Hưng và Nam Thanh) vào xã Nghĩa Thái với những lý do:Xã Nam Hưng và Nam Thanh đều là xã trọng điểm về quốc phòng quốc phòng. Xã Nam Thanh là xã loại I, có diện tích 22,24 km2, dân số 9,464 người nếu sáp nhập vào xã Nghĩa Thái sẽ có diện tích và quy mô dân số quá lớn khó khăn trong công tác quản lý. Xã Nam Hưng mặc dù có đường địa giới hành chính tiếp giáp với xã Nghĩa Thái, tuy nhiên là một xã miền núi với địa hình trải dài, địa hình chia cắt bởi đồi núi nếu sáp nhập vào xã Nghĩa Thái sẽ có diện tích lớn cộng địa hình phức tạp dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên:Xã Nghĩa Thái cách trung tâm huyện Nam Đàn hơn 10 km về phía Đông có địa hình phức tạp bị chia cắt bởi nhiều đồi núi thấp, cánh đồng nhỏ hẹp men theo thung lũng, những khe suối nhỏ, cồn gò, cao thấp. Do đặc điểm là vùng bán sơn địa, chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn, phần lớn đất đai ở đây là đất bạc màu, bị đá ong hóa hoặc chua phèn. Trong đó có nhiều diện tích đất bị đá ong hóa hoàn toàn, có rất ít diện tích đất đai màu mỡ để phát triển sản xuất.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Xã Nghĩa Thái có lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống của cộng đồng dân cư có từ lâu đời. Về tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ thành hoàng làng, thờ Thần thổ công, nhập hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội.

+ Yếu tố tôn giáo: Xã Nghĩa Thái có đạo công giáo, tại một đơn vị xóm (xóm 1), quy mô không lớn, hoạt động trong 01 giáo họ Tân Nghĩa, sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân nơi đây thuần túy. Tuy nhiên, nếu sáp nhập đơn vị hành chính liên kề như xã Nam Hưng có số lượng giáo dân tương đối lớn sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động cũng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh:Xã Nam Nghĩa, xã Nam Thái hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Việc sắp xếp sẽ tạo điều kiện nâng cao quy mô một số vùng sản xuất, phát triển kinh tế vườn, vườn đồi, gắn kinh doanh dịch vụ, nhất là một số điểm trên 2 tuyến Quốc lộ đi qua. Có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Việc đầu tư cho giáo dục, văn hóa, y tế sẽ được chú trọng hơn, chất lượng hơn; các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm được quan tâm hơn.

Với các yếu tố trên tỉnh Nghệ An đề xuất áp dung yếu tố đặc thì để thực hiện sắp xếp xã Nam Nghĩa với xã Nam Thái.

1.10.2. Xã Hồng Long (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hồng Long có diện tích tự nhiên là 7,40 km2 (đạt tỷ lệ 24,67%), quy mô dân số là 5.418 người (đạt tỷ lệ 67,73%) và xã Xuân Lâm có diện tích tự nhiên là 9,35 km2 (đạt tỷ lệ 31,17%), quy mô dân số là 9.057 người (đạt tỷ lệ 113,21%). Dự kiến lấy tên là xã Xuân Hồng.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Hồng Long đồng thời có diện tích tự nhiên và dân số dưới 70% tiêu chuẩn sắp xếp với xã Xuân Lâm (đơn vị liền kề); việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Xuân Hồng:

- Diện tích tự nhiên 16,75 km2 (đạt tỷ lệ 55,83%).

- Dân số 14.475 người (đạt tỷ lệ 180,94%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề:Phía Bắc giáp: Xã Hùng Tiến, Kim Liên; Phía Nam giáp: Xã Khánh Sơn.Phía Đông giáp: Xã Hưng Long (huyện Hưng Nguyên);Phía Tây giáp: Xã Thượng Tân Lộc;

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Xuân Hồng: Đặt tại xã Xuân Lâm (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Xuân Hồng có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 55,83%; quy mô dân số đạt tỷ lệ 180,94%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15); với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên; phía Tây giáp xã Thượng Tân Lộc; Phía Bắc giáp xã Hùng Tiến, Kim Liên; Phía Nam giáp xã Khánh Sơn. Tuy nhiên, xét điều kiện thực tế, không sáp nhập thêm xã liền kề (Kim Liên hoặc Hùng Tiến) vào xã Xuân Hồng với những lý do: xã Hùng Tiến có diện tích 10,31 km2, dân số 9,941 người, mặc dù có đường địa giới hành chính tiếp giáp với xã Xuân Hồng nhưng nếu sắp xếp vào sẽ có quy mô dân số quá lớn khó khăn trong công tác quản lý; theo lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2026 - 2030 của huyện xã Xuân Hòa sáp nhập với đơn vị liền kề là xã Hùng Tiến. Đối với xã Kim Liên là xã loại I, có diện tích 15,19 km2, dân số 15,029 người nếu sắp xếp vào xã Xuân Hồng sẽ có quy mô dân số quá lớn khó khăn trong công tác quản lý. Mặt khác, xã Kim Liên là xã trọng điểm về quốc phòng an ninh, có Khu di lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu sáp nhập vào xã Xuân Hồng mất đi yếu tố lịch sử.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: Xã Xuân Hồng nằm về phía Đông Nam, cách trung tâm huyện Nam Đàn 10 km, có dòng sông Lam chảy qua, tuy tương đối bằng phẳng nhưng bị chia cách thành hai phần rõ rệt đó là phần trong đê và phần ngoài đê, hàng năm vào mùa mưu lụt, nước dâng cao gây nhiều thiệt hại về hoa màu cho nhân dân. 

+ Yếu tố lịch sử văn hóa:Xã Xuân Hồng có lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, tinh thần yêu nước, hiếu học của cộng đồng dân cư có từ lâu đời. Về tín ngưỡng cũng như mọi người trên địa bàn huyện, người dân có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên trong gia đình, các dòng họ đều bố trí đất đai xây dựng nơi thờ tự của họ tộc; bên ngoài thờ thành hoàng làng, thờ Thần thổ công, trong đó có nhưng ngôi Đền lớn, như Đền Giáp Cả, Đền Nhạn Tháp thờ Lý Nhật Quang...; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi nhất là vào dịp lễ kỷ niệm, tết cổ truyền...

+ Yếu tố tôn giáo:Xã Xuân Hồng có đạo công giáo tại xóm Thượng Nậm, nằm cuối xã, quy mô không lớn. Tuy nhiên, nếu sáp nhập thêm một đơn vị hành chính liền kề sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Hồng Long là xã trọng điểm về quốc phòng với địa bàn trải dài, dân cư có nhiều yếu tố phức tạp, nếu sáp nhập thêm đơn vị hành chính liên kề khiến cho công tác quản lý của chính quyền, đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh các điểm nóng.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội:Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện mở rộng, liên kết sản xuất ở quy mô lớn; hội tụ những cách làm hay, mô hình nổi trội của từng xã để nhân rộng trên địa bàn xã mới. Có điều kiện để thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Việc đầu tư cho giáo dục, văn hóa, y tế sẽ được chú trọng hơn, chất lượng hơn; các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm được quan tâm hơn. Hiện tại đối với bậc Trung học cơ sở của xã Xuân Hồng đã được sáp nhập trường từ năm 2018, trên cơ sở 2 trường THCS của xã Xuân Lâm và Hồng Long.

+ Yếu tố đặc thù khác:Số lượng cán bộ, công chức trên địa bàn huyện hiện dôi dư nhiều sau sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021, mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn dôi dư 52 công chức; cán bộ, công chức trên địa bàn đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giản biên chế, giải quyết chế độ dôi dư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hồng Long và xã Xuân Lâm.

1.10.3. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Nam Đàn.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Nam Đàn giảm 02 ĐVHC cấp xã, còn lại 17 ĐVHC (01 thị trấn, 16 xã), cụ thể là: Thị trấn Nam Đàn, xã Nam Hưng, xã Thượng Tân Lộc, xã Nam Thanh, xã Xuân Hòa, xã Nam Anh, xã Nam Xuân, xã Nam Lĩnh, xã Hùng Tiến, xã Nam Giang, xã Kim Liên, xã Nam Cát, xã Khánh Sơn, xã Nam Kim, xã Trung Phúc Cường, xã Nghĩa Thái, xã Xuân Hồng.

1.11. Huyện Yên Thành:

1.11.1. Xã Hoa Thành và Thị trấn Yên Thành (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hoa Thành có diện tích tự nhiên là 3,48 km2 (đạt tỷ lệ 11,60%), quy mô dân số là 5.726 người (đạt tỷ lệ 71,58%) và Thị trấn Yên Thành có diện tích tự nhiên là 2,61 km2 (đạt tỷ lệ 18,64%), quy mô dân số là 5.774 người (đạt tỷ lệ 72,18%). Lấy tên là thị trấn Hoa Thành.

a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Hoa Thành và thị trấn Yên Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; hai đơn vị thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025; việc sắp xếp góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình mở rộng và phát triển đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; mặt khác hai đơn vị này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b. Kết quả sau sắp xếp thị trấn Hoa Thành:

- Diện tích tự nhiên 6,09 km2 (đạt tỷ lệ 43,50%).

- Dân số 11.500 người (đạt tỷ lệ 143,75%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Văn Thành; Phía Nam giáp: Xã Nhân Thành, xã Tăng Thành; Phía Đông giáp: Xã Hợp Thành; Phía Tây giáp: Xã Tăng Thành, xã Xuân Thành.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính thị trấn Hoa Thành: Đặt tại thị trấn Yên Thành (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp thị trấn Hoa Thành có quy mô dân số đạt tỷ lệ 143,75%; diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 43,50%; không đạt tiêu chí theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15) với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp Hợp Thành; phía Nam giáp Nhân Thành, Tăng Thành;phía Tây giáp Tăng Thành, Xuân Thành;phía Bắc giáp Văn Thành.Trong đó xã Hợp Thành sắp xếp vào xã Nhân Thành giai đoạn 2023-2025; xã Tăng Thành thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2023 dự kiến sắp xếp vào xã Xuân Thành. Nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba là xã Văn Thành (9.758 người) sẽ có quy mô dân số lớn, địa hình trải dài, không thuận lợi cho nhân dân trong việc giao dịch hành chính, quản lý của nhà nước tại địa phương. Mặt khác, Thị Trấn Yên Thành và xã Hoa Thành là đơn vị trọng điểm về quốc phòng, do vậy nếu sắp xếp thêm đơn vị hành chính tiềm ẩn về quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: Điều kiện tự nhiên có sự tương đồng, rất thuận lợi cho việc quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị. Một số địa phương kiền kề có điều kiện tương đồng nhưng đã thực hiện sắp xếp với đơn vị khác hoặc có quy mô dân số lớn nên không thuận lợi cho việc thực hiện sắp xếp với hai đơn vị này.

+ Yếu tố lịch sử, văn hóa: Năm 1986, Thị trấn Yên Thành được thành lập trên cơ sở sáp nhập xóm Dinh, xóm Đoài, xã Hoa Thành và xóm Phúc Tăng, xã Tăng Thành. Nhân dân có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, xã hội cơ bản tương đồng. Do vậy, rất thuận lợi cho việc sắp xếp, việc sắp xếp với đơn vị thứ ba sẽ làm giảm ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết tại địa phương.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội:Thị trấn Hoa Thành là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của huyện Yên Thành, hai đơn vị đã được quy hoạch phát triển đô thị, đang trong giai đoạn đầu phát triển, nếu sắp xếp thêm đơn vị hành chính thứ ba để đạt tiêu chuẩn theo quy định thì không tập trung được nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Hoa Thành và thị trấn Yên Thành là hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hoa Thành và thị trấn Yên Thành.

1.11.2. Xã Khánh Thành (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Khánh Thành có diện tích tự nhiên là 5,49 km2 (đạt tỷ lệ 18,30%), quy mô dân số là 7.613 người (đạt tỷ lệ 95,16%) và xã Công Thành có diện tích tự nhiên là 12,48 km2 (đạt tỷ lệ 41,60%), quy mô dân số là 13.143 người (đạt tỷ lệ 164,29%). Thành lập xã Vân Tụ.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

 Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Khánh Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xã Công Thành và Khánh Thành là hai xã liền kề, nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, trình độ phát triển kinh tế, xã hi cơ bản tương đồng.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Vân Tụ:

- Diện tích tự nhiên 17,97 km2 (đạt tỷ lệ 128,36%).

- Dân số 20.756 người (đạt tỷ lệ 259,45%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Minh Thành (mới), xã Liên Thành (mới); Phía Nam giáp: Xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương); Phía Đông giáp: Xã Bảo Thành, xã Long Thành; Phía Tây giáp: Xã Mỹ Thành.

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Vân Tụ: Đặt tại xã Công Thành (hiện tại).

- Giải trình:Sau khi sắp xếp, xã Vân Tụ có diện tích tự nhiên 17,97 km2(59,90%); dân số 20.756 người (đạt 259,45%), không đạt tiêu chuẩn Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 với lý do đặc thì sau:

+ Yếu tố địa lý:Xã Khánh Thành và xã Công Thành tiếp giáp các xã Liên Thành (sau sáp nhập), Minh Thành (sau sáp nhập), Bảo Thành,  Mỹ Thành, Nam Thành và Long Thành; xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương. Trong đó, xã Liên Thành thực hiện sáp nhập với xã Lý Thành giai đoạn 2023-2025; xã Minh Thành sáp nhập với xã Đại Thành giai đoạn 2023-2025; xã Nam Thành thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030 (Nam Thành đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định) và dự kiến sáp nhập với xã Trung Thành. Nếu sáp nhập thêm vớiđơn vị thứ 3 là các xã Mỹ Thành, Bảo Thành, Long Thành quy mô dân số lớn, địa hình dàn trãi, giao thông không thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý hành chính, giao dịch của người dân.

+ Yếu tố tự nhiên:Xã Khánh Thành và xã Công Thành là xã vùng trũng, thường ngập lụt trong mùa mưa, lũ, đường xá bị chia cắt, do vậy việc sáp nhập thêm đơn vị thứ 3 gây khó khăn trong việc đi lại, giao dịch cho người dân, phát triển kinh tế xã hội.

+ Yêu tố lịch sử: Huyện Yên Thành trước năm 1953 có 24 xã. Khánh Thành và Công Thành thuộc xã Vân Tụ. Năm 1953, thực hiện chủ trương của cấp trên chia xã lớn thành những xã nhỏ, theo đó, xã Vân Tụ cũng được chia thành các xã nhỏ. Xã Khánh Thành và xã Công Thành được tách ra từ xã Vân Tụ, thành lập những xã riêng. Do vậy, việc sáp nhập hai xã có nhiều thuận lợi, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ.

+ Yếu tố văn hóa: Nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo (đều có nhiều người theo đạo Công giáo), trình độ phát triển kinh, xã hi cơ bản tương đồng. Nhập hai xã này với nhau sẽ thuận lợi trong việc quản lý hành chính, an ninh ổn định, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Nếu nhập thêm xã thứ ba rất khó khăn trong việc quản lý; không tương đồng về phong tục tập quán, trình độ phát triển kinh tế xã hội.

+ Yếu tố Quốc phòng – An ninh:Xã Công Thành thuộc xã trọng điểm Quốc phòng, nếu sắp nhập thêm đơn vị hành chính thứ 3 sẽ anh hưởng đến trật tự Quốc phòng – An ninh trên địa bàn

+ Yếu tố đặc thù khác:Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Khánh Thành và xã Công Thành thành xã Vân Tụ.

1.11.3. Xã Đại Thành (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đại Thành có diện tích tự nhiên là 8,22 km2 (đạt tỷ lệ 16,44%), quy mô dân số là 3.627 người (đạt tỷ lệ 72,54%) và xã Minh Thành có diện tích tự nhiên là 24,57 km2 (đạt tỷ lệ 49,14%), quy mô dân số là 6.334 người (đạt tỷ lệ 126,68%). Lấy tên là xã Minh Thành.

a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Đại Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho sự sáp nhập.

b. Kết quả sau sắp xếp xã Minh Thành:

- Diện tích tự nhiên 32,79 km2 (đạt tỷ lệ 65,58%).

- Dân số 9.961 người (đạt tỷ lệ 199,22%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Trung Thành; Phía Nam giáp: Xã Mỹ Thành; Phía Đông giáp: Xã Liên Thành (mới) và Nam Thành; Phía Tây giáp: Xã Thịnh Thành;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Minh Thành: Đặt tại xã Minh Thành (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Minh Thành có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 65,58%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 199,22%; Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15;với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp xã Liên Thành và Nam Thành. Phía Nam giáp xã Mỹ Thành. Phía Tây giáp xã Thịnh Thành. Phía Bắc giáp Trung Thành. Trong các xã liền kề, xã Liên Thành thực hiện sáp nhập với xã Lý Thành (đơn vị phải sắp xếp) giai đoạn 2023-2025; xã Nam Thành và xã Trung Thành thuộc diện phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-2030 và dự kiến sắp xếp với nhau thành xã mới. Nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba là các xã Mỹ Thành (9.972 người), Thịnh Thành (7.476 người) sẽ quy mô dân số quá lớn, địa hình dàn trãi khó khăn trong công tác quản lý hành chính, giao dịch của người dân.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: Xã Minh Thành và Đại Thành là xã miền núi, cách trung tâm huyện Yên Thành hơn 15 km, diện tích tự nhiên 32,79 km2, địa hình có nhiều hồ đập, khe suối có độ dốc cao, giao thông cách trở, việc đi li không thuận lợi.

+ Yêu tố lịch sử, văn hóa:Xã Minh Thành được tách ra thành xã Đại Thành và Minh Thành từ năm 1999. Do trước đây là một xã, Nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng tương đồng nên việc sắp xếp hai xã có nhiều thuận lợi. Việc sắp xếp thêm xã thứ ba ảnh hưởng đến yếu tố lịch sử, phong tục,  tập quán, sự đoàn kết tại địa phương.

+ Yếu tố kinh tế - xã hội: Đây là hai xã miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, do vậy thuận lợi trong việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội sau khi sáp nhập. Sáp nhập đối với đơn vị thứ 3 không có sự tương đồng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Đại Thành, xã Minh Thành hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Đại Thành và Minh Thành.

1.11.4. Xã Lý Thành (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lý Thành có diện tích tự nhiên là 7,69 km2 (đạt tỷ lệ 15,38%), quy mô dân số là 4.159 người (đạt tỷ lệ 83,18%) và xã Liên Thành có diện tích tự nhiên là 7,76 km2 (đạt tỷ lệ 25,87%), quy mô dân số là 8.080 người (đạt tỷ lệ 101%). Lấy tên là xã Liên Thành.

a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Lý Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300% quy định; sắp xếp với xã Liên Thành đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-2030); việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; mặt khác 02 xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho sự sáp nhập.

b. Kết quả sau sắp xếp xã Liên Thành:

- Diện tích tự nhiên 15,45 km2 (đạt tỷ lệ 30,90%).

- Dân số 12.239 người (đạt tỷ lệ 244,78%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nam Thành; Phía Nam giáp: Xã Công Thành; Phía Đông giáp: Xã Khánh Thành; Phía Tây giáp: Xã Minh Thành;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Liên Thành: Đặt tại xã Liên Thành (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Liên Thành có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 30,90%, quy mô dân số đạt tỷ lệ 244,78%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp Khánh Thành,phía Nam giáp xã Công Thành,phía Tây giáp xã Minh Thành, Mỹ Thành,phía Bắc giáp xã Nam Thành. Trong các xã tiếp giáp, xã Khánh Thành, xã Đại Thành thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Xã Khánh Thành sắp xếp với xã Công Thành; xã Minh Thành sắp xếp xã Đại Thành. Xã Nam Thành thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030, dự kiến sắp xếp với xã Trung Thành. Nếu sắp xếp thêm xã thứ baMỹ Thành (9.972 người) sẽ có quy mô dân số lớn, địa hình dàn trải, khó khăn trong công tác quản lý, nhân dân không thuận lợi việc giao dịch hành chính.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên:Địa hình đồi núi khá phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là tại xã Lý Thành (cách trung tâm huyện khoảng 12 km). Do vậy, việc sắp xếp với xã thứ ba sẽ rất khó khăn trong hoạt động giao thông, giao dịch của người dân.

+ Yếu tố lịch sử, văn hóa:Xã Liên Thành tách ra từ xã Lý Thành từ năm 1972. Do trước đây là một xã, Nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng tương đồngnên việc sắp xếp gặp nhiều thuận lợi. Việc sắp xếp thêm đơn vị thứ ba sẽ làm giảm ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết tại địa phương.

+ Yếu tố tôn giáo:Hai xã này không có người theo đạo Công giáo. Các xã tiếp giáp là Công Thành, Khánh Thành, Nam Thành, Minh Thành có tỷ lệ người theo đạo Công giáo khá đông (Công Thành, Nam Thành, Khánh Thành có 01 giáo xứ/xã; xã Minh Thành có 01 giáo họ). Nếu sắp xếp với các xã trên không tương đồng về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện sinh hoạt, sẽ làm bất ổn tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn, khó khăn trong việc hòa nhập giữa các cộng đồng dân cư, ảnh hưởng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế và trong xây dựng phong trào văn hóa xã hội tại địa phương, đặc biệt là trong các hoạt động về tâm linh, tín ngưỡngvà không được sự đồng thuận của cử tri.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Điều kiện kinh tế - xã hội của 2 xã tương đồng, do vậy thuận lợi cho việc quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau khi sắp xếp, sáp nhập.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Lý Thành, xã Liên Thành hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên đạt chuẩn, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Lý Thành và Liên Thành.

1.11.5.Xã Hồng Thành (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hồng Thành có diện tích tự nhiên là 5,05 km2 (đạt tỷ lệ 16,83%), quy mô dân số là 7.846 người (đạt tỷ lệ 98,08%) và xã Phú Thành có diện tích tự nhiên là 6,64 km2 (đạt tỷ lệ 22,13%), quy mô dân số là 8.378 người (đạt tỷ lệ 104,73%). Lấy tên là xã Phú Thành.

a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Hồng Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300% quy định sắp xếp với xã Phú Thành đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-2030); việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b. Kết quả sau sắp xếp xã Phú Thành:

- Diện tích tự nhiên 11,69 km2 (đạt tỷ lệ 38,97%).

- Dân số 16.224 người (đạt tỷ lệ 202,80%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Thọ Thành; Phía Nam giáp: Xã Hợp Thành; Phía Đông giáp: Xã Diễn Liên, Diễn Thái (huyện Diễn Châu); Phía Tây giáp: Xã Lăng Thành;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Phú Thành: Đặt tại xã Hồng Thành (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Phú Thành có quy mô dân số đạt tỷ lệ 202,80%, diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 38,97%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15) với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý: Phía Đông giáp xã Diễn Liên, Diễn Thái thuộc huyện Diễn Châu. Phía Nam giáp xã Hợp Thành, Văn Thành. Phía Tây giáp giáp xã Lăng Thành. Trong các xã liền kề, xã Hợp Thành thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, thực hiện sắp xếp với xã Nhân Thành. Nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba là xã Thọ Thành (10.705 người), xã Văn Thành (9.758 người), xã Lăng Thành (9.273 người) sẽ có quy mô dân số, địa hình trải dài, không thuận lợi cho nhân dân trong việc giao dịch, quản lý hành chính của nhà nước tại địa phương.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên:Xã Phú Thành, Hồng Thành là các xã vùng trũng, hàng năm thường có ngập lụt, chia cắt với các xã lân cận. Do vậy, việc sắp xếp với xã thứ ba không thuận lợi cho người dân và chính quyền địa phương trong các sinh hoạt, hoạt động, ảnh hưởng đến sự phát triển sau sắp xếp.

+ Yếu tố lịch sử, văn hóa:Xã Phú Thành và Hồng Thành trước đây là xã Phú Thành, năm 1994 chia tách xã Phú Thành để thành lập hai xã Phú Thành và Hồng Thành. Nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng tương đồng. Do vậy, việc sáp nhập hai xã có nhiều thuận lợi, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc sáp nhập với đơn vị thứ ba sẽ làm giảm ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết tại địa phương.

          + Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Trước đây là một ĐVHC cho nên nên trình độ phát triển kinh tế - xã hội của hai đơn vị tương đồng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội sau sắp xếp.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Hồng Thành là đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Phú Thành và Hồng Thành.

1.11.6. Xã Hợp Thành (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hợp Thành có diện tích tự nhiên là 4,57 km2 (đạt tỷ lệ 15,23%), quy mô dân số là 8.156 người (đạt tỷ lệ 101,95%) và xã Nhân Thành có diện tích tự nhiên là 9,43 km2 (đạt tỷ lệ 31,43%), quy mô dân số là 9.844 người (đạt tỷ lệ 123,05%). Lấy tên là xã Đông Thành.

a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

 Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Hợp Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b. Kết quả sau sắp xếp xã Đông Thành:

+ Diện tích tự nhiên 14,00 km2 (đạt tỷ lệ 46,67%).

