image banner
Giới thiệu về vị trí địa lý, lịch sử, Văn hóa, du lịch và ẩm thực xã Nam Thái.
Lượt xem: 2868
Giới thiệu về vị trí địa lý, lịch sử, Văn hóa , du lịch và  ẩm thực xã Nam Thái

              I. Bài viết giới thiệu về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa , du lịch và ẩm thực xã Nam Thái

              1. Giới thiệu chung

Anh-tin-bai
Trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND- UBND Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An.

        Nam Thái  là xã miền núi của Huyện Nam Đàn. Phía Đông giáp Thị Trấn Nam Đàn, Phía Tây giáp xã Thanh Lương huyện Thanh Chương, Phía Nam giáp xã Thanh Khai huyện Thanh Chương, phía Bắc giáp xã Nam Nghĩa.

 Nam Thái là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có lịch sử truyền thống văn hóa và cách mạng lâu đời, nên nơi đây hội tụ quần thể di tích đa dạng như: Đền, chùa, Miếu… Đây là nơi sinh ra Vua Mai Hắc Đế, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa chống lại nhà  Đường năm 722. Con người nơi đây có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái cùng nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, chịu khó trong lao động… tạo dựng cuộc sống và gây dựng nên những xóm làng trù phú như ngày hôm nay. Với truyền thống văn hóa tốt đẹp đó Nam Thái hiện nay có đời sống tâm linh, giá trị tinh thần rất phát triển, toàn xã có các di tích cấp Tỉnh như di tích: Khu Lăng mộ Thân mẫu Vua Mai, Đền thờ thân mẫu Vua Mai và các di tích do xã quản lý như: Đền thờ Đức Thành Hoàng, Chùa Yên Thịnh, Đền Đức Ông, Đền Kim Ô…. Vì thế du khách thập phương và nhân dân đến thắp hương tại các di tích rất lớn, nhất là vào các ngày lễ, tết, ngày rằm và lễ hội Vua Mai vào tháng Giêng âm lịch hằng năm.

      Trước năm 1945, xã Nam Thái gọi là Thôn Đông Liệt, bao gồm 3 làng; Yên Thịnh, Kỳ La, Sa Nam; 2 giáp; Ngọc Trừng, Khúc Long; 4 Trang: Trang Đen, Trang Sói, Trang Ri, Trang Bàu; 5 kẻ: Kẻ Kia, Kẻ Nại, Kẻ Ngan, Kẻ Trằm, Kẻ Gang.

Tháng  5/1946 tại phiên họp đầu tiên, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ra quyết định bỏ cấp tổng và hợp nhất một số làng, xã nhỏ thành các xã mới. Thực hiện chủ trương của cấp trên, 4 tổng Xuân Khoa, Xuân Liệu, Lâm Thịnh, Nam Kim của huyện Nam Đàn sắp xếp 76 làng, xã thành 18 xã mới. Làng Sa Nam bị cắt cho xã Vân Sơn ( Vân Diên), Kẻ Kia và Kẻ Nại cắt cho xã Nam Thượng. Những thôn xóm còn lại của Làng Đông Liệt cùng với xã Đồng  Xuân lập nên xã mới gọi là xã Đông Xuân, gồm các thôn: Yên Thịnh, Kỳ La, Trang Bàu, Trang Sói, Trang Đen, giáp Khúc Long, giáp Ngọc Trừng, Kẻ gang, Kẻ Trằm.

    Năm 1954, sau khi hoàn thành việc giảm tô, giảm tức, để chuẩn bị cho công cuộc cải cách ruộng đất, huyện Nam Đàn đã sắp xếp các đơn vị hành chính, chia các xã cũ thành 34 xã, thị trấn, lấy chữ đầu của tên huyện làm chữ đầu của tên xã mới. Xã Đông Xuân phải cắt thôn phúc Long, Kỳ La, Kẻ Gang, kẻ trằm về huyện Thanh Chương, phần còn lại lập thành xã mới gọi là Nam Thái.