+ Dân số 18.000 người (đạt tỷ lệ 225,00%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Phú Thành; Phía Nam giáp: Xã Vĩnh Thành; Phía Đông giáp: Xã Diễn Thái, Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu); Phía Tây giáp: Thị trấn Hoa Thành (mới);

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Đông Thành: Đặt tại xã Nhân Thành (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp, xã Đông Thành có quy mô dân số đạt tỷ lệ 225,00%, diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 46,67%. Không đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15); với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp xã Diễn Thái, Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu; phía Nam giáp xã Vĩnh Thành; phía Tây giáp Thị trấn Yên Thành; phía Bắc giáp Phú Thành. Các xã liền kề là Phú Thành, Hoa Thành, Thị Trấn Yên Thành thực hiện sắp xếp đơn vị liền kề giai đoạn 2023-2025; Phía Đông giáp xã Diễn Thái, Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu. Mặt khác nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba là xã Vĩnh Thành (8.572 người), Văn Thành (9.758 người) quy mô dân số đông và địa hình trải dài khó quản lý. Mặt khác, Nhân Thành và Hợp Thành là đơn vị trọng điểm về quốc phòng, do vậy nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba tiềm ẩn về quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: Xã Nhân Thành và Hợp Thành là những xã vũng trũng, thường ngập lụt trong mùa mưa, đường xá bị chia cắt, do vậy việc sáp nhập với đơn vị thứ ba gây khó khăn cho việc đi lại, giao dịch người dân, khó khăn trong công tác quản lý.

+ Yếu tố lịch sử, văn hóa: Trước năm 1953, xã Nhân Thành và xã Hợp Thành thuộc xã Yên Trung (Năm 1953, huyện Yên Thành từ 12 xã chia thành 32 xã. Trong đó, xã Yên Trung chia thành 4 xã: Nhân Thành, Văn Thành, Hoa Thành, Hợp Thành). Nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng tương đồng nên việc sáp nhập hai xã có nhiều thuận lợi. Các xã khác được tách ra từ xã Yên Trung, gồm có: Hoa Thành, Văn Thành. Trong đó, xã Hoa Thành thực hiện sắp xếp với Thị Trấn Yên Thành; xã Văn Thành có quy mô dân số lớn, nên khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng quốc phòng an ninh sau khi sáp nhập.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương đồng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội sau khi sắp xếp.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Hợp Thành, xã Hoa Thành hai đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hợp Thành và Nhân Thành.

1.11.7. Xã Hậu Thành (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hậu Thành có diện tích tự nhiên là 7,74 km2 (đạt tỷ lệ 15,48%), quy mô dân số là 6.232 người (đạt tỷ lệ 124,64%) và xã Hùng Thành có diện tích tự nhiên là 15,75 km2 (đạt tỷ lệ 31,5%), quy mô dân số là 6.968 người (đạt tỷ lệ 139,36%). Lấy tên là xã Hậu Thành.

a. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Xã Hậu Thành đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định; việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; mặt khác hai xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa có sự tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b. Kết quả sau sắp xếp thì xã Hậu Thành:

- Diện tích tự nhiên 23,49 km2 (đạt tỷ lệ 46,98%).

- Dân số 13.200 người (đạt tỷ lệ 264,00%).

- Dân số là người dân tộc thiểu số: Không

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Lăng Thành; Phía Nam giáp: Xã Phú Thành; Phía Đông giáp: Xã Lăng Thành; Phía Tây giáp: Xã Phúc Thành, Kim Thành;

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Hậu Thành: Đặt tại xã Hậu Thành (hoặc tại xã Hùng Thành sau khi lấy ý kiến cử tri).

- Giải trình: Sau sắp xếp, xã Hậu Thành có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 46,98%, quy mô dân số đạt tỷ lệ  264,00%.Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15); với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố vị trí địa lý:Phía Đông giáp xã Lăng Thành; phía Nam giáp xã Phú Thành; phía Tây giáp xã Phúc Thành, Kim Thành; phía Bắc giáp xã Lăng Thành. Trong các xã liền kề, xã Phú Thành thực hiện sắp xếp với xã Hồng Thành giai đoạn 2023-2025; xã Kim Thành thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2023, dự kiến sắp xếp với xã Đồng Thành; Nếu nhập nhập thêm đơn vị thứ ba là xã Phúc Thành (12.521 người) hoặc xã Lăng Thành (9.273 người; 49,14 km2) quy mô dân số và diện tích rất lớn, địa hình trải dài khó quản lý.

+ Yếu tố lịch sử, văn hóa:Hai xã HậuThành Hùng Thành trước đây là xã Hậu Thành, được tách ra thành hai xã từ năm 2007. Nhân dân hai xã này có phong tục, tập quán, tín ngưỡng tương đồng; do vậy, việc sắp xếp hai xã có nhiều thuận lợi, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc sắp xếp với đơn vị thứ ba sẽ làm giảm ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết tại địa phương.

+ Yếu tố điều kiện tự nhiên: Hậu Thành và Hùng Thành là xã miền núi, địa hình đồi núi trải dài, cách xa trung tâm huyện Yên thành, đường xá đi lại khó khăn, cách trở, nên việc sắp xếp thêm đơn vị thứ ba gặp khó khăn đối với người dân cũng như việc quản lý của nhà nước.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của hai xã tương đồng, thuận lợi cho việc phát triển của địa phương sau sắp xếp.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Hậu Thành là đơn vị đều là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp xếp thêm đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Yếu tố đặc thù khác: Số lượng cán bộ, công chức, không chuyên trách dôi dư nhiều, đa số tuổi đời còn trẻ, năm công tác ít, có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, do vậy rất khó khăn trong việc tinh giảm biên chế, giải quyết chế độ dôi dư, ổn định tình hình tại địa phương.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Hùng Thành và Hậu Thành.

1.11.8. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Yên Thành.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Yên Thành giảm 07 ĐVHC cấp xã, còn lại 32 ĐVHC (01 thị trấn, 31 xã), cụ thể là: Thị trấn Hoa Thành, xã Vân Tụ, xã Tân Thành, xã Tiến Thành, xã Đồng Thành, xã Lăng Thành, xã Thịnh Thành, xã Quang Thành, xã Tây Thành, xã Phúc Thành, xã Đức Thành, xã Sơn Thành, xã Mỹ Thành, xã Mã Thành, xã Kim Thành, xã Long Thành, xã Văn Thành, xã Xuân Thành, xã Viên Thành, xã Bắc Thành, xã Vĩnh Thành, xã Nam Thành, xã Bảo Thành, xã Tăng Thành, xã Thọ Thành, xã Trung Thành, xã Đô Thành, xã Minh Thành, xã Liên Thành, xã Phú Thành, xã Đông Thành, xã Hậu Thành.

1.12. Huyện Nghi Lộc:

1.12.1. Xã Nghi Hoa (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghi Hoa có diện tích tự nhiên là 4,98 km2 (đạt tỷ lệ 16,60%), quy mô dân số là 7.038 người (đạt tỷ lệ 87,98%) và xã Nghi Diên có diện tích tự nhiên là 6,86 km2 (đạt tỷ lệ 22,87%), quy mô dân số là 9.785 người (đạt tỷ lệ 122,31%).Lấy tên là xã Diên Hoa.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Xã Nghi Hoa đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn sắp xếp với xã Nghi Diên đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số 300% tiêu chuẩn (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-2030); góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 02 xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa  tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Diên Hoa:

- Diện tích tự nhiên: 11,84 km2 (đạt tỷ lệ 39,47%).

- Quy mô dân số: 16.823 người (đạt tỷ lệ 210,29%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nghi Thuận; Phía Nam giáp: Xã Nghi Vạn, xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên);Phía Đông giáp: Thị trấn Quán Hành, Nghi Trung, Nghi Long;Phía Tây giáp: Xã Nghi Phương; Hưng Trung, Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên)

- Trụ sở làm việc đơn vị hành chính xã Diên Hoa: Đặt tại xã Nghi Diên (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã Diên Hoa có diện tích tự nhiên đạt 39,47%; quy mô dân số đạt 210,29%. Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15); với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố Tôn giáo:Xã Nghi Hoa, Nghi Diên là những đơn vị đặc thù về tôn giáo với tỷ lệ dân số theo đạo Thiên chúa cao, an ninh chính trị vùng giáo tiềm ẩn những diễn biến phức tạp: Xã Nghi Hoa có 01 giáo xứ, 01 giáo họ, 04/8 xóm là giáo dân toàn tòng, 02/8 xóm giáo xen lương, đồng bào giáo dân chiếm tỷ lệ 52% dân số; Xã Nghi Diên là Trung tâm của Giáo phận Vinh có Tòa Giám mục Xã Đoài, Trường Đại chủng viện Thánh Phanxicoxavie, Dòng mến Thánh giá Vinh, Dòng Thừa sai Bác ái; Tu viện Thánh An tôn, phòng khám Tòa Giám mục và Trung tâm khuyết tật 19/3, có 01 giáo hạt, 02 giáo xứ, 03 giáo họ, có 03/8 xóm giáo toàn tòng; 4/8 xóm giáo xen lương; đồng bào giáo dân chiếm tỷ lệ 60% dân số). Sau sáp nhập, xã Diên Hoa có yếu tố về tôn giáo rất lớn: là Trung tâm của Giáo phận Vinh có Tòa Giám mục Xã Đoài, Trường Đại chủng viện Thánh Phanxicoxavie, Dòng mến Thánh giá Vinh, Dòng Thừa sai Bác ái; Tu viện Thánh An tôn, phòng khám Tòa Giám mục và Trung tâm khuyết tật 19/3, có 01 giáo hạt, 03 giáo xứ, 04 giáo họ với 07/16 xóm giáo toàn tòng, đồng bào giáo dân chiếm trên 50%. Nếu tiếp tục sáp nhập các xã liền kề thì sẽ tạo nên đơn vị hành chính đặc thù lớn về tôn giáo (Nghi Thuận có 02 giáo xứ, 02 giáo họ, đồng bào giáo dân chiếm tỷ lệ 51% dân số, là địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh; Xã Nghi Phương có Đền Thánh Anton, có 03 giáo xứ, 04 giáo họ, đồng bào giáo dân chiếm tỷ lệ 52% dân số; Xã Nghi Trung có 01 giáo xứ, 03 giáo họ, tỷ lệ giáo dân chiếm 25% dân số; Nghi Vạn có 02 giáo xứ, 04 giáo họ, đồng bào giáo dân chiếm tỷ lệ 60% dân số).

+ Yếu tố Quốc phòng - An ninh: Xã Nghi Diên và xã Nghi Hoa và những xã liền kề đều là những đơn vị trọng điểm về quốc phòng (theo Quyết định số 2414/QĐ-BQP ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), nếu sắp xếp thêm xã liền kề thứ để đủ tiêu chí thì sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh (với dân số hiện tại đạt 210,29 % so với tiêu chuẩn và số lượng tín đồ tôn giáo lớn), đặc biệt là việc nắm bắt cơ sở, quản lý tình hình an ninh trật tự tại vùng đặc thù;   

+ Yếu tố phát triển kinh tế xã hội: Xã Nghi Hoa, Nghi Diên và những xã liền kề thuộc vùng trung tâm huyện có các khu công nghiệp Nam Cấm, WHA đang thu hút nhiều dự án trọng điểm của tỉnh. Với đặc thù về yếu tố tôn giáo lớn tạo nên sức ép lớn tới hệ thống chính trị trong việc tuyên truyển, vận động việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nếu nhập thêm thị trấn Quán Hành thì không phù hợp với quy hoạch đô thị và trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các đơn vị.

+ Yếu tố đặc thù khác: Qua nắm bắt nguyện vọng của người dân, thì Nhân dân hai xã Nghi Diên, Nghi Hoa không đồng tình sắp xếp thêm đơn vị hành chính khác do tỷ lệ đồng bào theo đạo thiên chúa giáo quá cao, khó khăn trong việc kết nối giữa các cộng đồng dân cư.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Nghi Hoa và Nghi Diên.

1.12.2. Xã Nghi Thịnh (thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nghi Thịnh có diện tích tự nhiên là 5,60 km2 (đạt tỷ lệ 18,67%), quy mô dân số là 6.040 người (đạt tỷ lệ 75,50%) và xã Nghi Trường có diện tích tự nhiên là 8,72 km2 (đạt tỷ lệ 29,07%), quy mô dân số là 6.687 người (đạt tỷ lệ 83,59%).Lấy tên là xã Thịnh Trường.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Xã Nghi Thịnh đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300%; sắp xếp với xã Nghi Trường đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số 300% tiêu chuẩn (phải thực hiện sắp xếp giai đoạn 2026-2030); việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác 02 xã này có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa  tương đồng nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp xã Thịnh Trường:

- Diện tích tự nhiên: 14,32 km2 (đạt tỷ lệ 47,73%).

- Quy mô dân số: 12.727 người (đạt tỷ lệ 159,09%).

- Số dân là người dân tộc thiểu số: Không.

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp: Xã Nghi Xá, Khánh Hợp; Phía Nam giáp: Xã Nghi Ân (thành phố Vinh); Phía Đông giáp: Xã Nghi Thạch, Nghi Phong; Phía Tây giáp: Xã Nghi Long, Nghi Trung.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính xã Trường Thịnh: Đặt tại xã Nghi Trường (hiện tại).

- Giải trình:Sau sắp xếp xã Trường Thịnh có diện tích tự nhiên đạt tỷ lệ 47,73 %; quy mô dân số đạt tỷ lệ 159,09%.Không đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15); với lý do đặc thù sau:

+ Yếu tố lịch sử văn hóa:Xã Nghi Thịnh và Nghi Trường có mối quan hệ lịch sử gần gũi (thuộc xã Thịnh Trường từ giai đoạn tháng 2/1946 đến đầu năm 1954), phong tục tập quán canh tác, sản xuất, đời sống tinh thần tương đồng; nhân dân của 2 xã luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội; Trong tư tưởng, nếp nghĩ cũng như đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân của xã Nghi Thịnh, Nghi Trường có mối liên hệ mật thiết với nhau và đã thực hiện sáp nhập trường THCS Nghi Thịnh và THCS Nghi Trường thành trường THCS Thịnh Trường.

+ Yếu tố tôn giáo:Hai xã Nghi Thịnh, Nghi Trường không có đồng bào theo đạo thiên chúa giáo, tuy nhiên các xã liền kề là Nghi Xá, Nghi Thạch, Nghi Trung có tỷ lệ tôn giáo cao tạo sự khác biệt về phong tục, tập quán và đời sống của cộng đồng dân cư (xã Nghi Xá có tỷ lệ giáo dân chiếm 24% dân số, có 01 giáo xứ, 03 giáo họ; xã Nghi Thạch có tỷ lệ giáo dân chiếm 50% dân số, có 01 giáo xứ, 03 giáo họ; Xã Nghi Trung có tỷ lệ giáo dân chiếm 25% dân số, có 01 giáo xứ, 03 giáo họ);

+ Yếu tố quốc phòng - an ninh: Xã Nghi Thịnh, Nghi Trường và các xã liền kề nằm ở phía đông huyện, tiếp giáp với thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh, có vị trí địa lý chiến lược, trọng điểm về quốc phòng; là căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ then chốt của huyện, tỉnh, có cơ quan chủ chốt (Bệnh viện Đa khoa huyện, Sân bay Vinh) và các tuyến đường giao thông quan trọng kết nối các khu vực trên địa bàn (Quốc lộ 48E, Quốc lộ 46, đường Quốc lộ ven biển...) và được công nhận là đơn vị trọng điểm về quốc phòng theo Quyết định của Bộ Quốc phòng. Nếu sắp xếp thêm đơn vị thứ ba sẽ tạo nên địa bàn trải rộng, khó khăn trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.

+ Yếu tố phát triển kinh tế - xã hội:Nếu sắp xếp thêm các xã liền kề thì sẽ tạo sự khác biệt trong tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống lịch sử, ảnh hưởng tới việc liên kết các cộng đồng dân cư, khó khăn trong việc thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội đối với đơn vị hành chính mới.

+ Yếu tố đặc thù khác: Qua nắm bắt nguyện vọng của người dân, thì Nhân dân hai xã Nghi Thịnh, Nghi Trường chỉ đồng tình sắp xếp hai xã để trở về xã cũ trước đây là Thịnh Trường, không muốn sắp xếp thêm đơn vị hành chính thứ ba.

Với những lý do trên, tỉnh Nghệ An xin áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Nghi ThịnhNghi Trường.

1.12.3. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Nghi Lộc.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Nghi Lộc giảm 02 ĐVHC cấp xã, còn lại 27 ĐVHC (01 thị trấn, 26 xã), cụ thể là: Thị trấn Quán Hành, xã Nghi Lâm, xã Nghi Văn, xã Nghi Kiều, xã Nghi Công Nam, xã Nghi Công Bắc, xã Nghi Hưng, xã Nghi Yên, xã Nghi Mỹ, xã Nghi Đồng, xã Nghi Phương, xã Nghi Thuận, xã Nghi Vạn, xã Nghi Trung, xã Nghi Long, xã Nghi Tiến, xã Nghi Thiết, xã Nghi Quang, xã Khánh Hợp, xã Nghi Xá, xã Nghi Phong, xã Nghi Thái, xã Phúc Thọ, xã Nghi Xuân, xã Nghi Thạch, xã Diên Hoa, xã Trường Thịnh.

1.13. Huyện Anh Sơn:

1.13.1. Xã Thạch Sơn và Thị trấn Anh Sơn (02 đơn vị thuộc diện sắp xếp): Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Thạch Sơn có diện tích tự nhiên 5,30 km2 (đạt tỷ lệ 10,60%); quy mô dân số 3.660 người (đạt tỷ lệ  73,20%) và thị trấn Anh Sơn có diện tích tự nhiên là 2,62 km2 (đạt tỷ lệ 18,71%); quy mô dân số là 6.248 người (đạt tỷ lệ 156,20% đã tính yếu tố đặc thù là đô thị miền núi, vùng cao theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Lấy tên là thị trấn Anh Sơn.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Xã Thạch Sơn và thị trấn Anh Sơnđồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20%; quy mô dân số dưới 300%; việc sắp xếpĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn đô thị; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị; mặt khác xã Thạch Sơn và thị trấn Anh Sơn có điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa tương đồng vì khi thành lập thị trấn Anh Sơn về dân số và diện tích tự nhiện cơ bản được chia tách ra từ xã Thạch Sơn nên phù hợp cho việc sắp xếp.

b) Kết quả sau sắp xếp thị trấn Anh Sơn:

- Diện tích tự nhiên 7,92 km2(đạt tỷ lệ 56,57%);

- Quy mô dân số 9.908 người (đạt tỷ lệ 247,70%);

- Dân số là người dân tộc thiểu số: 48 người (đạt tỷ lệ 0,48%)

- Các đơn vị hành chính liền kề: Phía Tây giáp: Xã Hội Sơn;Phía Đông và Phía Nam giáp: Xã Phúc Sơn;Phía Bắc giáp: Sông Lam, xã Đức Sơn, xã Vĩnh Sơn;

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính thị trấn Anh Sơn: Đặt tại thị trấn Anh Sơn (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp thị trấn Anh Sơn có diện tích tự nhiên đạt 56,57% quy mô dân số 247,70%, về diện tích tự nhiên.Không đạt tiêu chuẩn so với quy định Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; với lý do đặc thù sau:

- Yếu tố vị trí địa lý: Sáp nhập xã Thạch Sơn vào Thị trấn Anh Sơn, thành Thị trấn Anh Sơn; phía Tây giáp xã Hội Sơn, phía Đông và phía Nam giáp xã Phúc Sơn, phía Bắc giáp Sông Lam, xã Đức Sơn, xã Vĩnh Sơn; nếu nhập thêm xã thứ ba rất khó khăn trong việc quản lý hành chính.

- Yếu tố điều kiện tự nhiên: Xã Thạch Sơn là xã miền núi, có điều kiện tự nhiên tương đồng với Thị trấn Anh Sơn, phía Bắc, phí đông Đông và phía Tây có giáp sông Lam nếu sắp xếp với đơn vị hành chính thứ ba, không thuận lợi về điều kiện tự nhiên.

- Yếu tố lịch sử văn hóa:Xã Thạch Sơn và thị trấn Anh Sơn có lịch sử, văn hóa tương đồng vì khi thành lập thị trấn Anh Sơn (hiện nay) về dân số và diện tích tự nhiên cơ bản được chia tách ra từ xã Thạch Sơn, nếu sắp xếp đơn vị hành chính liền kề thứ ba vào thì sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý.

- Yếu tố tôn giáo: Hai đơn vị này có tôn giáo, nếu sắp xếp xã thứ ba không theo đạo dễ phát sinh tình hình mất an ninh, chính trị, khó quản lý, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị trị trên địa bàn.

- Yếu tố quốc phòng an ninh: Thạch Sơn và thị trấn Anh Sơn là 02 đơn vị trọng điểm quốc phòng, an ninh nếu sắp xếp thêm xã thứ ba, tiềm ẩn phức tạp về quốc phòng an ninh.

- Yếu tố phát triển kinh tế xã hội: Xã Thạch Sơn sau khi sắp xếp vào thị trấn Anh Sơn sẽ là đô thị cùng cấp, có đầy đủ các yếu tố thuận lợi điều kiện tự nhiên, con người, giao thông, cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội.

 Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Thạch Sơnthị trấn Anh Sơn.

1.13.2. Xã Tam Sơn (thuộc diện sắp xếp):Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tam Sơn diện tích tự nhiên 13,80 km2 (đạt tỷ lệ 27,60%); quy mô dân số 2.750 người (đạt tỷ lệ 55,00%) và xã Đỉnh Sơn có diện tích tự nhiên là 23,04 km2 (đạt tỷ lệ 46,08%); quy mô dân số là 8.208 người (đạt tỷ lệ 164,16% ). Lấy tên là Xã Tam Đỉnh.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp đơn vị hành chính:

Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Xã Tam Sơn đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn và xã Đỉnh Sơn đồng thời có diện tích tự nhiên 46,08% và quy mô dân số 164,16% tiêu chuẩn (đơn vị liền kề), việc sắp xếp ĐVHC góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển tại địa bàn nông thôn; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị.

b) Kết quả sau sắp xếp thì xã Tam Đỉnh có:

- Diện tích tự nhiên 36,84 km2(đạt tỷ lệ 73,68%);

- Quy mô dân số 10.958 người (đạt tỷ lệ 219,16%);

- Số dân là người dân tộc có 359 người (chiếm tỷ lệ 3,27%).

- Các Đơn vị hành chính liền kề: Phía Bắc giáp xã Thạch Ngàn, xã Mậu Đức (huyện Con Cuông); Phía Nam giáp xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) và xã Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn; Phía Đông giáp xã Cẩm Sơn; Phía Tây giáp xã Bồng Khê, Yên Khê (huyện Con Cuông).

- Nơi đặt trụ sở của đơn vị hành chính xã Tam Đỉnh: xã Đỉnh Sơn (hiện tại).

- Giải trình: Sau sắp xếp xã Tam Đỉnh có diện tích tự nhiên đạt 73,68%quy mô dân số 219,16%. Đạt tiêu chuẩn theo Điều 4, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15: Sau sắp xếp diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số đạt từ 100% trở lên tiêu chuẩn, tiêu chuẩn còn lại phải đạt từ 70% trở lên.

- Yếu tố vị trí địa lý: Sáp nhập xã Tam Sơn vào xã Đỉnh Sơn (đơn vị hành chính liền kề) thành xã Tam Đỉnh. Phía Bắc giáp xã Thạch Ngàn, xã Mậu Đức (huyện Con Cuông). Phía Nam giáp xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) và xã Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn. Phía Đông giáp xã Cẩm Sơn. Phía Tây giáp xã Bồng Khê, Yên Khê (huyện Con Cuông).

- Yếu tố điều kiện tự nhiên: Tam Sơn là xã miền núi nằm tả ngạn sông Lam, liền kề với xã Đỉnh Sơn qua hai thôn Đào Lâm và Bãi Sậy (Đỉnh Sơn), ba phía của xã Tam Sơn là phía Bắc, Nam và Tây tiếp giáp với các xã Thạch Ngàn, Mậu Đức, Bồng Khê của huyện Con Cuông, do đó xét về điều kiện tự nhiên nếu nhập thêm xã thứ ba không thuận lợi.

- Yếu tố lịch sử văn hóa: Trước năm 1953 xã Tam Sơn và xã Đỉnh Sơn thuộc xã Nhân Hòa (bao gồm: Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn hiện nay), do đó hai xã có lịch sử, văn hóa tương đồng, nếu sắp xêp thêm xã thứ ba, dân số đông, địa bàn rộng, khó quản lý, mặt khác rất khó khăn do nhân dân ở đầu và cuối xã đến trung tâm hành chính xã.

- Yếu tố dân tộc tôn giáo: Hai xã có tương đồng, nếu nhập thêm xã thứ ba dễ phát sinh tiềm ẩn về an ninh.

- Yếu tố quốc phòng an ninh: Đỉnh Sơn là xã trọng điểm về quốc phòng, nếu nhập xã thứ 3, tiềm ẩn phức tạp về quốc phòng.

- Yếu tố phát triển kinh tế xã hội: Nếu nhập xã Tam Sơn vào xã Đỉnh Sơn sẽ tạo tiền đề và mở rộng không gian để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là Đỉnh Sơn hiện tại đang xây dựng Đô thị loại 5 theo Quyết định 5400/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Cây Chanh (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn), có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

Với những lý do trên tỉnh Nghệ An xin được áp dụng yếu tố đặc thù đối với việc sắp xếp xã Tam Sơn và Đỉnh Sơn.

1.13.3. Kết quả sau khi sắp xếp đơn vị hành chính huyện Anh Sơn.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Anh Sơn giảm 02 ĐVHC cấp xã, còn lại 19 ĐVHC (01 thị trấn, 18 xã), cụ thể là: Thị trấn Anh Sơn, xã Thọ Sơn, xã Bình Sơn, xã Thành Sơn, xã Cẩm Sơn, xã Hùng Sơn, xã Tường Sơn, xã Hoa Sơn, xã Hội Sơn, xã Đức Sơn, xã Phúc Sơn, xã Long Sơn, xã Vĩnh Sơn, xã Khai Sơn, xã Cao Sơn, xã Tào Sơn, xã Lĩnh Sơn, xã Lạng Sơn, xã Tam Đỉnh.

III. LÝ DO ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ THUỘC DIỆN SẮP XẾP TRONG GIAI ĐOẠN 2023 – 2025 NHƯNG ĐỊA PHƯƠNG ĐỀ NGHỊ KHÔNG THỰC HIỆN SẮP XẾP.

1. Thành Phố Vinh:

1.1. Tên đơn vị hành chính: Xã Nghi Đức.

- Diện tích tự nhiên: 5,69 km2 (đạt tỷ lệ 18,97%).

- Quy mô dân số: 7.697 người (đạt tỷ lệ 96,21%).

- Lý do không thực hiện sắp xếp: Nghi Đức, thành phố Vinh đang được xây dựng thành phường (thuộc thành phố thuộc tỉnh) theo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, Nghệ An và thành lập các phường thuộc thành phố Vinh; áp dụng tiêu chí phường thì xã Nghi Đức đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

1.2. Tên đơn vị hành chính: Xã Hưng Chính.

- Diện tích tự nhiên: 4,52 km2 (đạt tỷ lệ 15,07%).

- Quy mô dân số: 9.187 người (đạt tỷ lệ 114,84%).

- Lý do không thực hiện sắp xếp:

Hiện nay tỉnh Nghệ An đã lập Đề án rà soát công nhận thành phố Vinh (mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại I và Báo cáo đánh giá các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Vinh kèm theo các Tờ trình số 3527/TTr-UBND, Tờ trình số 3539/TTr-UBND ngày 06/11/2023 của UBND tỉnh Nghệ An gửi Bộ Xây dựng, trong nội dung này chưa có phương án sắp xếp xã Hưng Chính với phường Cửa Nam. Vì vậy UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nội vụ đồng ý chưa thực hiện sắp xếp ĐVHC xã Hưng Chính vào phương Cửa Nam giai đoạn 2023 - 2025 để thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh (sắp xếp thị xã Cửa Lò và 04 xã thuộc huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh) bảo đảm tiến độ và thống nhất với nội dung đã được triển khai thực hiện

+ Xã Hưng Chính là xã trọng điểm quốc phòng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng  đến tình hình quốc phòng, an ninh của địa phương.

2. Huyện Đô Lương:

2.1. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Bồi Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 9,10 km2 (đạt tỷ lệ 30,33%).

- Quy mô dân số: 4.651 người (đạt tỷ lệ 58,14%).

2.2. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Bắc Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 4,91 km2 (đạt tỷ lệ 16,37%).

- Quy mô dân số: 4.737 người (đạt tỷ lệ 59,21%).

2.3. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Đặng Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 4,13 km2 (đạt tỷ lệ 13,77%).

- Quy mô dân số: 6.072 người (đạt tỷ lệ 75,90%).

2.4. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Lưu Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 5,32 km2 (đạt tỷ lệ 17,73%).

- Quy mô dân số: 6.646 người (đạt tỷ lệ 83,08%).

2.5. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Đà Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 4,29 km2 (đạt tỷ lệ 14,30%).

- Quy mô dân số: 8.536 người (đạt tỷ lệ 106,70%).

2.6. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Yên Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 4,29 km2 (đạt tỷ lệ 14,30%).

- Quy mô dân số: 6.329 người (đạt tỷ lệ 79,11%).

2.7. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Văn Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 4,64 km2 (đạt tỷ lệ 15,47%).

- Quy mô dân số: 5.192 người (đạt tỷ lệ 64,90%).

2.8. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Xã Lạc Sơn.

- Diện tích tự nhiên: 4,97 km2 (đạt tỷ lệ 16,57%).

- Quy mô dân số: 4.819 người (đạt tỷ lệ 60,24%).

2.9. Tên đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp: Thị trấn Đô Lương.

- Diện tích tự nhiên: 2,50 km2 (đạt tỷ lệ 17,86%).

- Quy mô dân số: 10.917 người (đạt tỷ lệ 136,46%).

          Lý do không thực hiện sắp xếp: Huyện Đô Lương có 09 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 (gồm xã Bồi Sơn, xã Bắc Sơn, xã Đặng Sơn, xã Lưu Sơn, xã Đà Sơn, Thị trấn Đô Lương, xã Yên Sơn, xã Văn Sơn, xã Lạc Sơn) nhưng có lý do đặc thù vì vậy tỉnh Nghệ An đề nghị chưa sắp xếp giai đoạn này, mục tiêu là để thực hiện đề án xây dựng, phát triển huyện Đô Lương trở thành đô thị loại IV trước năm 2025, trở thành thị xã trước năm 2030 và theo Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ, Đô Lương phải xây dựng trở thành thị xã vào năm 2027. Lý do cụ thể như sau:

1. Thứ nhất: Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Đô Lương đã chủ động, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch, chương trình, đề án, cụ thể:

- Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Ngày 10/10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã họp thống nhất giao Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương xây dựng Nghị quyết để phát triển huyện Đô Lương thành Thị xã theo Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ;

- Quy hoạch vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 168/QĐ-UBND;

- Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương tỉnh Nghệ An (tỷ lệ 1/10.000) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4129/QĐ-UBND ngày 22/12/2022;

- Đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 24/01/2022;

- Chương trình phát triển đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 07/4/2023;

- Tổ chức lập các quy hoạch phân khu trong quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương:

+ Phân khu 1 (Khu vực trung tâm đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương);

+ Phân khu 2 (Khu vực phía Bắc trung tâm đô thị Đô Lương, tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương);

+ Phân khu 3 (Khu vực phía Bắc trung tâm đô thị Đô Lương tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) đã được UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch tại văn bản số 5540/UBND.CN ngày 07/7/2023 và đã được phê duyệt đề cương nhiệm vụ, dự toán lập quy hoạch;

+ Phân khu 4 (Khu vực phía Nam trung tâm đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương);

+ Phân khu 5 (Khu vực phía Đông trung tâm đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương);

+ Phân khu 6 (Khu vực phía Tây trung tâm đô thị Đô Lương tại xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương) đã được UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch tại văn bản số 7470/UBND.CN ngày 07/9/2023).

- Theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, Đề án xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương, chương trình phát triển đô thị Đô Lương bao gồm địa giới hành chính của 14 đơn vị: Thị trấn Đô Lương, Đà Sơn, Lưu Sơn, Yên Sơn, Tràng Sơn, Đông Sơn, Lạc Sơn, Văn Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Bồi Sơn và một phần diện tích của xã Thịnh Sơn và xã Hòa Sơn (trong đó có 09 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025); tổng diện tích tự nhiên là 79,3 km2, dự kiến chia thành 12 phường trong thị xã tương lai, diện tích trung bình mỗi phường khoảng 5,5 km2 đến 7,5 km2, dân số trên 5000 người (đảm bảo theo quy định tại các Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị).

Như vậy, có 09 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 nằm trong khu vực quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương đã được UBND tỉnh phê duyệt.

2. Thứ hai: Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, Đề án xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương, Chương trình phát triển đô thị Đô Lương đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030, UBND huyện Đô Lương đã tổ chức lập Đề án đề nghị công nhận đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đề án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, kỳ họp thứ 13 thông qua tại Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 05/5/2023.

- Qua đánh giá theo 5 tiêu chí được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phân loại đô thị và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phân loại đô thị thì đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã đạt 5/5 tiêu chí của đô thị loại IV, tổng số điểm đánh giá 85,96 /100 điểm, đảm bảo đủ điều kiện để xét công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.

- Ngày 25/4/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Tờ trình số 7910/TTr-UBND về việc công nhân đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đạt tiêu chí đô thị loại IV, gửi Bộ Xây dựng. Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung tập trung phát triển các đô thị động lực và đô thị Đô Lương là 01 trong 06 đô thị động lực, tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại III (thời gian trình năm 2027).

- Để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sau khi đô thị Đô Lương được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, UBND huyện Đô Lương tổ chức Đề án xây dựng đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại III, đồng thời trình UBND tỉnh cho phép được xây dựng Đề án thành lập thị xã Đô Lương và thành lập phường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, nếu tiến hành sắp xếp 09 đơn vị hành chính (xã Bồi Sơn, xã Bắc Sơn, xã Đặng Sơn, xã Lưu Sơn, xã Đà Sơn, Thị trấn Đô Lương, xã Yên Sơn, xã Văn Sơn, xã Lạc Sơn) đảm bảo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 trong giai đoạn 2023-2025 thì sẽ khó khăn cho quá trình xây dựng đô thị Đô Lương. Cụ thể như sau:

- Giai đoạn 2023-2025, phải thực hiện sắp xếp 09 đơn vị hành chính trên thì khi huyện Đô Lương được phê duyệt Đề án thành lập Thị xã Đô Lương, các đơn vị hành chính nêu trên một lần nữa lại phải thực hiện sắp xếp, chia tách lại để đảm bảo diện tích, dân số, tỷ lệ số phường trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã; các đơn vị phải tiến hành đầy đủ quy trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phải tiến hành lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính phải thực hiện giải quyết dôi dư về cán bộ, công chức, giải quyết dôi dư về tài sản công; phải thay đổi lại thông tin, hồ sơ, giấy tờ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn…như vậy sẽ gây ra nhiều xáo trộn, tạo tâm lý bất ổn cho người dân và cán bộ công chức trên địa bàn huyện….

- Việc thực hiện sắp xếp 09 đơn vị hành chính trên trong giai đoạn 2023-2025 thì huyện Đô Lương và các cấp có thẩm quyền phải xây dựng, phê duyệt lại đề án Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương, xây dựng lại quy hoạch chung đô thị Đô Lương, xây dựng quy hoạch vùng huyện Đô Lương, Chương trình phát triển đô thị Đô Lương…Như vậy sẽ lãng phí rất nhiều thời gian, công sức của huyện trong quá trình xây dựng Đô Lương trở thành thị xã.

3. Thứ ba: Quá trình xây dựng huyện Đô Lương đạt các tiêu chí đô thị loại IV, huyện Đô Lương từng bước xây dựng phương án thành lập phường thuộc Thị xã trong tương lai, dự kiến 11 phường cụ thể như sau:

- Phường Bồi Sơn: Bao gồm diện tích xã Bồi Sơn hiện nay và lấy một phần diện tích xã Tràng Sơn (0,13 km2). Chuyển một phần diện tích cho xã Bắc Sơn (1,32 km2), xã Đặng Sơn (0,02 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 7,89 km2, dân số: 5.061 người.

- Phường Tràng Sơn: Bao gồm diện tích xã Tràng Sơn hiện nay, chuyển một phần diện tích cho xã Bồi Sơn (0,13 km2), xã Bắc Sơn (0,15 km2), xã Đặng Sơn (0,19 km2), thị trấn Đô Lương (0,36 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 8,48 km2, dân số: 9.673 người

- Phường Đông Sơn: Bao gồm diện tích xã Đông Sơn hiện nay và chuyển một phần diện tích cho xã Yên Sơn (0,16 km2), thị trấn Đô Lương (0,03 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 9,96 km2, dân số: 7.690 người.

- Phường (Thị trấn hiện nay): Bao gồm diện tích thị trấn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Tràng Sơn (0,36 km2), xã Đông Sơn (0,03 km2), xã Yên Sơn (2,11 km2), xã Đà Sơn (0,32 km2), xã Lạc Sơn (0,05 km2), xã Văn Sơn (0,15 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 5,52 km2, dân số: 11.717 người.

- Phường Nam Sơn: Bao gồm diện tích xã Nam Sơn hiện nay và chuyển một phần diện tích cho xã Lưu Sơn (0,59 km2), xã Đặng Sơn (0,43 km2), xã Bắc Sơn (0,27 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 10,89 km2, dân số: 5.742 người.

- Phường Bắc Sơn: Bao gồm diện tích xã Bắc Sơn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Bồi Sơn (1,32 km2), xã Nam Sơn (0,27 km2), xã Tràng Sơn (0,15 km2), xã Đặng Sơn (0,05 km2); chuyển một phần diện tích cho xã Đặng Sơn (0,78 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 5,92 km2, dân số: 5.044 người.

- Phường Đặng Sơn: Bao gồm diện tích xã Đặng Sơn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Bồi Sơn (0,02 km2), xã Tràng Sơn (0,19 km2), xã Nam Sơn (0,43 km2), xã Bắc Sơn (0,78 km2); chuyển một phần diện tích cho xã Bắc Sơn (0,05 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 5,51 km2, dân số: 6.072 người.

- Phường Lưu Sơn: Bao gồm diện tích xã Lưu Sơn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Nam Sơn (0,59 km2), xã Đà Sơn (0,03 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 5,94 km2, dân số: 6.646 người.

- Phường Đà Sơn: Bao gồm diện tích xã Đà Sơn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Yên Sơn (0,09 km2), xã Lạc Sơn (1,47 km2); Và chuyển một phần diện tích cho xã Lưu Sơn (0,03 km2), thị trấn Đô Lương (0,32 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: Diện tích: 5,50 km2, dân số: 8.886 người.

- Phường Lạc Sơn: Bao gồm diện tích xã Lạc Sơn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Văn Sơn (0,71 km2), xã Thịnh Sơn (1,09 km2), xã Yên Sơn (0,25 km2), xã Hòa Sơn (0,06 km2); Và chuyển một phần diện tích cho xã Đà Sơn (1,47 km2), thị trấn Đô Lương (0,05 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: diện tích: 5,56 km2, dân số: 5.019 người.

- Phường Văn Yên: Bao gồm diện tích xã Văn Sơn, xã Yên Sơn hiện nay và nhận một phần diện tích từ xã Đông Sơn (0,16 km2); Và chuyển một phần diện tích cho thị trấn Đô Lương (2,26 km2), Đà Sơn (0,09 km2), xã Lạc Sơn (0,96 km2). Diện tích, dân số sau khi điều chỉnh là: diện tích: 5,76 km2, dân số: 11.021 người.

Như vậy các phường sẽ đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

          3. Huyện Thanh Chương:

3.1. Tên đơn vị hành chính: Thanh Tiên.

- Diện tích tự nhiên: 8,93 km2 (đạt tỷ lệ 17,86%).

- Quy mô dân số: 7.323 người (đạt tỷ lệ 146,46%).

- Lý do không thực hiện sắp xếp:

+ Về vị trí địa lý: Là xã bán sơn địa, địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt bởi các con sông, suối, khe, hàng năm nhất là vào mùa mưa, bão thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, cô lập giữa các xóm và các xã lân cận (xã Thanh Liên, Thanh Lĩnh, Thanh Hương), cụ thể: Phía Tây giáp xã Thanh Liên ngăn cách bởi Hói đồng Đức Nhuận (có cầu Chùa bắc qua), phía bắc giáp Sông Lam và sông Giăng; Phía Nam giáp xã Thanh Lĩnh bị chia cắt bởi các dòng khe Thui và khe Cạn (có cầu Gia Hang bắc qua), giáp xã Thanh Hương bị chia cắt bởi các dãy núi cao (núi Động Đòi) và núi Tháp Bút. Nếu xã Thanh Tiên nhập với xã Thanh Liên thì địa hình của đơn vị hành chính mới sẽ trải dài với khoảng cách dài trên 8,1 km và trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới sẽ sử dụng trụ sở làm việc của xã Thanh Liên (cũ), vì vậy rất khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, không thuận lợi cho việc giao dịch của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, về mùa mưa, bão lượng nước lũ rất lớn ở các dãy núi cao (núi Động Đòi) và núi Tháp Bút đổ về qua Hói đồng Đức Nhuận, khe Thui và khe Cạn cùng với nước lũ ở sông Lam và sông Giăng dâng cao đã làm ngập lụt, chia cắt cục bộ giữa các xóm, các vùng của xã Thanh Tiên, chia cắt xã Thanh Tiên với xã Thanh Liên, xã Thanh Lĩnh do đó công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ, công chức, lực lượng làm nhiệm vụ và người dân.

+ Về lịch sử: Từ tháng 10/1945, toàn bộ vùng đất Thanh Tiên ngày nay thuộc xã Tiên Thanh; Từ tháng 10/1947 xã Thanh Tiên có tên gọi là xã Tam Đồng được hình thành từ các xã: Tiên Thanh (Thanh Tiên), Cao Đức (Thanh Liên), Minh Chung (Thanh Chung); Từ tháng 3/1954 đến nay, xã Tam Đồng (Thanh Tiên) được tách thành 3 xã: Thanh Tiên, Thanh Liên, Thanh Chung - Phong Thịnh (Do địa hình không thuận lợi, biệt lập, giao thông không thuận lợi; khác biệt về truyền thống lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán).Bên cạnh đó, xã Thanh Tiên cũng là xã đặc thù có số lượng bà con sinh hoạt tôn giáo khá đông. Trên địa bàn xã hiện có giáo họ Xuân Hội với 459 người theo đạo Thiên chúa (chiếm tỷ lệ 7,03% dân số), sinh sống ở 06/07 xóm (chiếm tỷ lệ 86% xóm). Nếu sáp nhập với xã Thanh Liên cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước, dễ dẫn đến mất ổn định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

+ Về truyền thống cách mạng: Thanh Tiên có bề dày truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến thời kỳ thành lập chi bộ Đảng cộng sản Tiên Hội để lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, đã có  30 đảng viên thời kỳ 30, 31 hy sinh trước sự đàn áp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Thời kỳ chống đế quốc Mỹ đã có hàng ngàn người con Thanh Tiên lên đường chiến đấu tại các chiến trường, còn ở hậu phương vừa sản xuất vừa chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy lực lượng dân quân xã cùng hiệp đồng chiến đấu, nhờ vậy vào lúc 13h30 phút ngày 24/11/1965 đã bắn rơi 01 chiếc máy bay F8U, 11 giờ ngày 25/11/1965 bắn rơi 01 chiếc máy bay F1005D, 01 chiếc F105D...; đã có 172 người con của Thanh Tiên đã anh dũng hy sinh, 250 thương binh, bệnh binh trở về với quê hương trên mình đang mang nhiều vết thương của chiến tranh, 25 người bị nhiễm chất độc hóa học,....Vì vậy, với những thành tích đã nói ở trên, theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã Thanh Tiên đã làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để ghi nhận sự hi sinh mất mát của nhân dân xã Thanh Tiên trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ tổ quốc. Ngày 13 tháng 9 năm 2023, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước quyết định phong tặng (Tờ trình số 1201/TTR -BTĐKT, ngày 13/9/2023). Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân xã Thanh Tiên mong muốn sau khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” sẽ được tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đây cũng là dịp vinh danh, tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng của nhân dân xã Thanh Tiên trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ tổ quốc. Trong khi đó, xã Thanh Liên chưa đủ điều kiện để đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” nên nếu nhập xã Thanh Tiên với Thanh Liên sẽ rất bất cập.

+ Yếu tố quốc phòng an ninh: Xã Thanh Tiên là xã trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp nếu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

+ Xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao: Hiện nay xã Thanh Tiên đang tiến hành xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông liên xã, liên xóm (Công trình xây mới 3 trường học, số tiền 29 tỷ đồng; công trình đường giao thông từ Quốc lộ 46C (điểm Gia Hội) đi Cồn Tý, số tiền 20 tỷ đồng; công trình thảm nhựa đường từ nhà Máy may đi cầu Rạng, số tiền 09 tỷ đồng; công trình thảm nhựa đường xóm Thanh Liêu, số tiền 5,3 tỷ đồng; công trình đường giao thông liên thôn, số tiền 6,7 tỷ đồng; công trình nhà văn hóa các xóm, số tiền 3,5 tỷ đồng; đang huy động nhân dân 07 xóm hoàn thành xây dựng 21km đường giao thông các xóm,... Vì vậy, nếu sáp nhập xã thì sẽ bị gián đoạn quá trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và nhân dân đã đầu tư, huy động đóng góp và khó khăn trong thanh quyết toán các công trình đang xây dựng dở dang.

+ Về đội ngũ cán bộ, công chức:Thời điểm hiện tại đội ngũ cán bộ, công chức của xã có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên, tuổi còn rất trẻ, nhiệt huyết trong công việc, trong đó sinh trước năm 1970 có 04 đồng chí, còn lại sinh sau năm 1970, nếu sáp nhập thì đội ngũ cán bộ, công chức chưa đủ độ tuổi để nghỉ việc theo chính sách tinh giản biên chế, cần có thời gian để cho cán bộ, công chức tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, tìm nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Với các lý do trên tỉnh Nghệ An đề Nghị chưa thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với thị trấn Thanh Tiên.

4. Huyện Diễn Châu:

4.1. Tên đơn vị hành chính: Diễn Mỹ.

- Diện tích tự nhiên: 4,87 km2 (đạt tỷ lệ 16,23%).

- Quy mô dân số: 7.618 người (đạt tỷ lệ 95,23%).

4.2. Tên đơn vị hành chính: Diễn Phong.

- Diện tích tự nhiên: 4,19 km2 (đạt tỷ lệ 13,97%).

- Quy mô dân số: 5.464 người (đạt tỷ lệ 68,30%).

4.3. Tên đơn vị hành chính: Diễn Vạn.

- Diện tích tự nhiên: 4,64 km2 (đạt tỷ lệ 15,47%).

- Quy mô dân số: 8.895 người (đạt tỷ lệ 111,19%).

4.4. Tên đơn vị hành chính: Xã Diễn Đồng.

- Diện tích tự nhiên: 5,23 km2 (đạt tỷ lệ 17,43%).

- Quy mô dân số: 6.330 người (đạt tỷ lệ 79,13%).

4.5. Tên đơn vị hành chính: Xã Diễn Tân.

- Diện tích tự nhiên: 5,04 km2 (tỷ lệ 16,80%).

- Quy mô dân số: 8.782 người (tỷ lệ 109,78%).

4.6. Tên đơn vị hành chính: Xã Diễn Phúc.

- Diện tích tự nhiên: 4,71 km2 (đạt tỷ lệ 15,70%).

- Quy mô dân số: 5.337 người (đạt tỷ lệ 66,71%).

4.7. Tên đơn vị hành chính: Xã Diễn Hoa.

- Diện tích tự nhiên: 4,53 km2 (tỷ lệ 15,10%).

- Quy mô dân số: 5.700 người (tỷ lệ 71,25%).

4.8. Tên đơn vị hành chính: Xã Diễn Hồng.

- Diện tích tự nhiên: 5,83 km2 (đạt tỷ lệ 19,43%).

- Quy mô dân số: 13.234 người (đạt tỷ lệ 165,43%).