Xã Nam Thái sau khi thực hiện chính sách sát nhập thôn xóm của Nhà nước, nay 8 xóm được sát nhập thành 4 xóm dân cư sinh sống,  nhân dân chủ yếu phát triển kinh tế bằng các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, buôn bán, kinh doanh.  Đảng bộ xã có 276 đảng viên, gồm có 7 chi bộ. Có 3 trường học và 02 đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. Toàn xã có 2 mẹ nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng do Nhà nước truy tặng, 403 gia đình chính sách, người có công với cách mạng ;75 đồng chí thương binh; 30 đồng chí bệnh binh

       2. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên:

         Xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An nằm ở  tọa độ 1804338B; 1050278Đ. Tổng diện tích 11,65 km2 trên mật độ dân số 358 người /km2, với số nhân khẩu 4356 người. Phía Đông giáp Thị Trấn Nam Đàn, Phía Tây giáp xã Thanh Lương huyện Thanh Chương, Phía Nam giáp xã Thanh Khai huyện Thanh Chương, phía Bắc giáp xã Nam Nghĩa.

Cũng như các xã miền núi khác của huyện Nam Đàn, từ xưa đến nay cư dân Nam Thái chủ yếu sống bằng nghề nông. Tuy nhiên do đặc điểm là vùng bán sơn địa, đất đai ít màu mỡ, chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Hầu hết đất nông nghiệp trong toàn xã chỉ sử dụng để sản xuất một vụ lúa hoặc đất chuyên màu. Hình thức canh tác là “ Cày sâu bừa kỹ” với kinh nghiệm nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Hằng năm vào tháng 11 – 12 âm lịch, cấy lúa Chiêm, tháng 6 – 7 cấy lúa Mùa với các giống địa phương có sức chịu hạn tốt để phù hợp với đất đai, địa hình của xã. Với đất đai kém màu mỡ, nên các biện pháp tăng năng suất và phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu cho cây trồng được xã quan tâm, chỉ đạo. Các loại phân dùng bón cho ruộng đa dạng, phong phú như phân chuồng, phân xanh, đạm, ka ly… Bên cạnh trồng lúa nước, bà con nhân dân còn biết sử dụng diện tích đất đồi núi để trồng các loại cây ăn quả như: Mít, cam, quít, chanh, bưởi, hoa lý, bông ngót, các loại sắn, khoai dong, củ từ, củ vạc… đặc biệt là cây chè xanh, một nét đẹp văn hóa ẩm thực đậm chất truyền thống của người dân nơi đây. Hầu hết nhà nào ở Nam Thái đều có một vườn chè xanh mướt, phục vụ  cho nhu cầu hằng ngày của gia đình và là sản phẩm để bán ra các vùng lân cận. Chè Nam Thái nổi tiếng trong vùng bởi hương vị đậm đà, thơm, nước nấu lên có màu xanh tươi rất đặc trưng. Nhân dân ở đây còn phát triển chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu bò… và phát triển các ngành nghề dịch vụ như buôn bán, nhà nghỉ, giò me, gà ủ muối, gân bò muối rau tiến vua,...  Đến với mảnh đất Nam Thái chúng ta không những được tham quan trải nghiệm các di tích như: Lăng mộ và Đền thờ Thân mẫu Vua Mai Hắc Đế du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc biệt, nổi tiếng, đạt chất lượng OCOP như: Giò bê Sơn Cẩm thuộc xóm Hồng Thái - Xã Nam Thái, giò bê Mến Chính - Xóm Hồng Thái - Xã Nam Thái, giò bê A.Xẻng - Xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái, giò bê Đức Tuấn - Xóm Hồng Thái - Xã Nam Thái; Với hệ thống nhà hàng được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Thực đơn đa dạng về các món ăn như: Nhà hàng gà đồi Sáu Tỷ; Nhà hàng nghé thui Phước Đức, nhà hàng Thủy Đông thuộc xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái. Với phương châm phục vụ " Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" " Đảm bảo an toàn, sức khỏe cho khách hàng", với các  đầu bếp giỏi, tâm huyết, đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình, chuyên nghiệp. Đặc biệt là luôn đảm bảo chất lượng, thương hiệu, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa đến cho quý khách những bữa ăn ngon miệng, hấp dẫn và tràn đầy yêu thương bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và  người thân. 