 Lý do không thực hiện sắp xếp (08 đơn vị): Ngày 11/8/2023 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2485/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quyết định thì giai đoạn 2026 - 2030 thành lập thị xã Diễn Châu, trên cơ sở lấy ranh giới phần nội thị (đơn vị cấp phường) bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Diễn Châu và 23 xã Diễn Kim, Diễn Phong, Diễn Vạn, Diễn Hải, Diễn Mỹ, Diễn Hồng, Diễn Liên, Diễn Xuân, Diễn Tháp, Diễn Đồng, Diễn Thái, Diễn Hoa, Diễn Kỷ, Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Phúc, Diễn Tân, Diễn Thành, Diễn Lộc, Diễn Thịnh, Diễn Yên, Minh Châu và Diễn Cát với tổng diện tích 145,34 km2; phần ngoại thị (đơn vị hành chính cấp xã) bao gồm 13 xã sau: Diễn Lâm, Diễn Đoài, Diễn Phú, Diễn Lợi, Diễn Trung, Diễn An, Diễn Thọ, Diễn Nguyên, Diễn Quảng, Diễn Hạnh, Diễn Hùng, Diễn Hoàng, Diễn Trường với tổng diện tích 161,63 km2;Tám đơn vị hành chính nêu trên gồm (Diễn Mỹ, Diễn Phong, Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Tân, Diễn Phúc, Diễn Hoa, Diễn Hồng) là đơn vị hành chính nông thôn được quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) giai đoạn 2023 - 2030, chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 thuộc diện phải sắp xếp nhưng dự kiến đến trước năm 2030 được công nhận đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) nên so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị (phường thuộc thị xã) có tỷ lệ về diện tích tự nhiên đạt trên 70% và quy mô dân số đạt trên 100%.

Với lý do trên tỉnh Nghệ An đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 để thực hiện Đề án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và thực hiện các quy trình tiếp theo đối với các đơn vị: Diễn Mỹ, Diễn Phong, Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Tân, Diễn Phúc, Diễn Hoa, Diễn Hồng.

5. Huyện Nghi Lộc:

5.1. Tên đơn vị hành chính: Xã Nghi Tiến.

- Diện tích tự nhiên: 10,61 km2 (đạt tỷ lệ 35,37%).

- Quy mô dân số: 4.682 người (đạt tỷ lệ 58,53%).

- Lý do không thực hiện sắp xếp:

+ Yếu tố vị trí địa lý:  Nghi Tiến là xã bãi ngang ven biển, thuộc khu vực biên giới biển, có vị trí địa lý biệt lập với các xã liền kề, được bao quanh bởi các đồi núi, giao thông đi lại khó khăn (phía Đông bao quanh núi Giun và núi Gốm, phía Tây bao quanh núi Cụp Chùa, phía Nam bao quanh bởi sông Cấm, phía Bắc bao quanh bởi biển Đông). Nghi Tiến tiếp giáp với xã Nghi Yên, Nghi Thiết qua các dãy núi, tiếp giáp với xã Nghi Quang qua sông Cấm. Đến xã Nghi Tiến chỉ có các con đường độc đạo theo các sườn núi, do đó việc kết nối giữ cộng đồng dân cư xã Nghi Tiến với dân cư các xã liền kề là rất khó khăn.

+ Yếu tố lịch sử văn hóa: Do ảnh hưởng về vị trí địa lý, giao thông khó khăn nên quá trình hình thành và phát triển, nhân dân Nghi Tiến ít có sự giao lưu, kết nối với các xã liền kề. Trước khi chia tách, Nghi Tiến và Nghi Thiết là 01 đơn vị hành chính, tuy nhiên nhân dân 02 xã thiếu sự tương đồng, đặc biệt có thời điểm xảy ra xung đột nên ít giao lưu, kết nối, gắn kết với nhau.

+ Yếu tố tôn giáo: Nghi Tiến không có người theo đạo Thiên chúa giáo, trong khi đó Nghi Yên có 01 giáo xứ, 01 giáo họ, 30% dân số theo đạo thiên chúa giáo; Nghi Thiết có 01 giáo họ, Nghi Quang có 01 giáo xứ, 02 giáo họ, 43,36% dân số theo đạo thiên chúa giáo nên có sự khác biệt về tôn giáo giữa xã Nghi Tiến với các xã liền kề.

+ Yếu tố về quốc phòng, an ninh: Xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang là những xã bãi ngang ven biển thuộc khu vực biển giới biển được Bộ trưởng Bộ quốc phòng công nhận là xã trọng điểm về quốc phòng. Nếu thực hiện sáp nhập sẽ khó khăn trong việc gắn kết cộng đồng dân cư, huy động nguồn nhân lực trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Bên cạnh đó, thời gian qua, trên địa bàn các xã Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp (tại xã Nghi Yên là người dân chặn không cho xe tập kết rác Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, công tác giải phóng mặt bằng quốc lộ ven biển gặp nhiều khó khăn; tại xã Nghi Tiến là tình hình đơn thư diễn biến phức tạp, kéo dài; tại xã Nghi Thiết là vụ việc người dân chặn không cho xe của công ty xi măng vissai vào cảng, phản đối trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh; tại xã Nghi Quang là tình hình lấn chiếm đất đai của Giáo xứ, công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ ven biển gặp rất nhiều khó khăn...), tạo nên sức ép lớn đối với chính quyền địa phương. Nếu thực hiện sáp nhập trong khi tư tưởng người dân không đồng thuận dự báo sẽ rất khó khăn trong việc lấy ý kiến cử tri và dự báo sẽ xảy ra tình trạng tập hợp phản đối như vụ việc không cho học sinh đến trường khi thực hiện sáp nhập trường THCS Tiến - Thiết như thời gian trước đây.

+ Yếu tố về phát triển kinh tế - xã hội: Theo Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040, xã Nghi Tiến, được định hướng thuộc khu vực đô thị, du lịch sinh thái biển, xã Nghi Yên được định hướng thuộc khu vực công nghiệp; các xã Nghi Thiết, Nghi Quang  được định hướng thuộc khu vực cảng biển. Tại xã Nghi Thiết có các dự án trọng điểm của Tỉnh (nhà máy xi măng vissai, cảng nước sâu..). Với sự khác biệt về văn hóa, truyền thống và yếu tố tôn giáo nếu thực hiện việc sáp nhập xã Nghi Tiến với các xã liền kề sẽ rất khó khăn trong việc phát động các phong trào, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của Tỉnh. 

+ Yếu tố đặc thù khác: Xem xét áp dụng quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn có yếu tố đặc thù (có đường biên giới quốc gia) tại Khoản 1 Điều 3a Nghị quyết số 27/2015/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để không thực hiện sắp xếp đối với xã Nghi Tiến.

Với các lý do trên tỉnh Nghệ An đề Nghị chưa thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với xã Nghi Tiến.

6. Huyện Kỳ Sơn:

6.1. Tên đơn vị hành chính: Thị trấn Mường Xén.

- Diện tích: 1,70 km2 (đạt tỷ lệ 12,43%).

- Dân số: 2.834 người, (đạt tỷ lệ 70,85%).

- Lý do không thực hiện sắp xếp: Thị trấn Mường Xén chạy dọc theo 2 bên đường Quốc lộ 7A, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, một bên taluy dương là núi, một bên taluy âm là sông Nậm Mô, khả năng mở rộng thị trấn nhằm đảm bảo tiêu chí về diện tích theo quy định là rất khó khăn. Mặt khác, thị trấn Mường Xén tiếp giáp với các xã sau: Phía Đông giáp xã Hữu Kiệm là xã miền núi cao với diện tích 76,1 km2, chỉ có 01/09 bản Khe Tỳ giáp với thị trấn Mường Xén, các bản khác nằm cách biệt, có 03 bản nằm trên núi cao, giao thông đi lại còn rất khó khăn, trình độ phát triển kinh tế và dân trí còn nhiều hạn chế,... Do vậy khó điều chỉnh toàn xã Hữu Kiệm để mở rộng thị trấn Mường Xén. Phía Bắc, Tây và phía Nam giáp xã Tà Cạ (xã biên giới) với diện tích 60,86 km2, chỉ có 04/11 bản Hòa Sơn, Sơn Thành, Cầu Tám, Sơn Hà giáp với thị trấn Mường Xén, các bản khác nằm cách biệt và kéo dài chạy dọc biên giới Việt - Lào, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao,... Do vậy không thể điều chỉnh toàn xã Tà Cạ để mở rộng thị trấn Mường Xén. Phương án điều chỉnh một số bản của xã Hữu Kiệm và xã Tà Cạ vào thị trấn Mường Xén không giảm được đơn vị hành chính cấp xã; mặt khác phương án điều chỉnh các bản Sơn Hà, Hòa Sơn, Cầu 8, Sơn Thành của xã Tà Cạ và bản Khe Tỳ của xã Hữu Kiệm (là các bản tiếp giáp và có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Thị trấn) để mở rộng thị trấn Mường Xén thì xã Hữu Kiệm và xã Tà Cạ không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn, cụ thể: Xã Tà Cạ có diện tích 60,86 km2; dân số 5.565 người khi điều chỉnh 4 bản trên vào thị trấn Mường Xén: Diện tích tự nhiên còn 46,76 km2, đạt 93,52% tiêu chuẩn quy định; dân số còn 3.138 người, đạt 62,76% tiêu chuẩn quy định; Xã Hữu Kiệm có diện tích 76,18 km2; dân số 5.206 người khi điều chỉnh bản Khe Tỳ vào thị trấn Mường Xén; diện tích tự nhiên còn 67,98 km2, đạt 135,96% tiêu chuẩn quy định; dân số còn 4.446 người, đạt 88,92% tiêu chuẩn quy định; Thị trấn Mường Xén là đơn vị trọng điểm quốc phòng vì vậy sắp nếu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng đến Quốc phòng – An ninh.

Với các lý do trên tỉnh Nghệ An đề Nghị chưa thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với thị trấn Mường Xén.

IV. SỐ LƯỢNG CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ CỦA TỈNH, THÀNH PHỐ SAU KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp:

a) Đơn vị hành chính cấp huyện 21 đơn vị (gồm 17 huyện, 01 thành phố, 03 thị xã).

b) Đơn vị hành chính cấp xã  460 đơn vị (gồm 411 xã, 32 phường, 17 thị trấn).

2. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp:

a) Đơn vị hành chính cấp huyện 20 đơn vị (gồm 17 huyện, 01 thành phố, 02 thị xã).

b) Đơn vị hành chính cấp xã 411 đơn vị (364 xã, 18 thị trấn, 29 phường).

3. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã giảm do sắp xếp:

a) Đơn vị hành chính cấp huyện giảm 01 đơn vị (sắp xếp thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh).

b) Đơn vị hành chính cấp xã giảm 49 đơn vị (46 xã, 03 phường).

- Như vậy, có 94 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp thành 45 đơn vị; (trong đó 44 đơn vị thành lập mới và 01 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số) sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 49 đơn vị hành chính.

V. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tác động về hoạt động quản lý nhà nước.

a) Tác động tích cực:

- Sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện chế độ tiền lương mới (giảm được đầu mối cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là cấp xã).

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xãgắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị thông qua việc nhập xã vào thị trấn; nhập xã vào phường sẽ tạo tiền đề tổ chức, mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay chính quyền nông thôn, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa diễn ra trên địa bàn.

- Đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau khi sắp xếp có quy mô diện tích tự nhiên, dân số phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền cơ sở; tạo thuận lợi cho liên lạc và giao dịch hành chính của công dân.

- Sau khi sáp nhập, với số lượng cán bộ, công chức phù hợp sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn.

- Bộ máy mới có thể đảm bảo gánh vác được nhiệm vụ phục vụ nhân dân, cung cấp dịch vụ công cho người dân cũng như thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

b) Tác động tiêu cực:

- Việc quản lý địa giới hành chính cấp xã rộng hơn so với trước đây, có nhiều vấn đề bất cập, phức tạp trong quản lý ĐVHC mới.

- Các vấn đề quản lý mới phát sinh như công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội... là những thách thức thường nhật.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thôi đảm nhiệm chức vụ, chức danh dôi dư nên ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; cần phải có phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp hợp lý và chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo quyền lợi để động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

2.Tác động về kinh tế (bao gồm tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân trên địa bàn)

a) Tác động tích cực:

- Giảm chi phí ngân sách chi trả cho cán bộ, công chức và người lao động của một đơn vị hành chính.

- Tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

- Mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư, thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

- Địa giới hành chính mở rộng làm thay đổi về các mô hình phát triển kinh tế, tăng giá trị sử dụng của đất đai, tạo ra những ngành nghề và việc làm mới, nâng cao giá trị lao động, tạo môi trường ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ.

- Kinh tế sẽ đa dạng và phát triển, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao.

b) Tác động tiêu cực:

- Mất cân đối về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các xã ở nông thôn (cần phải có quy hoạch tổng thể lại).

- Phải cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp kèm theo đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, kinh doanh; phân công lại lao động trên địa bàn ĐVHC mới, tạo điều kiện cho việc định cư ổn định.

- Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, công sở và các công trình công cộng phải được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả theo công năng của công trình, tránh lãng phí.

3.Tác động về xã hội

a) Tác động tích cực:

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xãtheo nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số, cơ bản hình thành đơn vị mới như những giai đoạn trước đây nên ít xáo trộn đến đời sống dân cư; đến lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần tăng nguồn lực, tiềm năng, hiệu quả đầu tư kinh tế của các địa phương, từ đó tạo điều kiện để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa... phục vụ người dân; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

- Phát triển kinh tế làm cho đời sống vật chất được nâng cao cùng với sự phong phú, đa đạng các hoạt động văn hóa, tinh thần.

b) Tác động tiêu cực:

- Tác động đến tâm tư, tình cảm của công chức và người lao động (do xáo trộn và tác động tâm lý đến một số cán bộ, công chức và người lao động thuộc diện dôi dư do sắp xếp, sáp nhập).

- Tác động đến đời sống của một số bộ phận nhân dân do lối sống, tập quán và truyền thống văn hóa làng xã (do sau khi sáp nhập, một số phong tục truyền thống của các xã chưa có sự tương đồng và thống nhất).

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm thay đổi địa chỉ, định danh trong giấy tờ nhân thân của công dân, tổ chức, doanh nghiệp nên từng bước phải được cấp, đổi giấy tờ, địa chỉ cho phù hợp; quy mô của đơn vị hành chính cấp xã tăng một phần sẽ tạo áp lực lên hoạt động giáo dục, y tế, giải quyết việc làm...

4.Tác động về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội

a) Tác động tích cực:

- Tăng cường khả năng hiện có và tiềm tàng nguồn nhân lực cho khu vực phòng thủ, cũng như công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng trên cơ sở tăng số lượng dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho huy động và sử dụng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ.

- Tăng cường khả năng bảo đảm kinh tế tại chỗ cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ và nâng cao hiệu quả công tác giữ vững an ninh - quốc phòng của địa phương.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tạo ra nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và giữ vững an ninh - quốc phòng trong thời đại mới.

b) Tác động tiêu cực:

- Tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, khó lường đối với tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn.

5. Tác động về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công

a) Tác động tích cực:

- Giảm đầu mối thủ tục hành chính, thuận lợi hơn cho người dân.

- Sắp xếp các ĐVHC cấp xã nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.

- Sự phát triển của công nghệ thông tin trong việc quản lý, điều hành đã và đang chuyển dần từ cơ học, thủ công sang chính quyền điện tử tạo điều kiện để các cơ quan sau khi sáp nhập tập trung các nguồn lực, đầu tư, quan tâm đến chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân theo hướng hiện đại, tại chỗ.

b) Tác động tiêu cực:

- Tăng số lượt giao dịch thủ tục hành chính đối với tổ chức đơn vị giải quyết thủ tục hành chính mới.

- Nhiều thủ tục giấy tờ cần phải chuyển đổi giữa ĐVHC cũ và ĐVHC mới sau khi sáp nhập, mất nhiều thời gian điều tra, xác minh.

6. Tác động khi nhập các ĐVHC cấp xã đang hưởng các chính sách đặc thù khác nhau liên quan đến ĐVHC

a) Tác động tích cực:

- Một số ĐVHC trước khi sắp xếp chưa có chế độ liên quan đến khu vực Quốc phòng an ninh, nhưng sau khi sắp xếp các xã liên quan sẽ được hưởng chế độ theo quốc phòng an ninh.  

- Khi một ĐVHC cấp xã đang được đầu tư về cơ sở hạ tầng theo chương trình mục tiêu quốc gia nhập với một ĐVHC khác chưa có chương trình đầu tư thì ĐVHC chưa có chương trình đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các hạng mục đã được đầu tư của xã đang triển khai xây dựng.

b) Tác động tiêu cực:

- Khi một ĐVHC cấp xã thuộc diện nghèo đang có chương trình đầu tư cho vùng khó khăn, khi sắp xếp với một xã khác không thuộc diện nghèo thì phải xác định lại một số tiêu chí liên quan đến các chỉ số để xác định xã mới thành lập có thuộc diện nghèo hay không.  

- Sau khi sắp xếp có thể trụ sở của UBND cấp xã sẽ không nằm trong địa điểm khu vực được hưởng trợ cấp khó khăn từ đó sẽ ảnh hưởng tới chế độ, chính sách đặc thù của đội ngũ, cán bộ công chức cấp xã.  

PHẦN IV

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BỐ TRÍ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP DÔI DƯ DO SẮP XẾP

I. SẮP XẾP, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, MTTQ VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ XÃ – XÃ HỘI CẤP XÃ.

1. Tổ chức Đảng:

Đảng bộ của đơn vị hành chính xã mới sắp xếp tương ứng với đơn vị hành chính cấp xã. Ban Thường vụ Huyện, Thành, Thị ủy chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy của đơn vị hành chính cấp xã mới.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc:

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện hiệp y thống nhất với Đảng ủy cấp xã quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của đơn vị hành chính cấp xã mới; công nhận danh sách Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã (lâm thời).

3. Các Đoàn thể chính trị - xã hội:

a) Ban Thường vụ huyện, thành, thị đoàn chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị hành chính cấp xã mới.

b) Ban Thường vụ cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch tổ chức hội của đơn vị hành chính cấp xã mới cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Công đoàn cấp xã.

3. Hội đồng nhân dân:

Đại biểu HĐND của các đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định tại Điều 134, Điều 137 Luật tổ chức chính quyền địa phương. HĐND ĐVHC cấp xã mới sau khi sắp xếp sẽ tổ chức họp bầu Thường trực HĐND, Ban của HĐND theo Luật định.

4. Ủy ban nhân dân:

Sau khi có nghị quyết của UBTVQH; HĐND cấp xã sẽ tổ chức kỳ họp để bầu các chức danh UBND theo luật định (Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

5. Tổ chức đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế:

- Đi vi các Trưng hc: Tc mt gi n đnh t chc đ duy trì các hot đng bình thưng; giao S Giáo dc - Đào ch đo, hưng dn các đa phương dng phương án sp xếp h thng Trưng hc và Đ án v trí vic làm phù hp vi biên chế và nhim v sau khi sáp nhp đơn vị hành chính cp xã.

- Đi vi các Trm y tế: Nhp nguyên trng Trm y tế cp xã nhưng vn duy trì các hot đng khám, cha bnh ti các v trí cũ. Giao S Y tế ch đo Trung tâm y tế cp huyn phi hp vi UBND cp xã xây dng phương án sp xếp, b trí các Trm Y tế, viên chc ti các Trm theo v trí, vic làm phù hp trình cơ quan có thm quyn xem xét, quyết đnh

II. PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ, GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH

1. Hiện trạng cán bộ, công chức.

Đội ngũ cán bộ công chức của xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp, liền kề;1.748 người (cán bộ: 905 người, công chức: 843 người).

2. Dự kiến bố trí sắp xếp;

- Dự kiến bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã của 44 xã hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định: Dự kiến tiếp tục bố trí 935 cán bộ, công chức (cán bộ là 525 người, công chức là 410 người).

3. Phương án giải quyết dôi dư:

- Sau khi bố trí cán bộ, công chức ở các xã mới theo quy định còn dôi dư cán bộ, công chức: 813 người (cán bộ 380 người, công chức 433 người). Phương án giải quyết dôi dư như sau:

- Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội;

- Nghỉ thôi việc ngay;

- Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP;

- Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP;

- Điều chuyển cán bộ, công chức đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu cán bộ, công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp xã; tiếp nhận, tuyển dụng vào công chức cấp trên (cấp huyện, cấp tỉnh) nếu đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phù;

- Đối với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cần lưu ý đến chính sách ưu tiên lựa chọn những cán bộ, công chức là người dân tộc để tiếp tục bố trí, sắp xếp làm việc tại các xã mới sau khi sắp xếp.

- Tiếp tục bố trí cán bộ, công chức dôi dư trong 5 năm (theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15) và tinh giảm dần khi có điều kiện.

- Năm 2025: Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH: 28người; Nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP: 28 người; Nghỉ hưu theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP: 118 người; việc khác, đơn vị khác: 125người.

-  Năm 2026: Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH: 17 người; Nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP: 09 người; Nghỉ hưu theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP: 54 người; việc khác, đơn vị khác: 50 người.

- Năm 2027: Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH: 10 người; Nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP: 0 người; Nghỉ hưu theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP: 60  người; việc khác, đơn vị khác: 42 người.

- Năm 2028: Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH: 17 người; Nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP: 03 người; Nghỉ hưu theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP: 60 người; việc khác, đơn vị khác: 43 người.

- Năm 2029: Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH: 08 người; Nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP: 02 người; Nghỉ hưu theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP: 63 người; việc khác, đơn vị khác: 75 người.

- Chức danh Cán bộ, công chức nghỉ giải quyết chế độ và chuyển công tác như sau: Bí thư Đảng ủy: 30 người, Phó Bí thư Đảng ủy: 41 người, Phó Chủ tịch HĐND: 45 người, Chủ tịch UBND: 44 người, Phó Chủ tịch UBND: 24 người, Chủ tịch MTTQ: 37 người, Chủ tịch Hội CCB: 40 người, Chủ tịch Hội Nông dân: 40 người, Chủ tịch Hội Phụ nữ: 43 người, Bí thư Đoàn TN: 34 người, Chỉ huy Trưởng Quân sự: 45 người, Văn phòng – TK: 90 người, Tài chính – KT: 65 người,  Văn hóa – Xã hội: 89 người, Tư pháp-HT: 69  người, Địa chính-NN-XD&MT: 74 người.

4. Phương án cụ thể của các đơn vị đối với cán bộ, công chức:

4.1. Thành phố Vinh:

4.1.1. Phương Vinh Tân:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 39 người. Trong đó: 20 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 12 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 15 người (08 cán bộ, 07 công chức).

Năm 2025 (02 người)

+ Chuyển phường khác: 02 người (Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người).

- Năm 2026 (02 người)

+ Chuyển phường khác: 02 người (Phó Chủ tịch UBND: 02 người).

- Năm 2027 (03 người)

+ Chuyển phường khác: 03 người (Chủ tịch HCCB: 01 người Chủ tịch HPN: 01 người; Văn phòng – TK: 01 người).

- Năm 2028 (05 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Chủ tịch UBMTTQ: 01 người).

+ Nghỉ theo Nghị định số 29/2023: 01 người (Tài chính – Kế toán: 01 người).

+ Chuyển phường khác: 03 người (Văn phòng – Thống kê: 01 người Văn hóa – xã hội: 02 người).

- Năm 2029 (03 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Phó Bí thư Đảng ủy 01 người);

+ Chuyển phường khác: 02 người, (Tư pháp – Hộ tịch: 02 người).

4.1.2. Phường Quang Trung.

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 59 người. Trong đó: 30 cán bộ, 29 công chức.

            - Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

            - Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 12 công chức.

            - Giải quyết dôi dư như sau: 35 người (18 cán bộ, 17 công chức).

            - Năm 2025 (06 người)

+ Nghỉ theo Nghị định số 29/2023: 03 người (Phó Chủ tịch UBND: 01 người; Chủ tịch HPN: 01 người; Văn hóa – xã hội: 01 người);

+ Chuyển phường khác: 03 người (Bí thư ĐU: 01 người; Phó Bí thư: 01 người; Chủ tịch UBND: 01 người).

- Năm 2026 (08 người)

+ Chuyển phường khác: 08 người (Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 02 người; Phó Chủ tịch UBND: 02 người; Chủ tịch UBMTTQ: 02 người; Chủ tịch CCB: 01 người).

- Năm 2027 (04 người)

+ Chuyển phường khác: 04 người (Chủ tịch CCB: 01; Chủ tịch HPN: 01 người; Bí thư ĐTN: 02 người).

- Năm 2028 (08 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Phó Chủ tịch UBND: 01 người);

+ Chuyển phường khác: 07 người (CHT. Quân sự: 02 người; Văn phòng – Thống kê: 03 người; Tài chính – Kế toán: 02 người).

- Năm 2029 (09 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Bí thư Đảng ủy 01 người);

+ Chuyển phường khác: 08 người, (Tư pháp – hộ tịch: 03 người; Văn hóa – Xã hội: 03 người; Địa chính – Xây dựng: 02 người).

4.2. Huyện Đô Lương:

4.2.1. Xã Bạch Ngọc

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 39 người. Trong đó: 20 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 17 người (08 cán bộ, 09 công chức).

- Năm 2025  (14 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Phó Bí thư Đảng ủy).

+ Chuyển xã khác (13 người gồm): Chủ tịch UBND: 01 người, Phó Chủ tịch HĐND: 01 người, Chủ tịch HND 01 người; CT Hội Phụ nữ 01 người, Bí thư Đoàn TN: 01 người; Tài chính – Kế toán: 01 người; Địa chính – NN-XD-MT: 02 người; Văn phòng – TK: 01 người; Tư pháp – HT: 01 người; Văn hóa – Xã hội: 02 người, CHT Quân sự: 01 người.

- Năm 2027: (03 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Chủ tịch UBMTTQ: 01 người , Văn phòng -TK: 01 người);

+ Chuyển xã khác: 01 người (Chủ tịch CCB)

4.3. Huyện Tân Kỳ:

4.3.1. Xã Hợp Bình:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 39 người. Trong đó: 21 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 17 người (09 cán bộ, 08 công chức).

- Năm 2025 (17 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Bí thư Đảng ủy).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 07 người, trong đó (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch UBND 01; Chủ tịch MTTQ: 01 người; Chủ tịch HND: 01 người; 02 Tài chính -KT; 01 Địa chính-XD-NN&MT).

+ Chuyển lên huyện 01 người (điều chuyển về huyện 01 đ/c Bí thư Đảng ủy)

+ Chuyển xã khác (08 người): 01 Phó Chủ tịch UBND; 01 Phó Chủ tịch HĐND; 01 Bí thư Đoàn thanh niên; 01 Chủ tịch Hội Phụ nữ; 01 Chủ tịch Hội CCB; 01 Văn phòng - TK; 01 Địa chính-XD-NN&MT; 01 Tư pháp-HT.

4.3.2. Xã Hoàn Long:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 20 cán bộ, 17 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 15 người (08 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (15 người).

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (01 Văn phòng - TK).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 05 người gồm: (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Chủ tịch UBND 01; Chủ tịch MTTQ: 01 người; CHT Quân sự: 01 người).

+ Chuyển lên huyện 01 người (điều chuyển về huyện 01 đ/c Chủ tịch UBND)

+ Chuyển xã khác (08 người gồm): 01 Phó Chủ tịch UBND; 01 Phó Chủ tịch HĐND; 01 Bí thư Đoàn thanh niên; 01 Chủ tịch HND; 01 Văn phòng - TK; 01 Địa chính-XD-NN&MT; 01 Tư pháp - HT; 01 Văn hóa - XH.

4.4.Huyện Nghĩa Đàn:

4.4.1. Xã Nghĩa Thọ:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 36 người. Trong đó: 20 cán bộ, 16 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau 14 người (08 cán bộ, 06 công chức).

Năm 2025(07 người).

 + Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Chủ tịch MTTQ 01 người; Công chức TC-KT 01 người);

+ Nghỉ theo NĐ 29: 02 người (Chủ tịch UBND: 02 người)

 + Chuyển lên Huyện ủy 01 người ( Bí thư Đảng ủy)

+ Chuyển xã khác 02 người (Chủ tịch Hội ND: người; Tài chính – Kế toán:  người)

- Năm 2026 (07 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người ( Phó Chủ tịch UBND 01 người; Chủ tịch Hội LHPN: 01 người; Công chức Văn hóa -XH 01 người)

 + Chuyển xã khác 04 người (Chỉ uy trưởng Quân sự: 01 người, Tư pháp Hộ tịch: 01 người; Chủ tịch CCB: 01 người, Bí thư đoàn Thanh niên: 01 người

4.4.2. Xã Nghĩa Hưng:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 61 người. Trong đó: 31 cán bộ, 30 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 14 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 35 người (19 cán bộ, 16 công chức).

- Năm 2025 (13 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26: 04 người: (Bí thư Đảng uỷ 02 người; Chủ tịch UBND 01 người; Phó chủ tịch UBND 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29: 04 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó chủ tịch HĐND: 01 người; Văn hóa -XH: 01 người; Chỉ huy trưởng Quân sự 01 người)

+ Chuyển xã khác: 05 người (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người; Chỉ huy trưởng Quân sự: 01 người; Văn phòng – TK: 01 người; Tư pháp – Hộ tịch: 01 người)

-  Năm 2026 (05 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBND 01 người)

+ Chuyển xã khác: 04 người (Phó Chủ tịch HĐND: 01 người; Chủ tịch HND: 01 người; Văn phòng – TK: 01 người; Tài chính – Kế toán: 01 người.

- Năm 2027 (07 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Phó bí thư Đảng ủy 01 người; Chủ tịch Hội ND: 01 người; Tư pháp -HT: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 04 người (Chủ tịch MTTQ: 01 người; Bí thư Đoàn TN: 01 người; Chủ tịch Hội PN: 01 người; Văn hóa – Xã hội: 01 người; Tài chính – Kế toán: 01 người).

- Năm 2028 (07 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch UBND 01 người; Chủ tịch Hội LHPN 01 người).

+ Chuyển xã khác: 05 người (Chủ tịch Hội LHPN: 01 người; Bí thư Đoàn TN: 01 người; Chủ tịch Hội ND: 01 người; Văn phòng – Thống kê: 01 người; Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2029 (03 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Văn hóa – Xã hội 01 người).

+ Chuyển xã khác: 02 người gồm: Chủ tịch MTTQ: 01 người; Chủ tịch Hội CCB: 01 người).

4.5. Huyện Quỳnh Lưu:

4.5.1. Thị trấn Cầu Giát:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 20 cán bộ, 17 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 15 người (08 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (01 người) Nghỉ đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch Hội CCB); 

- Năm 2026 (01 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 01 người (Phó Chủ tịch UBND);

- Năm 2027 (03 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 03 người (Phó chủ tịch UBND: 02 người, Chủ tịch CCB: 01 người);

- Năm 2028 (04 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 04 người (Chủ tịch Hội nông dân: 01 người, Phó Chủ tịch UBND: 01 người, Văn phòng – Thống kê: 01 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người);

- Năm 2029 (06 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 06 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người, Phó Chủ tịch HĐND: 01 người, Chủ tịch Hội nông dân: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người, Văn phòng – Thống kê: 01 người);

4.5.2. Xã Thuận Long:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 36 người. Trong đó: 19 cán bộ, 17 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau 14 người (07 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (01 người) Nghỉ hưu theo Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch CCB).

- Năm 2026 (01 người) Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch MTTQ).

- Năm 2027 (02 người)Nghỉ hưu theo NĐ 29/2023: 02 người (Phó Chủ tịch UBND: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2028 (04 người)Nghỉ hưu theo NĐ 29/2023: 04 người (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người, Chủ tịch UBND: 02 người, Phó Chủ tịch HĐND 01 người).

- Năm 2029: (06 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29/2023: 06 người (Chủ tịch HND: 01 người, Bí thư Đảng ủy: 01 người, Phó Bí thư: 01 người, Chủ tịch UBND: 01 người, Văn phòng – Thống kê: 01 người).

4.5.3. Xã Hải Thọ:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 20 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 16 người (08 cán bộ, 08 công chức).

- Năm 2025 (01 người)Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch MTTQ: 01 người).

- Năm 2027 (04 người)

+ Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người).

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch UBND: 01 người, Chủ tịch Hội nông dân 01 người, CHT Quân sự: 01 người).

- Năm 2028 (05 người)

+ Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch HND: 01 người);

+ Nghỉ hưu theo Nghỉ hưu theo NĐ 29/2023: 04 người (Phó Chủ tịch HĐND : 01 người, Chủ tịch Hội phụ nữ : 01 người, Chủ tịch Hội CCB : 01 người, Địa chính-NN-XD-MT: 01 người);

- Năm 2029 (06 người)

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29/2023: 06 người (Chủ tịch MTTQ: 01 người, Chủ tịch HND: 01 người, Văn phòng – TK: 01 người, Tài chính – Kế toán: 01 người, Địa chính-NN-XD-MT: 01 người, CHT Quân sự: 01 người).

4.5.4. Xã Phú Nghĩa:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 19 cán bộ, 16 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 13 người (07 cán bộ, 06 công chức).

- Năm 2025 (01 người): Điều chuyển đơn vị khác 01 người (Bí thư Đảng ủy);

- Năm 2026(01 người) Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch MTTQ);

- Năm 2027 (01 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 01 người (Địa chính-NN-XD-MT);

- Năm 2028 (04 người)

+ Nghỉ đúng độ tuổi BHXH  01 người (Chủ tịch CCB);

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 03 người (Chủ tịch UBND 01 người, Chủ tịch Hội nông dân 01 người, Văn hóa -XH 01 người);

- Năm 2029 (06 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 06 người (Bí thư Đảng ủy 01 người, Chủ tịch UBND: 01 người, Phó Bí thư Đảng ủy 02 người, CHT Quân sự 01 người, Tư pháp 01 người).

4.5.5. Xã Minh Lương:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 20 cán bộ, 15 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 13 người (08 cán bộ, 05 công chức).

- Năm 2025 (02 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 02 người (Chủ tịchUBND 01 người, Phó Bí thư Đảng ủy 01 người);

- Năm 2026 (01 người) Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch Hội CCB);

- Năm 2027 (02 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 02 người (Văn hóa – Xã hội 01 người, Văn phòng – Thống kê 01 người);

- Năm 2028 (04 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 04 người (Tư pháp – Hộ tịch: 01 người, Văn phòng – Thống kê: 01 người, Chủ tịch MTTQ: 01 người, Phó chủ tịch UBND: 01 người);

- Năm 2029 (04 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 04 người (Chủ tịch UBND: 01 người , Phó Chủ tịch UBND: 01 người, Chủ tịch MTTQ: 01 người, Bí thư Đảng ủy 01 người);

4.5.6. Xã Hoa Mỹ:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 19 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 15 người (07 cán bộ, 08 công chức).

- Năm 2025 (03 người)

+ Nghỉ đúng độ tuổi BHXH 01 người (Địa chính-NN-XD-MT).

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 02 người (Chủ tịch Hội CCB: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người);

- Năm 2026 (04 người)

+ Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 03 người (Chủ tịch UBND: 01 người, Chủ tịch MTTQ: 01 người, Văn phòng – Thống kê: 01 người);

+  Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 01 người (Văn phòng – Thống kê);

- Năm 2027 (02 người)

+ Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch MTTQ);

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 01 người (Bí thư Đảng ủy);

- Năm 2028 (03 người)

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 03 người (CHT Quân sự: 01 người, Văn hóa – Xã hội: 01 người, Chủ tịch CCB: 01 người);

- Năm 2029 (03 người)

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 03 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Chủ tịch HND: 01 người, Văn phòng – TK: 01 người).

4.5.7. Xã Bình Sơn:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 56 người. Trong đó: 27 cán bộ, 29 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức).

- Giải quyết dôi dư như sau: 34 người (15 cán bộ, 19 công chức).

- Năm 2025 (04 người)

+ Nghỉ đúng độ tuổi BHXH 02 người (Tư pháp – Hộ tịch: 02 người); 

 + Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 02 người (Chủ tịch MTTQ: 01 người, Chủ tịch CCB: 01 người);

- Năm 2026 (04 người)

  Nghỉ đúng độ tuổi BHXH  02 người (Phó Chủ tịch UBND : 01 người, Chủ tịch MTTQ: 01 người); 

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 02 người (Chủ tịch CCB: 01 người, Phó Bí thư: 01 người);

- Năm 2027 (06 người)

Nghỉ đúng độ tuổi BHXH  01 người (Phó Chủ tịch UBND); 

Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 05 người (02 Chủ tịch UBND, Văn phòng – Thống kê, Văn hóa – xã hội, ĐC-NN-XD-MT).

- Năm 2028 (08 người)

Nghỉ đúng độ tuổi BHXH  01 người (Chủ tịch Hội phụ nữ);

Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 07 người (Bí thư, 02 Phó Chủ tịch HĐND, TC-KT, ĐC-XD-NN-MT, Chủ tịch HND).

- Năm 2029 (12 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 12 người (Chủ tịch HPN: 01 người, Phó Chủ tịch UBND: 02 người, Chủ tịch MTTQ: 01 người, CHT Quân sự: 01 người, Tài chính -KT: 01 người, Văn phòng – Thống kê: 02 người, Văn hóa – Xã hội: 02 người, Phó Chủ tịch HĐND: 02 người).

4.5.8. Xã Đôi Hậu:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 36 người. Trong đó: 20 cán bộ, 16 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 14 người (08 cán bộ, 06 công chức).

- Năm 2025 (03 người)

+ Nghỉ đúng độ tuổi BHXH 02 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Chủ tịch MTTQ: 01 người).

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 01 người (Phó Chủ tịch UBND).

- Năm 2026 (01 người) Nghỉ hưu đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch CCB).

- Năm 2027 (01 người) Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

- Năm 2028 (04 người)

+ Nghỉ đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch MTTQ);

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 03 người (Phó Chủ tịch UBND: 01 người, Phó Chủ tịch HĐND: 01 người, Văn hóa – Xã hội: 01 người);

- Năm 2029 (05 người)

+ Nghỉ đúng độ tuổi BHXH 01 người (Chủ tịch Hội phụ nữ);

+ Nghỉ hưu theo NĐ 29 là 04 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Chủ tịch CCB: 01 người, CHT Quân sự: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

4.6. Huyện Con Cuông:

4.6.1. Thị trấn Trà Lân:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 40 người. Trong đó: 21 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 12 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 16 người (09 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (08 người)

+ Nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/NĐ-CP: 01 người (Chủ tịch UBMTTQ)

+ Nghỉ hưởng chế bộ BHXH: 01 người (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh)

+ Nghỉ theo Nghị định số 29/NĐ-CP: 04 người, (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người, Phó Chủ tịch UBND: 01 người, Chủ tịch UBMTTQ: 01 người, Chỉ huy trưởng Quân sự: 01 người).

+ Luân chuyển công tác lên huyện: 02 người, (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Chủ tịch UBND: 01 người).

- Năm 2027 (01 người)Nghỉ theo Nghị định 29/NĐ-CP: 01 người ((Tài chính – Kế toán).

- Năm 2028 (01 người)Nghỉ theo Nghị định số 29/NĐ-CP 01 người (Phó Chủ tịch HĐND);

- Năm 2029: (06 người)

+ Nghỉ hưu theo chế độ BHXH: 01 người (Phó Chủ tịch HĐND);

+ Chuyển xã khác: 04 người (Văn hóa – xã hội: 02 người, Văn phòng – Thống kê: 02 người).

+ Nghỉ theo Nghị định 29/NĐ-CP: 01 người (Tư pháp – Hộ tịch).

4.7. Huyện Thanh Chương:

4.7.1. Thị trấn Dùng:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 28 cán bộ, 30 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 8 công chức).

- Giải quyết dôi dư 38 người (16 cán bộ, 22 công chức) như sau:

- Năm 2025 (08 người)

+ Nghị định 26/2015: 02 người (Phó Bí thư Đảng uỷ: 01 người, Chủ tịch UBND: 01 người).

Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Phó Bí thư Đảng uỷ: 01 người; Bí thư Đảng uỷ xã: 01 người);

+ Chuyển lên huyện, xã khác: 04 người (Bí thư Đảng uỷ lên huyện: 01 người). Chuyển xã khác Chỉ huy trưởng Quân sự: 01 người, Tài chính – Kế toán: 02 người; Văn phòng – Thống kê: 01 người).

- Năm 2026 (09 người)

 + Nghị định 26/2015: 01 người (Chủ tịch UBND xã)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 04 người (PCT UBND: 01 người; PCT HĐND: 02 người và Chủ tịch Hội LHPN: 02 người).

+ Chuyển xã khác: 04 người, (Văn hoá–Xã hội: 01 người; Tư pháp-HT: 02 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người).

- Năm 2027 (08 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 02 người; Bí thư Đoàn TNCSHCM: 01 người)

+ Chuyển xã khác 05 người (Chỉ huy trưởng Quân sự: 01 người; Tư pháp-HT: 02 người; Văn phòng – Thống kê: 02 người).

- Năm 2028 (07 người).

 + Nghỉ theo NĐ 29/2023 02 người (Chủ tịch Hội Nông dân 02 người)

+ Chuyển xã khác: 05 người (Địa chính-NN-XD&MT: 03 người, Văn hóa-XH: 02 người)

- Năm 2029 (06 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBMTTQVN)

+ Chuyển việc khác 05 người, (CHT Quân sự: 02 người; Tài chính-KT: 02 người; Văn phòng-TK: 01 người).

4.7.2. Xã Minh Sơn:

-  Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 19 cán bộ, 16 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 8 công chức).

- Giải quyết dôi dư 15 người (7 cán bộ, 8 công chức) như sau:

- Năm 2025 (04 người).

 + Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Bí thư Đảng uỷ).

+ Nghị định 29/2023: 01 người (Phó Bí thư Đảng uỷ).

+ Chuyển xã khác: 02 người (CHT Quân sự: 01 người, Tài chính-KT: 01 người).

- Năm 2026 (04 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch UBND: 01 người; PCT HĐND: 01 người, Chủ tịch Hội LHPN: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn hóa-XH).

- Năm 2027 (03 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 01 người; Bí thư Đoàn TNCSHCM: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn phòng-TK).

- Năm 2028 (01 người).

 + Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

- Năm 2029 (03 người)

 + Hưu đúng tuổi theo BHXH: 01 người (Địa chính-NN-XD&MT)

+ Nghỉ NĐ 29/2023: 01 người (Tư pháp-HT)

+ Chuyển xã khác: 01 người (Tư pháp -HT).

4.7.3. Xã Thanh Quả:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 20 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 8 công chức).

- Giải quyết dôi dư 18 người (08 cán bộ, 10 công chức) như sau:

- Năm 2025 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Bí thư Đảng uỷ: 01 người; Phó Bí thư Đảng uỷ: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Tài chính-KT).

- Năm 2026 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 04 người (Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Chủ tịch UBND: 01 người; PCT HĐND: 01 người và Chủ tịch Hội LHPN: 01 người).

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người, (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 01 người; Bí thư Đoàn TNCSHCM: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn hóa-XH).

- Năm 2028 (05 người).

+ Hưu đúng tuổi BHXH: 01 người (Tài chính -KT).

+ Nghỉ theo Nghị định 29/2023: 02 người (Văn hóa-XH: 01 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người)

+ Chuyển xã khác: 02 người (Địa chính-NN-XD&MT: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2029 (03 người).

 + Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBMTTQVN)

+ Chuyển xã khác: 02 người (Văn phòng – Thống kê: 02 người).

4.7.4. Xã Kim Bảng:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 19 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 8 công chức).

- Giải quyết dôi dư 17 người (7 cán bộ, 10 công chức) như sau:

- Năm 2025 (03 người)

+ Nghị định 29/2013: 02 người (Bí thư Đảng uỷ: 01 người, Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người)

+ Chuyển lên huyện: 01 người (Bí thư Đảng uỷ).

- Năm 2026 (05 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch UBND: 01 người; PCT HĐND: 01 người, Chủ tịch Hội LHPN: 01 người)

+ Chuyển xã khác: 02 người (CHT Quân sự: 01 người, Tài chính-KT: 01 người).

- Năm 2027 (03 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch Hội CCB).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Văn hóa-XH: 01 người; Văn phòng-TK: 01 người).

- Năm 2028 (03 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Tư pháp-HT: 01 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người).

- Năm 2029 (03 người).

 + Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBMTTQVN).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Văn phòng-TK: 01 người, Văn hóa-XH: 01 người).

4.7.5. Xã Xuân Dương:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 19 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 8 công chức).

- Giải quyết dôi dư 18 người (07 cán bộ, 11 công chức) như sau:

- Năm 2025 (04 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Bí thư Đảng uỷ: 01 người, Phó Bí thư Đảng uỷ: 01 người).

 + Chuyển xã khác: 02 người (Tài chính-KT: 02 người).

- Năm 2026 (05 người).

 + Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch UBND: 01 người; PCT HĐND: 01 người, Chủ tịch Hội LHPN: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 02 người, (Văn phòng-TK: 01 người, Văn hóa-XH: 01 người).

- Năm 2027 (04 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 01 người; Bí thư Đoàn TNCSHCM: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Văn phòng-TK: 01 người, Tư pháp-HT: 01 người).

- Năm 2028 (03 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

+ Chuyển xã khác: 02 người (TP-HT: 01 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người)

- Năm 2029 (02 người)

+ Chuyển xã khác: 02 người (Địa chính-NN-XD&MT 02 người).

4.7.6. Xã Minh Tiến:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 57 người. Trong đó: 30 cán bộ, 27 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 8 công chức).

- Giải quyết dôi dư 37 người (18 cán bộ, 19 công chức) như sau:

- Năm 2025 (06 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Bí thư Đảng uỷ: 01 người, Phó Bí thư Đảng uỷ: 02 người).

+ Chuyển lên huyện, xã khác: 03 người (Bí thư Đảng uỷ: 01 người, Chủ tịch UBND: 01 người chuyển lên huyện; Văn hóa-XH: 01 người chuyển xã khác).

- Năm 2026 (10 người).

+ Hưu đủ tuổi theo BHXH: 01 người (Địa chính-NN-XD&MT).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 06 người (Chủ tịch UBND:01 người; PCT UBND: 01 người; PCT HĐND: 02 người, Chủ tịch Hội LHPN: 02 người).

+ Chuyển xã khác: 03 người (Văn phòng-TK: 01 người, Tư pháp-HT: 02 người).

- Năm 2027 (08 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 04 người (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 02 người; Bí thư Đoàn TNCSHCM: 02 người)

+ Chuyển xã khác: 04 người (CHT Quân sự: 02 người, Tài chính-KT: 02 người).

- Năm 2028 (08 người)

+ Hưu đủ tuổi theo BHXH: 01 người (Chủ tịch UBMTTQ).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch Hội Nông dân: 01 người, Tài chính-KT: 01 người).

+ Nghị định 26/2015: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

+ Chuyển xã khác: 04 người (Tư pháp-HT: 02 người, Văn hóa-XH: 02 người).

- Năm 2029 (05 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBMTTQ);

+ Chuyển xã khác: 04 người (Địa chính-NN-XD&MT: 01 người, Văn phòng-TK: 03 người).

4.7.7. Xã Mai Giang:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 20 cán bộ, 17 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau: 20 người (12 cán bộ, 10 công chức).

- Giải quyết dôi dư 15 người (8 cán bộ, 7 công chức) như sau:

- Năm 2025 (03 người)

- Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Bí thư Đảng uỷ: 01 người, Phó Bí thư Đảng uỷ: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn hóa - XH).

- Năm 2026 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch UBND: 01 người; PCT HĐND: 01 người và Chủ tịch Hội LHPN: 01 người)

 Chuyển sang đơn vị sự nghiêp: 01 người (Phó Chủ tịch UBND).

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 01 người, CHT Quân sự: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn phòng-TK).

- Năm 2028 (03 người).

+ Hưu đúng tuổi theo BHXH: 01 người (CHT Quân sự).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

+ Chuyển xã khác: 01  người (Văn phòng-TK).

- Năm 2029 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBMTTQ).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Tư pháp-HT).

4.8. Huyện Diễn Châu:

4.8.1. Thị trấn Diễn Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 40 người. Trong đó: 20 cán bộ, 20 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 08 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 20 người (08 cán bộ, 12 công chức).

- Năm 2025 (18 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Chủ tịchCCB: 01 người; Chủ tịch MTTQ: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch UBND: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 08 người (CHT.Quân sự 01 người, Tài chính – KT: 01 người, Văn phòng - TK 02 người, Văn hóa - XH 02 người, Tư pháp – HT: 02 người).

+ Chuyển việc khác: 07 người (PCT HĐND chuyển sang làm Bí thư Đảng uỷ (do Bí thư Đảng uỷ chuyển về huyện): 01 người; Chủ tịch HND chuyển sang làm CT UBND (do CT UBND nghỉ NĐ 29): 01 người; CT HPN chuyển sang làm PCT UBND (do PCT UBND nghỉ NĐ 29): 01 người; Chuyển xã khác: (Bí thư Đoàn 01 người, Tài chính – KT: 01 người; Địa chính-XD-NN&MT: 02 người).

- Năm 2028 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 1 người (Văn hóa – XH: 01 người).

- Năm 2029 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 1 người, trong đó (Phó Bí thư Đảng ủy 01 người)

4.8.2. Xã Xuân Tháp:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 20 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 18 người (08 cán bộ, 10 công chức).

- Năm 2025(08 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Cựu Chiến binh: 1 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch HPN 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Kế toán 01 người).

+ Chuyển xã khác: 05 người (PBT Đang uỷ: 01 người; Chủ tịch HND 01 người; CHT.Quân sự 01 người, Địa chính-NN-XD-MT: 02 người)

- Năm 2026 (01 người)

+ Chuyển xã khác: 01 người (Chủ tịch UBND 01 người)

- Năm 2027 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (PCT HĐND 01 người)

+ Chuyển xã khác: 03 người (Văn phòng – TK; 01 người, Tư pháp-HT: 01 người,  Địa chính-NN-XD&MT: 01 người)

- Năm 2028 (01 người)

+ Chuyển khác: 01 người (Bí thư Đoàn chuyển làm Bí thư Chủ tịch HPN (do nghỉ hưu): 01 người

- Năm 2029 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người  (Văn hóa-XH 1 người).