 Đến với nhà hàng Sáu Tỷ: Du khách được thưởng thức các món ăn đa dạng, phong phú phù hợp với khẩu vị như: Gà luộc, gà chiên mắm, gà rang muối, cổ dồi gà, gà xáo mùng, bánh chưng, nhút xào.... Đến với nhà hàng Phước Đức du khách sẽ được thưởng thức các món từ nghé như: Ghé thui, nghé hấp, nghé bóp nộm, nghé chiên giòn, dồi sụn, nghé chiên riềng, sườn chiên,, chiên vừng, chiên thái, xáo bánh mướt....Nhà hàng Thủy đông nổi tiếng với các món ăn từ cá đồng, cá sông.

       Hình ảnh một số cơ sở giò bê, nhà hàng gà đồi Sáu Tỷ, nhà hàng gà đồi Sáu Tỷ; Nhà hàng nghé thui Phước Đức.

Anh-tin-bai

 Cơ sở sản xuất giò me Sơn Cẩm – Xóm Hồng Thái tham gia Festival văn hóa ẩm thực Quốc tế Nghệ An năm 2019.

Anh-tin-bai

Cơ sở sản xuất giò bê A. Xẻng - Xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An

Anh-tin-bai

 Cơ sở giò bê Mến Chính - Xóm Hồng Thái - Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An

Anh-tin-bai

  Nhà hàng gà đồi Sáu Tỷ - Xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An

 

Anh-tin-bai

Nhà hàng Thủy Đông - Xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An

 

Anh-tin-bai

Nhà hàng Phước Đức - Xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An

 

        Cư dân nơi đây còn có một số nghề phụ như: Đan Lát, mộc, thợ xây…. Đất nơi đây không nhiễm phèn, nhiễm mặn, độ sét cao nên bà con nhân dân đã biết tận dụng để sản xuất các loại gạch ngói phục vụ nhu cầu trong vùng và khu vực lân cận. Hiện nay trên địa bàn Nam Thái có hai nhà máy gạch lớn đó là nhà máy gạch Tuy – Nen Nam Thái và Nhà máy gạch Rào Gang.

    Hiện nay đời sống vật chất của nhân dân xã Nam Thái đã có nhiều thay đổi, phát triển so với những xã miền núi trong toàn huyện. Nhờ được Đảng và Nhà nước quan tâm hệ thống điện điện, đường, trường, trạm, trụ sở UBND, nhà Văn hóa xóm được đầu tư khang trang đầy đủ tiện nghi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, làm việc cho bà con nhân dân và học tập của các em học sinh. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ nét, thu nhập bình quân đầu người tăng lên.

               3. Văn hóa – Lịch sử

         - Mảnh đất Nam Thái gắn liền với gia đình, tuổi thơ của Vua Mai Hắc Đế. Nơi sinh thành ra đức Vua Mai Hắc Đế, người lãnh đạo khởi nghĩa Hoan Châu chống lại nhà Đường năm Qúy Sửu ( 713), để chống cống nộp sưu cao, thuế nặng chính sách tàn ác của Nhà Đường. Để tưởng nhớ  Đức Vua Mai và công lao sinh thành của Mẹ Vua Mai, nhân dân đã xây dựng Khu Lăng mộ mẹ Thân Mẫu Vua Mai và Đền Thân mẫu mẹ Vua Mai. Hiện nay di tích Lăng mộ Thân Mẫu Vua Mai và Đền thờ Thân mẫu Vua Mai đã được xếp di tích cấp Tỉnh. Ngày nay hai di tích này là nơi tâm linh, nơi trở về cuội nguồn của nhân dân trong vùng và du khách. Hằng năm nơi đây tổ chức ngày Giỗ Vua Mai 16/9 âm lịch, ngày giỗ thân mẫu Vua Mai 14/7 âm lịch và Lễ hội  Vua Mai vào ngày 15 rằm tháng Giêng âm lịch. Những ngày lễ quan trọng này đều do UBND Huyện chủ trì, tổ chức có sự tham dự của dại diện UBND Tỉnh Nghệ An,  lãnh đạo huyện, các xã, thị nằm trong quần thể di tích Vua Mai, con cháu họ Mai và bà con nhân dân trong vùng và du lịch thập phương.

                       Hùng cứ Hoan Châu đất một vùng

                              Vạn An thành lũy khói hương xông

                       Bốn Phương Mai Đế lừng uy đức

                              Trăm trận Lý Đường phục Võ Công

                       Lam thủy trăng in tăm ngạc lặn

                              Hùng Sơn gió lặng khói lang không

                                                                    Đường đi cống vải từ đây đứt.