+ Chuyển khác: 03 người (Chủ tịch MTTQ chuyển làm Bí thư Đảng uỷ, do Bí thư Đảng uỷ nghỉ theo NĐ 29): 01 người; Chuyển xã khác: (Văn phòng -TK 1 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người)

4.8.3. Xã Ngọc Bích:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 41 người. Trong đó: 20 cán bộ, 21 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau:21 người (08 cán bộ, 13 công chức).

- Năm 2025 (16 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (PBT Đảng uỷ).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 09 người, trong đó (Chủ tịch UBND 01 người, CHT Quân sự 01 người, Tài chính – KT: 01 người, Văn phòng – TK: 02 người, Tư pháp – HT: 03 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người).

+ Chuyển khác: 06 người, trong đó (Chủ tịch CCB sang làm PCT UBND (do PCT UBND xã nghỉ NĐ 29): 01 người; Chuyển xã khác: (Văn hóa - XH 03 người; Địa chính-NN-XD&MT: 02 người)

- Năm 2026 (01 người)

+ Chuyển khác: 1 người, trong đó (PCT HĐND sang làm Bí thư Đảng uỷ do Nghỉ NĐ 29: 01 người)

- Năm 2027 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch MTTQ 01 người)

- Năm 2029 (03 người).

+ Chuyển việc khác: 03 người đó (Chủ tịch HND chuyển sang làm CT UBND (do nghỉ NĐ 29); Chủ tịch HPN chuyển sang làm PCT UBND (do nghỉ NĐ 29); Bí thư Đoàn sang làm Bí thư Đảng uỷ (do nghỉ NĐ 29).

4.8.4. Xã Hùng Hải:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 20 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau:18 người (08 cán bộ, 10 công chức).

- Năm 2025 (12 người).

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người, (Chủ tịch CCB 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (PCT HĐND 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 04 người (Chủ tịch HND 01 người, CHT. Quân sự 01 người, Tư pháp – HT: 02 người).

+ Chuyển việc khác 06 người (PBT Đảng uỷ chuyển sang làm Bí thư Đảng uỷ (do nghỉ NĐ 29): 01 người; Chuyển xã khác: (Bí thư Đoàn: 01 người, Văn phòng – TK: 01 người; Văn hóa – XH: 01 người; Địa chính-NN-XD&MT: 02 người).

- Năm 2028 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người, (Chủ tịch UBND: 01 người, Văn hóa -XH: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 1 người (Tài chính – KT: 01 người)

- Năm 2029 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người, (Chủ tịch MTTQ: 01 người).

+ Chuyển khác 02 người (CT HPN chuyển sang làm PBT Đảng uỷ (do PBT thay BT Đảng uỷ (nghỉ NĐ 29): 01 người; Chuyển xã khác: (Văn phòng - TK 01 người).

4.8.5. Xã Hạnh Quảng:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 41 người. Trong đó: 20 cán bộ, 21 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau:21 người (08 cán bộ, 13 công chức).

- Năm 2025 (12 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Chủ tịch CCB: 01 người, Tư pháp-HT: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (PBT Đảng uỷ 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Văn phòng - TK 01 người).

+ Chuyển khác 08 người (Phó Chủ tịch UBND chuyển sang làm CT MTTQ (do hiện còn thiếu): 01 người; Chủ tịch HPN chuyển sang làm Bí thư Đảng uỷ (do Bí thư nghỉ NĐ 29): 01 người;, Bí thư Đoàn sang làm PBT Đảng uỷ (do PBT nghỉ NĐ 29): 01 người; Chuyển xã khác: (Văn phòng – TK: 01 người; Văn hóa – XH: 02 người; Địa chính-NN-XD&MT: 02 người)

- Năm 2026  (03 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (CHT. Quân sự 01 người, Địa chính-NN-XD&MT: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch UBND 01 người)

- Năm 2027 (04  người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Chủ tịch HND: 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (PCT HĐND: 01 người Văn phòng -TK: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Tư pháp - HT 01 người).

- Năm 2029 (02  người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Văn hóa – XH: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Tư pháp – HT: 01 người).

4.9. Huyện Hưng Nguyên:

4.9.1. Xã Thịnh Mỹ:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 20 cán bộ, 17 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 08 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 17 người (08 cán bộ, 09 công chức).

- Năm 2025 (08 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Công chức Văn phòng-TK)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch Hội ND: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 06 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch UBND: 01 người, Phó CT UBND: 01 người, Chủ tịch HCCB: 01 người; Chủ tịch Hội ND: 01 người).

- Năm 2026 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người, trong đó (Chủ tịch Hội ND: 01 người, Chủ tịch HCCB: 01 người, Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người)

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người, trong đó (Chủ tịch HCCB: 01 người, Chủ tịch Hội LHPN: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2028 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Văn phòng – Thống kê: 01 người; Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2029 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Tài chính – Kế toán).

4.9.2. Xã Thông Tân:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 19 cán bộ, 16 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 11 cán bộ, 09 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 15 người (08 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (08 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người (Bí thư  Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch UBND: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 06 người (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó CT HĐND: 01 người; Phó Chủ tịch UBND: 01 người, Chủ tịch Hội ND: 01 người, CT Hội LH phụ nữ: 01 người, Bí thư Đoàn 01 người).

- Năm 2026 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người; Văn hóa –XH: 01 người).

- Năm 2027 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Văn phòng-TK: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2028 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Tài chính- kế toán: 01 người; Văn phòng – Thống kê: 01 người).

- Năm 2029 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Tài chính- kế toán: 01 người).

4.9.3. Xã Phúc Lợi:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 19 cán bộ, 16 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 11 cán bộ, 09 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 15 người (08 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (06 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người, (Chủ tịch UBND: 01 người, Chủ tịch HCCB: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch Hội LHPN: 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch UB MTTQ: 01 người;

- Năm 2026 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Chủ tịch Hội ND: 01 người; Địa chính – Xây dựng -NN&MT: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người;).

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Phó CT HĐND: 01 người; Phó CT UBND: 01 người, Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

- Năm 2028 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Phó CT UBND: 01 người, Chủ tịch CCB: 01 người).

- Năm 2029 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Văn phòng-TK).

4.10. Huyện Nam Đàn:

4.10.1. Xã Nghĩa Thái:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 19 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 18 người (07 cán bộ, 11 công chức).

- Năm 2025 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người, (Phó Bí thư Đảng ủy 01 người, Phó Chủ tịch UBND xã 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người, (Chủ tịch Hội PN 01 người, Tài chính - Kế toán 01 người)

- Năm 2026 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người, (Phó Chủ tịch HĐND: 01 người, Phó Chủ tịch UBND: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Văn phòng - Thống kê 01 người, Tài chính - Kế toán 01 người).

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Chủ tịch Hội CCB)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Văn phòng - Thống kê: 01 người, Văn hóa - Xã hội: 01 người).

- Năm 2028 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chỉ huy trưởng Quân sự: 01 người, Địa chính XD-NN&MT: 01 người).

- Năm 2029 (04 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Tài chính - Kế toán).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người, (Địa chính -XD- NN &MT 01 người, Văn hóa - Xã hội 01 người).

+ Chuyển lên huyện: 01 người (Tư pháp - Hộ tịch, tiếp nhận vào làm công chức huyện).

4.10.2. Xã Xuân Hồng:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 20 cán bộ, 15 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 08 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau 15 người (08 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người, Bí thư Đoàn xã: 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người, (Chủ tịch Hội PN 01 người, Tài chính - Kế toán: 01 người)

- Năm 2026 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người (Phó Chủ tịch HĐND: 01 người, Chủ tịch UBND xã: 01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch Hội CCB)

- Năm 2027 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Văn phòng - Thống kê: 01 người, Văn hóa - Xã hội: 01 người)

- Năm 2028 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch Hội Nông dân)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chỉ huy trưởng Quân sự 01 người, Tư pháp - Hộ tịch: 01 người)

- Năm 2029 (03 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Tài chính - Kế toán)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch MTTQ xã)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Địa chính -XD- NN &MT)

4.11. Huyện Yên Thành:

4.11.1. Xã Vân Tụ:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 41 người. Trong đó: 21 cán bộ, 20 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 19 người (09 cán bộ, 10 công chức).

- Năm 2025 (11 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Chủ tịch MTTQ)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 05 người (Chủ tịch UBND xã: 01 người; Chủ tịch HND: 01 người; Tư pháp - HT: 01 người; Văn hóa - XH: 01 người; Bí thư Đoàn TN: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 05 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch HLHPN: 01 người; Phó Chủ tịch UBND: 01 người; Chủ tịch HCCB: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người).

- Năm 2026 (05 người)

+ Nghỉ theo Nghị định 29: 01 người (Tài chính-KT).

+ Chuyển xã khác: 04 người (Phó Chủ tịch HĐND: 01 người; Địa chính – XD-NN&MT: 01 người; Văn phòng - TK: 02 người).

- Năm 2027(02 người)

+ Chuyển xã khác: 02 người (trong đó: Văn hóa - XH: 01 người; Địa chính – XD-NN&MT: 01 người).

- Năm 2029 (01 người)

+Chuyển xã khác: 01 người (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người).

4.11.2. Thị trấn Hoa Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 36 người. Trong đó: 18 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 16 người (06 cán bộ, 10 công chức).

- Năm 2025 (11 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Bí thư Đảng ủy).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 05 người (Chủ tịch UBND: 02 người; Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Chủ tịch UBND: 01 người; Văn hóa - XH: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 05 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch HCCB: 02 ngươi; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người; Địa chính-XD-NN&MT: 01 người).

- Năm 2026 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch MTTQ: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Tài chính - KT: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người).

- Năm 2029 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Phó Chủ tịch UBND).

4.11.3. Xã Minh Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 33 người. Trong đó: 19 cán bộ, 14 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 10 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 11 người (07 cán bộ, 04 công chức).

- Năm 2025 (09 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Chủ tịch HCCB)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 06 người (Bí thư Đảng ủy: 02 người; Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người; Phó Chủ tịch UBND: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Chủ tịch HCCB: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người).

- Năm 2026 (01 người)

Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch HND).

- Năm 2027 (01 người)

 + Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch HLHPN).

4.11.4. Xã Liên Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 18 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 17 người (06 cán bộ, 11 công chức).

- Năm 2025 (07 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người (Chủ tịch MTTQ: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Văn hóa - XH).

+ Chuyển xã khác: 04 người (Chủ tịch HCCB: 01 người; Địa chính – XD-NN&MT: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người).

- Năm 2026 (04 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch UBND: 01 người; Chủ tịch MTTQ: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn hóa - XH).

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 02 người (Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Chủ tịch UBND: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Địa chính – XD-NN&MT).

- Năm 2028 (02 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Tài chính - KT).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn phòng - TK).

- Năm 2029 (01 người

+ Chuyển xã khác: 01 người (Địa chính-XD-NN&MT).

4.11.5. Xã Phú Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 37 người. Trong đó: 18 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 17 người (06 cán bộ, 11 công chức).

- Năm 2025 (10 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Văn phòng - TK).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 06 người (Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch MTTQ: 01 người; Chủ tịch HCCB: 01 người; Chủ tịch HLHPN: 01 người; Tài chính - KT: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 03 người (Chủ tịch HCCB: 01 người; Bí thư Đoàn TN: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người).

- Năm 2026(03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người (Phó Chủ tịch UBND: 01 người; Chủ tịch MTTQ: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Văn hóa - XH).

- Năm 2027 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Chủ tịch UBND).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Văn hóa-XH: 01 người; Địa chính-XD-NN&MT: 01 người).

- Năm 2028 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Địa chính-XD-NN&MT).

4.11.6. Xã Đông Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 36 người. Trong đó: 18 cán bộ, 18 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 08 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 16 người (06 cán bộ, 10 công chức).

- Năm 2025(08 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người; Chủ tịch HLHPN; 01 người).

+ Chuyển khác: 03 người (Chủ tịch HCCB: 01 người; Chủ tịch HND: 01 người; Bí thư Đoàn TN: 01 người).

- Năm 2026 (05 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Phó Chủ tịch UBND: 01 người; Chủ tịch  HCCB: 01 người; Địa chính-XD-NN&MT: 01 người).

+ Chuyển khác: 02 người (trong đó: Văn hóa - XH: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người).

- Năm 2027 (01 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 01 người (Văn phòng - TK).

- Năm 2028 (01 người)

Chuyển việc khác: 01 người (Địa chính-XD-NN&MT).

- Năm 2029 (01 người)

Nghỉ theo NĐ 26/2015: 01 người (Chủ tịch MTTQ).

4.11.7. Xã Hậu Thành:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 39 người. Trong đó: 19 cán bộ, 20 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 19 người (07 cán bộ, 12 công chức):

- Năm 2025 (12 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 04 người (Chủ tịch UBND: 01 người; Phó Bí thư Đảng ủy: 01 người; Chủ tịch HND: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người).

+ Chuyển khác: 08 người (Chủ tịch HCCB: 02 người; Chủ tịch HLHPN: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người; Địa chính-XD-NN&MT: 01 người; Văn hóa - XH: 01 người; Tài chính - KT: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người).

- Năm 2026 (03 người)

+ Chuyển việc khác: 03 người (Phó Chủ tịch HĐND: 01 người; Địa chính-XD-NN&MT: 01 người; Văn hóa - XH: 01 người).

- Năm 2027 (01 người)

+ Chuyển việc khác: 01 người (Tư pháp - HT).

- Năm 2029 (03 người)

+ Nghỉ theo NĐ 29/2023: 03 người (Bí thư Đảng ủy: 02 người; Chủ tịch MTTQ: 01 người).

4.12. Huyện Nghi Lộc:

4.12.1. Xã Diên Hoa:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 40 người. Trong đó: 19 cán bộ, 21 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 08 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau : 20 người (07 cán bộ, 13 công chức).

- Năm 2025 (03 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người, (Chủ tịch UBMTTQ: 01 người).

+ Nghỉ theo NĐ 26/2015: 02 người (Chủ tịch UBND 01 người; Chủ tịch UBMTTQ: 01 người)

- Năm 2026 (02 người)

+ Chuyển xã khác: 02 người, (Tài chính – Kế toán: 01 người; Địa chính-NN-XD&MT: 01 người)

- Năm 2027 (02 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Văn phòng -TK: 01 người; CT. HCCB: 01 người).

- Năm 2028 (02 người)

+ Chuyển xã khác: 02 người (Tài chính – Kế toán: 01 người; Tư pháp -HT: 01 người).

- Năm 2029 (11 người)

+ Chuyển xã khác: 11 người, (Chủ tịch HND: 01 người; Chủ tịch HPN: 01 người; Bí thư Đoàn Thanh niên: 01 người; Chủ huy trưởng Quân sự: 01 người; Tài chính -KT: 01 người; Văn hóa - XH: 02 người; Tư pháp - HT: 01 người ; Văn phòng -TK: 01 người; Địa chính-NN-XD&MT: 02 người;

4.12.2. Xã Thịnh Trường:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 38 người. Trong đó: 19 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 8 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau: 18 người (07 cán bộ, 11 công chức).

- Năm 2025 (02 người).

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người (Chủ tịch UBMTTQ: 01 người; Tài Chính - KT: 01 người).

- Năm 2027 (04 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 02 người, (Chủ tịch CCB: 01 người; Chủ tịch HPN: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 02 người (Tài chính – Kế toán: 01 người; Tư pháp – Hộ tịch: 01 người)

- Năm 2028 (01 người).

+ Chuyển xã khác: 01 người (Địa chính-NN-XD&MT: 01 người).

- Năm 2029 (11 người)

+ Nghỉ hưu theo BHXH: 01 người (Tư pháp – Hộ tịch: 01 người).

+ Chuyển xã khác: 10 người (PBT. Đảng ủy: 01 người; Phó Chủ tịch HĐND: 01 người, Phó Chủ tịch. UBND: 01 người; Chủ tịch HND: 01 người; Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người; Tài chính - KT: 01 người; Văn phòng - TK: 01 người; Văn hóa - XH: 01 người; Tư pháp -HT: 01 người; Địa chính-NN-XD&MT: 01 người).

4.13. Huyện Anh Sơn:

4.13.1. Thị trấn Anh Sơn:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 35 người. Trong đó: 18 cán bộ, 17 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

+ Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 11 công chức.

+ Giải quyết dôi dư như sau 14 người (06 cán bộ, 06 công chức).

- Năm 2025 (02 người)

+ Chuyển lên huyện, xã khác khác: 02 người (chuyển lên huyện 01 Văn phòng-TK, chuyển xã khác 01 Văn phòng -TK);

- Năm 2026 (03 người)

+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội:  01 người, (Chỉ huy trưởng Quân sự 01 người)

+ Chuyển khác: 02 người (PCT HĐND 01 người, CT PN 01 người).

- Năm 2027 (02 người)

+ Chuyển khác 02 người, (Bí thưĐoàn TN: 01 người, Địa chính – XD-NN&MT: 01 người)

- Năm 2028 (03 người)

+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội: 01 người (Chủ tịch Hội CCB)

+ Chuyển khác 02 người (CT HND 01 người, Tài chính-KT: 01 người)

- Năm 2029 (02 người)

+ Chuyển khác 02 người (Chủ tịch MTTQ 01 người, Văn hóa – Xã hội: 01 người)

4.13.1. Xã Tam Đỉnh:

- Sau khi sáp nhập ĐVHC mới có tổng số cán bộ, công chức: 40 người. Trong đó: 19 cán bộ, 19 công chức.

- Phương án dự kiến bố trí cán bộ, công chức tại đơn vị hành chính mới như sau:

- Bố trí tiếp tục làm việc: 12 cán bộ, 12 công chức.

- Giải quyết dôi dư như sau 14 người (07 cán bộ, 07 công chức).

- Năm 2025 (03 người).

+ Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP; 01 người (Bí thư Đảng ủy)

+ Chuyển khác: 2 người, (Chỉ huy Trưởng Quân sự: 01 người, Địa chính-NN-XD-MT 01 người)

- Năm 2026 (01 người).

+ Chuyển khác: 01 người (Chủ tịch HLPN)

- Năm 2027 (02 người)

+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội:  01  người (Chủ tịch UBND).

+ Chuyển về huyện 01 người (Chủ tịch UBND).

- Năm 2028 (07 người)

+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội: 05 người (Chủ tịch UBND 01 người,  PCT HĐND 01 người, CT MTTQ 01 người, CT CCB 01 người, Tài chính - KT 01 người).

+ Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; 01 người (CT HND)

+ Chuyển khác 01 người (Tài chính – KT).

- Năm 2029 (01 người)

+ Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (Văn hóa – Xã hội)

5. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã

- Đối với những người hoạt động không chuyên trách: cho nghỉ và giải quyết chế độ theo quy định (khi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách dôi dư).

- Số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau sắp xếp là 994 người; dự kiến bố trí 580 người; cho nghỉ việc 414 người.

6. Phương án bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản xã mới hình thành sau sắp xếp:

- Trước mắt không đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới. Rà soát cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp (trừ các công trình đã triển khai thực hiện). Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xem xét, quyết định sử dụng công sở sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã, đảm bảo sử dụng hợp lý tất cả cơ sở vật chất phục vụ công việc của địa phương, tạo thuận lợi cho giao dịch hành chính của nhân dân; nghiên cứu để bố trí, lựa chọn trụ sở của các cơ quan dư thừa sử dụng làm Trung tâm dịch vụ hành chính công tại đơn vị hành chính sau sắp xếp; bố trí làm trụ sở làm việc, chỗ ở cho lực lượng Công an chính quy về làm việc tại xã và bố trí trụ sở cho Ban chỉ huy Quân sự cấp xã làm việc. Trạm Y tế sử dụng làm cơ sở 2 là nơi khám chữa bệnh và tiêm chủng. Trường học sử dụng nguyên trạng cơ sở dạy học như cũ.

- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường và một số công trình phúc lợi khác đặc biệt chú trọng các đơn vị hành chính xã sáp nhập vào thị trấn, phường để phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

- Phương án sắp xếp, giải quyết cơ sở vật chất dôi dự như sau:

+ Trụ sở làm việc: 93 cơ sở, tiếp tục sử dụng:88 cơ sở, đấu giá 05 cơ sở

+ Trạm y tế: 94 cơ sở (huyện Hưng Nguyên có 01 trạm y tê cũ), tiếp tục sử dụng: 90 cơ sở, đấu giá 04 cơ sở.

+ Trường học: 279 cơ sở (huyện Hưng Nguyên có 01 trường tiểu học cũ), tiếp tục sử dụng: 278 cơ sở, đấu giá 01 cơ sở.

7. Phương án cụ thể bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản xã mới hình thành sau sắp xếp như sau:

7.1. Thành phố Vinh:

7.1.1 Phường Vinh Tân:

+ Trụ sở phường Vinh Tân (cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND phường Vinh Tân (mới).

+ Trụ sở phường Hồng Sơn (cũ) dùng để bố trí bộ phận khác của phường Vinh Tân (mới) như: Bộ phận Tiếp nhận & TKQ;tru sở làm việc khối Đảng – Đoàn thể phường Vinh Tân (mới), kho lưu trữ, hội trường, trụ sở của đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố.

+ Đối với phường Vinh Tân (mới): Sử dụng tất cả cơ sở trường học hiện tại, gồm: MN Hồng Sơn; TH Hồng Sơn; THCS Hồng Sơn; MN Vinh Tân; TH Vinh Tân; THCS Vinh Tân.

          + Đối với phường Vinh Tân (mới): sử dụng trạm Y tế phường Vinh Tân (cũ) làm trụ sở chính;

+ Trạm y tế phường Hồng Sơn hiện tại bố trí làm điểm tiêm chủng đình kỳ hàng tháng và phục vụ hoạt động truyền thông các chương trình MTQG về y tế.

+ Đối với phường Vinh Tân (mới): sử dụng trụ sở Công an phường Vinh Tân (cũ) làm trụ sở chính, trụ sở công an phường Hồng Sơn (cũ) bố trí làm trụ sở của các tổ, đội nghiệp vụ của Công an phường Vinh Tân (mới).

7.1.1 Phường Quang Trung:

+ Trụ sở phường Quang Trung (cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND phường Quang Trung (mới)

+ Trụ sở phường Lê Mao (cũ), phường Đội Cung (cũ) dùng để bố trí bộ phận khác của phường Quang Trung (mới) như: bộ phận Tiếp nhận & TKQ, nhà làm việc khối Đảng – Đoàn thể phường Quang Trung (mới), kho lưu trữ, Hội trường hoặc bố trí làm trụ sở của đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố.

+ Đối với phường Quang Trung (mới): Sử dụng tất cả cơ sở trường học hiện tại, gồm: MN Đội Cung; MN Lê Mao; MN Quang Trung 1; MN Quang Trung 2; MN Bình Minh; MN Hoa Hồng; TH Đội Cung; TH Lê Mao; TH Quang Trung; THCS Đội Cung; THCS Lê Mao; THCS Quang Trung.

+ Đối với phường Quang trung (mới): sử dụng trạm y tế phường Quang Trung (cũ) làm trụ sở chính;

+ Trạm y tế phường Lê Mao, Đội Cung hiện tại bố trí làm điểm tiêm chủng đình kỳ hàng tháng và phục vụ hoạt động truyền thông các chương trình MTQG về y tế.

+ Đối với phường Quang Trung (mới): sử dụng trụ sở Công an phường Quang Trung (cũ) làm trụ sở chính, trụ sở công an phường Lê Mao (cũ), phường Đội Cung (cũ) bố trí làm trụ sở của các tổ, đội nghiệp vụ của Công an phường Quang Trung (mới).

7.2. Huyện Đô Lương:

+ Trụ sở UBND xã Lam Sơn tiếp tục làm trụ sở UBND xã Bạch Ngọc.

+ Trụ sở xã Ngọc Sơn dùng để làm Trường học .

+ Các trường học (03 điểm trường mầm non, 02 trường tiểu học, 01 trường THCS: ổn định các điểm trường như hiện nay để không ảnh hưởng đến công tác dạy và học. 

+ Trạm y tế xã Lam Sơn tiếp tục làm Trạm y tế xã Bạch Ngọc.

+ Trạm y tế xã Ngọc Sơn:Dự kiến thanh lý.

7.3 Huyện Tân Kỳ

7.3.1. Xã Hợp Bình.

+ Trụ sở UBND xã Nghĩa Bình (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Hợp Bình (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Nghĩa Hợp (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học 06 trụ sở: Mầm non Nghĩa Hợp, Mầm non Nghĩa Bình; Tiểu học Nghĩa Hợp; Tiểu học Nghĩa Bình (Điểm trung tâm Nghĩa Bình; Điểm Khe Thần); THCS Nghĩa Bình.

+ Trạm y tế xã Nghĩa Bình (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Hợp Bình (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Nghĩa Hợp (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.3.2. Xã Hoàn Long.

+ Trụ sở UBND xã Nghĩa Hoàn (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Hoàn Long (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Tân Long (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học 06 trụ sở: Mầm non Tân Long, Mầm non Nghĩa Hoàn (Điểm Tiến Thành; Điểm Mai Tân) Tiểu học Hoàn Long (Điểm trung tâm Nghĩa Hoàn; Điểm Tân Long) THCS Nghĩa Hoàn.

+ Trạm y tế xã Nghĩa Hoàn (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Hoàn Long (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Tân Long (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.4. Huyện Nghĩa Đàn

7.4.1. Xã Nghĩa Thọ

- Trụ sở xã Nghĩa Phú (đơn vị cũ) tiếp tục được sử dụng làm trụ sở UBND xã Nghĩa Thọ (đơn vị mới);

- Trụ sở xã Nghĩa Thọ (đơn vị cũ) dự kiến đề xuất phương án quy hoạch mở rộng khuôn viên trường Tiểu học Nghĩa Thọ;

- Đối với Trạm y tế xã Nghĩa Thọ (đơn vị cũ) được dùng để làm điểm chính của xã Nghĩa Thọ (đơn vị mới);

 - Trạm y tế xã Nghĩa Phú (đơn vị cũ) đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án điều chuyển theo Quyết định 2967/QĐ-UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (điều chuyển làm trụ sở công an xã Nghĩa Thọ mới).

- Đối với trường học tiếp tục sử dụng để hoạt động dạy và học trên địa bàn.

7.4.2. Xã Nghĩa Hưng

- Trụ sở xã Nghĩa Hưng (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Nghĩa Hưng (đơn vị mới);

- Trụ sở xã Nghĩa Hiếu (đơn vị cũ) huyện dự kiến tạm thời đề xuất phương án trước mắt sử dụng làm trụ sở cho các tổ chức chính trị xã hội hoạt động cho đến khi có kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Trung sở xã Nghĩa Thịnh (đơn vị cũ) huyện dự kiến huyện dự kiến đề xuất phương án làm trụ sở Công an xã Nghĩa Hưng (đơn vị mới) cho đến khi có kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Đối với Trạm y tế xã Nghĩa Hưng (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Nghĩa Hưng (đơn vị mới); Trạm y tế xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Thịnh (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân;

- Đối với trường học học tiếp tục sử dụng để hoạt động dạy và học trên địa bàn.

7.5 Huyện Quỳnh Lưu

7.5.1. Thị trấn Cầu Giát

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Hồng (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND thị trấn Cầu Giát (mới).

+ Trụ sở UBND thị trấn Cầu Giát (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Cầu Giát, Quỳnh Hồng;  Tiểu học Cầu Giát, Quỳnh Hồng; THCS Cầu Giát, Quỳnh Hồng): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Quỳnh Hồng (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Thị trấn Cầu Giát (đơn vị mới).

+ Trạm y tế thị trấn Cầu Giát (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.2. Xã Thuận Long

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Thuận (đơn vị cũ) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Thuận Long (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Long (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Quỳnh Long, Quỳnh Thuận; Tiểu học Quỳnh Long, Quỳnh Thuận; THCS Quỳnh Long, Quỳnh Thuận): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Quỳnh Thuận (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Thuận Long (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Quỳnh Long (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.3.Xã Hải Thọ.

+ Trụ sở UBND xã Sơn Hải (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Hải Thọ.

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Thọ (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Sơn Hải, Quỳnh Thọ; Tiểu học Sơn Hải, Quỳnh Thọ; THCS Sơn Hải, Quỳnh Thọ): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Sơn Hải (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Hải Thọ (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Quỳnh Thọ (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.4. Xã Phú Nghĩa.

+ Trụ sở UBND xã Tiến Thủy (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Phú Nghĩa (mới).

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Nghĩa (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy; Tiểu học Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy; THCS Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Tiến Thủy (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Phú Nghĩa (đơn vị mới).

+ Trạm y tế xã Quỳnh Nghĩa (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.5 Xã Minh Lương.

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Lương (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Minh Lương (mới).

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Minh (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Quỳnh Lương, Quỳnh Minh; Tiểu học Quỳnh Lương, Quỳnh Minh; THCS Quỳnh Lương, Quỳnh Minh): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Quỳnh Lương (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Minh Lương (đơn vị mới).

+ Trạm y tế xã Quỳnh Minh (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.6. Xã Hoa Mỹ.

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Hoa (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Hoa Mỹ (mới).

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Mỹ (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ; Tiểu học Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ; THCS Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Quỳnh Hoa (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Hoa Mỹ (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Quỳnh Mỹ (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.7. Xã Bình Sơn.

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Bá (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã Bình Sơn (mới).

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Ngọc (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Hưng (hiện tại):Dự kiến thanh lý, đấu giá.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc; Tiểu học Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc; THCS Quỳnh Hưng, Bá Ngọc,): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Quỳnh Bá (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Bình Sơn (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.5.8. Xã Đôi Hậu

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Hậu (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Đôi Hậu (mới).

+ Trụ sở UBND xã Quỳnh Đôi (hiện tại) dự kiến dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (Mầm non Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi; Tiểu học Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi; THCS Quỳnh Hậu, Quỳnh Đôi): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Quỳnh Hậu (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Đôi Hậu (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Quỳnh Đôi (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.6. Huyện Con Cuông

7.6.1. Thị trấn Trà Lân

- Trụ sở xã Bồng Khê (đơn vị cũ): Tiếp tục làm trụ sở thị trấn Trà Lân (đơn vị mới).

- Trụ sở thị trấn Con Cuông (đơn vị cũ): Bán đấu giá tài sản.

+ Trạm Y tế xã Bồng Khê (đơn vị cũ): Tiếp tục làm trụ sở Trạm y tế thị trấn Trà Lân (đơn vị mới).

+ Trạm Y tế  thị trấn Con Cuông (đơn vị cũ): Bán đấu giá tài sản

Giữ nguyên hệ thống trường học như hiện nay. Gồm các trường:

- Trường trung học cơ sở Trà Lân

- Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Con Cuông

- Trường Tiểu học thị trấn Con Cuông

- Trường Tiểu học Bồng Khê

- Trường Mầm non thị trấn Con Cuông

- Trường Mầm non Bồng Khê

7.7 Huyện Thanh Chương:

7.7.1. Thị trấn Dùng:

+ Trụ sở UBND Thị trấn Thanh Chương (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND thị trấn Dùng (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Lĩnh (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã; Trụ sở UBND xã Thanh Đồng (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (09 trụ sở: Mầm non Thanh Lĩnh, Mầm non Thanh Đồng (02 trụ sở), Mầm non thị trấn (02 trụ sở); Tiểu học Thanh Lĩnh, Tiểu học Thanh Đồng, Tiểu học thị trấn; THCS Thanh Lĩnh, THCS Đồng Tường và THCS Thị trấn): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Thanh Lĩnh (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của thị trấn Dùng (đơn vị mới).

+ Trạm y tế xã Thanh Đồng (đơn vị cũ) và Trạm y tế thị trấn (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.7.2. Xã Minh Sơn:

+ Trụ sở UBND xã Thanh Nho (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Minh Sơn (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Hoà (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (08 trụ sở: Mầm non Nho Hoà (03 trụ sở); Tiểu học Nho Hoà (03 trụ sở); THCS Nho Hoà (02 trụ sở): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Thanh Nho (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Minh Sơn (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Thanh Hoà (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.7.3. Xã Thanh Quả:

+ Trụ sở UBND xã Thanh Chi (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Thanh Quả (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Khê (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (06 trụ sở: Mầm non Thanh Chi, Mầm non Thanh Khê; Tiểu học Thanh Khê; TH & THCS Thanh Chi và THCS Thanh Khê): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Thanh Khê (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Thanh Quả (đơn vị mới).

+ Trạm y tế xã Thanh Chi (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.7.4. Xã Kim Bảng:

+ Trụ sở UBND xã Võ Liệt (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Kim Bảng (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Long (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (07 trụ sở: Mầm non Thanh Long, Mầm non Võ Liệt; Tiểu học Thanh Long, Tiểu học Võ Liệt (02 trụ sở); THCS Thanh Long và THCS Võ Liệt): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Võ Liệt (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Kim Bảng (đơn vị mới).

+ Trạm y tế xã Thanh Long (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.7.5. Xã Xuân Dương:

+ Trụ sở UBND xã Xuân Tường (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Xuân Dương (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Dương (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (07 trụ sở: Mầm non Xuân Tường, Mầm non Thanh Dương; Tiểu học Thanh Dương; TH&THCS Xuân Tường (03 trụ sở) và THCS Thanh Dương): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Thanh Dương (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Xuân Dương (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Xuân Tường (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.7.6. Xã Minh Tiến:

+ Trụ sở UBND xã Thanh Lương (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Minh Tiến (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Yên (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã; Trụ sở UBND xã Thanh Khai (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (10 trụ sở: Mầm non Thanh Lương (02 trụ sở), Mầm non Thanh Yên, Mầm non Thanh Khai; Tiểu học Thanh Lương, Tiểu học Thanh Khai; THCS Thanh Lương, THCS Thanh Yên và TH&THCS Thanh Khai (02 trụ sở)): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Thanh Lương (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của UBND xã Minh Tiến (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Thanh Yên (đơn vị cũ) và Trạm y tế xã Thanh Khai (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.7.1 7. Xã Mai Giang:

+ Trụ sở UBND xã Thanh Mai (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Mai Giang (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thanh Giang (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban Công an xã.

+ Trụ sở các trường học (09 trụ sở: Mầm non Thanh Mai (03 trụ sở), Mầm non Thanh Giang; Tiểu học Thanh Mai (02 trụ sở), Tiểu học Thanh Giang; THCS Thanh Mai và THCS Thanh Giang): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Thanh Mai (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Mai Giang (đơn vị mới).

+Trạm y tế xã Thanh Giang (đơn vị cũ) làm trụ sở làm việc của Ban Chỉ huy Quân sự xã.

7.8. Huyện Diễn Châu:

7.8.1. Thị trấn Diễn Thành:

- Trụ sở UBND xã:

+ Trụ sở UBND xã Diễn Thành (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND thị trấn Diễn Thành (mới).

+ Trụ sở UBND thị trấn Diễn Châu (hiện tại) tiếp tục sử dụng để mở rộng khuôn viên di tích lịch sử đền sò đã được tỉnh công nhận.

- Trường họcđể lại tiếp tục sử dụng: Trường mầm non Diễn Thành, Trường tiểu học Diễn Thành, Trường THCS Diễn Thành, Trường mầm non Thị trấn, Trường tiểu học Thị trấn, Trường THCS Thị trấn.

- Trạm Y tế:

+ Trạm y tế Thị trấn: Để lại tiếp tục sử dụng để điều chuyển trụ sở nhà văn hóa khối 5.

+ Trạm y tế xã Diễn Thành: Để lại tiếp tục sử dụng.

7.8.2 Xã Xuân Tháp:

- Trụ sở UBND xã:

+ Trụ sở UBND xã Diễn Xuân (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã Xuân Tháp (mới).

+ Trụ sở UBND xã Diễn Tháp (hiện tại) để lại tiếp tục sử dụng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho các nhà trường và trạm y tế.

- Trường họcđể lại tiếp tục sử dụng: Trường mầm non Diễn Tháp, Trường tiểu học Diễn Tháp, Trường THCS Diễn Tháp, Trường mầm non Diễn Xuân, Trường tiểu học Diễn Xuân, Trường THCS Diễn Xuân: Để lại tiếp tục sử dụng.

- Trạm Y tế:

+ Trạm y tế xã Diễn Tháp: Để lại tiếp tục sử dụng.

+ Trạm y tế xã Diễn Xuân: Để lại tiếp tục sử dụng làm nơi khám chữa bệnh cơ sở 2.

7.8.3. Xã Ngọc Bích:

- Trụ sở UBND xã:

+ Trụ sở UBND xã Diễn Ngọc (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã Ngọc Bích (mới).

+ Trụ sở UBND xã Diễn Bích (hiện tại) tiếp tục sử dụng để làm trụ sở trạm y tế cơ sở 2 và nhà tránh trú bão cho nhân dân trên địa bàn.

- Trường họcđể lại tiếp tục sử dụng: Trường mầm non Diễn Bích, Trường tiểu học Diễn Bích, Trường THCS Diễn  Bích, Trường mầm non Diễn Ngọc, Trường tiểu học Diễn Ngọc, Trường THCS Diễn Ngọc.

- Trạm Y tế:

+ Trạm y tế xã Diễn Ngọc: Để lại tiếp tục sử dụng.

+ Trạm y tế xã Diễn Bích: Để lại tiếp tục sử dụng để làm nhà tránh trú báo cho nhân dân trên địa bàn xã.

7.8.4. Xã Hùng Hải:

- Trụ sở UBND xã:

+ Trụ sở UBND xã Diễn Hải (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã Hùng Hải (mới).

+ Trụ sở UBND xã Diễn Hùng (hiện tại) tiếp tục sử dụng để mở rộng trạm y tế.

- Trường họcđể lại tiếp tục sử dụng: Trường mầm non Diễn Hải, Trường tiểu học Diễn Hải, Trường THCS Diễn Hải, Trường mầm non Diễn Hùng, Trường tiểu học Diễn Hùng, Trường THCS Diễn Hùng.

- Trạm Y tế:

+ Trạm y tế xã Diễn Hùng: Để lại tiếp tục sử dụng để làm trụ sở trạm y tế cơ sở 2.

+ Trạm y tế xã Diễn Hải: Để lại tiếp tục sử dụng.

7.8.5. Xã Hạnh Quảng:

- Trụ sở UBND xã:

+ Trụ sở UBND xã Diễn Hạnh (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã Hạnh Quảng (mới).

+ Trụ sở UBND xã Diễn Quảng (hiện tại) để lại tiếp tục sử dụng để mở rộng trường mầm non.

- Trường họcđể lại tiếp tục sử dụng: Trường mầm non Diễn Hạnh, Trường tiểu học Diễn Hạnh, Trường THCS Diễn Hạnh, Trường mầm non Diễn Quảng,  Trường tiểu học Diễn Quảng, Trường THCS Diễn Quảng.

- Trạm Y tế:

+ Trạm y tế xã Diễn Quảng: Để lại tiếp tục sử dụng để điều chuyển trụ sở cho an ninh quốc phòng.

+ Trạm y tế xã Diễn Hạnh: Để lại tiếp tục sử dụng.

7.9. Huyện Hưng Nguyên:

7.9.1. Xã Thịnh Mỹ:

+ Trụ sở UBND xã Hưng Thinh (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Thịnh Mỹ (mới).

+ Trụ sở UBND xã Hưng Mỹ (hiện tại) thu hồi đất bán đấu giá.

+ Trạm Y tế xã Hưng Thịnh dự kiến sau khi sáp nhập điều chuyển cho Công an xã ;

+ Trạm Y tế mới xã Hưng Mỹ sau khi sáp nhập giữ lại làm Trạm y tế chính; trạm y tế cũ xã Hưng Mỹ thu hồi bán đấu giá.

+ Các Trường học Mầm non, Tiểu học và THCS xã Hưng Mỹ và xã Hưng Thịnh trước mắt tiếp tục giữ nguyên hiện trạng để phục vụ dạy học. Trường tiểu học Hưng Mỹ bán đấu giá sau khi xây dựng xong cơ sở mới.

7.9.2. Xã Thông Tân:

+ Trụ sở UBND xã Hưng Thông (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Thông Tân (mới).

+ Trụ sở UBND xã Hưng Tân (hiện tại) thu hồi đất bán đấu giá.

+ Trạm Y tế xã Hưng Thông dự kiến sau khi sáp nhập điều chuyển cho Công an xã;

+ Trạm Y tế mới xã Hưng Tân sau khi sáp nhập giữ lại làm Trạm y tế chính;

+ Các Trường học Mầm non, Tiểu học và THCS xã Hưng Thông và xã Hưng Tân trước mắt tiếp tục giữ nguyên hiện trạng để phục vụ dạy học.

7.9.3. Xã Phúc Lợi:

+ Trụ sở UBND xã Hưng Phúc (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND Phúc Lợi (mới).

+ Trụ sở UBND xã Hưng Lợi (hiện tại) sử dụng là điều chuyển làm Trạm Y tế chính

+ Trạm Y tế xã Hưng Phúc sau khi sáp nhập điều chuyển cho Công an xã ;

+ Trạm Y tế xã Hưng Lợi sau khi sáp nhập thu hồi, bán đấu giá

+ Các Trường học Mầm non, Tiểu học và THCS xã Hưng Phúc và xã Hưng Lợi tiếp tục giữ nguyên hiện trạng để phục vụ dạy học.

7.10. Huyện Nam Đàn

7.10.1. Xã Nghĩa Thái

+ Trụ sở UBND xã và Nhà văn hóa xã Nam Nghĩa (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã và Nhà văn hóa xã Nghĩa Thái (mới).

+ Trụ sở UBND xã Nam Thái và Nhà văn hóa xã Nam Thái (hiện tại) bàn giao lại cho Trường Tiểu học Nam Thái sử dụng phục vụ cho hoạt động dạy và học.

+ Trạm y tế xã Nam Nghĩa giao cho xã mới (Nghĩa Thái) quản lý làm Trạm Y tế xã mới sau sáp nhập.

+ Trạm Y tế xã Nam Thái giao cho xã mới quản lý làm nơi phục vụ làm điểm tiêm chủng, truyền thông chăm sóc sức khỏe nhân dân của các xóm Hồng Minh, Hồng Sơn, Hồng Thái, Hồng Tân.

- Các đơn vị trường học: Giữ nguyên hiện trạng các trường trung học cơ sở; tiểu học, mầm non của 2 xã (Nam Nghĩa và Nam Thái) sau sáp nhập đơn vị hành chính.

7.10.1. Xã Xuân Hồng

+ Trụ sở UBND xã và Nhà văn hóa xã Xuân Lâm (hiện tại) tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND xã và Nhà văn hóa xã mới (Xuân Hồng).

+ Nhà, đất trụ sở UBND xã Hồng Long cho thanh lý bán đấu giá.

+ Trạm Y tế xã Xuân Lâm giao cho xã mới (Xuân Hồng) quản lý làm trạm Y tế xã mới sau sáp nhập.

+ Trạm Y tế xã Hồng Long giao cho xã mới (Xuân Hồng) quản lý làm nơi phục vụ làm điểm tiêm chủng, truyền thông chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Các đơn vị trường học: Giữ nguyên hiện trạng các trường trung học cơ sở; tiểu học, mầm non của 2 xã (Hồng Long và Xuân Lâm) sau sáp nhập đơn vị hành chính.

7.11. Huyện Yên Thành:

7.11.1. Xã Vân Tụ:

- Trụ sở  UBND xã Công Thành (đơn vị cũ)  tiếp tục làm trụ sở UBND xã Vân Tụ (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Khánh Thành (đơn vị cũ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 xã (Mầm non Khánh Thành, PTCS Khánh Thành, Mầm non Công Thành, Tiểu học Công Thành 1, Tiểu học Công Thành 2, THCS Công Thành): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế xã Công Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Vân Tụ (đơn vị mới);

-Trạm y tế xã Khánh Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.11.2. Thị trấn Hoa Thành:

- Trụ sở UBND thị trấn Yên Thành (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở thị trấn Hoa Thành (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Hoa Thành (đơn vị cũ) ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 đơn vị (Mầm non Hoa Thành, Tiểu học Hoa Thành, Mầm non Thị Trấn Yên Thành, Tiểu học Thị Trấn Yên Thành, THCS Phan Đăng Lưu, THCS Bạch Liêu): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế thị trấn Yên Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của thị trấn Hoa Thành (đơn vị mới);

-Trạm y tế xã Hoa Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.11.3. Xã Minh Thành:

- Trụ sở  UBND xã Minh Thành (đơn vị cũ)  tiếp tục làm trụ sở xã Minh Thành (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Đại Thành (đơn vị cũ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 xã (Mầm non Minh Thành, Tiểu học Tô Bá Ngọc, THCS Đại Minh, Mần non Đại Thành, Tiểu học Đại Thành): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế xã Minh Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Minh Thành (đơn vị mới);

-Trạm y tế xã Đại Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.11.4. Xã Liên Thành:

- Trụ sở  UBND xã Liên Thành (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở xã Liên Thành (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Lý Thành (đơn vị cũ) ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 xã (Mầm non Liên Thành, Tiểu học Liên Thành, THCS Liên Lý, Mầm non Lý Thành, Tiểu học Lý Thành): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế xã Liên Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Liên Thành (đơn vị mới);

-Trạm y tế xã Lý Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.11.5. Xã Phú Thành:

- Trụ sở  UBND xã Hồng Thành (đơn vị cũ)  tiếp tục làm trụ sở xã Phú Thành (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Phú Thành (đơn vị cũ) ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 xã (Mầm non Hồng Thành, Tiểu học Hồng Thành, Mầm non Phú Thành, Tiểu học Phú Thành, THCS Phú Hồng): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế xã Hồng Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Phú Thành (đơn vị mới);

-Trạm y tế xã Phú Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.11.6. Xã Đông Thành:

- Trụ sở  UBND xã Nhân Thành (đơn vị cũ)  tiếp tục làm trụ sở xã Đông Thành (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Hợp Thành (đơn vị cũ) ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 xã (Mầm non Hợp Thành, Tiểu học và THCS Hợp Thành, Mầm non Nhân Thành, Tiểu học Nhân Thành, THCS Nhân Thành): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế xã Nhân Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Đông Thành (đơn vị mới);

-Trạm y tế xã Hợp Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.11.7. Xã Hậu Thành:

- Trụ sở UBND xã Hậu Thành hoặc xã Hùng Thành (đơn vị cũ)  tiếp tục làm trụ sở xã Hậu Thành (đơn vị mới).

- Trụ sở UBND xã Hùng Thành hoặc Hậu Thành (đơn vị cũ) ): Sử dụng làm trụ sở công an, quân sự.

- Trụ sở các trường học tại 2 xã (Mầm non Hậu Thành, Tiểu học và THCS Hậu Thành, Mầm non Hùng Thành, Tiểu học Hùng Thành, THCS Hùng Thành): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

- Trạm y tế xã Hùng Thành hoặc Hậu Thành (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Hậu Thành (đơn vị mới);

- Trạm y tế xã Hậu Thành hoặc Hùng Thành (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.12. Huyện Nghi Lộc:

7.12.1. Xã Diên Hoa.

+ Trụ sở xã Nghi Diên (đơn vị cũ) được tiếp tục làm trụ sở UBND xã Diên Hoa (đơn vị mới).

+ Trụ sở xã Nghi Hoa (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (06 trụ sở: Mầm non Nghi Diên, Mầm non Nghi Hoa; Tiểu học Nghi Diên, Tiểu học Nghi Hoa; THCS Nghi Diên và THCS Nghi Hoa): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Nghi Diên (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Diên Hoa (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Nghi Hoa (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.12.2. Xã Thịnh Trường.

+ Trụ sở xã Nghi Trường (đơn vị cũ) được tiếp tục làm trụ sở UBND xã Thịnh Trường (đơn vị mới)

+ Trụ sở xã Nghi Thịnh (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã.

+ Trụ sở các trường học (06 trụ sở: Mầm non Nghi Thịnh, Mầm non Nghi Trường; Tiểu học Nghi Thịnh, Tiểu học Nghi Trường; Điểm trường THCS Thịnh Trường tại xã Nghi Thịnh; Điểm trường THCS Thịnh Trường tại xã Nghi Trường): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Nghi Trường (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Thịnh Trường (đơn vị mới).

+ Trạm y tế xã Nghi Thịnh (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

7.13. Huyện Anh Sơn:

7.13.1. Thị trấn Anh Sơn.

+ Trụ sở UBND thị trấn Anh Sơn (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở thị trấn Anh Sơn (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Thạch Sơn (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Công an xã.

+ Trụ sở các trường học (03 trường học đã được sáp nhập: Mầm non Thạch Thị, Tiểu học Thạch Thị; THCS Thạch Thị).

+ Trạm y tế thị trấn Anh Sơn (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của thị trấn Anh Sơn (đơn vị mới);

7.13.2. Xã Tam Đỉnh.

+ Trụ sở UBND xã Đỉnh Sơn (đơn vị cũ) tiếp tục làm trụ sở UBND xã Tam Đỉnh (đơn vị mới).

+ Trụ sở UBND xã Tam Sơn (đơn vị cũ) dùng để làm trụ sở cho Ban công an xã.

+ Trụ sở các trường học (05 trường học: Mầm non Đỉnh Sơn, Mầm non Thanh Tam Sơn; Tiểu học Đỉnh Sơn, Tiểu học và THCS Tam Sơn; THCS Đỉnh Sơn): Ổn định địa điểm các trường học như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học.