                                                                    Dân nước đời đời hưởng phúc chung.

Anh-tin-bai

Lễ đón nhận bằng xếp hạng cấp Tỉnh di tích lịch sử Lăng mộ và Đền thờ Thân Mẫu Vua Mai

 

 

Anh-tin-bai

Đền thờ Thân Mẫu Vua Mai Hắc Đế tại xóm Hồng Minh –

Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An.

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

Lăng mộ Thân Mẫu Vua Mai Hắc Đế - Tại xóm Hồng Sơn – Xã Nam Thái

Anh-tin-bai

Lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Huyện Nam Đàn và lãnh đạo Đảng ủy – HĐND – UBND – MTTQ cùng cán bộ, công chức xã Nam Thái dâng hoa, dâng hương Lễ Yết cáo - Lễ hội Đền Vua Mai tại di tích Lang mộ Thân mẫu Vua Mai - xóm Hồng Sơn - Xã Nam Thái - Nam Đàn - Nghệ An.

          Bên cạnh đó ở nơi đây còn có các di tích chùa Hồng  Phúc ( Yên Thịnh) nơi thờ phật và quan thế âm bồ tát, Đền thờ     thành hoàng làng tại xóm Hồng Minh, nơi thờ những vị thần cai quản xóm, làng, người có công khai khẩn, xây dựng quê     hương, phù hộ cho dân làng được an khang, thịnh vượng, làm ăn thuận hòa. Đền Kim Ô thờ Tướng lĩnh Đức Vua Mai với 8     vạn tinh binh. Người dân Nam Thái còn rất tôn trọng đạo nghĩa, uống nước nhớ nguồn nên người dân nươi đây rất tâm     linh và coi trọng tục thờ cúng tổ tiên. Vào những ngày tết, ngày giỗ, rằm tháng Giêng, tết Đoan Ngọ, rằm tháng 7 mọi nhà     đều tổ chức cúng đơm đầy đủ, đảm bảo theo phong tục tập quán và sự thành tâm, thành kính của mỗi nhà.

  Nam Thái có khoảng 30 dòng họ khác nhau, nổi bật trong đó là họ Văn Bá xóm Hồng Minh, họ Trần ( Hồng Thái), họ            Nguyễn Văn ở xóm Đông, họ Ngọc, Họ Bạch, họ Nguyễn Văn xóm Hồng Minh, họ Ngô… Các dòng họ đều có truyền thống    đậm chất văn hóa dân tộc, dòng họ khuyến học, con cháu trong họ tộc có nhiều người học hành đỗ đạt thành tài. Hằng   năm vào các ngày giỗ tổ, rằm tháng Giêng, tháng 7 các dòng họ tổ chức lễ tế họ rất quy mô và trang trọng.  Các dòng họ   rất quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, động viên, khen thưởng kịp thời con cháu đạt thành tích trong học tập.

         Bên cạnh đó nhân dân Nam Thái có đời sống văn hóa tinh thần rất phát triển. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ,       TDTT được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân.

          Về với miền đất Nam Thái hôm nay chúng ta sẽ thấy được những thay đổi, khởi sắc của vùng đất này. Vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa, địa linh nhân kiệt giàu truyền thống cách mạng. Nơi sinh ra anh hùng hào kiệt Vua Mai Hắc Đế ( Mai Thúc Loan). Vùng đất của ẩm thực, những món ăn dân giã mà để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Cùng với đó là  những thay đổi trong xây dựng Nông thôn mới, đó là hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm được xây dựng khang trang, đầy đủ đảm bảo đời sống dân sinh cho bà con nhân dân. Cán bộ và nhân dân Nam Thái luôn hiếu khách, đoàn kết, trách nhiệm và luôn phấn đấu vì một mục tiêu xây dựng quê nhà giàu đẹp, hội nhập, văn minh và phát triển./.

                                                                       Người viết bài: Phương Thảo - Công chức Văn hóa

BẢN ĐỒ XÃ NAM THÁI - HUYỆN NAM ĐÀN
image
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NAM THÁI
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Lê Thị Hương - Chủ tịch UBND xã

Trụ sở: Xã Nam Thái - Huyện Nam Đàn - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0912357656 - Email: namthai@namdan.nghean.gov.vn