+ Trạm y tế xã Đỉnh Sơn (đơn vị cũ) dùng để làm điểm chính của xã Tam Đỉnh (đơn vị mới);

+ Trạm y tế xã Tam Sơn (đơn vị cũ) trước mắt làm điểm phụ để khám, chữa bệnh cho nhân dân.

8. Các chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã.

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết vềchính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động  không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh (UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu dự thảo chính sách hỗ trợ cho người nghỉ để trình HĐND tỉnh trong ký họp cuối năm 2024).

9. Các loại giấy tờ thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC cấpcấp xã.

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tại những ĐVHC mới hình thành chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do sắp xếp ĐVHC.

- Việc chuyển đổi các loại giấy tờ được thực hiện sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp xã có hiệu lực thi hành, bảo đảm công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã, thông báo đến các thôn, tổ dân phố và tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ (trong trường hợp người dân chưa đăng ký chuyển đổi các loại giấy tờ thì các loại giấy tờ cũ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành).

- Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn riêng đối với các trường hợp chuyển đổi các loại giấy tờ của các tổ chức, cá nhân và không thu các khoản lệ phí khi tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi các giấy tờ sau khi sắp xếp lại ĐVHC.

Việc chuyển đổi các loại giấy tờ theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp xã; được thực hiện tại trụ sở UBND cấp xã sau khi sáp nhập và các cơ quan chức năng theo quy định.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, CẤP XÃ

1. Tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, để mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là: Nhằm tố chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp cấp xã để tham mưu chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện ở các địa phương. Phân công, phân nhiệm cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ đạo và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

3. Xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hợp lý về địa lý, phong tục tập quán, quy mô về diện tích tự nhiên, dân số để các cấp chính quyền địa phương thuận lợi trong việc quản lý điều hành và nhân dân thuận lợi trong việc sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội đồng thời gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; chương trình phát triển đô thị, du lịch (nếu có) tại địa phương; đảm bảo các nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

5. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp.

6. Kịp thời xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

7. Phát triển nhanh, toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

8. Bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đơn vị hành chính mới theo hướng tinh gọn, đảm bảo quy định của pháp luật; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư theo lộ trình, đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. rà soát, lựa chọn những cán bộ, công chức trẻ có năng lực, triển vọng để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng thêm về kiến thức, nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng với tiêu chuẩn và xu thế phát triển của xã hội.

9. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của nhà nước và cơ chế, chính sách của tỉnh.

10. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi; ổn định sản xuất, ưu tiên ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại các xã mới sau sắp xếp.

11. Nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, điều kiện, trang thiết bị làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

12. Chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền xác định các tiêu chí phân loại các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, đảm bảo cho người dân được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đúng theo quy định.

IV. KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN VIỆC SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

1. Kế hoạch và lộ trình thực hiện:

1.1 Năm 2023: Xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

1.2 Năm 2024:

a) Xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã:

- Sở Nội vụ chủ trì tham mưu xây dựng Đề án tổng thể cấp tỉnh. Thời gian hoàn thành: trước ngày 20/3/2024.

b) UBND tỉnh thông qua Đề án:

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu trình UBND tỉnh thông qua Đề án. Thời gian hoàn thành: trước ngày 25/3/2024.

c) Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án:

- Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án. Thời gian hoàn thành: trước ngày 10/4/2024.

d) Tổ chức lấy ý kiến cử tri:

- UBND cấp xã chủ trì thực hiện tổ chức lấy ý kiến về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thời gian hoàn thành: trước ngày 10/5/2024.

e) Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua Đề án:

- UBND cấp xã trình HĐND cấp xã thông qua. Thời gian hoàn thành: trước ngày 20/5/2024.

f) Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua Đề án:

- UBND cấp huyện trình HĐND cấp huyện thông qua. Thời gian hoàn thành: trước ngày 05/6/2024

g) HĐND tỉnh thông qua Đề án:

- UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết Đề án. Thời gian hoàn thành: trước ngày 10/6/2024.

h) Hoàn thiện Đề án trình Chính phủ:

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh thực hiện. Thời gian hoàn thành: trước ngày 30/6/2024.

1.3. Tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Căn cứ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ, kịp thời tổ chức thực hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện các nội dung sau:

- Tổ chức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các đơn vị mới thành lập.

- Tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đảm bảo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

- Tập trung giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp giai đoạn 2019-2021; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ởđơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo đúng quy định.

- Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.

- Chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất và tài sản khác) sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đúng quy định.

- Chỉ đạo thực hiện việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù và việc thực hiện chế độ, chính sách theo các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với đơn vị hành chínhcấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp theo đúng quy định.

- Chỉ đạo việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận đơn vị hành chính cấp xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xóm, khối, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vùng an toàn khu, huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển, khu vực biên giới; việc công nhận ĐVHC cấp huyện, cấp xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động; việc phân loại đô thị, phân loại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp và việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định.

- Tổ chức lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp liên quan đếnđơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 302/QĐ-TTg ngày 28/3/2023) đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào quản lý và nộp lưu trữ quốc gia.

1.4. Năm 2025:

- Tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 (trong đó có các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025).

- Tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ởđơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo đúng quy định.

 - Tiếp tục sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất và tài sản khác) sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 đúng quy định.

- Hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù và việc thực hiện chế độ, chính sách theo các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 theo đúng quy định.

- Triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC giai đoạn 2023 – 2025.

- Sơ kết việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

2. Kinh phí thực hiện:

- Dự kiến kinh phí xây dựng phương án, đề án: 10.257.447.000(Bằng chữ: mười tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, bốn trăm bốn mươi bảy ngàn đồng)

- Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy:

- Hướng dẫn công tác sắp xếp cán bộ, tổ chức bộ máy, kiện toàn các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội của các huyện, thành, thị theo quy định, phù hợp với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các địa phương;

- Hướng dẫn việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các các nội dung khác liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.

2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh ủy:

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh:

- Chỉ đạo các biện pháp, giải pháp giám sát, phản biện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và chỉ đạo hoạt động giám sát, phản biện xã hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;

- Phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ hướng dẫn việc tổ chức Đại hội theo nhiệm kỳ đối với các đơn vị cấp huyện, cấp xã dự kiến sắp xếp lại giai  đoạn 2023-2025.

4. Đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy:

Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy bố trí các cuộc họp để cho ý kiến về nội dung Phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

5. Đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh:

Tham mưu Thường trực HĐND tỉnh kỳ họp HĐND tỉnh chuyên đề để thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

6. Văn phòng UBND tỉnh:

- Phối hợp Sở Nội vụ hoàn thiện các nội dung trình UBND tỉnh nghe và cho ý kiến Phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị các điều kiện cần thiết báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.

7. Sở Nội vụ:

- Tham mưu UBND tỉnh hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. dự thảo Thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo sau các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh.

- Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện các bước trong nội dung Kế hoạch sắp xếp ĐVHC với UBND tỉnh để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Bộ Nội vụ.

- Chủ trì xây dựng Phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

- Cung cấp nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Lập dự toán kinh phí xây dựng Phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tham mưu lựa chọn đơn vị tư vấn, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn các chức danh cán bộ đối với các đơn vị sắp xếp lại. Tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn UBND các huyện có đơn vị sắp xếp bố trí cán bộ, công chức cấp xã dôi dư.

- Hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp là Vùng an toàn khu, Xã an toàn khu, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động.

8. Công an tỉnh:

- Bố trí, sắp xếp công an xã dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã về công tác bàn giao hồ sơ liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, liên quan đến quản lý hộ khẩu của đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp về đơn vị hành chính mới.

- Hướng dẫn việc thực hiện thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp; hướng dẫn việc chuyển đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

- Chỉ đạo công tác công tác đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong suốt quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tham gia xây dựng các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực Công an tỉnh quản lý;

9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Chỉ đạo thực hiện đảm bảo về công tác quốc phòng ở các địa phương có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tham gia xây dựng nội dung liên quan thuộc lĩnh vực của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý.

10. Sở Tài chính:

- Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Đề án đối với nhiệm vụ cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc chuyển giao tài chính, ngân sách, tài sản, công nợ xây dựng cơ bản khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Tổng hợp dự toán kinh phí, báo cáo Trung ương bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh;

-  Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến tài chính, tài sản, công nợ của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định;

- Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất và tài sản khác) của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định.

11. Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng các quy hoạch đô thị; lập chương trình phát triển khu đô thị; lập đề án phân loại đô thị theo quy định để thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính theo quy định trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các Đề án, báo cáo liên quan đến phương án sắp xếp ĐVHC đô thị. Giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ xây dựng giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan.

12. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công hàng năm phù hợp phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; hướng dẫn quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng Đề án. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực Sở Kế hoạch – Đầu tư quản lý.

13. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án khai thác và sử dụng quỹ đất đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt và đảm bảo quá trình phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai đối với các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.

- Chỉ đạo bàn giao hồ sơ địa chính, các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường của các đơn vị hành chính cũ về đơn vị hành chính mới; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường đối với đơn vị hành chính mới đảm bảo theo đúng quy định.

- Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

14. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo các xã thuộc diện sắp xếp bàn giao hồ sơ liên quan đến việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới; thực hiện việc rà soát, đánh giá mức độ đạt chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với đơn vị hành chính mới, tham mưu cấp có thẩm quyền thừa nhận lại hoặc tổ chức thẩm định công nhận đơn vị hành chính mới đạt tiêu chuẩn nông thôn mới các cấp độ theo quy định. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp về đơn vị hành chính mới và hướng dẫn việc quản lý theo đúng quy định.

- Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thành phố, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

15. Sở Giao thông vận tải:

- Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã trong việc bàn giao hồ sơ, tuyến đường giao thông trên địa bàn các xã cũ về đơn vị hành chính xã mới; việc quản lý, nâng cấp, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn đối với đơn vị hành chính xã mới đảm bảo kết nối thuận lợi khi đơn vị hành chính xã mới thành lập đặc biệt chú trọng các đơn vị hành chính đô thị.

- Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Giao thông vận tải trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

16. Sở Tư pháp:

Hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo đơn vị hành chính cũ làm tốt công tác bàn giao hồ sơ tư pháp về đơn vị hành chính mới; đồng thời làm tốt công tác quản lý hộ tịch theo đúng quy định; phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn các huyện chỉ đạo các xã mới thành lập trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức và công dân liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành; hướng dẫn, kiểm tra việc bàn giao về số liệu, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Tư pháp của các đơn vị hành chính tiến hành sắp xếp.

17. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 và các văn bản khác liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

18. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Rà soát, điều chỉnh và triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội khác phù hợp tình hình tại các địa phương sau khi sắp xếp theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Phối hợp tham mưu, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; thực hiện dự án, tiểu dự án và các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

19. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng và triển khai các nội dung về Đề án sắp xếp các trường công lập có quy mô nhỏ trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo tiến độ đề ra; quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của các trường học ở các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập; đánh giá, đề nghị công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia ở đơn vị hành chính mới. Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

20. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các Trung tâm Y tế xây dựng Đề án sắp xếp các cơ sở y tế của các đơn vị hành chính cấp xã mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí lại các viên chức y tế dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính.Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thị xã về số liệu, hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Y tế trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

21. Sở Văn hóa, Thể thao:

Hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức việc thống kê, quản lý các di tích văn hóa, thiết chế văn hóa trên địa bàn các xã thuộc diện sắp xếp và công tác bàn giao, quản lý, sử dụng đối với đơn vị hành chính xã mới được thành lập đảm bảo phù hợp và đúng quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc bàn giao về số liệu, hồ sơ liên quan của các xã có liên quan.

22. Ban Dân tộc:

- Hướng dẫn việc rà soát, điều chỉnh thực hiện các chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.Hướng dẫn và thực hiện theo thẩm quyền việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp thuộc khu vực miền núi, vùng cao; đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I (theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ); xóm, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc).

23. Đài Phát thanh vàTruyền hình Nghệ An; Báo Nghệ An; Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An và các cơ quan thông tấn, báo chí:

Tổ chức tuyên truyền về Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết số 117/NQ-CPvà các văn bản khác liên quan để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

24. Các Sở, ngành liên quan:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất về nhận thức và thực hiện trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân ở địa phương về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chínhcấp huyện, cấp xã.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chínhcấp huyện, cấp xã.

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ các đơn vị chủ động phối hợp với UBND các huyện nghiên cứu, bố trí sắp xếp các đối tượng thuộc ngành của mình đang bố trí tại cấp xã đảm nhiệm lĩnh vực ngành cho phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm sáp nhập hoặc giải thể.

- Các Sở chuyên ngành nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển, phân bổ ngân sách chi thường xuyên, căn cứ theo số lượng, loại hình đơn vị hành chính sang căn cứ theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên.

- Đối với các cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chínhcấp xã.

25. UBND cấp huyện:

Chủ động phối hợp với với Sở Nội vụ tiến hành các bước rà soát, cung cấp số liệu, xây dựng Phương án cấp xã của địa phương mình. Trong quá trình xây dựng Phương án cần lưu ý các nội dung cơ bản sau:

- Báo cáo Huyện, thành, thị ủy về nội dung phương án và các nội dung khác liên quan đặc biệt là công tác cán bộ trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm thống thất trong việc chỉ đạo thực hiện.

- Phối hợp các Ban Xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp trong quá trình triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện.

- Chủ trì xây dựng báo cáo chương trình phát triển đô thị và phân loại đô thị tại các đơn vị hành chính đô thị cấp xã (đối với xã sắp xếp với thị trấn hoặc phường).

- Sắp xếp bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

- Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức khi tiến hành rà soát, sắp xếp nhân sự, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại những đơn vị sắp xếp bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực nổi trội để đảm nhận những vị trí công việc tại những đơn vị hành chính mới.

- Chủ động chuẩn bị xây dựng phương án nhân sự chủ chốt của chính quyền địa phương các cấp trong đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030; Bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và các nhiệm kỳ tiếp theo phù hợp với lộ trình, kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

- Quan tâm công tác đào tạo lại, giúp đỡ, hỗ trợ thích hợp và giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp.

- Chỉ đạo UBND cấp xã và đơn vị liên quan rà soát nhu cầu thực tế, căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được duyệt và phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để lập danh sách, phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc và tài sản khác theo quy định.

- Chủ động, thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung liên quan sắp xếp đơn vị hành chính về Sở Nội vụ để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh.

- Bố trí kinh phí thực hiện Phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo nhiệm vụ và phân cấp quản lý đảm bảo tiến độ thực hiện (bao gồm kinh phí sửa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc);

- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện một số nội dung sau:

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo sự thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở địa phương về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp.

+ Kịp thời thông tin, báo cáo về số liệu, tài liệu cần thiết để xây dựng Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

+ Thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến cử tri; trình HĐND xã Đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định.

+ UBND cấp xã lập dự toán kinh phí lấy ý kiến cử tri, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

VI. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Kết luận:

- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn là cần thiết, nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tiếp theo. 

- Một số đơn vị hành chính sau khi sắp xếp có sử dụng tên mới là do sử dụng lại tên gọi truyền thống trước đây của địa phương; lấy tên do ghép tên từ các xã sáp nhập hoặc sử dụng tên mới phù hợp với tên gọi các đơn vị hành chính khác trong phạm vi toàn huyện; đặc biệt là trên cơ sở đề nghị, lựa chọn và sự đồng tình của nhân dân.

- Theo nguyên tắc của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là các đơn vị hành chính mới được hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định với các lý do căn bản là có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỉnh Nghệ An nhận thấy việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là hợp lý, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu của Trung ương.

- Về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy phải linh hoạt nhưng đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc chung. Khi sắp xếp số lượng cấp phó và số lượng cán bộ, công chức sẽ tăng lên so với quy định, nhưng lộ trình trong thời hạn 5 năm phải bảo đảm đúng số lượng theo quy định. Trước mắt, tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại các đơn vị mới (trừ trường hợp các đơn vị thiếu quá nhiều và bất cập về cơ cấu không thể điều hòa, không có người làm việc).

- Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi thực thi nhiệm vụ ở đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập có quy mô diện tích tự nhiên và dân số lớn hơn hiện trạng.

- Về cơ sở hạ tầng, trước mắt sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, sau khi sắp xếp bộ máy đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động sẽ rà soát nhu cầu của địa phương để đầu tư trang thiết bị, máy móc, trụ sở (nếu thực sự cần thiết phải làm mới), đường giao thông, trường học, điểm văn hóa, trạm y tế… theo đúng thực tế yêu cầu và đảm bảo tiết kiệm; đối với những cơ sở vật chất thừa ra, cần bố trí sử dụng hợp lý hoặc cho đấu giá công khai để tránh thất thoát và lãng phí tài sản của nhà nước.

2. Khó khăn, vướng mắc:

- Việc thực hiện sáp nhập các ĐVHC cấp xã sẽ tác động đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều vị trí việc làm. Nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền; công tác tuyên truyền vận động không tốt, không thường xuyên sẽ nảy sinh nhiều vần đề tư tưởng... gây ra khó khăn trong quá trình thực hiện sắp xếp.

- Khi triển khai sáp nhập các ĐVHC cấp xã sẽ gây ra các xáo trộn, các khó khăn về địa lý gây trở ngại cho người dân và các đơn vị đến liên hệ công tác; người dân phải tiến hành chuyển đổi nhiều các giấy tờ....có liên quan từ ĐVHC cũ sang ĐVHC mới.

- Việc sắp xếp lại các ĐVHC sẽ giảm khá lớn số lượng ĐVHC cấp xã. Trong khi đó Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (nay là Nghị định 33/2023/NĐ – CP) quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã, theo đó mỗi xã sẽ giảm 02 công chức (chưa tính đến việc giảm công chức Trưởng Công an xã để bố trí Công an chính quy về đảm nhận chức danh Trưởng Công an cấp xã). Vì vậy, sẽ phải tiến hành sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng phụ cấp từ ngân sách. Đây là công việc phức tạp, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, nhất là đối với những người dôi dư, không bố trí công tác được (đã số công chức cấp xã của Nghệ An đều đang còn trẻ, có nguyện vong công tác lâu dài). Trong khi đó, Chính phủ chưa có chính sách riêng nào để giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau khi sắp xếp; cấp tỉnh chỉ ban hành được cơ chế hỗ trợ thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh chứ không thể quy định được cơ chế chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ việc.

- Tư tưởng một số cán bộ, đảng viên còn ngại đổi mới nên phần nào cũng gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Các địa phương sẽ khó khăn trong sắp xếp, bố trí cán bộ; cơ sở hạ tầng xây dựng mới, sửa chữa lại sẽ gây tốn kém lớn về kinh phí (như trụ sở làm việc của chính quyền, trường học, nhà văn hóa, trạm xá.....); các thiết chế văn hóa (đình làng, nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức các lễ hội...); khó khăn trong việc đặt tên, đổi tên với ĐVHC mới sau sáp nhập, khi phải có sự đồng thuận của nhân dân.

- Do yếu tố về địa hình, địa lý tự nhiên cách trở giữa các xã như về khoảng cách quá xa nhau, một ĐVHC có diện tích lớn sau khi sắp xếp, sáp nhập nên cũng khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện và quản lý điều hành sau này.

- Việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, ngoài các tiêu chuẩn căn cứ theo diện tích tự nhiên, quy mô dân số thì còn cần phải căn cứ các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư...Vì vậy, sau sắp xếp phải một thời gian dài mới ổn định.

3. Kiến nghị, đề xuất:

3.1 Đề xuất về nội dung Đề án:

Trong 35 phương án sau khi sắp xếp chưa đủ tiêu chuẩn thì có 33 phương án các đơn vị thuộc xã trọng điểm quốc phòng (trong đó có 16 phương án có 01 ĐVHC trọng điểm quốc phòng sắp xếp với 01 đơn vị không trọng điểm quốc phòng và có 17 phương án tất cả các đơn vị đều trọng điểm quốc phòng sắp xếp với nhau) nếu sắp xếp thêm đơn vị hành chính (sắp xếp thêm ĐVHC thứ 3) để đảm bảo diện tích và dân số theo quy định thì ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh trên địa bàn (Quyết định 2414/QP-BQP ngày 01/7/2022 của Bộ Quốc phòng về công nhận xã, phường, thị trấn trọng điểm quốc phòng). Có 02 phương án nếu sắp xếp thêm đơn vị hành chính (sắp xếp thêm ĐVHC thứ 3) thì ảnh hưởng đến lộ trình sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2026 – 2030; tiếp giáp với các xã trọng điểm quốc phòng hoặc tiếp giáp với đơn vị hành chính của tỉnh khác (Thanh Hóa), huyện khác đề nghị cho áp dụng yếu tố đặc thù.

- Đối với 19 đơn vị hành chính nông thôn (huyện Đô Lương 09, Diễn Châu 08, thành phố Vinh 02) thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong đó có 16 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị (Đô Lương 09, Diễn Châu 07) và hai đơn vị đã đạt tiêu chí đô thị (thành phố Vinh 01; Diễn Châu 01); căn cứ quy định tại điểm d, Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH thì phải thực hiện sắp xếp nhưng huyện Đô Lương, Diễn Châu đề nghị chưa thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 để thực hiện Đề án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

- Đối với 03 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp (thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn, xã Nghi Tiến huyện Nghi Lộc và xã Thanh Tiên huyện Thanh Chương) nhưng các địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, văn hóa, tôn giáo, quốc phòng an ninh…

3.2. Đề xuất về nội dung quy định của văn bản và chế độ chính sách

a) Đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

- Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cụ thể:

+ Tiêu chuẩn của xã: Đối với xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người sửa đổi có từ 3.000 trở lên. Trường hợp có diện tích tự nhiên từ 150% trở lên thì quy mô dân số từ 2.500 người trở lên, để phù hợp với thực tế dân số các xã miền núi, vùng cao hiện nay.

+  Đối với xã đồng bằng theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì diện tích tự nhiên có từ 30 km2 trở lên, đề nghị bổ sung, sửa đổi giảm xuống có từ 15 km2 trên lên để phù hợp với thực tế diện tích các xã đồng bằng hiện nay.

+  Tiêu chuẩn của thị trấn: Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì diện tích tự nhiên có từ 14 km2 nay bổ sung, sửa đổi giảm diện tích xuống có từ 10 km2 trở lên để phù hợp thực tế của các Thị trấn hiện có.

- Theo khoản 3 Điều 11 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, quy định: Chậm nhất là 05 năm kể từ ngày Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính đối với từng đơn vị có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý… ở đơn vị hành chính mới phải đảm bảo theo quy định. Trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Do đó, đề xuất các đơn vị hành chính sau sắp xếp số lượng cán bộ, công chức nhiều hơn so với quy định nhưng không quá số lượng trước khi sắp xếp; không quy định thời gian (5 năm) phải đảm bảo số lượng cán bộ, công chức đúng quy định vì số lượng cán bộ, công chức dôi dư quá nhiều.

b. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương

- Chính phủ: Ban hành Nghị định quy định việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

- Bộ Tài chính: Ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí, định mức chi cho việc thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính; hiện nay Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn nhưng đang chung chung, không cụ thể nên rất khó khăn cho cơ sở trong quá trình lập dự toán kinh phí và thanh quyết toán nguồn kinh phí phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính.

- Bộ Nội vụ:

+ Ban hành Thông tư hướng dẫn xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã, viên chức thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh để thuận lợi trong quá trình thực hiện việc điều chuyển (thay đổi hình thức sát hạch thông qua phỏng vấn bằng hình thức xét hồ sơ, trình độ và năng lực công tác), vì hiện nay cán bộ, công chức cấp xã khi chuyển thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh do cấp tỉnh tổ chức sát hạch, khi đạt yêu cầu thì mới được tiếp nhận vào công chức. Không tuyển dụng mới công chức ở cấp huyện để ưu tiên tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã vào các vị trí còn thiếu tại cấp tỉnh, cấp huyện.

+ Bộ Xây dựng: Ban hành văn bản hướng dẫn về Quy hoạch chung đô thị; lập chương trình phát triển khu đô thị; đánh giá tiêu chuẩn đô thị; phân loại đô thị theo chủ trương sắp xếp ĐVHC, trong đó cho phép áp dụng các yếu tố đặc thù trong quy trình thực hiện để đảm bảo tiến độ, thời gian quy định.

Trên đây là nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025. Kính Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định./.

Nơi nhận:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Chính phủ;

- Bộ Nội vụ;

- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Thành viên BCĐ;

- Các Sở, ban, ngành liên quan;

- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;

- Sở Nội vụ;

- Huyện ủy. thành ủy liên quan;

- UBND huyện, TP liên quan;

- Lưu: VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

BẢN ĐỒ XÃ NAM THÁI - HUYỆN NAM ĐÀN
image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NAM THÁI
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Lê Thị Hương - Chủ tịch UBND xã

Trụ sở: Xã Nam Thái - Huyện Nam Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0912357656 - Email: namthai@namdan.nghean.gov.vn